Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

Chuyện trên máy bay

Nguyễn Tường Bách

Đứng trước bàn hải quan mà cô ấy khóc mùi mẫn làm tôi ái ngại. Đi nhiều nơi trên thế giới tôi chưa thấy nơi nào nhiều nước mắt như Tân Sơn Nhất. Người đi cũng như người về, hai trạm đưa đón, buồn vui cách nhau không đầy vài chục mét. Đó là số phận người Việt Nam ở nước ngoài, tôi tự nhủ. Người đi thì nghĩ mình vĩnh viễn xa cách, người về lại không ngờ có ngày hội ngộ. Có lẽ cô ấy vừa từ biệt người yêu, hai người ước hẹn những gì, cô sẽ trở lại hay người ấy sẽ đi theo, hay sao nữa?
Cô ấy đi chung với một nhóm khoảng hai mươi người, mỗi người mang trên ngực một tấm thẻ đỏ. Nhìn các khuôn mặt nửa náo nức nửa băn khoăn, tôi đoán họ đi theo diện xuất cảnh. Nhưng xuất cảnh thì thường thường đi Mỹ, sao họ lại đi Đức một chuyến với tôi?
Lên xe bus ra máy bay, tôi thấy một chị phụ nữ mặc một chiếc áo kim tuyến lộng lẫy như đi dạ hội. Ngồi cạnh chị hẳn là anh chồng, mặt mày đăm chiêu, dắt theo hai đứa con trai nhỏ. Cả ba người lớn lẫn trẻ con đều đóng bộ complet cà vạt, nghiêm chỉnh như sắp đi dự một buổi đám cưới sang trọng. Tiếc thay cho những bộ áo quần mới toanh đó, hẳn người mặc không biết chúng sẽ nhàu nát sau vài lần nằm ngồi uể oải trong mười hai tiếng bay. Đối với nhiều người, ngày xuất cảnh là ngày trọng đại nhất, họ phải mặc bộ áo quần đẹp nhất, tôi tự nhủ. Nhưng không phải chỉ có thế, họ đã nghĩ lúc gặp người thân nơi xứ lạ quê người, lúc đó cũng là giây phút khó quên, họ phải xuất hiện cho tầm cỡ chứ.
Trong xe bus, tôi tò mò ghé mắt nhìn tấm thẻ đỏ. tấm thẻ ghi tên tuổi hành khách và các chuyến bay, dòng cuối cùng đề chữ "JFK". Thì ra, họ chỉ ghé qua Đức, đi đường Đại Tây Dương để đến sân bay J. F. Kennedy ở New York. Họ đi Mỹ thật, đến một nơi xa quê hương đúng nửa vòng trái đất. Tôi nhớ New York với vô số những chiếc taxi màu vàng và những con đường buổi chiều tôi đi gặp đầy những rác. Đó là một thành phố đủ mọi màu da và quốc tịch, đủ hạng người và mọi thứ nghề nghiệp. Đó là thiên đường và cũng là nơi đầy cà nước mắt. Các đồng bào của tôi sẽ làm gì ở Mỹ, ở New York, trong đó có ai sẽ vào khu Harlem mà ở?
Tôi phải bay mười hai tiếng để đến Đức, nhưng chuyến du hành của họ sẽ dài gần gấp đôi. Đến Frankfurt, tôi sẽ xuống máy bay nhưng với họ mới chỉ nửa đoạn đường. Hơn hai mươi tiếng nữa họ mới được gặp người thân, liệu họ còn sức để tươi cười. Một ông cụ già không lên nổi cầu thang máy bay, phải có người đỡ tay. Ông cụ tìm điều gì ở New York, hay ông đi thăm con cháu, tại sao những đứa con xa nhà đó không về thăm để ông đỡ nhọc nhằn?
Trong máy bay, ngồi bên cạnh tôi là một người Ý. Hỏi ra mới hay ông về Việt Nam còn nhiều hơn tôi, biết ngõ ngách Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hơn tôi xa lắc. Nghe chuyện, tôi biết ông nói thật. Đã gần chục năm nay, ông chuyên cung ứng thiết bị và dịch vụ cho ngành khai thác dầu khí, cho các dàn khoan ngoài khơi. Đó là những công ty chuyên môn, cung cấp toàn hàng đặc chủng, không mấy ai biết đến. Trên thế giới họ thuộc về một nhóm nhỏ của những người chuyên khai thác dầu mỏ, kiếm tiền dễ hơn trở bàn tay. Đó là những mạng lưới kinh doanh mà đứng đầu là các ngài công hầu trong các vương quốc Trung Đông, dầu mỏ đối với họ là cơm gạo hàng ngày như của chúng ta. Họ đến Việt Nam từ ngày ta khai thác những tấn dầu đầu tiên, nghiệp vụ của họ đã được chuyên môn hóa, không ai thay thế nổi từ những ngày xa xưa, lúc ta còn chiến tranh. Việt Nam đã trở thành nước sản xuất dầu khí, may cho ta và cũng cho họ. Tôi hỏi thêm về vấn đề bảo vệ sinh thái ngoài khơi Việt Nam, ông mỉm cười không nói gì cả.
"What is your business?", người bạn Ý hỏi người bên cạnh. "Whisky", câu trả lời cụt ngủn làm chúng tôi chưng hửng. Thì ra rượu mạnh Whisky đã trở thành một mối kinh doanh hẳn hoi tại Việt Nam, không phải chỉ vài ba chai lậu thuế bán lẻ tẻ ngoài đường. "Họ uống nhiều lắm", người kia trả lời câu hỏi và cười bí mật. Tôi chỉ có thể công nhận ông nói đúng. Tôi nhớ trong một tiệm chả cá ở Hà Nội, có một bàn vài người ngồi mà uống hết hai chai cognac. Người ngoại quốc ngồi xung quanh nhìn nhau ngạc nhiên trước sức uống và cách uống của người mình.
Tôi hỏi thăm một người Việt trẻ tuổi về thăm nhà. Hôm nay anh ra đi, mặt mày còn mang niềm quyến luyến. "Cháu ở Strassburg từ sáu năm nay". "Ở Strassburg sao không đi máy bay Air France mà qua Đức làm chi cho phiền?", "Dạ, phải đi như thế cho Tây khỏi biết". Đúng rồi, đó là lý do tại sao bà con "tị nạn" ở Đức thì qua Hà Lan hay Thụy Sĩ mà đi, ở Pháp thì chạy qua Đức mà lên máy bay mà về Việt Nam. Đối với chính quyền sở tại thì bà con tị nạn đó, những người bị Việt Nam "ngược đãi" đó, chỉ lên máy bay đi du lịch các nước xung quanh. Đến các nước trung gian, bà con mới rút trong túi bên kia giấy máy bay bửu bối nhắm hướng Thành phố Hồ Chí Minh. "Đi bằng hai vé máy bay rời mà bố cháu cũng không dám đi, ông đợi vô quốc tịch đã mới dám về". Tôi hỏi số tuổi ông bố, hỏi đợi bao lâu nữa mới vào quốc tịch và thầm mong thời gian sẽ đợi lại ông.
Mới đi hơn một tiếng đồng hồ mà chị phụ nữ nọ xem ra vừa lạnh vừa mệt. Chiếc áo kim tuyến hở tay hở ngực không giúp được bao nhiêu trong bầu không khí máy bay khá lạnh. Chị không biết đến tấm chăn để bên cạnh dành cho hành khách. Tôi đưa cho chị tấm chăn. Ông chồng thấy vậy bắt chuyện ân cần. Nghe tôi ở Đức, anh hỏi Mỹ hay Đức nơi nào làm ăn dễ hơn. Ở Mỹ dễ hơn nhiều, tôi nói. "Hễ có sức và chịu làm việc, thế nào cũng có việc làm". Nghe xong anh tin tưởng ra mặt. Chị vợ ngồi nghe chăm chú: "Dạ, em qua bên đó tính làm neo, anh thấy sao?". "Được đó, nghề làm móng tay, điểm lông mày bên Mỹ bây giờ sống lắm". Khuôn mặt mệt mỏi của chị tươi lên. Tôi nói bừa thế thôi, như tôi làm sao mà biết bên Mỹ nghề nào sống chết. Nhưng làm sao tôi có thể làm ai thất vọng được trên bước đường này của họ? Nhất định tôi sẽ không nói bên Mỹ chuyện thất nghiệp xảy ra như cơm bữa và tôi cũng không vội nói chị phải học nghề này hai năm mới được làm việc.
Tôi hỏi tại sao cả gia đình ra đi. "Dạ, đời sống khó khăn quá, kiếm không ra đồng tiền". Tôi đưa mắt nhìn hai người bạn ngoại quốc đang ngồi ở khoang máy bay phía trước. Hai người đó, kẻ bán rượu, người khoan dầu đã trờ thành tâm đắc từ hồi nào, họ đang nói gì về chúng tôi?
Cô gái khóc vùi hồi chiều đang tìm cách tập trung đọc một cuốn sách nhưng hình như không đọc được. Người yêu cô đã xa cả ngàn cây số và không biết bao giờ gặp lại. Bên cạnh cô, một ông đứng tuổi đang lôi từng chồng sách ra, toàn là sách triết lý đạo Phật. Có lẽ ông đem tặng bà con mộ đạo bên Mỹ vì mỗi thứ hai ba quyển giống nhau. "Vạn pháp vô thường", tôi thoáng thấy một câu. Nếu cô gái hiểu được câu đó, có lẽ sẽ đỡ khổ cho cô.
Tiếp viên dọn thức ăn ra. Tôi đã quá ngán thứ thức ăn trên máy bay, thứ đã hâm đi hâm lại nhiều lần. Tôi bỗng thèm một tô mì hoành thánh. Giờ này, Thành phố của tôi đã đi vào giấc ngủ, các chị quét đường đã bắt đầu quét sàn sạt. Có ai trong số những người này sẽ bị số phận đẩy đi quét đường tại New York, tôi tự hỏi với lòng nhói đau. Giờ này, trên các đường thân thiết của tôi, chắc các em bán xe mì vẫn còn gõ mõ lóc cóc trong đêm tối và các bác xích-lô vẫn lặng lẽ đạp xe kiếm khách. Thành phố đi ngủ nhưng vẫn sống thiết tha. Tôi sẽ cố ngủ vài tiếng trên máy bay, khi tôi thức dậy thì bên mình hẳn đã ăn sáng xong và đang uống cà-phê đá.
Các xa lộ vùng Frankfurt đã hiện ra dưới cánh máy bay, trong ánh sáng xám đục của một ngày mùa đông. Nếu ở phố cổ Hà Nội tôi sẽ gọi thứ ánh sáng này là "trữ tình" nhưng bây giờ chút lòng nghệ sĩ của tôi đã biến mất vì nhọc mệt. Cụ già kia mới đi nửa đường mà trông đã yếu hẳn rồi. Chị phụ nữ cuộn tròn người mà ngủ, chị đang mơ làm neo tại Mỹ hay thấy mình còn ở Việt Nam? Ôi, còn nửa đường nữa, bao giờ mới đến. Đến rồi thì "làm gì cho hết nửa đời sau?".
12.1995

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

CHO VẪN TỐT HƠN LÀ NHẬN

David Michie


Bố thí là phương cách cơ bản nhất mà chúng ta có để thể hiện sự quan tâm của mình đối với người khác. Chúng ta đều biết rõ câu ngạn ngữ CHO VẪN TỐT HƠN LÀ NHẬN - nhưng tại sao chúng ta lại thấy việc cho là khó vậy?
Nỗi sợ rằng chùng ta sẽ không có đủ cho bản thân mình nếu cho đi quá nhiều có lẽ là một phần của câu trả lời, nhưng đó chỉ là một phần nhỏ. Đây chẳng phải là việc liên quan đến mức độ thịnh vượng, mà liên quan đến tâm thức của chúng ta. Vợ tôi có bản chất nhân ái hơn tôi rất nhiều - sự khác biệt là cô ấy quan tâm đến những người đang cần được giúp đỡ và phản ứng của cô ấy có tính chất tự động hơn tôi rất nhiều. Khi chúng ta bước ngang qua một siêu thị, tôi đắm mình vào những suy nghĩ miên man đến mức thậm chí không nhận ra một ông lão đang phải vất vả nâng một chiếc xe đẩy lên vỉa hè cho đến khi vợ tôi bắt đầu phụ giúp cho ông. Chẳng phải vì tôi không sẵn lòng giúp người - chẳng qua là vì tôi không để ý đến nhu cầu đó mà thôi.
Là những người bận rộn với cuộc sống bươn chải, chúng ta dễ dàng để tâm đến những lo toan của mình nhiều hơn là cảnh ngộ khó khăn của những người mà chúng ta đang đi ngang qua. Một lần nửa, sự quan tâm chú ý là một thực hành hết sức cơ bản.
Ngay cả khi đã biết được nhu cầu của người khác, chúng ta vẫn có thể có thái độ chần chừ, đơn giả là vì chúng ta chưa quen cho đi. Phật giáo hết sức thực tế trong cách tiếp cận đối với vấn đề bố thí, bằng cách đề nghị chúng ta hãy bắt đầu từ chuyện nhỏ rồi tiến dần lên. Một phụ nữ đã khốn khổ suốt mấy tháng trời vì tâm trạng u uất căng thẳng đã nói chị bắt đầu bình phục vào một ngày chị đến mua hàng ở một cửa hiệu thực phẩm. Nhân viên quầy tính tiền bình phẩm thích thú về một hộp sô cô la gồm những gói nhỏ trong đó mà chị mới vừa mua - thế là chị tặng cho cô ấy hai gói. Phản ứng của cô nhân viên trước món quà bất ngờ đó đã làm chị trào dâng cảm xúc tốt đẹp đến mức chị đã có được trạng thái hạnh phúc đến hết ngày hôm đó. Lần đầu tiên, sau nhiều tháng, chị mới lại có được cảm giác tốt đẹp về mình.
Có một số điều tốt và một số điều xấu trong tất cả chúng ta. Những gì chúng ta khám phá khi thực hành hạnh bố thí, ngay cả với mức độ nhỏ là việc làm đó tăng cường sức mạnh cho mặt thiện trong tự tính của chúng ta, và củng cố thêm khả năng hành động vị tha một lần nữa. Chính trong trạng thái bác ái này mà chúng ta mới đạt được sự viên mãn thật sự.
Tina Noble đã có một cuộc sống phi thường. Sinh ra và lớn lên ở Dublin, chị là một trong tám đứa con của một bà mẹ đau ốm và qua đời năm chị mới lên mười tuổi, và của một người cha nghiện rượu. Chị đã trải qua cảnh bạo lực, bị lạm dụng tình dục, mang thai và sinh con để rồi đứa con cũng bị cướp khỏi tay chị, tất cả diễn ra khi chị chưa đầy hai mươi tuổi.
Phải trải qua khổ đau và mất mát còn nhiều hơn những gì mà hầu hết chúng ta từng trải nghiệm, Tina đã kiếm sự cứu rỗi cho chính mình bằng cách xây dựng một trại nuôi dưỡng trẻ mồ côi ở Việt Nam. Là người phương Tây trung niên, không tiền, không học vấn, không thân thế, trong một lần đến Việt Nam, cảnh đói nghèo đã nhắc đến tuổi thơ của chính mình và chị cảm thấy phải làm một điều gì đó. Bước ngang qua những đứa trẻ ăn xin trên đường phố, chị xúc động khi một bé gái rách rưới cầm tay chị, không phải để xin tiền mà là để được âu yếm vuốt ve.
Trại trẻ mồ côi do chị lập ra giờ đây đang nuôi dưỡng 500 trẻ vãng lai, và 80 trẻ sống thường xuyên ở đó. Hành động ấy được mọi người hoan nghênh bởi không thể không thừa nhận lòng vị tha của chị.
Đối với bản thân Tina, chị cảm thấy mình hạnh phúc tràn trề. Chị đã phản ứng với các trải nghiệm khủng khiếp thời ấu thơ bằng một tấm lòng từ bi đầy cảm hứng. 'Có khi tôi đang đi trên phố và một trong những đứa trẻ tôi nuôi kêu lớn tên tôi từ đàng xa làm tôi hạnh phúc đến độ cười lớn và chạy ào đến", chị nói. Quyển tự truyện của chị thật có ý nghĩa - Bridge across my sorrows. Đối với Tina, việc hồi phục khỏi cảnh cơ cực thuở ấu thơ của mình không phải đến từ tình yêu của người bạn đời lãng mạn hay với tư cách một phụ nữ có sự nghiệp, mà là qua việc thực hành hạnh bố thí bằng tấm lòng nhân ái chân thành nhất.
Sự thật đơn giản nhưng hết sức mạnh mẽ là, nếu muốn trải nghiệm hạnh phúc, trước tiên chúng ta phải bố thí nó. Bố thí là phương thuốc điều trị trực tiếp đối với bất hạnh. Nếu chúng ta quá bận rộn đến độ không thực hành hạnh bố thí, thế thì chúng ta cũng sẽ quá bận rộn đến độ không hưởng được hạnh phúc - và cái gì mới quan trọng?
Tặng sô cô la cho nhân viên ở quầy tính tiền, giúp người già kéo chiếc xe đẩy ở siêu thị có thể là quá tầm thường so với câu chuyện của Tina Noble. Nhưng nếu đây là cấu trúc cuộc sống thường nhật của chúng ta thì chính là những gì chúng ta nên làm. Điều quan trọng phải nhấn mạnh là , không chỉ những hành động chúng ta làm, mà cả những động cơ thúc đẩy các cách cư xử của chúng ta mới là quan trọng.
Phật giáo dạy chúng ta rằng nếu chúng ta biết nghĩ đến hạnh phúc tất cả chúng sinh, không một ngoại lệ nào hết, thì khi đó, ngay một hành động bố thí nhỏ cũng mang ý nghĩa to lớn. Khi cho bầy chim ăn trong vườn, nếu chúng ta nghĩ "qua hành động bố thí này, cầu cho tôi và tất cả chúng sinh, chẳng bao giờ bị đói, và cầu cho tất cả đạt được giác ngộ", chúng ta đã mở rộng nền tảng động lực của mình vượt xa hơn cả việc chỉ cho vài con chim ăn. Chúng ta cũng đang nhắc nhở bản thân mình về mục đích cao cả hơn của cuộc sống. Bằng cách làm như vậy, ngay những hành vi nhân ái nhỏ cũng sẽ có tác động lên tập khí của chúng ta lớn hơn cả mức chúng ta tưởng. Trên cơ sở thường nhật, chúng ta ngày càng giúp định hướng lại sự chú ý của tâm thức từ TÔI sang NGƯỜI KHÁC, và sắp xếp lại các ưu tiên trong cuộc sống, từ quan tâm trước mắt sang cái nhìn thoáng rộng và bao trùm hơn.

Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

HAI TIẾNG ĐỒNG HỒ CUỐI CÙNG CỦA MỘT CẬU BÉ

Tiền Nham

Một cậu bé bốn tuổi tên là Long bưng một cái gáo lạch bạch đi ra ao cá xa xa. Lúc này, rau cải dầu ở ruộng đang tưng bừng nở hoa, cây giống lúa mạch đang vươn dài đốt. Đây là mùa nắng vàng rực rỡ, sức sống dồi dào.
Cậu bé đến bên ao cá, ôm gáo ngồi xổm xuống. Trong ao, một bầy nòng nọc nhỏ xíu đang bơi lội tung tăng, lên lên xuống xuống như lũ trẻ chơi đùa. Khuôn mặt còn bám đầy nước mắt, nhưng cậu bé tươi tỉnh hẳn, thế là cậu thò cái gáo trong tay xuống ao. Tay cậu ngắn không với được tới mặt nước, đành cố cúi rạp xuống từng tí. Cuối cùng thì cái gáo cũng chạm đến mặt nước song cậu bé đã lộn cổ xuống ao ... rất nhanh, mặt nước phẳng lặng trở lại như cũ, bày nòng nọc tản ra xung quanh cũng đã xúm xít trở lại, chỉ có điều, có thêm một cai gáo khe khẽ trôi trên mặt nước . . .
- Nửa tiếng đồng hồ trước đó:
Cậu bé ngồi xổm trên mặt đất, rất hào hứng nói chuyện với những con nòng nọc bé xíu trong gáo nước. Mỗi con nòng nòng hệt như một cái cúc đen kéo theo sợi chỉ, bơi qua bơi lại trong nước một cách vụng về. Cậu bé chơi một cách thích thú. Sau đó, cậu cảm thấy hình như trong gáo đã thiếu mất một con nòng nọc. Liệu có phải nãy giờ đã sơ ý làm té mất một con? Nòng nọc con mà không có nước thì chết mất, tiếc vô cùng! Cậu để gáo nước xuống, vội vàng đi tìm trên mặt đất. Sự việc xảy ra sao đột ngột thế. Hai chú vịt con quanh quẩn gần đó như đã mưu tính từ trước, giữa lúc cậu bé quay người đi, chúng xô ngay đến, thò cái mỏ bèn bẹt vào trong gáo nước. Khi cậu bé phát hiện ra, thì đã muộn. Sau khi đã nuốt hết mấy con nòng nọc vào bụng, chúng vừa kêu vừa bỏ chạy lạch bạch một cách hí hửng.
Cậu bé nhặt cái gáo bị đổ lên, khóc hu hu. Vừa khóc cậu vừa liếc nhìn vào trong nhà.  Mẹ cậu và mấy người lớn đang chơi trong đó. Khi bận việc gì, mẹ cậu ghét bị cậu quấy rầy, thậm chí vì thế mà có thể cậu bị mắng, bị đánh đòn. Cậu bé nức nở một lúc rồi quyết định tự đi múc mấy con nòng nọc nhỏ khác. Vậy là cậu bưng cái gáo đi về phía cái ao xa xa . . .
- Một tiếng đồng hồ trước:
Mẹ đưa cái gáo nước có nòng nọc vừa múc về cho cậu bé:
- Long, Long ngoan, con ra cửa mà chơi nòng nọc, đừng vào nhà quấy rầy, mẹ đang làm việc, ngày mai mẹ sẽ đưa con qua nhà bà ngoại chơi.
Có lẽ chơi nòng nọc rất thích thú, có lẽ được sang nhà bà ngoại cũng rất hấp dẫn, nên cậu bé đã ngoan ngoãn nhận gáo nước đi ra khỏi cửa. Trương Tam khen:- Cậu bé này ngoan thật, rất biết vâng lời.
Lý Tứ cười nói tiếp theo:
- Thật khâm phục bà chị, giỏi dỗ con quá.
Nhưng Vương Ngũ có vẻ không yên tâm:
- Để cháu bé chơi trong nhà thôi chị ạ!
Bà mẹ cười đắc ý:
- Không sao đâu, vẫn thế mà . . .
Khi cậu bé bước qua ngưỡng cửa, do ngưỡng cửa cao quá, đã dúi người đi một cái, nước trong gáo bị hất đổ mất một ít, một con nòng nọc đã bị hất ra theo nước, trôi vào kẽ hở trong đất mà cậu bé không thấy.
- Nửa tiếng đồng hồ trước:
Mẹ cậu bé bế con đứng ngóng ở cổng. Chị chờ người. Chờ ba người Gia1p, Ất, Bính. Hẹn sẵn chiều nay đến sao bây giờ vẫn không thấy đến? Lúc này, cậu bé giơ cánh tay non nớt khóa lấy cổ mẹ van nài:
- Mẹ ơi, con nhớ bà ngoại, mẹ đưa con sang bà ngoại chơi đi.
- Đừng quấy con!
Người mẹ tỏ vẻ sốt ruột, ba người Giáp, Ất, Bính đã quên hẹn, hay là có việc gì? Chị quyết định đi xem xem sao. Kết quả họ đều bận việc. Chị hết sức thất vọng, chị cảm thấy buổi chiều trôi qua  thật uổng phí, thật đáng tiếc vô cùng. Vậy là chị quyết định lại đi tìm người chơi. Trương Tam nói không biết, không muốn đi, chị ta bảo: "Làm gì có việc gì mà trời sinh ra đã biết cơ chứ? Có ai bắt đi học chế tạo bom nguyên tử đâu?". Trương Tam cảm thấy nếu không đi có vẻ không nể mặt chị nên đã nhận lời. Lý Tứ thì bảo không có tiền không muốn đi. Chị ta bảo: "Đâu phải một lần đã bắt móc ra tám trăm một ngàn đâu mà sợ? biết đâu hôm nay lại móc được tiền từ túi người khác thì sao?" Lý Tứ thấy từ chối mãi cũng không tiện đã đồng ý đi. Vương Ngũ nói không có thì giờ nên không đi được, chị ta liền bảo:"Việc gì mà lại cứ phải làm bằng được trong hôm nay thế? Đâu có phải Khâu Long bảo cho Hoàng Thượng?". Vương Ngũ cảm thấy không đi sẽ làm chị ta cụt hứng nên đã đứng dậy sang nhà chị chơi mạt chược.
Lúc đó, cậu bé rất buồn, ánh mắt nhòe đi, mờ mịt. Chỉ có điều, người lớn đã bỏ mặc cậu . . .


ĐI TÌM HẠNH PHÚC TRONG THẾ GIAN VÔ THƯỜNG

David Michie
Palden Gyatso

Một trong những điều khiến tôi tâm đắc với Phật giáo là tính thực dụng của nó. Giống như một cái hộp đựng dụng cụ khổng lồ vậy, có những quan niệm và những kỹ thuật phù hợp với bất kỳ ai, trong bất cứ hoàn cảnh nào, bất kể bận rộn đến đâu, đang yếm thế hay căng thẳng đến mức nào. Lợi ích của những tư tưởng lớn như lòng từ bi chẳng hạn, được đề xướng bằng những lý lẽ hết sức rõ ràng. Việc đi theo hạnh đó, cách vận dụng chúng cho thật đúng trong cuộc sống thường nhật ra sao cũng được giải thích rõ ràng.
Phật pháp nói về các ba la mật (sự viên mãn), cung cấp những hướng dẫn để đưa bồ đề tâm vào hành động. Điều này bao gồm những pháp môn như bố thí, đức hạnh và lòng kiên nhẫn, những điều chủ yếu liên quan đến sự tương tác của chúng ta với thế giới bên ngoài. Chúng cũng bao gồm những chỉ dạy về cách làm thế nào  để tiến bộ trong hành trình nội tâm. Cộng lại, tất cả những điều đó cung cấp một sự quân bình toàn diện.
Lần đầu tiên khi nghe đến những điều này, bạn có thể mang cảm giác "có vẻ quen quen". Ngoài việc nhấn mạnh đến thiền định, các tư tưởng Phật giáo về lòng bao dung và sự đức hạnh khác biệt ra sao với những lời dạy căn bản của Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo hay Hồi giáo?
Chẳng có truyền thống nào là độc tôn về giáo pháp lòng từ bi cả, nhưng có sự khác biệt giữa "bố thí ba la mật", theo cách mô tả của nhà Phật, với sự bố thí thông thường. Có thể tóm tắt sự khác biệt đó trong mấy chữ: động cơ của bồ đề tâm. Theo quan điểm nhà Phật, việc trao tặng cho ai đó với suy nghĩ rằng "Cầu cho hành động bố thí này trở thành nhân nghiệp trực tiếp cho tất cả chúng sinh, trong đó có tôi, đạt đến giác ngộ", là một chuyện hoàn toàn khác hẳn với việc chỉ trao tặng đơn thuần. Động cơ khác nhau, và kết quả duyên nghiệp thì không thể giống nhau được.
Như đã giải thích về luật nhân quả, động cơ là một trong những yếu tố chính quyết định tạo quả của một duyên nghiệp nào đó. Cũng vậy, động cơ của bồ đề tâm làm cho hành động bố thí, việc sống đức hạnh và sự nhẫn nại trở nên hoàn toàn khác hẳn - mặc dù kết quả đối với người khác có thể vẫn như nhau.
Lần đầu tiên khi nghe pháp này, tôi cảm thấy không thoải mái lắm khi gắn vào đó một động cơ không thực tế đối với điều tôi dự định làm bằng bất cứ giá nào. Ví dụ việc mua một ly cà phê capuccino tại quán mà tôi yêu thích chẳng hạn, chẳng liên quan gì đến lòng cầu mong cho tất cả chúng sinh đạt được giác ngộ so với nhu cầu đạt được sự phấn chấn vào buổi sáng.Lúc mở hộp thức ăn dành cho mèo, tôi không làm như vậy để cứu giúp tất cả chúng sinhthoa1t khỏi luân hồi gì hết, mà là vì nếu không thì con mèo của tôi cứ gặm mắt cá chân tôi hoài. Việc gắn vào đó một động cơ không thật sự thích hợp làm sự việc có vẻ giả tạo, thậm chí là giả dối.
Nhưng việc nhớ đến động cơ này trong suốt cả ngày lại là một tâm lý rất hiệu quả.
Lúc đầu chắc chắn chúng ta sẽ cảm thấy giả tạo, nhưng chẳng mấy chốc, những hành động hay những dịp nào đó sẽ trở thành đòn bẩy cho thói quen mới, và chúng ta thấy mình đang nghĩ  đến sự giác ngộ của tất cả chúng sinh, không chỉ khi ngồi thiền định hay đọc kinh sách, mà là ở các cơ hội trong ngày. Hãy giữ vững điều này trong một thời gian, và các suy nghĩ bồ đề tâm sẽ trở thành một phần phát triển dần lên trong tập khí của chúng ta, đến mức chúng ta bắt đầu tích cực tìm kiếm những cơ hội để thể hiện sự bao dung, nhẫn nại và xử sự đức hạnh. Theo thời gian, những gì từng bị cảm thấy là giả tạo đã trở thành một ước muốn chân thành làm ảnh hưởng đến các hành động của thân, khẩu và ý. Động cơ bồ đề tâm trở thành một lời tiên tri có tính chất tự chứng.