Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013

CÂU CHUYỆN ĐỒNG XU BẠC


MAI NHẬT THI

Mời bạn thong thả đọc “Câu chuyện Đồng xu bạc”.
Ngày xưa có một đồng xu được đúc bằng bạc. Khi được đưa ra từ ngân hàng, nó vui sướng, reo lên: “Hay quá ! Bây giờ tôi có thể đi vào thế giới lớn rồi !”. Thế là nó bắt đầu đi vào thế giới lớn ấy.
Đồng xu bạc ấy đã qua tay rất nhiều người. Bọn trẻ giữ nó trong lòng bàn tay nhỏ nhắn và ấm áp. Những ngón tay vừa dài vừa nhọn của người thủ quỹ cầm nó. Người già thì lật qua lật lại, còn thanh niên vừa cầm trên tay đã dùng ngay.
Tuy đã đến thế giới này gần một năm rồi nhưng nó vẫn ở tại đất nước đã chế tạo ra mình. Một ngày nọ, nó phải ra nước ngoài du lịch. Nó là đồng xu bản quốc cuối cùng trong túi của người chủ du lịch. Ông ta chỉ phát hiện đồng xu bạc ấy khi cho tay vào túi.
Ông nói : “Không ngờ mình còn được một đồng xu bản quốc, nên nó có thể cùng mình đi du lịch một chuyến”.
Khi ông bỏ đồng xu vào túi tiền thì nó phát ra tiếng “leng keng”. Hiện giờ nó đang ở với một số người bạn lạ lùng, những đồng xu của nước khác. Chúng đến rồi lại đi. Nhưng đồng xu bản quốc ấy vẫn được giữ mãi trong túi tiền. Đó chính là niềm vinh hạnh của nó.
Một tuần trôi qua, đồng xu đã đi rất xa và không biết mình đang ở nơi nào. Nó chỉ nghe được những đồng xu khác nói, nếu chúng nó không phải do nước Pháp làm ra, thì cũng do Ý làm ra. Một đồng xu nói nó đã đi qua rất nhiều thành thị, nhưng cũng có đồng nói nó đã ở khắp mọi nơi. Nhưng đồng xu bạc hoàn toàn không để ý đến những lời nói đó. Nếu một người cứ ở trong chỗ kín mãi thì sẽ không bao giờ thấy được gì cả. Đồng xu bạc đang gặp phải tình huống đó.
Nhưng đến một ngày kia, người lữ khách đến một vùng đất lạ có vườn cây và suối mát, trước cảnh đẹp hữu tình người lữ khách trút bỏ đồ trên bờ và xuống suối tắm. Đồng xu bạc rơi xuống bờ cỏ mà chủ nó không hay biết. Tắm xong, ông tiếp tục cuộc hành trình, vô tình ông bỏ lại đồng xu bạc ở vùng đất lạ.
Có người nhặt được đồng xu bạc, và mang nó ra mua đồ.
Lúc đó có một người nói : “Đây là đồng xu gì thế ? Nó không phải là tiền nước này ! Nó là một đồng xu giả, không có giá trị gì hết !”
Từ những lời ấy, đồng xu bạc bắt đầu mang lấy nỗi niềm đau khổ. Và nó bắt đầu kể về câu chuyện đời nó.
Nó nói : “Hàng giả - không có giá trị nào !”. Câu nói đó làm tôi đau lòng quá ! Tôi chỉ biết mình được làm bằng kim loại tốt. Gõ vào có tiếng vang lên rất thanh. Dấu in của nhà nước là thật. Chắc chắc họ đã lầm rồi ! Ai cũng nói tôi là hàng giả, nói tôi không có giá trị gì cả ! Khi tôi lọt vào tay của một người nọ, thì nghe anh ta nói: “Tôi sẽ lén dùng nó cho rồi”, Thế là ban đêm tôi bị người ta chuyển qua chuyển lại bằng tay, còn ban ngày thì bị người ta mắng chửi – Hàng giả không có giá trị, tôi phải mau sử dụng nó”.
Nó tiếp tục than thở:
“Tôi là một đồng xu đáng thương ! Nếu tên của tôi, giá trị của tôi, dấu in của nhà nước đều không có giá trị, thì những thứ đó đối với tôi còn có ý nghĩa gì nữa ? Trong mắt mọi người, cái nào có bề ngoài giá trị thì họ mới xem là nó có giá trị. Họ thật sự xem tôi không có giá trị, vì vẻ bề ngoài đã đem đến cho tôi  sự bất lợi, biến tôi thành kẻ có tội. Do đó tôi cần phải bỏ trốn. Nếu không, tôi sẽ bất an và sợ hãi. Một lần người ta đem tôi ra mua đồ thì ai cũng nhìn tôi với cặp mắt xem thường. Điều đó khiến tôi giật cả mình vì tôi biết họ sẽ bảo tôi là hàng giả, là một vật lừa đảo.”
Có lần tôi rơi vào tay một cụ già nghèo khổ. Tôi là tiền công cả ngày của cụ. Nhưng cụ hoàn toàn không có cách nào để dùng tôi. Không có ai muốn lấy tôi cả. Kết quả là tôi trở thành nỗi buồn trong lòng cụ”
Cụ nói: “Ta không thể dùng đồng xu này để lừa người ta. Nhưng ta đói quá, phải dùng nó mua cái bánh bao ăn thôi !”
Thế là cụ cầm tôi đi mua bánh bao. Người bán bánh đó rất am hiểu về tiền bạc, nên tôi hoàn toàn không thể khiến ông ta chấp nhận tôi. Vì vậy, cụ già không có bánh bao để ăn. Tôi thấy rất buồn vì bản thân đã trở thành nỗi buồn của người khác. Nhưng cụ vẫn đem tôi về nhà. Cụ nhìn tôi với cặp mắt ấm áp và nhiệt tình: “Không, tao sẽ không dùng mầy đi lừa gạt người khác. Ta sẽ khoan một lỗ lên thân mày, để người ta nhìn vào là biết tiền giả. Nhưng ta vừa nghĩ mày có thể làm đồng xu may mắn”. Nói rồi cụ khoan một lỗ lên thân tôi, xuyên sợi chỉ qua, và cho đứa bé kế bên nhà đeo trên người.
(Ảnh chỉ có tính minh họa, không phải nhân vật thật trong truyện)
“Tuy bị khoan lỗ trên thân là đau đớn lắm, nhưng cụ già có ý tốt thì đau đớn mấy tôi cũng chịu được. Tôi được đứa bé đeo trên mình. Ngày nào nó cũng nhìn tôi cười, hôn tôi, còn tôi thì cả ngày được nằm trên cái ngực ấm áp và nhỏ nhắn của nó”.
“Thế nhưng, một sáng kia, mẹ của đứa bé lấy tôi ra, nghiên cứu, rồi kéo cắt đứt sợi chỉ”
Bà nói: “Một đồng xu may mắn”, và dùng tôi để mua một tờ vé số.
“Khi ấy tôi rất đau khổ vì biết người ta sẽ lại nói tôi là tiền giả. Bà ta dùng tôi đổi lấy tờ vé số. Tôi không biết vé số đó có trúng không, chỉ biết đến hôm sau những người bán vé số mới phát hiện ra tôi là tiền giả. Vì hôm qua họ quá bận rộn nên không có thời gian rảnh để xem kỹ tôi. Thế rồi họ lại đem tôi đi lừa người khác. Đó chính là hoàn cảnh không ai muốn cả, đặc biệt là tôi. Tôi thật sự không muốn và không thể chấp nhận việc lừa đảo người khác”.
“Một thời gian dài trước đây, tôi bị chuyển từ tay người này đến người khác, từ nhà này đến nhà khác. Tôi già đi vì bị người ta mắng chửi, bị người ta xem thường. Không ai tin tôi cả. Tôi càng mất đi lòng tin đối với bản thân và mọi người. Đó là những ngày tháng gian khổ nhất trong cuộc đời tôi”.
Nhưng rồi một hôm, có một du khách tới, và tôi lại bị chuyển đến tay người ấy. Anh ta khá ngây thơ khi chấp nhận tôi, xem tôi như một loại tiền thông dụng. Nhưng lúc dùng tôi mua đồ, thì anh nghe được một người nói: “Nó không có giá trị đâu ! Hàng giả đấy !”.
Anh ta nói: “Đây là hàng thật mà !”, và xem kỹ tôi. Chẳng mấy chốc trên khuôn mặt anh nở một nụ cười. tôi chưa bao giờ thấy cụ cười khi người ta cầm tôi trong tay. Người đó nói: “Thì ra đây là tiền của nước tôi ! Một đồng xu đến từ quê hương tôi ! Đây quả là một chuyện hiếm có ! Tôi phải để dành nó”.
Sau đó tôi được gói lại trong một tờ giấy trắng sạch để tránh lẫn lộn với các đồng xu khác. Chỉ trong những dịp họp mặt của người bản quốc, hay khi có chuyện vui, tôi mới được lấy ra cho mọi người xem. Ai cũng ca ngợi tôi. Họ nói tôi rất hiếm, rất lạ”.
Cuối cùng, tôi cũng về đến nhà. Toàn bộ đau khổ của tôi đã chấm dứt. Niềm vui của tôi lại trở về khi người ta khẳng định tôi được làm bằng kim loại tốt và có dấu in thật của nhà nước. Tuy trên thân tôi đã bị đục một lỗ, nhưng tôi vẫn là hàng thật. Vậy thì khuyết điểm ấy có đáng gì ? Mọi người nên kiên nhẫn chờ đợi, cuối cùng rồi những nỗi oan của họ sẽ được xóa sạch như tuyết tan đi dưới ánh mặt trời – đó chính là quan niệm của tôi”, đồng xu bạc nói.
CHIA SẺ MỘT CHÚT SUY TƯ
1. Nhiều mảnh đời cũng có thời rơi vào hoàn cảnh tương tự “đồng xu bạc” vậy. Có khi là bị hiểu lầm, có khi là bị hoài nghi, có khi người ta không hiểu giá trị thật sự của ta, có khi người ta cố tình không hiểu để loại trừ ta, chỉ vì ích kỷ, quyền lợi, vây cánh… Nói chung, là không hiểu, hay không muốn hiểu cũng thế.
Thí dụ : Sau năm 1975, ở miền Nam VN, nhiều bác sĩ về kinh tế mới làm lúa, nhiều thông dịch viên chạy xe lôi, nhiều tu sĩ đi bán hàng rong… bởi vì không khí hoài nghi lan tràn khắp nơi ở cái buổi giao thời và người ta không còn nhận ra hay chưa dám nhận ra đâu là giá trị đích thật của lẽ sống đời người.
Và, dòng đời cứ thế, đưa đẩy thân phận con người rơi vào những nghịch cảnh nửa khóc nửa cười, đưa đẩy nhiều người buông xuôi theo số phận : “Cũng liều nhắm mắt đưa chân. Để  xem con tạo xoay vần đến đâu !”. (ND).
2. Giá trị của một món đồ tùy theo nơi chốn, thời gian, hoàn cảnh… Ở nơi này rất quý, còn nơi kia chẳng có giá trị gì, ở thời này rất quý còn thời kia không ai coi ra gì, ở hoàn cảnh này rất có giá trị, còn hoàn cảnh khác thì chẳng ai quan tâm gì… Con người cũng vậy, giá trị con người cũng tùy thuộc vào giới hạn thời gian, nơi chốn, hoàn cảnh cuộc sống. Báu vật không “gặp” thời, không gặp người hiểu biết, thì cũng chỉ là rơm rác. Người “hùng” không gặp “thời” cũng bị xem là kẻ tầm thường…

Không có nhận xét nào: