Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013

A N H H Ù N G R Ơ M

LIÊN KHÔI THỰC


Tôi quen anh Trần Mạnh năm học lớp mười. Anh Mạnh làm văn thư ở trường, sau đó nhờ có bằng tú tài 2 ban toán, anh được mời dạy một số tiết toán cấp hai. Không hiểu vì đâu mà hai anh em hợp nhau lắm. Bất cứ khi nào có giờ nghỉ học, nhác thấy Mạnh ngồi rảnh ở văn phòng là tôi dọt vào ngay. Anh kể chuyện hay lắm, đặc biệt chuyện hẹn hò yêu đương. Cứ năm ba bữa nửa  tháng anh lại hé lộ một chuyện tình, khi thì hò hẹn nơi bến sông vắng vẻ, lúc lại nơi bờ tre rì rào dưới ánh trăng nghe rất lãng mạn, rất liêu trai. Nhiều lúc tôi cũng ngạc nhiên sao anh được nhiều cô thích thế ?  Nhưng khi nghe anh nói, giọng  trầm trầm chậm chậm với nét mặt sáng và nụ cười tươi, nhìn kỹ đôi mắt lúc nào cũng như cười với đuôi mắt nheo nheo thật có duyên thì tôi không còn thắc mắc nữa. Gái Ninh Hòa không thích anh mới là chuyện lạ !
Thế nhưng một buối sáng nọ thấy anh ngồi lặng yên một mình trong văn phòng, mặt buồn xo, tôi mon men lại gần :
- Có chuyện gì à  ?
Anh nói chậm từng tiếng, giọng nghẹn lại, mắt ngân ngấn nước :
- Anh... tức lắm... Thực à.
Tôi nóng ruột hỏi dồn :
- Sao, tức chuyện gì ? Ai hà hiếp anh?
Anh kể lể đầu đuôi: “Cha Lai bảo anh đánh máy hồ sơ tăng lương cho cô Đàm (1). Anh làm chậm. Chả chỉ vào mặt anh nói: “Liệu hồn, anh làm ăn lơ mơ tôi cho nghỉ việc !”.
Nói xong anh ngồi im, mặt buồn rười rượi.
Tôi thương anh và thấy như chính mình bị ức hiếp, tôi sừng sộ :
- Đã nói rồi ! Thi vô Võ Bị (2) đi không chịu, một là xanh cỏ hai là đỏ ngực, báu gì cái văn thư quèn để bây giờ bị ngưới ta ăn hiếp .
Nói xong, tôi vội vào lớp sau khi nhắn thêm anh một câu an ủi : “Được rồi, để đó cho em!”
Thời đó, giữa giáo sư trung học đệ nhị cấp và giáo sư tư nhân hợp đồng có sự kỳ thị phân biệt rất lớn. Tuy không nói ra nhưng dường như ai cũng cảm nhận được sự khác biệt ấy - Và thái độ kẻ cả của thầy Nguyễn Văn Lai, giáo sư dạy triết kiêm phụ tá Giám Học, là một trong những biểu hiện của sự kỳ thị đó. Càng nghĩ càng thấy tức !
Nhưng “để đó cho em” thì em làm được gì khi chỉ là một học sinh lớp 11? Suốt ngày hôm đó, tôi miên man nghĩ cách "trả thù” cho anh Mạnh. Nhiều phương án lóe ra trong đầu: Rải mắt mèo ma lên bàn thầy ư ? – trò con nít. Đâm lốp xe thầy ư ? – trò này hạ cấp lắm. Hay mượn tay giang hồ “xử” thầy ? – Không được ! Trò này của bọn vô học .
Cuối cùng tôi cũng nghĩ ra một cách trả đủa theo kiểu của mình: tôi lấy ra một tờ giấy kẻ ô li cỡ tờ A3, liệt kê danh sách thầy cô cả trường giống như người ta làm bản kê khai lý lịch trích ngang. Dĩ nhiên thầy Lai bị xếp đầu tiên với tội danh “hà hiếp nhân viên dưới quyền” với lời đề nghị “chém đầu”. Tiện tay tôi “phang” luôn các thầy cô khác, những người được học và những người tôi biết. Ai cũng được nhận xét với lời khen chê rất cảm tính. Chẳng mấy khi được làm “quan tòa” nên tôi ghi có phần phóng túng, thoải mái, thậm chí rất tiếu lâm – người được khen có khi khen thấu mây xanh, còn người bị chê thì chê sát đất. Tôi đã đi sai mục đích “trả thù” ban đầu và thậm chí còn dám vuốt râu hùm : lôi cả thầy hiệu trưởng vào danh sách cáo trạng. Dại dột chết người là ở chỗ này !
Những năm 1971-1974 , giáo giới Ninh Hòa rất ngưỡng mộ thầy Trần Hà Thanh bởi thầy đã  có bằng Cao Học sử và đang làm đề tài nghiên cứu sau cao học. Thầy Thanh dáng người cao to, đôi mắt hơi lộ kèm theo cái miệng nhỏ nhưng cặp môi dày nên trông thầy hơi dữ tướng. Thầy lại nghiêm, rất ít nói nên không những học sinh, mà ngay cả giáo viên cũng rất sợ uy thầy. Với giáo sư thời đó, mỗi giờ lên lớp là một vương quốc riêng của họ, không hề có chuyện đồng nghiệp dự giờ đánh giá, ngoại trừ khi có sự thanh tra của Ty hoặc Bộ. Chuyện dự giờ thầy hiệu trưởng thì lại càng không thể nên ít ai biết thấy dạy hay dở thế nào.
Hồi đó tôi được học thầy học kỳ một năm lớp 10 tại hội Khổng Học (gần sát đình Mỹ Hiệp) nên trong bảng phong thần thầy cũng có tên. Dĩ nhiên tôi khen thầy là “giáo sư có trình độ cao nhất quận Ninh Hòa, có chịu khó nghiên cứu chuyên môn” nhưng nhược điểm là “giảng bài không hay do diễn đạt lủng củng”. Thật sự thầy có cách nói nhát gừng. Dạy các môn xã hội mà nói nhát gừng là không hấp dẫn rồi !
Một học sinh mà dám nhận xét hiệu trưởng như thế là điều cực kỳ phạm thượng. Dại ơi là dại !
Khi hoàn tất xong bảng cáo trạng gồm 22 thầy cô giáo, tự nhiên tôi thấy hả hê và cảm giác oán giận chợt tiêu tan, tôi xếp gọn tờ giấy vào cuốn vở tập và hầu như không còn nhớ gì đến nó nữa.
Sau đó tôi lao vào  học như chết vì đang là mùa thi học kỳ .
Những ngày sau thi, tôi đi học với cảm giác khoan khoái nhẹ nhõm do làm bài tốt. Có điều những buổi học này thầy cô nhìn tôi với ánh mắt khang khác, đặc biêt thầy Hoàng Đức Vượng, giáo viên toán cứ gườm gườm như muốn ăn tươi nuốt sống. Tôi thầm nghĩ mình học hành đàng hoàng có chọc ghẹo gì cha này đâu. Nhưng rồi tôi sực nhớ: “À, thầy cũng có tên trong bảng phong thần nhưng làm sao thầy biết được. Tôi không hề đưa cho một người thứ hai xem mà”.
Đến giờ Pháp văn, cô Tôn Nữ Vân Anh kêu riêng ra hỏi nhỏ: “Em có làm cáo trạng phê bình thầy cô gì không, nhà trường vừa nhặt được và đang họp kỷ luật em đó”.  “Em mà làm cáo trạng gì cô” - Tôi giả lả cho qua chuyện nhưng lo lắm, định bụng về tìm lại “bảng phong thần”.
Đêm đó tôi về nhà lục tung sách vở nhưng tờ phong thần không cánh mà bay. Thôi chết rồi, chắc cô Vân Anh nói đúng. Tôi ngồi thừ, buồn xo chẳng học hành gì được bởi trước mắt là một viễn cảnh xám xịt .
Sáng thứ 7 cuối tuần, đầu giờ toán thầy Vượng, loa phóng thanh từ văn phòng gọi tên tôi  xuống gặp thầy hiệu trưởng có việc. Khi tôi bước ra, cả lớp xì xào không biết chuyện gì. Thầy Vượng vốn tính bộc trực mới “xì” ra lý do động trời này. Sau này nghe tụi bạn kể lại thầy cho tôi là thằng “láo” .
- Láo sao thầy ?. Tụi bạn nhao nhao .
Thầy nói bóng gió : “Hồi tao đi học cũng có ghét thầy cô nhưng chỉ dám nói thôi bởi lời nói gió bay. Đằng này nó lại dám viết ra”.
- Nó viết gì vậy thầy ?. Mấy bạn tò mò .
- Nó dám viết tao đĩ ngựa, tóc chải láng bóng ruồi đậu trợt té. Không ngờ thầy nói toạc móng heo như thế, cả lớp được dịp cười nghiêng ngửa .
Tôi vốn không ghét gì thầy Hoàng  Đức Vượng trái lại còn ngưỡng mộ bởi thầy dạy toán rất hay. Thầy nói to giảng kỹ nên rất dễ hiểu. Cách ăn nói thì bộc trực bình dân, với học trò lúc bình thường thì “mày tao” khi nóng lên thi “ông tôi” nhưng thầy không hề để bụng ai bao giờ. Thời đó mấy giáo viên nam còn trẻ hay làm đẹp bằng bi-ăng-tin, một loại dầu thơm dạng mỡ để bôi tóc    nhưng thầy Vượng hơi lạm dụng nên đầu lúc nào cũng bóng lộn. Đây là nét đặc trưng của thầy nên không có gì ngạc nhiên khi chi tiết này cũng được đưa vào trong phần nhận xét. Mà nhận xét như vậy khác nào chửi cha người ta, ai mà chịu được !
 Việc thầy Vượng  gườm gườm, việc các giáo viên xì xầm, việc bị gọi lên phòng hiệu trưởng giờ xâu chuỗi lại chắc chắn là có liên hệ nhau. Đầu dây mối nhợ chắc cũng tại bảng phong thần. “Bụng làm dạ chịu con ơi, chớ có than van!”. Nghĩ vậy nên tôi bình tĩnh đẩy cửa phòng hiệu trưởng với thái độ bình thản chấp nhận hậu quả xấu nhất.
Thầy Thanh lúc ấy nét mặt rất nghiêm. Thầy chỉ tay mời tôi ngồi xong, thầy hỏi :
- Em có biết tôi mời em lên đây về việc gì không ?
- Thưa thầy, không!
Rút trong túi áo bảng phong thần, chìa ra trước mặt tôi, thầy hỏi :
- Cái này phải của anh không ?  
Không một chút ngần ngại, tôi gật đầu :
- Dạ cái này của em.
Nghe tôi nói thế, mặt thầy Thanh giãn ra, ánh mắt có phần hiền hơn. Thầy ngã người ra sau ghế, tay phải nhịp nhịp cây bút máy. Sau một thoáng, nhìn thẳng vào mặt tôi, thầy nói :
- Tôi có lời khen em dũng cảm. Tôi chỉ cần chờ em chối là đuổi liền. Hội đồng kỷ luật đã  thống nhất trao cho tôi toàn quyền quyết định vụ này. Nhưng giờ đây em được tha vì - thầy nói chậm và rõ từng tiếng – “mục đích của nhà trường là giáo dục chứ không phải loại bỏ”.
Thật ra tôi cũng chẳng dũng cảm gì đâu vì tôi biết có chối cũng không được ! Các bạn biết tại sao nhà trường chưa cần điều tra kỹ đã biết đích xác thủ phạm không ? Có gì đâu, vì cứ dưới mỗi đề mục hay những dòng nhận xét tôi đều viết bằng song ngữ Anh – Việt. Lạy ông tôi ở bụi này, không Liên Khôi Thực thì còn ai vào đây nữa?
Thầy còn cho biết thêm hội đồng kỷ luật có người quyết định đuổi vì tội phạm thượng nhưng cũng có người thương vì tôi học được, hơn nữa nhờ tình tiết giảm nhẹ là tôi chỉ viết để tự mình đọc nhằm giải tỏa bức xúc chứ không cố ý phổ biến rộng rãi. Sở dĩ nhà trường nhặt được là do tình cờ bởi tôi vô ý bỏ quên vở trên lớp. Nếu tôi cố tình dán lên cho mọi người xem thì ai có muốn bênh cũng khó mà bào chữa được.
Thầy còn hỏi thêm : Em có biết ai là người cương quyết bảo vệ em không ?
- Dạ, làm sao em biết được.  Xin phép hỏi ai vậy thầy ?
Trong đầu tôi lúc ấy chỉ nghĩ tới những người được tôi khen, nhưng thầy Thanh làm tôi ngạc nhiên hết sức, ngạc nhiên đến không ngờ khi được biết ân nhân đó là thầy Nguyễn Văn Lai.
Tôi chào thầy Thanh và vội chạy ngay sang phòng phụ tá giám học. Tôi chào thầy, nói cám  ơn và trình bày thẳng lý do vì sao tôi gặp thầy. Thầy Lai bình tĩnh điềm đạm như biết trước sự việc phải như thế. Thầy ôn tồn hỏi tôi đã đọc cuốn “Nói Với Tuổi Hai Mươi” của Nhất Hạnh chưa ? Tôi đáp: “Dạ đọc rồi. Cuốn đó hay lắm. Em nhớ tác giả cứ nhắc đi nhắc lại mãi điệp khúc “anh nói với em” như một lời thủ thỉ tâm tình của người anh đi trước dặn dò lứa đàn em ngây thơ đang chập chững bước vào đời”. Thầy Lai tiếp lời “Đúng rồi! Thầy biết các em đang ở lứa tuổi mười tám đôi mươi, lứa tuổi sôi nổi giàu nhiệt huyết  nhưng cũng rất đỗi bồng bột, dễ nổi loạn cho nên thầy rất hiểu tâm trạng của em. Thầy không giận.”
Nói chuyện với thầy khoảng hơn hai mươi phút, tôi bước ra lòng khoan khoái, nhẹ nhõm và thấy mình như trưởng thành hơn. Hai người thầy, bằng kiến thức tâm lý sư phạm uyên bác, với phong thái chững chạc đã hoàn toàn chinh phục tôi kể từ ngày ấy. Cho đến bây giờ, đúng 41 năm, nhưng tôi vẫn nhớ như in tình tiết và nội dung của hai buổi nói chuyện ngày hôm đó.
Lúc rời phòng thầy Lai, giờ toán đã tan. Bốn thằng bạn 11A1 gồm Nguyễn Văn Đại, Trần Hoàng, Nguyễn Thanh Tùng, Lê Ngọc Ẩn lóng ngóng ôm sách vở dùm tôi đứng chong ngóc chờ dưới gốc bàng. Thấy bộ dạng tụi nó lo cho tôi mà thấy thương chi lạ! Lúc vừa ló mặt ra, thấy miệng tôi cươi tươi, tụi nó mừng như đón tử tù sổng pháp trường. Tình bạn lúc ấy sao mà cảm động quá!
Nhớ hôm nói chuyện với cô Vân Anh và sau biết mất “bảng phong thần” tôi rất buồn vì biết sớm muộn gì mình cũng bị đuổi học. Hoàng chở tôi về nhà, Ẩn và Đại hộ tống theo sau. Tôi không dám vô nhà, nằm sải dài trước sân, ba thằng kia nằm theo bên cạnh tôi. Tôi không biết sẽ giải thích sao với má tôi chuyện nghỉ học. Có thể nói đời tôi lúc ấy chưa hề biết sợ ai ngoài chuyện sợ má buồn. Sợ lắm !
Tôi đang lúng túng chưa tìm ra giải pháp khả thi thì Lê Ngọc Ẩn lên tiếng :
- Sợ gì ! Ninh Hòa đuổi thì vào Nha trang đăng ký học tư thục Đăng Khoa
- Học thì được nhưng mà tiền đâu ?
- Tiền để tao lo - Lê Ngọc Ẩn mau mắn. Sở dĩ nó nói vậy bởi nó là con nhà Mười Trúc, một đại gia lúc bấy giờ.
- Nhưng mà nói với má tao lí do gì để đi Nha Trang ? Tôi vẫn chưa hết phân vân.
Tới đây thì cả 4 thằng đều bí và hôm sau thì có “trát” gọi lên văn phòng như tôi vừa kể.
Chính thầy Thanh đã gở thế bí cho tôi và nhờ thế tôi chưa phải nhờ đến tiền của Ẩn nhưng lòng tốt của nó qua câu nói ân tình tôi mãi mãi khắc ghi.
Giờ hơi có tuổi, ngồi nghĩ lại không hiểu sao lúc đó mình “quậy” dữ. Cũng may là nhờ có quới nhơn độ trì chứ không đời tôi sẽ rẻ sang hướng khác .
Anh Mạnh ơi, từ ngày anh ưng cô Anh Thị Ngọc Chiếu rồi ra nước ngoài, anh em mình bặt tin nhau. Anh có biết không, ngày ấy vì nóng lòng bênh anh mà thằng em này suýt bị “thẻ đỏ”. Nhưng cũng chính nhờ anh mà em thấy được tình bạn thâm sâu. Và cũng nhờ anh mà em thẩm thấu được ý nghĩa của câu nói: “Mục đích của nhà trường là giáo dục chứ không phải loại bỏ”.
Ninh Hòa 22/5/2013

 (1) Cô Trần Thị Thanh Đàm, giáo sư vạn vật, người yêu sau là vợ thầy Lai.
(2) Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, nơi đào tạo sĩ quan hiện dịch của VNCH
Nguồn : http://www.ninhhoatoday.net
 

Không có nhận xét nào: