Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Người già bám víu nhà thương

bài và ảnh Nguyễn Vinh (sgtt.vn)

Bà Tiểu, bệnh nhân ung thư quê Bình Phước phải nằm ngủ hành lang bệnh viện Chợ Rẫy chờ đợt thuốc cuối cùng.
 SGTT.VN - Hơn tháng nay, ông N.V. Luân (80 tuổi, ở Bà Rịa) đi tiểu thấy buốt. Bệnh viện Bà Rịa chẩn đoán ông bị viêm tiền liệt tuyến. Tuổi cao, tai hơi lãng, nghe ù ù cạc cạc, ai hỏi ông bệnh gì, với giọng gốc Huế đặc sệt, ông bảo là “tui bị liệt tiền tuyến”.
Ba giờ sáng một ngày giữa tháng 9, từ Bà Rịa, ông bà Luân khăn gói bắt xe lên bệnh viện Bình Dân, TP.HCM, hy vọng có máy móc hiện đại, bác sĩ thành phố chuyên môn tốt hơn để trị bệnh. Sáu giờ, anh con trai đang làm việc ở TP.HCM phải nghỉ việc đón ông bà trước cổng bệnh viện. Dù anh con trai ông Luân rành ngõ ngách liên hệ thủ tục bệnh viện, thì vẫn phải đến 2 giờ chiều ông mới hoàn thành các khoản xét nghiệm. Ông bà già mệt mỏi ngồi thừ ở dãy ghế chờ của bệnh viện chờ con đi mua thuốc rồi mới được đi ăn trưa, trong khi buổi sáng phải nhịn đói để lấy máu. Xong xuôi, bà Luân nói: “Nhờ có con nó lo thủ tục các thứ, chứ vô đây rối tù mù, tui với ông nhà mà đi chắc không biết đâu mà lần”.
Mất sức nhờ... bệnh viện
Tuy nhiên, không phải bệnh nhân lớn tuổi nào cũng may mắn có con cái đưa đến bệnh viện như ông bà Luân. Nhiều người lớn tuổi ở những vùng quê xa mắc bệnh nan y, vì không muốn phiền đến con cái, nên tự mình khăn gói đến các bệnh viện công ở TP.HCM để tìm cơ hội chữa chạy, lạ nước lạ cái, nhà thương không ra nhà thương, đâu đâu cũng chen chúc, quát tháo, phục vụ máy móc lạnh lùng, lại càng thêm đuối sức, mệt trí khiến cho bệnh nhẹ thành nặng thêm.
Một giờ rưỡi chiều 19.9, ông Văn Sơn, nhà ở Vũng Tàu tay xách túi đồ, kẹp nách bộ hồ sơ kết quả xét nghiệm sỏi thận đứng thập thò trước cửa phòng khám ở bệnh viện Bình Dân. Bác sĩ – người có thể giúp ông đưa ra lời khuyên nên chọn giải pháp nào để điều trị – chưa có mặt. Chần chừ mãi, cuối cùng, ông Sơn cũng lấy hết can đảm đẩy cửa bước vào đưa tập hồ sơ bệnh án hỏi cô y tá trợ lý phòng khám. Vừa chìa tập hồ sơ ra, ông đã bị đẩy lại. Thay vì hướng dẫn bệnh nhân đợi bác sĩ tư vấn, thì cô y tá trẻ lạnh lùng nói với ông, đại ý hãy sang bên quầy đăng ký dịch vụ mà hỏi. Vợ chồng ông Sơn suốt một buổi sáng chưa kịp có gì lót dạ, đã trễ giờ cơm trưa, lại chán nản lủi thủi đi về phía quầy thu ngân trong khi còn chưa được bác sĩ tư vấn. Ai dám chắc ở đó họ không bị người của bệnh viện chỉ ngược về phòng bác sĩ?!
Những người lớn tuổi ở quê nhà có khi cả đời không biết đến nhà thương là gì, nay ngơ ngác trước cách tổ chức không gian khám bệnh khá phức tạp rối rắm ở các bệnh viện công ở đất Sài Gòn luôn thường trực trong tình trạng quá tải. Họ ít nhiều có cảm giác hụt hẫng, chán nản rồi sau đó, không cách gì khác là phải đối diện, chấp nhận, thích nghi để tìm một cơ hội chữa chạy bệnh tình mà họ tin tưởng là tốt hơn tại các bệnh viện địa phương nơi quê nhà.
4 giờ chiều 19.9, ở khoảng sân bên cạnh nhà thuốc bệnh viện Chợ Rẫy, bà Nguyễn Thị Ngòi, sinh năm 1945, quê Cần Thơ đang ngồi thừ người vì mệt. Bà vừa trải qua hai ngày khá căng thẳng để tìm cái bệnh huyết áp vô căn và viêm dạ dày. Bà Ngòi nói: “Tui đăng ký khám ở Bình Dân. Đi tới đi lui mất hết gần ngày trời, có kết quả, bác sĩ bên đó chuyển tui sang Chợ Rẫy xét nghiệm tiếp. Vậy là coi như hết hai ngày trời tui như đi lạc trong bệnh viện. Chưa hết, giờ khám xong thì không đủ tiền mua thuốc. Vậy là mai phải sắp xếp trở lại mua thuốc đặc trị theo toa bác sĩ. Già rồi, muốn khỏi bệnh phải chấp nhận cực khổ vầy chớ sao giờ”.
Ngủ hành lang, cơm từ thiện
Tuổi già, bệnh tật hiểm nghèo, chấp nhận sống chung với sự bực bội ở bệnh viện và tìm cách hoá giải là cách thế mà nhiều người lớn tuổi đang chọn. Với những hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thì không gì khác là phải thích nghi và tìm cách thực sự sống chung, nương tìm một chỗ trú thân, đối diện cảnh “ngủ hành lang, cơm từ thiện” ở bệnh viện để tìm một cơ hội được chữa trị.
Ở dãy hành lang gần khu Nhiệt đới, bệnh viện Chợ Rẫy, ông Thước (nhà ở Bình Phước) đang ngồi nắn đôi bắp chân bủng beo cho bà Tiểu, vợ ông. Bà Tiểu bị ung thư hang vị, đã cắt bỏ một phần dạ dày từ bốn năm trước, trải qua tám lần vào thuốc hoá trị, tóc rụng, nước da vàng bợt, mất sức nói không ra hơi. Bốn năm qua, trước từng đợt hoá trị, vợ chồng lão nông ở Bình Phước đều phải tay xách nách mang lên TP.HCM, vào bệnh viện chui nhủi ngủ hành lang chờ đến lượt gọi tên, vào thuốc. Đây là đợt vào thuốc cuối cùng trong phác đồ điều trị của bà Tiểu. Ông Thước nói giọng buồn buồn: “Thuê nhà nghỉ thì tốn kém. Nhập viện thì chật chội, người ta không có giường. Ngày trải chiếu nằm đường luồn ở đây, đến chiều tối dọn vô bên trong”. Cảnh ngộ vợ chồng bệnh nhân 65 tuổi trên rất phổ biến ở các bệnh viện công có khoa điều trị ung thư. Một đêm cuối tuần, trời mưa ẩm ướt và lạnh buốt. Ở những dãy hành lang, ghế đá của bệnh viện Ung bướu TP.HCM, là cảnh những cánh mùng nối tiếp những cánh mùng. Bệnh nhân dựng cọc, máng mùng vào hành lang, ghế đá để tránh muỗi và chuột cống. Đa số họ là những bệnh nhân lớn tuổi, quê xa, đang theo điều trị hoặc đã được lên lịch một, hai tuần sau mới lên bàn mổ phải chấp nhận ở lại bệnh viện để chờ.
Ở một góc nhập nhoạng, bà Xuân, 78 tuổi, cũng quê Bình Phước dùng bữa tối với một ổ bánh mì dai nhẳng giá 15.000 đồng. Bà bị một khối u bằng ngón tay cái nằm trong bao tử. Bốn tháng nay, cứ hai tuần một lần, bà từ quê bắt xe lên bệnh viện Ung bướu TP.HCM để bác sĩ theo dõi, cho thuốc. Bà kể về kinh nghiệm của mình: “Mỗi đợt đi lấy thuốc, là phải mang theo mùng mền, chiếu, đến bệnh viện trước một hai ngày, chấp nhận cảnh tối ngủ ghế đá ở hành lang bệnh viện để chờ lấy số sớm. Ở đây lúc nào cũng đông, nếu “không biết cách” thì chẳng biết bao giờ mới tới lượt mình”.
Nhìn cái cách một mình xoay xở để tạo ra một cái lều dã chiến giữa một dãy lều, nằm dọc theo đường cống thoát nước đầy chuột, bốc mùi hôi thối sau mưa, mới biết những bệnh nhân lớn tuổi như bà Xuân không hề dám nghĩ đến cái gọi là một dịch vụ y tế đặc biệt nào đó nhân văn hơn dành cho người già. Điều quan trọng nhất lúc này với họ là làm sao để đêm ngủ vạ vật không bị muỗi cắn, chuột rúc, trời không mưa to đến mức phải ôm mùng chiếu chạy và nhất là không bị đội bảo vệ đuổi.

Không có nhận xét nào: