Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

MƯỜI NĂM ĐI VÀ SỐNG VỚI SƠN NAM: LƯƠNG Y TRONG HẺM


ĐT

Sơn Nam là cái bóng đèn trái ớt đỏ hoài, ít ai sánh kịp. Vào năm 1998 có sự kiện lịch sử kỷ niệm 300 năm thành lập đất Sài Gòn (1698-1998) Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh mang gươm đi mở cõi phía Nam.
"Sơ khai biên thổ giới
Thủy triệu cuộc Nam chân"
(Mở mang biên cảnh thời sơ khởi
Chấn chỉnh miền Nam tự buổi đầu)
Với kỷ niệm trọng đại này, nhà xuất bản Trẻ thực hiện 30 đầu sách. Theo chương trình đã mời, một đội ngũ tác giả nặng ký tham gia. Sộp nhất phải kể đến nhà văn Sơn Nam. Riêng ông đã có 8 đầu sách đóng góp, vừa tái bản vừa biên soạn chưa ráo mực.
Ngoài ra ông còn sát cánh với đoàn làm phim tư liệu Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh ra tỉnh Quảng Bình. Băng đèo lội suối vào tận thác Châu Ro (chân dẫy Trường Sơn). Trước mộ bia Nguyễn Hữu Cảnh ông khăn đóng áo dài truyền thống đọc văn tế.
* * *
 Sơn Nam làm việc liên tục, xuất hiện trên đài truyền hình, trên báo chí, tham luận, hội thảo, dự lễ hội ... đậm dấu ấn văn hóa lịch sủ, làm việc như cái thoi máy dệt.
Tôi còn nhớ rõ bấy giờ là hạ tuần tháng 11 âm lịch năm 1998. tiết Đông Chí thời khí lạnh lẽo. Đêm đã khuya, sau khi đi làm việc với các quan chức, chính quyền thành phố về đại lễ này, về gõ cửa vào nhà, cặp mắt ông lờ đờ, thân xác rã rồi nằm xuống ngủ ngay.
Sáng hôm sau đã chín giờ hơn sao thấy ông ta như chiếc lá khô nằm bất động. Tôi lại đập vào chân, ông cựa mình mở mắt mà cái miệng câm như hến, tay thì chỉ vào cổ họng, tay chỉ vào cây viết xấp giấy bên cạnh. Thôi, hiểu rồi, đưa lại ngay. Tay run run ông viết mấy chữ đọc muốn đui mắt luôn:
- Ra tiệm thuốc Bắc trong chợ Gò Vấp mua cho vài trái Kha Tử (ngậm vào miệng đắng khỏi chê, trị tắt tiếng rất hay).
Lúc đem thuốc về, chao ôi nhà tôi sao đông khách quá. Toàn quen mặt quen lòng sát vách. Phần lớn là các cháu gái, các bà lớn tuổi. Đem đến nhiều chai dầu, thẻ bài, xúm nhau kẻ xoa bóp toàn thân, người lật lưng cạo gió, hoặc chạy ra chợ mua bó lá xông về lấy nồi bắc lên bếp, cạnh xoong cháo trắng.
Trưa xế họ chạy qua thăm, thấy ông ngồi dậy, mặt mày đã có khí sắc trở lạ, nhất là cái miệng ấn tượng muôn đời. Họ hỏi:
- Phê chưa bác Sơn Nam?
Câu trả lời ít ai dám nghĩ đến:
- Tui đã hút thuốc được rồi.
Tôi ray rứt thầm nghĩ, vợ con xa, tiền của không thiếu, nhưng lúc này họ đâu rồi?

Không có nhận xét nào: