Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2013

NHỚ CHÁU

      NGỌC THU


Căn  bệnh mất trí nhớ của tôi làm cho một số sự việc bị đứt khúc. Tôi có thể tự tin về nhiều việc, nhưng không thể tự tin vào trí nhớ của mình nữa. Nhưng có những câu chuyện, những cảm xúc đã đi theo tôi và bám chặt không rời. Chính vì những cảm xúc mạnh mẽ ấy mà sản sinh ra tôi của ngày hôm nay.
            Một trong những câu chuyện đó là cái chết của đứa cháu 5 tuổi, và lúc đó tôi được 17 tuổi. tôi nhớ lúc ấy mình non trẻ, yếu đuối và ngu ngơ lắm!
            Non trẻ và ngu ngơ- vì lúc đó đứa cháu trai kêu tôi bằng dì Tám được đưa vô bệnh viện trong tình trạng hấp hối. Những ngày kế tiếp, trên danh sách bệnh nhân cần theo dõi nghiêm ngặt , tên cháu tôi và một đứa bé khác luôn thay phiên nhau đứng đầu. Mỗi ngày đến bệnh viện thăm cháu, tôi đi ngang phong trực và nhìn lên bảng để xem cháu có thuyên giảm chưa? Tôi ước mong tên cháu xuống hàng thứ năm, thứ sáu và có thể xuất viện. Nhưng suốt cả tuần liền, tôi luôn phải chứng kiến những cảnh tượng đau lòng.Tôi thấy bác sĩ trưởng ra lệnh cho rút tủy sống để xét nghiệm. tôi hy vọng qua xét nghiệm thì cháu sẽ thuyên giảm. nhưng ….. mấy ngày kế tiếp cháu càng mê man hơn, thời gian tỉnh táo ít dần. tôi đến thăm, thấy bác sĩ dẫn cả đoàn sinh viên thực tập đến ngay giường cháu, chỉ dẫn cách thức rút tủy sống lưng, và bác sĩ vừa  thực hành vừa giảng giải trên thân thể sống. cháu đau quá kêu lên:
            -Dì Tám ơi, con đau quá!
Tôi rớt nước mắt ôm lấy đầu cháu dỗ dành:
_Con ráng lên, rồi con sẽ hết bệnh!
Buổi chiều , cháu sốt mê man hơn, tôi gắng chườm mát cho cháu, nhưng cũng thấy vô hiệu, thỉnh thoảng cháu có tỉnh đôi chút, tôi nói chuyện cho cháu nghe:
_Con ngoan, ráng khỏe lên, dì Tám đưa con về nhà Dì Tám ở thành phố chơi cho biết
Nó cũng ước ao:
            _Rồi dì Tám mua hũ tiếu cho con ăn nghe, con thích được ăn hũ tiếu, chắc ngon lắm!
Tôi quay mặt giấu nước mắt đang chảy xuống má, gượng giọng cho cháu không biết mình đang khóc:
_ Ừ, con khỏe về nhà dì , dì mua hũ tiếu ngon cho ăn nghe.
Chiều hôm đó, bác sĩ lại dẫn một đoàn thực tập sinh đến giường cháu nữa. linh cảm mối nguy đang vây quanh, trong trí óc non nớt, tôi biết rằng cơ thể con người không cho phép lấy nhiều tủy như vậy.Lần này thì các thực tập sinh được hướng dẫn và trực tiếp lấy tủy. những dòng tủy trắng đục theo kim chích chảy ra. Có vài người run tay khi thấy những người khác gập lưng cháu lại và lấy kim chọc vào tủy sống. Hết người này, đến người khác, từng dòng tủy chảy ra…từng ống , từng ống.. có người không thành công trong lần đầu và… được phép làm lại.!
            Cháu hét lên :
            _Đau quá! Dì Tám đừng cho họ làm nữa!
Tôi nghe tiếng thét của cháu, lòng đau như cắt. Tôi hiểu không phải lấy để xét nghiệm nữa mà là thí nghiệm trên thân thể sống. Tôi giận quá, hết sợ,  lấy cam đảm đẩy mạnh những người đó ra, tôi dứt khoát ngăn họ, lấy lưng mình che cho cháu. Tôi cũng hét lên trong tiếng nấc:
            ­_Đừng rút nữa, đừng làm cháu tôi đau nữa!
Tôi khóc nấc lên. Khóc vì đau đớn thay cho cháu, khóc không kiềm chế! Khóc vì mình quá bất lực!
Đoàn người thực tập xong việc kéo đi, tôi ôm cháu trong lòng mình, ước muốn phải chi mình bệnh thay cháu được thì tôi cũng sẵn lòng! Tôi im lặng, không nói được gì nữa, tôi biết cháu đang rất đau….nhưng  tôi còn đau hơn nữa vì linh cảm xấu….Tôi cắn chặt môi, nước mắt tuôn thành dòng, gắng không dám gây tiếng nấc .
            Cháu thiếp đi trong đau đớn
Chiều muộn, màn đen tối sẫm. Tôi hôn cháu, nắm bàn tay non nớt mà sức sống chỉ còn mong manh trước khi rời cháu ra về vì sáng mai còn đi học
           Trên đường đạp xe từ bệnh viện về nhà, những bóng đen ý nghĩ cứ bám riết, vây quanh, dày vò, dằn dặt trong lòng “Phải chi mình giàu có, phải chi mình có thế lực như gia đình đứa bé chung bệnh với cháu mình: cũng trong tình trạng nguy kịch , nhưng sau đó được chăm sóc đủ thuốc ( phải mua thêm thuốc bên ngoài, thậm chí phải tìm loại thuốc đặt trị mà những Việt kiều từ nước ngoài xách tay về mới có) đã khỏe lại và chuẩn bị ra viện. Gia đình họ xúm quanh cháu nói cười trong niềm vui khỏe mạnh. Còn cháu mình….
            Tôi uể oải, tắm rửa, ăn qua loa chén cơm nguội nấu từ trưa, chan thứ nước tương bán lít đã mốc trắng, trong ánh sáng đỏ quạch  của bóng điện cũ kỹ ám khói. Tôi lấy bài ra học nhưng suy nghĩ vẫn còn lan man. … Đang còn chưa tập trung vô bài thì nghe tiếng anh Ba nói trước cửa, tôi ngạc nhiên “Giờ này anh phải ở trong bệnh viện với con, sao lại về đây?” tôi chạy ra cửa, nhìn thấy mắt anh đỏ, tôi sững sờ, bỗng nghẹn đắng không nói được gì.
            _Anh kêu xe anh Tư Nhẫn rồi, em có đưa cháu về quê không?
Chiếc xe lam đậu trước cửa nhà, rất khác thường vì xe đã trải chiếu và cháu tôi đang nằm yên trên sàn xe, mền trùm kín đầu. Tôi chạy ra, giở tấm mền lên, mắt cháu chưa khép kín. Tôi nhớ tới lời hẹn: “Con sẽ vô nhà dì cho biết nhà thành phố” giờ con đã tới trước cửa rồi, nhưng ….con không tung tăng chạy  vô được. Tôi ôm chầm lấy cháu, cắn chặt môi cắn đến rướm máu!
_Cháu ơi!  dì vẫn mãi mãi nợ cháu tô hủ tiếu đã hứa.
            Trời tối đen, xe chạy trong đêm, anh Ba tôi ngồi đàng trước với anh Tư lái xe, không ai nói một câu nào. Tôi ngồi trên sàn xe, tay ôm cháu, đỡ đầu cháu dựa vào ngực mình, niềm tin mong manh rằng mình sẽ sưởi ấm cho cháu. Xe dằn sóc, tôi càng nâng lưng cháu cao lên, cứ sợ cháu đau….tôi hôn lên mặt cháu, hôn lên trán cháu, vầng trán mà tôi thường khen “cháu thông minh lắm nè, lớn lên học giỏi lắm” Tôi lấy bàn tay cháu áp vô mặt mình, bàn tay thơ trẻ quá!
            Xe về gần tới Gò Đen, tôi bỗng thấy người cháu bắt đầu cứng dần… mặt cháu bắt đầu lạnh, tôi hoảng hốt trong tuyệt vọng, nãy giờ tôi cứ ôm ấp cháu, hôn liên miên lên mặt cháu, vẫn non nớt nghĩ có điều thần kỳ nào cho cháu sống lại không? Nhưng… . Giờ phút đó, lần đầu tiên trong đời tôi cảm nhận được người ra đi là thế nào? Tôi để cháu nằm xuống sàn xe, biết rằng nếu mình cứ bồng trên tay thì cháu sẽ cứng cong vòng và sẽ bị la.
            Hết quốc lộ, vô đường đất đỏ, xe xóc kinh khủng, cả người tôi cứ nảy tưng lên, tôi muốn giữ cho cháu  không bị dằn, nhưng thật bất lực! tôi cứ nói thầm nhỏ nhỏ “cháu ráng lên, sắp về tới nhà rồi!”
            Xe đậu trước cửa nhà Má tôi, vì chưa dám tới nhà chi Ba dầu chỉ cách có mấy mét, chị đang mang bầu sắp sanh, cả nhà sợ chị sốc, Má chạy vội qua nhà chị, lựa lời trấn an chị trước….nhưng tôi hiểu, nghe tiếng xe lam đậu bên nhà Má trong đêm tĩnh mịch, linh tính cũng đã mách bảo người mẹ rồi.
            Khi đưa cháu vô nhà chị Ba, đặt cháu xuống giường tre nhỏ, không khí lặng ngắt bao trùm. Ánh đèn điện tỏa ánh sáng yếu ớt soi căn nhà vách lá đơn sơ. Mấy đứa cháu lớn hơn ngồi thút thít trên những chiếc ghế thấp trên nền đất ở góc nhà. Ai cũng nói thật nhỏ, thật khẽ. Má tôi sắp đặt mọi thứ, tôi ngồi may áo tang, chỉ có tiếng máy may lạch cạch vang trong đêm vắng. Bên ngoài, trời tối đen như mực, tiếng ếch nhái vang trong điệu tang thương

                                                            *   *   *
            Từ cái chết của cháu, nung nấu trong lòng tôi một quyết tâm mạnh mẽ: Tôi ước muốn làm bác sĩ để có thể lo cho những người thân yêu của mình, nhưng khả năng tôi không hợp với nghề cao quí này. Lúc trưởng thành,  tôi muốn có chồng là bác sĩ trong gia đình mình. Nhưng cũng không duyên nợ!
Mỗi khi nhớ đến cháu, lòng tôi như được tiếp thêm quyết tâm: “không bao giờ bỏ cuộc!” Tôi nhớ đến gia đình bé bệnh nhân kia: Giàu có và thế lực! Tôi đi bằng con đường khác để đến đích!
                                                                

1 nhận xét:

Unknown nói...

Cau chuyen y nghia wa!