Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2013

Ðạo Phật đối với vấn đề Phát triển lâu bền và Bảo vệ Môi trường - phần 2

T.S. Lê Văn Tâm  - Ðại Học Göttingen, CHLB Ðức


Xem lại phần 1
Trong cùng trăn trở và nổ lực truy tầm một nội dung phát triển mới, không ngầm chứa đại họa cho nhân loại, Meadows đã công bố năm 1972 "Phúc trình thứ nhất" cho "Câu lạc bộ Rome" về "Những giới hạn của phát triển" (23). Phúc trình này đã được dịch ra 29 thứ tiếng, là tiếng chuông đầu tiên vang dội khắp toàn cầu, đánh thức con người phải suy nghĩ lại và đặt lại vấn đề phát triển. Tiếp theo đó, "Global 2000" - phúc trình gởi tổng thống Mỹ 1980, "Mô hình thế giới Brundtland 1987, v.v... đã đề nghị những nội dung phát triển bền vững, không phá hoại những cơ hội phát triển của thế hệ mai sau. Hội nghị Thượng đỉnh về quả đất 1992 của 178 nước trên thế giới tại Rio de Janeiro, có thể xem như là một cuộc tổng kết chung, với khẳng định rằng, để "phát triển lâu bền", phải "bảo vệ môi trường".
Hội nghị Thượng đỉnh Rio 1992, tuy gặp nhiều ngờ vực và chỉ trích, song đó là một cố gắng lớn, nhằm tạo khúc quanh mới cho sự phát triển bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường. Nó đã trở thành biểu tượng của một ý thức mới về sự hợp quần chung lãnh trách nhiệm xây dựng "một thế giới" (xóa bỏ sự phân chia "thế giới thứ nhất", "thế giới thứ hai" và "thế giới thứ ba").
Sự "phát triển lâu bền" được quan niệm như là một sự phát triển nhằm thỏa mãn những nhu cầu cơ bản về vật chất, tinh thần và văn hóa cho cả thế hệ hiện tại lẫn thế hệ tương lai. Một mặt, nó đòi hỏi phải cải thiện những điều kiện sống trên lãnh vực kinh tế và xã hội sao cho phù hợp với sự bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Mặt khác, nó đòi hỏi một sự quan tâm và chịu trách nhiệm chung về những vấn đề môi sinh, kinh tế, văn hóa và xã hội, trên bình diện quốc gia cũng như quốc tế. "Sự phát triển lâu bền" được nhất thể hóa với "sự bảo vệ môi trường". Trong sự nhất thể hóa này, nội dung của "sự phát triển lâu bền" bao gồm 4 điểm cơ bản:
1. Ðáp ứng được những nhu cầu cơ bản của người dân;
2. San bằng hố sâu cách biệt giữa giàu nghèo và hoàn cảnh xã hội;
3. Bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên và giữ gìn sự trong sạch của môi trường;
4. Tạo những điều kiện tốt giúp con người nhận thức được giá trị làm người, hiểu rõ được những vấn đề chung của nhân loại và biết rõ những gì ưu tiên cần phải thực hiện trước, cũng như giúp con người đạt được quyền tự quyết trong cộng đồng.
Về mặt "bảo vệ môi trường", chúng ta có thể hiểu một cách hạn hẹp rằng đó là chống ô nhiểm không khí, đất đai, sông suối hoặc bảo vệ các loài hoang dại trước sự diệt chủng. Nội dung của thuật ngữ môi trường, trên mặt xã hội, được hiểu là hoàn cảnh của con người, của gia đình và của tập thể. Về mặt không gian, môi trường là địa bàn, là khu vực sinh sống của con người dù cho rộng hẹp thế nào chăng nữa. Ðó là những công trình xây dựng. Ðó là làng xã, huyện tỉnh, quốc gia và sinh quyển. Về mặt sinh vật và sinh thái học, môi trường bao gồm giới vô sinh (đất, nước, không khí) và hữu sinh (con người, giới động và thực vật) (24). Bởi vậy, "bảo vệ môi trường", trên khía cạnh sinh thái, không chỉ giới hạn trong mục tiêu bảo vệ thiên nhiên và qui hoạch cảnh quan. Nó còn bao gồm mục tiêu làm thanh lịch quê hương, đất nước, các nơi giải trí, du lịch và mạng lưới cây xanh trong thành phố. Về mặt vệ sinh và công nghiệp, mục đích của "bảo vệ môi trường" bao gồm sự giữ sạch môi trường không khí, nước và đất đai, cũng như xử lý rác và những chất độc hóa học, làm giảm sự gây gắt của thời tiết và ngăn ngừa các tia độc hại.
Ðể thực hiện "sự phát triển lâu bền" gắn liền với "sự bảo vệ môi trường", cần phải thi hành triệt để hàng loạt biện pháp, chủ yếu là ổn định dân số, tăng hiệu năng và sự sử dụng năng lượng, sử dụng năng lượng mặt trời và sức gió, sử dụng tiết kiệm các nguồn nguyên liệu, ổn định hệ sinh thái nông và lâm nghiệp, phân phối kỹ nghệ, giảm thiểu và xử lý ô nhiểm. Về mặt tinh thần, con người phải thay đổi quan niệm đánh giá thiên nhiên một cách hời hợt, nhất là phải thay đổi thói quen tiêu dùng.
Nội dung của quan niệm "phát triển lâu bền" trong nhất thể với "bảo vệ môi trường" trên đây, gặp gỡ rất nhiều điểm trong nội dung con đường sống Bi Trí Dũng mà Ðức Phật chỉ dạy cho những "ai khôn ngoan muốn tìm hạnh phúc và ước mong sống với an lành". Nội dung này, một phần đã được mô tả qua kinh Từ Bi (25). Thiết nghĩ cũng nên ôn lại vài điều.
Thứ nhất, mục đích tối thượng của con đường Bi Trí Dũng là "Ðem an vui đến cho muôn loài". "An vui" là ý nghĩ chân thật của cuộc sống. Ý nghĩa này không nằm trong giàu sang địa vị, quyền bính hoặc danh vọng. An vui chỉ đạt được khi 3 điều kiện tối thiểu sau đây được thỏa mãn, đó là : nhu cầu vật chất tối thiểu được đáp ứng; ô nhiểm, đe dọa và hiểm họa của môi trường được tiêu trừ; và tâm hồn được sung mãn với những giá trị Chân Thiện Mỹ. Nhưng an vui không chỉ dành riêng cho con người mà phải lan rộng đến "muôn loài", đến chúng sinh, đến tất cả mọi sinh thể.
Ðể phục vụ "muôn loài" trước tiên phải đạt đến một trình độ nhận thức cao. Ðó là sự thấy rõ tính bình đẳng của sự sống và giá trị bình đẳng của sự sống trong mọi sinh thể. Nền tảng của nhận thức này là sự hiểu biết rõ ràng về đời sống và điều kiện sống của các sinh thể, về tác động qua lại của chúng, về nguyên nhân và hệ quả thiện ác, đồng thời hoặc dị thời của mạng lưới duyên sinh trong dòng sinh thành dị diệt vô tận. Kế tiếp là phải mở rộng con tim, một con tim biết thương yêu và quí trọng sự sống tràn đầy khắp nơi nơi, bất luận trên địa bàn nào, tại sinh cảnh và trú quán nào, dù "ở gần ta hoặc ở xa ta" (Kinh Từ Bi), trên không, tại mặt đất, trong nước v.v... ("Tầng trên, phía dưới và khoảng giữa", Kinh Từ Bi).
Thứ hai, sự đem an vui đến cho muôn loài đòi hỏi một ý thức về giá trị bình đẳng của sự sống xuyên thấu thời gian, từ thế hệ này đến thế hệ khác ("Ðã sinh rồi hoặc sắp sinh ra", Kinh Từ Bi). Cuộc sống và sự phát triển của chúng ta hôm nay, không thể cướp mất những điều kiện sống và cơ hội phát triển của con cháu ngày mai, không thể để lại ô nhiểm và hiểm họa cho hậu duệ và phó mặc chúng giải quyết thế nào cũng được. Ðạo Phật đã không ngừng khuyên nhủ Phật tử phải thực hành hạnh tinh tấn : "Cố gắng tiêu trừ những điều ác đã sinh. Cố gắng đè nén những điều ác có thể phát sinh. Cố gắng làm cho những điều thiện phát sinh. Cố gắng phát huy những điều thiện đã sinh". Tinh tấn là sức mạnh chuyển đổi bền bỉ, có khả năng tiêu trừ tích cực và mang chất lượng Chân Thiện Mỹ đến cho đời.
Thứ ba, sự đem an vui đến cho muôn loài, đòi hỏi một quyết tâm nhận lấy trách nhiệm vì muôn loài. Trách nhiệm này cần được thể hiện một cách rốt ráo, với tất cả con tim và dũng lực của một bà mẹ thương đứa con duy nhất, "dám hy sinh bảo vệ cho con" (Kinh Từ Bi).
Ba điều vừa nêu trên trong con đường Bi Trí Dũng có thể giúp Phật tử chúng ta khỏi chạy quanh tìm kiếm những nội dung và nguyên tắc hành động khác, hầu đóng góp tốt hơn cho đường hướng phát triển lâu bền gắn liền với sự bảo vệ môi trường hiện nay. Vấn đề còn lại là Phật tử có thể làm gì một cách cụ thể ? Dĩ nhiên mỗi người có thể tự tìm câu trả lời riêng và hành động thích ứng với khả năng và hoàn cảnh của mình; song, Phật tử cũng có thể chung nhau tìm những việc cụ thể vừa hợp với khế lý và khế cơ, vừa có khả năng cổ động sự trợ lực của nhiều người. Sau đây xin nêu vài gợi ý :
1. Trước hết, mỗi người phải tự bắt đầu từ bản thân trong cuộc sống hàng ngày. Ðức Phật đã đề nghị trong Kinh Từ Bi rằng Phật tử nên "sống giản dị", "vui với đời giản dị". Cuộc sống giản dị giúp chúng ta giới hạn nhu cầu của mình trong chừng mực cần thiết. Thói quen tiêu dùng và lòng ham thích xa hoa là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp khiến cho các nguồn tài nguyên bị khai thác và lạm dụng dữ dội, khiến cho nhiều nhân tố phục vụ sự phát triển ngày mai bị mất đi. Sống thiểu dục và biết đủ, theo lời Phật dạy, là đóng góp tích cực cho sự ổn định dân số, tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng và làm giảm sức ép vào môi trường và các hệ sinh thái tự nhiên.
Sống giản dị không có nghĩa là sống không có chất lượng. Chất lượng của Ðạo Phật là "an vui", thay vì tham lam, "bận rộn"; là cố gắng bảo vệ muôn loài, thay vì thờ ơ giết hại sinh mạng và hủy diệt điều kiện sinh tồn của chúng sinh; là hợp tác vì lợi ích chung ("đồng sự và lợi hành") thay vì cạnh tranh giành dựt cho quyền lợi riêng; là siêu vượt mình để thể nhập cuộc sống toàn diện, thay vì tách rời và đối nghịch lại thiên nhiên.
2. Quí vị tăng sĩ và cư sĩ quan tâm đến sự bảo vệ môi trường, có thể tiếp tay trong các công tác giáo dục và gây ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế sinh đẻ, nâng cao vai trò phụ nữ để thúc đẩy nhanh sự chuyển đổi thuận lợi cho hoàn cảnh chung v.v..., đặc biệt là giúp Phật tử mở rộng kiến thức, phân biệt rõ đâu là lý luận do tham sân si chi phối, đâu là hành động hợp với tinh thần Bi Trí Dũng trong nghiệp vụ và sinh hoạt hàng ngày.
3. Ðể đóng góp cụ thể cho sự bảo vệ môi trường, đặc biệt trên khía cạnh bảo vệ cảnh quan và sinh cảnh (biotope), có thể kiến tạo những cảnh chùa, tại nơi có mặt bằng thuận lợi, thành những điểm cảnh quan thanh lịch. Ngoài cây cảnh, cây ăn quả, cần trồng thêm một số cây rừng bản địa. Lý tưởng nhất là xây dựng nhiều tu viện cạnh rừng ("chùa đại tùng lâm", "chùa lâm viên"). Tại đây, nhà chùa lãnh trách nhiệm bảo vệ rừng thành khu bảo tồn thực và động vật hoang dã. Tại những vườn rau thuộc khuôn viên chùa, nên thử nghiệm phương phát trồng tỉa sinh học. Từ đó rút kinh nghiệm đóng góp cho cơ hội chuyển đổi phương pháp canh tác dùng quá nhiều phân hóa học và thuốc diệt sâu bọ. Ngày xưa, Ðức Phật đã động lòng thương sót những con trùng quằn quại sau lưỡi cầy, thì ngày nay, số người áp dụng phương pháp không đào cuốc, tránh giết hại sinh vật trong đất và tránh phá hủy trú quán của chúng, ngày càng đông đảo.
4. Quí vị tăng ni nên vận động Phật tử "trồng cây phước đức", "trồng cây trí đức" thay cho tục lệ "hái lộc", "bẻ lộc" hoặc cổ võ Phật tử đóng góp tiền cho việc xây dựng "chùa lâm viên", vượt thêm một bước xa hơn sự bố thí tiền gạo hoặc phóng sinh chim cá. Cũng có thể khuyến khích Phật tử xây dựng một môi trường sống thanh lịch bằng cách làm "sạch và đẹp từ bàn thờ trong nhà, ra ngoài sân, đến đường đi và cùng khắp đất nước". Lòng tôn kính Ðức Phật, tình yêu quê hương nhờ đó phát triển mạnh mẽ hơn.
_______
Cuộc phát triển vừa qua không chỉ đem lại cho con người và quả đất toàn những thuận lợi. Nó cũng gây ô nhiểm, làm hủy hoại thiên nhiên và để lại mần móng hiểm họa cho ngày mai. Nhiều học giả đã gọi đó là cuộc khủng hoảng sinh thái. Nhưng xưa nay thiên nhiên và môi trường vẫn im lặng, không hề la hét phản đối bất cứ một sự gây ô nhiểm và đầu độc nào, không hề đi biểu tình đòi quyền sinh tồn. Những tiếng kêu cấp bách "phải đặt lại vấn đề phát triển", "phải bảo vệ thiên nhiên và môi trường", "đại họa" có thể xảy ra, "phải thay đổi thói quen tiêu dùng", "phải chuyển đổi tư duy"..., tất cả đều phát xuất từ con người, từ mối lo âu cho sự tồn vong của con người. Ô nhiểm và hiểm họa đều là hậu quả của tư duy và hành động của con người. Cuộc khủng hoảng được gọi là "khủng hoảng sinh thái", thực chất là cuộc khủng hoảng văn hóa và tâm linh, phát sinh từ Tham Sân Si của con người. Ðức Phật đã trao cho Phật tử chúng ta vũ khí Bi Trí Dũng để đối trị Tham Sân Si, để xây dựng nếp sống an vui, giải thoát cho mình, cho người và cho muôn loài. Ðạo Phật không ngừng gieo hạt giống lành trong con tim và khối óc của Phật tử, không ngừng nhắc nhở Phật tử phải tinh tấn. Nếu chúng ta tinh tấn vun trồng cây thiện, chắc chắc chúng ta, nếu không hôm nay thì ngày mai, sẽ gặt hái cho mình, cho con cháu mình và cho đời những quả thiện.
_______
Tài liệu tham khảo.
*01. Hauser, Jürgen A. : Bevölkerungs und Umweltprobleme der dritten Welt (Những vấn đề về dân số và môi trường của thế giới thứ ba), Tập 1, Bern và Stuttgart, 1990, tr. 275-277.
*02. Engelhardt W. : Bevölkerungsentwicklung (Sự phát triển dân số). Trong : Handbuch für planung Gestaltung und Schutz der Umwelt (Sách tham khảo về qui hoạch, kiến trúc và bảo vệ môi trường). Nxb. Buchwald/ Engelhardt, Tập 1 : Die Umwelt und Menschen (Môi trường và con người), München-Bern-Wien 1978, tr. 46-49.
*03. Sadik, Nafis : Bevölkerung, Umwelt und nachhaltige Enwichlung (Dân số, Môi trường và Phát triển lâu bền). Trong : Nach dem Erdgipfel (Sau Hội nghị Thượng đỉnh về quả đất). Người phát hành : Stiftung Entwichlung und Frieden (SEF), Bonn-Bad Godesberg 1992, tr. 22-25.
*04. Lütgens R. : Die geographischen Grundlagen und Probleme des Wirtschaftslebens (Cơ sở địa lý và Vấn đề của đời sống kinh tế), Stuttgart 1950, tr. 187.
*05. World Resources Institute/ United Nations Environment Programme/ United Nations Development programme : Internationaler Umweltatlas, Jahrbuch der Umweltressourcen (Niên biểu về tài nguyên môi trường). Bản dịch Ðức ngữ của Kaufmann W. Landsberg/Lech 1993, tập 5, tr. 192.
*06. Phạm văn Trình : Dân số và nhà ở đô thị, Việt Nam. Nxb. Xây Dựng, Hà Nội 1987, tr. 14. Hoặc : báo "Nhân Dân", ngày 22.01.1986.
*07. Eigen M./ Winkler R. : Das Spiel, Naturgesetze steuern den Zufall (Trò chơi, Những định luật tự nhiên lèo lái sự tình cờ), München 1976, bản in lần thứ 2, tr. 228.
*08. Hauser, Jürgen A. : Sách đã dẫn, tr. 151.
*09. Ban chủ nhiệm chương trình 5202 : Việt Nam, những vấn đề tài nguyên và môi trường, Hà Nội 1986, tr. 34.
*10. Ban chủ nhiệm chương trình 5202 : sđd., tr. 21.
*11. Bundesministerium für wirtschaftlich Zusammenar-beit und Entwicklung (Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Ðức) : Entwicklungpolitik (Chính sách phát triển, Bonn, số 13/1995, tr. 388-389.
*12. Hoàng Ðiền (Chủ biên) và 12 tác giả khác : Tư liệu điều tra và qui hoạch rừng. Nxb. Khoa Học và Kỹ thuật, Hà Nội 1980, tr. 16-18.
*13. Ban chủ nhiệm chương trình 5202 : sđd., tr. 40.
*14. Center for science and Environment : The wrath of Nature : The Impact of Environment Destruction on Floods and Droughts. New Delhi 1987.
*15. Như chú thích 05, tập 5, tr. 58.
*16. Council of Environmental Quality : The Global 2000 - Report to the President, Washington 1980, tr. 373.
*17. Deutscher Naturschutzring, Bundesverband für Umweltchutz (NDR :... für die Jahreszeit zu warm (... theo mùa thì quá ấm), Bonn, tr. 4-5.
*18. Phùng Trung Ngân : Con người và môi trường : Bảo vệ môi trường - Cho hôm nay và mai sau. Chủ biên Nguyễn Thiện Tống. TP. Hồ Chí Minh 1991, tr. 19.
*19. Houghton Richard A. và Woodwell George M. : Globale Verảnderung des Klimas (Sự biến đổi khí hậu toàn cầu). Spektrum der Wissenschaft, tháng 6/1989, tr. 106-114.
*20. Như chú thích 11, số 5/1995, tr. 144.
*21. Như chú thích 05, tập 2, tr. 210.
*22. Schumacher E.F.:Small is Beautiful,New-York 1975.
*23. Meadows D.L. và Meadows D.H. : Das global Gleichgewicht. Modell-Studien zur Wachstumskrise (Sự quân bình toàn cầu). Stuttgart 1974.
*24. Wicke, Lutz : Umweltökonomie (Kinh tế môi trường) Vahlens Handbücher der Wirtschaft und Sozial-wissenschaften (Sách tham khảo về khoa học xã hội và khoa học kinh tế). München 1991, xb. lần thứ 3, tr. 5-6.
*25. Hội Phật tử Việt Nam tại Pháp/ Thiền đường Trúc Lâm. Nghi thức lễ Phật, Paris 1978, tr. 14-16.

Không có nhận xét nào: