Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

Buồn ơi là buồn

Truyện ngắn của Nguyễn Trí

 
Xóm có bốn mươi hộ. Điều nầy xóm trưởng Đào Hớn thông báo cho anh em biết trong quán cà phê chín Đẩu. Là nói để vui chơi thôi, lại thêm rằng bốn mươi hộ nhưng bốn mươi mốt nóc nhà, ba mươi tám Phật giáo, còn hai là Công giáo. Thằng Bình-bon nói:
Vậy là chín mưới tám phần trăm phật còn hai là công.
Đào Hớn mắng vô mặt:
Mày ăn cái gì mà ngu vậy, tính sao mà chín tám?
Chớ tính sao, ai biết cha nội.
     -    Lấy ba tám chia cho bốn mươi, nhơn một trăm, mới gọi là tỉ lệ phần trăm, là ta có chín mươi lăm phần trăm hiểu chưa ông con?
    Thiệt mà nói, dân xóm nầy trên răng dưới một rổ củ từ. Nghèo nên dốt cũng phải thôi. Đào Hớn có hơn ai, lớp sáu là hết đát. Xóm không còn ai nên mới được làm xóm trưởng, họp hành, học tập đâu được thời gian bày đặt ra cái vẽ chớ lạ gì... Vậy. Dốt nên nghèo và ngược lại. Mà nghèo thì đâu có ai đổ cho dốt, họ đổ cho số phận. Số phận  được chủ trì bởi ai vậy kìa? Mấy người theo Thiên Chúa Giáo nói là bởi Đức Chúa Trời. Còn Phật Giáo? Ông Ngọc Hoàng chứ ai vô, và đấng linh hiển nhất có thể tiếp xúc được với ổng chỉ có đức Thích Ca Mầu Ni. Chín mươi lăm phần trăm dân xóm không ai không ghé cái nóc nhà thứ bốn mốt. Cái nóc nầy, tại có nóc nên gọi nhà, chứ thật ra chẳng biết kêu chi.
     Nó tọa lạc trên đất của bà Thâm má con Thúy. Được dựng lên bởi thầy Nam-tụng. Trong cái nóc nầy có một tượng Quán Thế Âm lớn bằng con người ta, Có  chuông, mõ, cả bồ đoàn và kinh kệ. Nam-tụng nghe rằng tu đâu đó, nhưng không đắc nên phải ra đời. Thầy mặc áo nâu, đầu trọc lóc đi phụ hồ, hiền không thể chê. Bà Thâm cần sửa cái chuồng heo, liền nhờ thợ. Thợ chỉ đạo thầy Nam ra tay. Bên không chồng nhưng có đứa con. Bên độc thân đạo hạnh nửa vời, lẹo tẹo sao đó mà Nam được phép ở luôn trong nhà. Lòng trần có, lòng đạo cũng có luôn, thầy Nam dựng lên một nơi để có chỗ gọi là tu tại gia.
     Xóm nghèo xa chùa lắm, những chục cây số đường mưa bùn nắng bụi, phải những lễ lớn như Vu Lan, dân mới lọ mọ đến chùa, còn bình thường, cứ bẩy giờ tối họ tập trung lại nóc gia thứ bốn mốt mà cầu xin ơn trên phù hộ cho con và gia đình... chủ yếu thoát nghèo. Họ đến và ai cũng hiểu lòng thành phải được tượng trưng bằng hiện vật. Ai cũng có xem phim Tây Du Kí nên cũng biết, muốn có kinh thầy Đường Tăng phải trưng cái bình bát vàng. Không tiền là không linh, nên chi, ai đến cũng có tí tí, không nầy thì nọ, chủ yếu trái cây và nhang đèn cúng Phật. Có người quên mua, nhưng bù lại họ bỏ vô cái đĩa vài đồng bạc lẽ gọi là. Thấy vậy, thầy Nam đóng một cái thùng sơn son thếp vàng, đề ngoài hai chữ Công Đức, nên long trọng lắm. Lâu dần, ai cũng thấy tiền bỏ  tiện hơn, và tiền chắc hơn.
      Bà Thâm ung dung. Sáng đến tối chầu bên quán chín Đẩu điều binh khiển tướng. Ba cái tứ sắc vui chơi, ăn thua gì. Lâu lâu xóm trưởng cũng ghé xòe  đỡ ghiền. Thầy Nam hiền lắm, vợ muốn làm chi đó làm. Sáng, sau công phu khuya, thầy dọn vườn, trồng cây, lên luống hoa. Con Thúy, mới lớp bảy, ưng lên nó tuyên bố nghĩ học, thầy có khuyên, nhưng má nó nói:
Kệ  đi, con gái học chi nhiều.
    Vậy là nhỏ ghé sòng lượm bài cho má xòe. Bạn bè rủ thì lượn. Nhỏ xin cái di động, thầy Nam cho ngay. Xóm nghèo nó bảnh nhứt, con một mà. Ai cũng nói bà Thâm có phước, vớ được ông chồng không cày sâu cuốc bẩm mà có tiền. Nói vậy chớ ba đồng bạc trong thùng công đức đáng là bao. Đúng vậy. Vợ chồng thầy Nam đâu có trông vô đó. Cái khác ngon hơn nhiều.
     Cái ngon lành là ba vụ đám ma. Xóm nầy, và mấy xóm lân cận, mỗi lần nhà có người về với Tây Phương, ai cũng mời Thầy Nam đi tụng. Cái tên Nam-tụng từ đó mà ra. Mấy dịch vụ mai táng không phải là không có, nhưng mấy tay chuyên tụng đám, cứ một họ hai đêm ba ngày, bạc triệu đi lên. Chuyện tang ma, nghĩa tử là nghĩa tận chả ai luận chi tiền, có điều họ quấy quá, chủ yếu đến ăn nhậu, phê phê vô, kinh tụng đoạn có, đoạn ê ê a a. Thầy Nam từng ở chùa, đâu thể chối từ chuyện bà con nhờ cậy. Vậy là bài bản được thầy soạn lại. Khi thù lao thầy chỉ lấy một nửa so với người ta. Chủ yếu giúp bà con thôi. Và nhờ vậy nên đám nào cũng có mặt thầy. Thầy có tiền dựng cái chổ thờ phượng bằng gạch, thêm một pho Thích Ca tọa thiền, nhìn cứ tưởng nóc nhà thứ bốn mốt là đất Phật chính tông.
       Thiên hạ trên ta bà ai cũng mong được nửa phần Nam tụng. Than ôi, đời đâu phải  tiền là tất cả. Nhưng tất cả chỉ vì tiền mà chạy theo thiếu cái bở hơi tai. Con bé Thúy mới mười sáu tuổi cũng chả muốn ngữa tay xin tiền má, nó theo bè bạn đi tiếp viên mấy quán cà phê ngoài lộ mới. Quán xá xứ nầy buôn bán chắc được lắm nên mỗi quán cần năm sáu đứa trẻ trẻ xinh xinh. Bà Thâm nghe ông chồng tu hành nói con Thúy lấp ló ở mấy quán mờ mờ, nghe và quan tâm là hai chuyện khác nhau. Ôi dào, mới mười sáu, con nít ranh, lo chi cho mệt. Và không lo nên mệt.
      Tội nghiệp Nam tụng. Bây giờ thầy có khổ hơn. Hết công phu tối, công phu khuya, hết tiền trong thùng công đức, rồi tiền tụng đám ma. Đâu có đủ mà lo cho con bé ham chơi, dại dột. Lớn bụng lên nó tự giải quyết, gây hậu quả trầm trọng. Má nó phải bỏ sòng lo cho con.
      Hôm qua thiên hạ gặp thầy Nam đang từng bước chân thiền học, trên đường, tay ôm bình bát, áo cà sa vàng đi khất thực. Thời nầy ít ai cho thực lắm, bình bát thầy, không phải vàng, nhưng của bá tánh có thể sắm được vàng mà lo cho con của vợ.
      Buồn thật. 

Không có nhận xét nào: