MAI NHẬT THI
Saint Exupéry |
Halnoch McCarty đã viết lại những cảm nghĩ sau đây cùng với
câu chuyện ông đã đọc được:
Tôi viết ra điều này từ kinh nghiệm bản thân mình.
Một ngày nọ, mệt mỏi sau một ngày làm việc, tôi bước từ sở
làm về với khuôn mặt nặng trĩu. Thế rồi một người chẳng quen biết gì trên xe điện
mỉm cười với tôi, và theo phản xạ, tôi cũng cười đáp lại. Đột nhiên, mọi mệt mỏi
trong tôi dường như tan biến.
Có một câu chuyện của Saint Exupéry mà tình cờ tôi đọc được.
Những người say mê văn học không xa lạ gì với tác giả cuốn Hoàng Tử Bé. Ông từng
là phi công tham gia chống phát xít trong Thế Chiến II. Từ những năm tháng này,
ông đã viết ra “Nụ Cười”. Tôi không biết đây là một tự truyện hay một truyện hư
cấu, song tôi tin rằng nó có thật. Trong truyện, Saint Exupéry là một tù binh bị
đối xử khắc nghiệt và ông nghĩ rằng nay mai mình sẽ bị xử bắn như những người
khác. Ông viết:
Tôi trở nên quẫn trí. Bàn tay tôi co giật và rút từ túi ra một
điếu thuốc. Nhưng tôi lại không có diêm. Qua chấn song, tôi nhìn thấy người cai
tù. Anh ta không thấy tôi, nên tôi đành gọi:
- Xin lỗi, anh có lửa không ?
Anh nhún vai rồi tiến lại gần. Khi rút que diêm, tình cờ mắt
anh nhìn vào mắt tôi. Ngay lập tức, tôi mỉm cười. Tôi chẳng hiểu tại sao mình lại
làm như thế. Có lẽ vì khi muốn làm thân với ai đó, người ta dễ dàng nở một nụ
cười.
Lúc này, dường như có một đóm lửa bùng cháy ngang kẽ hỡ giữa
hai tâm hồn chúng tôi, giữa hai trái tim con người. Tôi biết anh ta không muốn,
song do tôi cười, nên anh ta phải mỉm cười đáp lại. Anh bật diêm, đến gần tôi
hơn, nhìn thẳng vào mắt tôi và miệng vẫn cười. Giờ đây, trước mặt tôi không còn
là một viên cai tù phát xít mà chỉ là một con người.
- Anh có con không? Anh ta hỏi tôi.
- Có - Tôi đáp, và tôi lôi từ túi ra chiếc bóp có hình gia
đình mình. Đoạn anh ta cũng lôi từ túi ra tấm hình của những đứa con và bắt đầu
kể những hy vọng của anh đối với chúng.
Đôi mắt tôi lệ nhòa. Tôi biết rằng mình sắp chết và chẳng
bao giờ gặp lại người thân. Anh ta cũng khóc.
Đột nhiên, không nói một lời, anh ta mở khóa và kéo tôi ra
khỏi buồng giam. Anh lặng lẽ đưa tôi ra khỏi thành phố, thả tôi ra rồi quay trở
về.
Thế đó, cuộc sống của tôi đã được cứu rỗi nhờ một nụ cười.
Từ khi đọc câu chuyện này, tôi nghiệm ra được nhiều điều.
Tôi biết rằng bên dưới mọi vỏ bọc mà chúng ta tạo ra để bảo vệ mình, bảo vệ phẩm
giá và vị thế của mình, bên dưới những điều này còn có một cái thật quý giá mà
tôi gọi là tâm hồn.
Tôi tin rằng nếu tâm hồn bạn và tâm hồn tôi nhận ra nhau,
thì chúng ta chẳng còn gì phải sợ hãi hay căm thù nhau.
Nếu bạn từng có khoảnh khắc gắn bó với người khác qua sức mạnh
của nụ cười, thì tôi tin bạn cũng đồng ý với tôi đó là một phép lạ nho nhỏ, một
món quà tuyệt vời mà chúng ta có thể dành cho nhau.
Mẹ Tê-rê-sa đã cảm nhận điều này trong cuộc sống và bà đưa
ra một lời khuyên chân thành: “Hãy mỉm cười với nhau, mỉm cười với vợ bạn, với
chồng bạn, với con bạn và với mọi người – dù đó là ai, vì điều này sẽ giúp bạn
lớn lên trong tình yêu của nhau.
CHIA SẺ MỘT CHÚT SUY
TƯ
Ai sống trong cuộc đời cũng muốn được hạnh phúc.
“Hạnh phúc là cái hướng theo đuổi của con người”
(Lacordaire)
Câu chuyện của Saint Exupéry cho chúng ta thấy rõ con người
có một mẫu số chung, đó là khát vọng được hạnh phúc. Hạnh phúc được diễn tả bằng
nụ cười. Theo ý ngay lành: “nụ cười mãn nguyện”.
Ở đây, như tác giả Halnoch McCarthy – người tường thuật lại
câu chuyện này – đã nghĩ không biết chuyện này có thật không, hay chỉ là do
Saint Exupery tưởng tượng ra, nhưng dù thật hay không, điều đó không quan trọng,
ta cứ cho là thật, vì ở đây, điều ta nhận được là một bài học quý giá cho chúng
ta, một bài học rất sâu xa và chân thật của hai tâm hồn đều có chung một khát vọng
hạnh phúc, nhưng khát vọng ấy đều đang xa tầm tay của cả hai người.
Giây phút ấy - giây phút những ánh mắt gặp nhau - không còn
là sự đối đầu giữa một bên là “một viên cai tù” (lại là một cai tù phát xít),
và một bên là “một người tử tội”, mà là sự tương giao giữa hai con người đang
cùng đứng trước một số phận của cuộc sống mỏng manh trong chiến tranh và hạnh
phúc đang hấp hối !
Điều gì họ có thể cho nhau lúc này ? – Chỉ duy nhất một nụ
cười? Vâng, có thể là vậy ! Một nụ cười qua loa như một chút bố thí tình người
còn sót lại trong thế giới mà mùi tang tóc đang bao phủ ?
Nhưng không ! Nụ cười chỉ là khúc dạo đầu, ở đây còn cho
nhau cả nước mắt. Nước mắt và nụ cười của hai tâm hồn đồng cảm.
“Đôi mắt tôi lệ nhòa. Tôi biết rằng mình sắp chết và chẳng
bao giờ gặp lại người thân. Anh ta cũng khóc”.
Cả hai cùng khóc, vì cả hai cùng có gia đình, cùng có vợ con
, cùng có những ước mơ, rất đơn sơ, rất đời thường. Họ ước muốn được hưởng quyền
làm người, quyền được sống, quyền được hạnh phúc. Cả hai đang cùng nhìn về một
hướng. “Yêu nhau là cùng nhìn về một hướng” (Saint Exupéry). Và thế là họ
thương nhau. Họ cảm thông nhau. Họ bước vào thế giới tâm hồn của nhau. Họ trở
thành đôi bạn. Họ trở nên anh em của nhau. Họ có thể mạo hiểm chết sống vì
nhau. Họ chia sẻ cho nhau cả nụ cười và nước mắt.
Và, thế là, viên cai tù đã giải thoát “người tử tội”.
“Đột nhiên, không một lời, anh ta mở khóa và kéo tôi ra khỏi
buồng giam. Anh lặng lẽ đưa tôi ra khỏi thành phố, thả tôi ra rồi quay trở về”.
Viên cai tù phát xít thật can đảm ! Anh chỉ là một “tên cai
tù tầm thường với một chút quyền lực cỏn con”, nhưng anh làm tất cả những gì có
thể để giải thoát cho một người tử tội ! Anh đã cứu sống một con người, và đem
lại hạnh phúc cho nhiều người. Anh thật cao cả !
Đọc câu chuyện này xong, tôi suy nghĩ rất nhiều về hành động
của viên cai ngục. Sức mạnh nào đã giúp anh can đảm phóng thích “người tử tội”
khỏi ngục tù phát xít như vậy ?
Trong thời điểm mà Tử Thần luôn ở ngay bên cạnh, chắc hẳn
anh chẳng mong gì việc mai này được đền ơn đáp nghĩa.
Vâng, như cách nói của Saint Exupéry: “Thế đó, cuộc sống của
tôi đã được cứu rỗi nhờ một nụ cười”.
Trong chức vụ “cai tù”, hằng ngày chắc hẳn anh chỉ chứng kiến
những gương mặt sầu não và những cảnh roi đòn xiềng xích.
Chắc hẳn, đã lâu lắm rồi không mấy khi anh thấy được một
gương mặt tươi vui và những lời thân mật gần gũi.
Đột nhiên anh thấy một tên tử tội lại có thể cười với anh !
Quả thật, nụ cười ấy như một bông hoa đơn độc nhưng có sức mạnh vạn năng đưa
anh trở về thế giới tình yêu, thế giới gia đình anh, thế giới của những ngày ngập
đầy câu nói tiếng cười hạnh phúc của vợ con và những người thân yêu !
“Anh có con không ?” - Anh hỏi tôi.
Bạn thấy đấy, viên cai ngục đã hỏi người tử tội trước !
Không phải là những câu hỏi “nóng bỏng” tính thời sự trong thời điểm chiến
tranh đang diễn ra ác liệt, như: “Vì sao anh bị bắt ? Anh bị bắt ở trận đánh
nào ? Anh thuộc binh chủng nào …?”, nhưng lại là câu hỏi về gia đình, và thổ lộ
những lời tâm sự về gia đình anh:
- “Anh có con không ?”… “Đoạn anh ta cũng lôi từ túi ra tấm
hình của những đứa con và bắt đầu kể những hy vọng của anh đối với chúng”.
Nụ cười của người tù đã làm bùng lên mãnh liệt niềm khát
khao đoàn tụ với gia đình mà từ lâu khói lửa chiến tranh đã làm phân ly và gieo
nhớ thương đau khổ âm ỉ trong lòng anh.
“Chỉ có những kẻ từng mang thương tích, mới hiểu thế nào là
vết thương đau” (Shakespeare).
Từ nỗi đau trong lòng anh, anh cảm thông được nỗi đau của
“người tù” mà mới vừa đây, đã “đột nhiên” cho anh nụ cười giữa vùng đất chết
tan biến mọi hy vọng.
Người tù được phóng thích tìm về chân trời hy vọng. Anh ta
chắc hẳn rất vui, và viên cai tù chắc hẳn cũng vui lây, niềm vui cao cả của một
người biết “cho đi” những gì mình có thể.
Nụ cười - như thế, đã đem lại “sự cứu rỗi” cho kẻ cho và người
nhận, ít nhất là một tâm hồn an bình, trong khát vọng chân chính của con người
là được sống một đời hạnh phúc.
Nguồn : http://canhdongtruyengiao.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét