Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

BA GẶP LẠI MÌNH TRONG ƯỚC MƠ CON

 Nguyễn Hữu Tài


1.
Năm tôi học lớp sáu, với chất giọng trầm ấm, cô Phê đã giảng bài thơ “Những cánh buồm” của thi sĩ Hoàng Trung Thông như lên đồng làm bọn tôi ngẩn ngơ và đến tận bây giờ hổng thể nào quên.
Và thuở ấy, tôi mong được cùng ba đi dọc trên bờ biển vắng, cầm lấy bàn tay rắn rỏi của ông. Tôi sẽ hỏi thật nhiều những câu hỏi trên trời dưới đất cho thỏa cái tánh tò mò, nhiều chuyện của mình.
Nhưng ba vốn là một người trầm tính, ít nói, ít cười. Thương con cũng hổng mở lời, giận con cũng chẳng bao giờ la mắng hay cầm roi rượt đánh. Chỉ có ánh mắt thay cho vạn lời muốn nói mà thôi.
2.
Những lần theo ba từ Ninh Hòa vô Hòn Chồng thăm nội, ông hay giành ngồi gần tài xế, sát bên đầu máy chạy bằng than, tuy nóng hầm hập nhưng tránh dằn xóc và hầm bà lằng những mùi hôi cá mắm từ sau. Chặng đường dài chưa tới ba mươi cây số,chiếc xe đề-nôn chạy như rùa bò thở ra những vệt khói xám trời.Thỉnh thoảng máy nóng, xe ngừng, chú phụ nhảy xuống châm nước, lấy cây cời lò lửa để than hừng rồi lên xe chạy tiếp. Nhiều khi không đủ nóng, máy chẳng chịu nổ, họ để người già và con nít trên xe, thanh niên nam nữ xuống hò dô đẩy xe qua đèo nhộn nhịp. Từ đầu xe, tôi phóng tầm mắt ra xa nhìn phía tay trái dải rừng đước ngập mặn trải dài như vô tận, những đìa tôm ven quốc lộ 1A. Bên tay phải là đồng lúa phì nhiêu xanh mơn mởn và trùng điệp núi non. Giờ mới biết ba chọn chỗ ngồi thiệt là hay.
Xe ngừng lại trước nghĩa địa, hai cha con chầm chậm đi ngang qua biển Hòn Chồng tuyệt đẹp. Ba sải những bước dài nhanh nhẹn, tôi vội vã phía sau, lâu lâu co giò chạy theo cho kịp rồi nhõng nhẽo hờn trách, ba đi chi nhanh dữ dzị, con chạy theo mệt muốn đứt hơi. Ba dừng lại cười, đưa tay nắm lấy bàn tay nho nhỏ của tôi, hai cha con chầm chậm bước.
Tôi giẫm lên bờ cát dài đầy sỏi lăn với những mảnh vỏ sò nghe nhồn nhột lòng bàn chân. Bóng hai cha con in trên cát trắng, biển lung linh, lấp lánh những mảng màu rực rờ khi nắng chiều lên.
Nhiều đêm nhà nội có khách, hai cha con bỏ mùng trước sân ngủ lại nhà cô Chín. Nửa đêm, gió biển thổi vào lành lạnh, tôi cựa mình, choàng tay quờ quạng tìm hơi ấm. Bàn tay rơi vào khoảng không tĩnh lặng. Trực giấc, ba dậy từ lúc nào, ngồi ngoài mùng, bó gối rít từng hơi thuốc. Tôi vén mùng chui ra, ngồi cạnh. Ba xoa đầu, sao không ngủ hả bây? Tôi lắc đầu không nói, ngả đầu vào vai ba đưa mắt nhìn ra khơi xa trăng thượng tuần vàng vọt nhảy đùa trên sóng nhấp nhô. Từng đoàn thuyền đánh cá nối đuôi dài tạo thành những vệt điện sáng trưng ngoài đường chân trời xa thẳm.
Hai cha con tôi về, nội quyến luyến không muốn cho đi, môi mấp máy như muốn khóc. Ánh nắng vàng vọt cuối ngày đuổi theo sau ót, bóng ba trải dài trên cát bỏng, bóng tôi gầy, lêu khêu sóng sánh một bên.
Chiều đã xuống tự bao giờ.
3.
Ba có chiếc ghe đậu trên bến. Bữa nào không làm đường, ba ngủ sớm, bảo tôi đi sạc bình, chiều tối lấy vợt, lưới, bóng đèn, cầm rựa trừ ma, rồi thả ghe dọc sông Dinh đánh cá. Sáng về, trong ghe đầy mớ cá trắng,cá trầu, thỉnh thoảng có con cá chình dài, con rạm, cua hai càng ngọ nguậy. Nhiều đêm bụng nao nao không ngủ được, tôi đi dọc bờ sông, ánh đèn nhỏ ba đeo trên trán le lói sáng, tiếng mái chèo rẽ nước giữa đêm đen.
- Ba ơi ! Về đi…
- Tài hả ? Tối rồi về ngủ đi. Sáng ba về sớm…
Ngày hè nghỉ học (hồi đó chẳng học thêm học bớt như bây giờ), tôi năn nỉ ba chèo ghe đi chơi. Ông cười, ừa thì đi. Ba để tôi trong lòng ghe, bảo ngồi cho vững, rồi cầm mái chèo, rẽ nước, ghe từ từ rời bến, chui qua cầu Sắt về hướng Ninh Đông. Hai bên bờ, những bụi tre ăn sâu vào lòng đất giữ làng giữ xóm theo gió ngả nghiêng rì rào như những bản nhạc không rõ lời, êm ái, cây sung sai trái nhoài mình ra ngóng mặt trời, trái mầm mọc đầy trên bến.
Tới cồn cát giữa sông, ba neo ghe, ẳm tôi lên. Hai cha con ngồi lặng im đưa mắt nhìn bốn phía mây trời sông nước.
Tắm hông bây? Dạ tắm, nhưng con đâu có biết bơi. Thì bây ngồi trong bờ vọc nước, đừng ra xa nhen, tao vớt không kịp. Ông cởi hết quần áo, tôi cũng không còn mảnh vải nào trên người, nhảy ùm ra giữa dòng ngụp lặn. Tôi ngồi trên bãi, thò chân xuống sông, nước mấp mé đầu gối, quẫy đạp. Tắm đã, ba lên bờ, hai cha con nằm dài trên cát, lặng im đưa mắt ngó khoảng không cao rộng phía trên. Tôi chỉ ba đám mây trôi lững lờ tạo thành những hình thù kì thú. Kìa là con voi, kia là con cọp, ba coi y như chiếc xe Rề-nôn mình vẫn thường vô thăm nội heng. Những con cò, bói cá hững hờ lượn giữa vòm trời, thỉnh thoảng lao xuống gắp một chú cá rồi bay lên, đứng trên đọt cây ngạo nghễ thưởng thức thành phẩm.
4.
Ba mươi mốt tuổi, tôi cũng từng nghĩ về một mái ấm gia đình, muốn có một đứa con trai. Tôi sẽ dắt con đi thăm đồng, về biển xứ mình, gợi lại trong con ký ức lờ mờ về ông bà nội. Tôi sẽ dắt con đi Dốc Lết, Hòn Chồng, kể con nghe mấy chuyện xa lắc xa lơ về ông bà tổ tiên mà chúng chưa một lần gặp mặt, ngoài mấy tấm hình trên bàn thờ tổ tiên khói hương nghi ngút.
Rồi liệu giữa muôn trùng biển khơi sông nước, bên con, hổng biết tôi có tìm được hình ảnh mình bé bỏng ngày nào, lũn đũn một bên, đưa bàn tay hồng hào bé xíu, nắm lấy đôi tay rắn rỏi của riêng ba?
 Nguồn : http://www.ninhhoatoday.net

1 nhận xét:

MM nói...

Tình cảm cha con, em nghĩ phần nhiều nằm trong sự nối tiếp tư tưởng, phong cách sống, chứ không thể hiện thành cử chỉ mỗi ngày. Vậy nên tiếc nuối cứ âm ỉ trong lòng không sao nguôi ngoai được thầy ạ.

https://www.0.facebook.com/notes/thinh-le/ph%C3%B4i-pha/590542517654043?ref=notif&notif_t=like

Em cảm ơn bài tổng hợp của thầy.