Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

THEO DÒNG THỜI GIAN

QUANG ĐẶNG

 Buổi chiều đi ngang qua rạp chiếu phim gần nhà, bỗng dưng bị kẹt cứng giữa đám đông người và xe cộ, tôi thắc mắc không biết phim gì mà hút thiên hạ đến vậy. Nhìn thẳng phía trước, poster phim Les Miserables (NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ - NNKK)  thật lớn đập vào mắt tôi. Tên phim vừa lạ lại vừa quen. Lạ vì là tên cũ nhưng lại mới sản xuất năm 2012. Quen vì đó là tên một bộ phim đã từng xem vài lần trước đây, nhưng mỗi mốc thời gian, mỗi lần xem tôi lại có những cảm nhận khác nhau về NNKK.
Mùa hè năm lớp 7, chị tôi dắt tôi đi xem phim NNKK tại một rạp chiếu phim nhỏ ở thị xã T. Ngày ấy, sau khi xem phim xong, trong đầu óc non nớt của một đứa trẻ đã nhen nhúm điều hoài nghi: có phải nỗi thống khổ của nhân vật chỉ có trong phim ảnh?
Đầu năm lớp 12 tôi lại xem NNKK lần thứ hai tại rạp Vĩnh Lợi, một rạp chuyên chiếu phim cũ ở Sài Gòn. Vì là xuất phim cuối nên hơn 10 giờ tối tôi mới rời khỏi rạp. Trời đang mưa. Sài Gòn đi ngủ sớm. Phố vắng tanh. Khi đi dọc trên hè phố để tránh mưa, tình cờ tôi phát hiện một Sài Gòn với những hình ảnh rất tương phản. Mưa nặng hạt vẫn không ngăn ánh đèn màu rực rỡ tỏa ra từ các điểm ăn chơi. Nhìn những dãy dài xe hơi đậu trước các bar, vũ trường, không ai tin Sài Gòn đang thời chiến. Nhưng bên cạnh vẻ hào nhoáng đó, còn có một Sài Gòn khác đang tồn tại. Rải rác dưới mái hiên các hiệu buôn, có người không nhà đang cuộn tròn trong manh chiếu rách. Có tiếng rao khắc khoải của cụ già trên phố vắng. Có em bé đánh giày rét run dưới mưa lạnh. Nghĩ đến hình ảnh của NNKK trong phim vừa xem, nhìn tận mắt những cảnh khốn cùng trên phố. Đêm đó tôi đã có câu trả lời cho nỗi hoài nghi lúc nhỏ: cuộc đời và phim ảnh đôi khi chỉ là một.
Nhiều năm đã trôi qua.Tôi không nhớ lần cuối vào rạp chiếu phim là khi nào. Thói quen ghiền ciné từ lâu đã bị bỏ quên vì thời gian và cơm áo. Nhưng buổi chiều hôm kẹt xe không hiểu lý do gì đã thôi thúc tôi vào rạp. Vì chút đam mê ngày cũ? Vì tò mò muốn biết NNKK 2012 khác với NNKK ngày xưa ra sao? Hay là vì dòng chữ phim nhạc kịch quyến rũ dưới poster?. Không biết lý do nào thuyết phục hơn lý do nào, nhưng một lần nữa sau bao nhiêu năm cái tên Les Miserables lại cuốn hút tôi…
Truyện phim dựa vào tác phẩm văn học Les Miserables của nhà văn Victor Hugo, nhưng một số chi tiết trong phim hơi khác so với nguyên bản gốc. Có lẽ do mô phỏng giống như vở nhạc kịch cùng tên Les Miserables.
Truyện kể về một người đàn ông có tên Jean Valjean (Hugh Jackman), vì ăn cắp ổ bánh mì cho đứa cháu gái sắp chết đói mà phải chịu án 19 năm tù khổ sai. Toàn bộ câu chuyện là cuộc rượt đuổi của Jean Valjean và viên thanh tra Javert (Russell Crowe). Sau khi ra khỏi tù, Jean Valjean lại ăn cắp bộ đồ bạc của một linh mục, nhưng thay vì bị đẩy trở lại ngục tù thì chính vị linh mục này đã đánh thức tính thiện trong con người của Jean Valjean.
Tám năm sau, ông trở thành một chủ xưởng may giàu có và là thị trưởng nhân từ của một thành phố. Tại đây ông đã gặp Fantine (Anne Hathaway), một cô gái điếm mẹ của Cosette (Amanda Seyfried) và trở thành cha nuôi của Cosette sau khi Fantine qua đời. Để trốn chạy Javert, Jean Valjean đưa Cosette tới Paris. Cosette lớn lên trở nên xinh đẹp, tình cờ gặp và yêu Marius (Eddie Redmayne) một thanh niên giàu có nhưng lại chối bỏ giai cấp của mình, đến sống chung với những người lang thang cùng khổ. Khi cuộc cách mạng của những người Cộng hòa nổ ra ở Paris, vì hạnh phúc của Cosette, Jean Valjean đã tham gia cách mạng với mục đích là bảo vệ cho Marius. Cuộc khởi nghĩa thất bại, Jean Valjean cõng Marius bị thương nặng trốn thoát bằng ống cống ngầm ở Paris. Sau khi Marius bình phục, Jean Valjean đã trao Cosette cho Marius, đồng thời kể hết tất cả bí mật đời mình cho Marius và ra đi. Ngay trong đám cưới, Marius biết được người cứu mình chính là Jean Valjean nên đã cùng Cosette đi tìm ông. Cuối cùng Jean Valjean đã chết thanh thản trong vòng tay thương yêu của Cosette.
Đã từng đọc truyện NNKK rồi cũng đã xem phim, nhưng chưa lần nào NNKK đem lại cho tôi nhiều cảm xúc như lần này. Tôi nghĩ có lẽ vì những trải nghiệm của cuộc đời, vì đôi lần chính mình cũng “khốn khổ”, nên mới có những thông cảm sâu sắc như vậy.
Trong hai tiếng rưỡi đồng hồ, tôi chiêm nghiệm được nhiều điều mà khi xem phim lúc nhỏ chưa nhận ra nơi NNKK. Đó là sự xung đột giữa cái thiện và cái ác, sự đấu tranh không khoan nhượng giữa luật pháp và tình người, luật nhân quả “Gieo gì gặt nấy” hay “ Vay trả, trả vay” xuất hiện xuyên suốt trong phim. Bên cạnh đó phim cũng đã tái hiện lại lịch sử của nước pháp thời bấy giờ. Phim trường và những cảnh quay y như thật cho chúng ta cảm giác mọi diễn biến của nước Pháp ngày ấy đang hiện ra trước mắt. Đó là cuộc nổi dậy của những người Cộng hòa, cảnh trốn chạy trong ống cống ngầm ở Paris và một Paris có quá nhiều người cùng khổ. Vừa mô tả nỗi bất hạnh tận cùng của NNKK, bộ phim đồng thời cũng là một bài ca về tình yêu. Cao hơn hết thảy là tình yêu của thiên chúa. Chính thiên chúa mà đại diện là linh mục Myriel đã mở cánh cửa cho tâm hồn lạc lối của Jean Valjean. Một tình yêu lớn nữa là tình yêu tổ quốc được thể hiện rõ trong những cảnh khởi nghĩa của người dân Paris. Rồi tình phụ tử vô bờ bến của Jean Valjean dành cho Cosette.Tình mẫu tử đầy hy sinh của Fantine. Và một tình yêu khác nữa với rất nhiều màu sắc trong phim là tình yêu nam nữ. Đó là tình yêu lãng mạn giữa Marius và Cosette, tình tuyệt vọng của Fantine và tình đơn của Eponine.
Nếu nói tính nhân bản của bộ phim đã đem lại cho tôi  nhiều cảm xúc thì dường như chưa đủ, vì còn những lý do khác chưa nói đến như: Kịch bản hay, dàn diễn viên nổi tiếng, bàn tay dàn dựng tài ba của đạo diễn Tom Hooper…Nhưng có một thứ tôi cho là quan trọng hơn cả, đó chính là âm nhạc. Âm nhạc kết hợp với điện ảnh đã làm NNKK thăng hoa, tạo thêm một diện mạo mới cho kiệt tác của đại văn hào Victor Hugo. Trong suốt bộ phim chỉ có vài câu thoại ngắn ngủi, toàn bộ thời gian còn lại đều dành cho âm nhạc. Và những bài tình ca bi thương, những đoạn hùng ca đầy dũng khí đã trở thành suối nguồn cảm xúc len lỏi qua từng ngóc ngách tâm hồn tôi. Trong bóng tối của rạp chiếu phim, tôi vẫn nghe được những tiếng xuýt xoa đồng cảm “Hay quá! cảm động quá!”. Được biết trong quá trình thu hình, đạo diễn buộc tất cả diễn viên phải hát live. Tại hiện trường họ dấu micro trong trang phục và chỉ hát cùng đàn piano. Chính vì sự đòi hỏi cao của đạo diễn, chúng ta mới có những lời ca đầy chất thơ được thể hiện cùng với những cảm xúc chân thật nhất.
Anne Hathaway
Trong tất cả những nhân vật có ba vai diễn để lại ấn tượng mạnh trong tôi là Jean Valjean (Hugh Jackman), Javert (Russell Crowe) và Fantine (Anne Hathaway).
Với giọng ca và lối diễn xuất điêu luyện, Hugh Jackman đã tạo dựng hình tượng một Jean Valjean khó có ai thay thế được. Trong con người mang trọng tội suốt đời phải chạy trốn lại ẩn chứa một tâm hồn cao thượng. Sẵn sàng nhận lỗi về mình và dang tay ra với những người bất hạnh. Một trong những cảnh tôi cho khó quên nhất là khi Jean Valjean quì trước chúa với tâm trạng đầy dằn vặt. Quá bất ngờ khi được vị linh mục cứu sống, con người gần như không còn niềm tin, không biết chính mình là ai này đã quyết tâm làm lại cuộc đời. Con số tù 24601 và câu hỏi Who am I? đã vang lên nhiều lần trong cơn khủng hoảng ấy. Và hình ảnh Jean Valjean cất cao tiếng ca khỏe  khoắn: một chương mới sẽ được mở ra, bước chân mạnh mẽ tiến về phía trước, chính là phân đoạn thành công nhất của Hugh Jackman. Theo tôi, góp phần cho sự thành công đó có sự đóng góp không nhỏ của những cảnh quay tuyệt đẹp. Nhất là cảnh Jean Valjean xé tan tờ giấy thông hành oan nghiệt. Một trong những mảnh giấy rách bay chấp chới trên trời cao đen xám, tu viện bên dưới thì nhỏ dần chơ vơ giữa núi, thân phận con người trông mới nhỏ bé làm sao!
Đối lập với hình ảnh Jean Valjean là thanh tra Javert do Russell Crowe đóng. Câu hát: Một lần trộm là cả đời trộm của Javert vài ngày sau vẫn còn ám ảnh tôi. Những ý nghĩ cứng nhắc khi thực thi luật pháp của Javert đã tước đi nhiều lần cơ hội làm người tốt của Jean Valjean. Tấm giấy thông hành màu vàng dành cho những tội phạm nguy hiểm đã trở thành mục tiêu để Javert bám chặt Jean Valjean suốt đời. Nhưng cuối cùng con người đại diện của luật pháp đã phải bất lực trước đạo đức. Được Jean Valjean tha mạng trong một lần rơi vào tay quân khởi nghĩa, Javert tự hỏi 24601 là ai? Là một tên tù khổ sai? Một thị trưởng giàu lòng nhân ái? Hay là người tha mạng sống cho chính kẻ thù của mình? Đạo diễn khéo sắp đặt hai cảnh quay về Javert. Ở đầu phim Javert đứng trên thành cao nhìn xuống đe dọa Jean Valjean: Người đang đứng trên nấm mộ của mình rồi. Gần cuối phim, cũng từ trên thành cao nhưng lại là cảnh Javert buông mình xuống dòng nước tự vẫn. Hình ảnh đó không chỉ nói lên tâm trạng không lối thoát của Javert, mà còn là sự đầu hàng, mất niềm tin vào luật pháp.
Vai diễn nổi bật nhất không chỉ riêng tôi mà rất nhiều khán giả khác thán phục là Anne Hathaway trong vai Fantine. Trên nền phim được đạo diễn làm cho mờ mờ tối, thân phận của Fantine như chìm vào tận cùng dưới đáy xã hội. Không việc làm, không tiền, không nhà, con ốm sắp chết. Fantine đã phải bán tóc, bán răng và phải bán luôn lòng tự trọng còn sót lại để làm điếm nuôi con. Cô nằm bất động, lặng đi sau khi bị một khách làng chơi giày vò thân xác, tiếng ca não nề như từ địa ngục cất lên: Họ đang vui vẻ với một kẻ đã chết rồi. Và khi Anne Hathaway cất tiếng hát câu đầu tiên bài I dreamed A Dream, chung quanh tôi có nhiều tiếng sụt sùi. Cô không phải hát mà nhả từng chữ, từng chữ một. Mỗi ca từ là tiếng nức nở tận đáy lòng: Tôi đã mơ rằng tình yêu sẽ không bao giờ chết... Nhưng có những giấc mơ không thể thành hiện thực…Giờ thì cuộc đời đã giết chết những giấc mơ mà tôi đã mơ… Tuy chỉ là vai phụ nhưng tôi cho đó là một trong những vai diễn thành công nhất của bộ phim. Anne Hathaway cho biết đã phải hy sinh mái tóc dài óng ả, tự làm cho sụt ký gần như thảm hại để vào vai Fantine. Cô diễn thật đến nỗi khi Hugh Jackman (vai Jean Valjean) xem Anne Hathaway diễn thử, đã dự đoán cùng Tom Hooper đạo diễn: “Anh chỉ cần bật máy quay lên, lấy kịch bản khỏi tay cô ấy và cô ấy sẽ lấy giải thưởng của Hàn lâm viện”.
Từ một tác phẩm văn học được xuất bản năm 1862 của đại văn hào Victor Hugo, NNKK đã trải qua một cuộc hành trình “không khốn khổ” chút nào. Đã được chuyển thể thành nhiều vở kịch, phim. Nhưng nổi tiếng nhất là vở nhạc kịch cùng tên Les Miserables từng được dịch ra 21 thứ tiếng, công diễn tại 44 quốc gia trên thế giới. Và sau bao nhiêu năm, giờ đây trong phiên bản mới phim nhạc kịch, NNKK lại chứng tỏ giá trị bền bỉ của mình với thời gian: đạt được ba giải Quả Cầu vàng ở Mỹ, ba giải Bafta ở Anh. Và khi tôi đang viết những dòng chữ này thì tại lễ trao giải OSCAR lần thứ 85, NNKK đã chạm tay vào giải thưởng danh giá nhất của nghệ thuật thứ bảy: đạt đến ba giải OSCAR. Riêng Anne Hathaway đúng như dự đoán của Hugh Jackman và nhiều người, đã đạt được giải NỮ DIỄN VIÊN PHỤ XUẤT SẮC NHẤT trong cả ba giải: QUẢ CẦU VÀNG- BAFTA & OSCAR.
Ngẫm người lại nghĩ đến ta. Gần đây, trên Tivi hay các sân khấu ca nhạc, chúng ta thấy một vài ca sĩ sau khi hát xong thường la lớn: “Vỗ tay lên nào các bạn ơi!” hay “Xin một tràng vỗ tay nữa được không ạ”? Nhưng với phim Les Miserables vừa xem, tôi đã gặp những hình ảnh ngược lại: đẹp và hiếm thấy. Khán giả đến với rạp chiếu phim hôm đó có đủ mọi lứa tuổi. Tóc bạc có, thanh niên có và có cả những học sinh còn mang phù hiệu nhà trường. Khi hai chữ The end hiện rõ trên màn hình, mọi người chung quanh tôi dường như lặng đi, rồi sau đó không ai bảo ai những tiếng vỗ tay tràn ngập khán phòng. Rồi cũng Les Miserables sáng nay 25/2 trước màn ảnh nhỏ, khi dàn đồng ca NNKK với đông đủ các diễn viên ngân dài những âm thanh cuối cùng của liên khúc gồm những bài hát trong phim. Tôi thấy toàn bộ khán giả của nhà hát Dolby ở Hollywood đều đồng loạt đứng lên và vỗ tay không ngớt. Thế mới biết mọi sự tán thưởng, ngưỡng mộ đều xuất phát từ trái tim của khán giả và đó là một sự tự nguyện không thể khiên cưỡng hay yêu cầu mà có được.  
Từ hiệu ứng tuyệt vời của Les Miserables, tôi nghiệm ra một điều: khán giả dù thuộc thời đại nào, ở bất cứ nơi đâu, tuổi đời nhiều hay ít cũng không bao giờ quay lưng lại với nghệ thuật chân chính.

3 nhận xét:

MM nói...

Em nghĩ những tác phẩm như thế vẫn được đánh giá cao, và đạt được sự đồng cảm nơi người xem là do các vấn đề cốt lõi trong tác phẩm, sau nhiều thế hệ vẫn còn tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau.
Mỗi lần xem những tác phẩm cũ xong, em có cảm giác mặc dù con người luôn rất tự hào về sự phát triển chóng mặt của khoa học, công nghệ, kinh tế...nhưng thực chất vẫn không thể giải quyết các nỗi đau cơ bản của con người.
Có lẽ mối quan hệ kinh tế hiện tại trông có vẻ rất logic và công bằng lại không hoàn toàn như thế thầy nhỉ?!

http://vuisongmoingay.blogspot.com/ nói...

MM Thầy rất ngưỡng mộ comment này của em ! thật sự ngưỡng mộ đấy !

MM nói...

Dạ em cảm ơn thầy.
Em gần như bị bạn bè cách ly bởi mấy cái ý tưởng đó.