Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

Đường đi nằm ở chính mình

THS NGUYỄN HOÀNG KHẮC HIẾU *

1. “Vỡ mộng” - đó là cụm từ được không ít sinh viên buông ra sau một thời gian bước chân vào giảng đường đại học. Nguyên nhân của sự sụp đổ niềm tin này xuất phát từ sự cộng hưởng của ba lỗ hổng vẫn tồn tại như một thách thức cho những người làm giáo dục, đặc biệt cho giới trẻ vừa chân ướt chân ráo bước vào đời.
Lỗ hổng đầu tiên từ bậc trung học phổ thông, khi ở tuổi 18 bạn chưa hiểu hết sự đời rộng lớn, chưa trả lời xong câu hỏi “Mình sống để làm gì?”, chưa rõ tiềm năng ưu điểm và khuyết điểm ở đâu...nhưng bạn đã phải ra quyết định chọn nghề - một quyết định mang tính “sinh tử” đến vận mệnh của cả cuộc đời mà hầu như không có sự giúp đỡ từ người lớn. Công tác hướng nghiệp thì chỉ đơn thuần là dăm ba tiết học.
Lỗ hổng thứ hai đến từ môi trường giáo dục đại học. Không khó để bắt gặp những quyển giáo trình viết cách đây cả mấy chục năm, một số quyển khác thơm mùi giấy mới nhưng nội dung thì chỉ là được xào nấu lại, bình mới mà rượu cũ. Về phương pháp dạy học thì sinh viên vẫn hay đùa chua chát: giảng viên chuyển từ lối đọc - chép truyền thống sang chiếu - chép, thì cũng gọi là... hiện đại hơn! 

2. Lỗ hổng thứ ba nằm ngay chính trong người học - tức những bạn sinh viên. Một phần do nhà trường không trang bị cho các bạn phương pháp học đại học. Bước vào môi trường mới, mục đích học tập mới, nội dung mới, cách học mới, cách dạy mới, các bạn phải có phương pháp học mới.
Sinh viên khác với học sinh, sinh viên phải ở tư thế chủ động, đừng có tâm lý chờ đợi những gì giảng viên mang đến lớp “mớm” cho mình. Mình phải tự “làm đầy” cái đầu của mình, giảng viên chỉ là chuyên gia giải đáp thắc mắc, định hướng thêm cho mình.
Học đại học là lấy tự học làm chủ yếu. Giảng viên là người hướng dẫn cho sinh viên nên học cái gì, học bằng cách nào, học ở đâu và giải đáp trợ giúp khi cần. Sinh viên phải hiểu điều đó, phải biết chủ động khai thác thư viện, khai thác tài liệu, khai thác Internet, khai thác thực tiễn cuộc sống và khai thác cả giảng viên. Có rất nhiều sinh viên học giỏi, thành tài, bước lên những bậc thang cao trong xã hội dù cả lớp của họ học chương trình giống nhau, bài giảng giống nhau, giảng viên giống nhau, nhưng họ khác nhau ở sự chủ động.
Từ lúc ngồi trên ghế nhà trường, họ đã tích cực tìm hiểu các môn khoa học bằng tiếng Việt, bằng tiếng Anh, bằng cách thâm nhập vào thực tế nghề nghiệp qua những việc làm thêm, bằng những cuộc tiếp xúc với những “người trong cuộc” đang hành nghề mà họ học. Họ còn trau dồi cả những kỹ năng mềm để trở thành người biết tự học suốt đời, biết tư duy sáng tạo, biết giao tiếp, biết khẳng định giá trị của bản thân mình, biết nuôi dưỡng đam mê của mình cho đến khi biến nó thành hiện thực.

3. 22 tuổi, đi lạc, là tâm trạng chung của nhiều người. Nhưng đừng đổ lỗi hoàn toàn cho nền giáo dục, đừng thất vọng và cho rằng chẳng có điều gì để học trong nhà trường này. Dù quan trọng đến đâu đi nữa, tất cả những điều đó chỉ là yếu tố bên ngoài. Quyết định vẫn chính là ở bạn, bạn học bằng cách nào, với thái độ nào; bạn tự phát triển mình bằng con đường gì, tận dụng điều kiện hiện tại ra sao?
Đừng quên rằng: “Nếu bạn không thay đổi được những quân bài đã chia, hãy thay đổi cách chơi chúng!”. Bạn không thể quyết định cách dạy của nhà trường thế nào, nhưng bạn hoàn toàn quyết định được cách học của mình!
Đi lạc thật đáng sợ, nhưng không có gì đáng sợ bằng đi lạc trong chính con người mình, trong chính lối suy nghĩ của mình. Khi không thay đổi được thực tế, hãy thay đổi cách nghĩ, thay đổi thái độ sống của mình, từ đó thay đổi hành động, để thực tế này không còn làm chủ số phận của bạn, mà bạn phải chủ động đứng lên vẽ ra con đường và làm chủ vận mệnh của mình!

*THS NGUYỄN HOÀNG KHẮC HIẾU
(Khoa tâm lý giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM

Không có nhận xét nào: