Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

Trái Cam

Cao Huy Thuần
Phật phục vụ. Phật cống hiến. Và những nhu cầu bình thường, Phật cũng làm cho thỏa mãn. Phật làm lãnh đạo, cũng làm tôi tớ, làm không tuyên bố. Phật tối thượng, tối thượng ở chỗ tự hạ cái tâm mình xuống mà làm kẻ phục vụ và phục dịch. Ta có hai đức Phật: đức Phật làm thầy cho ta và đức Phật khác là chính ta biết làm theo Phật. Như vậy thì cái gì cũng có thể bị đánh bại


Tôi đến thăm Hòa Thượng Trí Quang đúng lúc nhà in đem đến quyển sách đầu tiên vừa in xong, còn thơm giấy. Quyển sách nhan đề: "Ba ngàn hiệu Phật", dịch một bản kinh đại thừa. Tôi xin phép mở ra xem: ba ngàn danh hiệu của Phật, trong quá khứ, trong hiện tại, trong vị lai, ba ngàn danh hiệu khác nhau, chú tâm mà đọc từng danh hiệu, và lạy.
Ba ngàn lạy! Ví thử mỗi buổi sáng tôi chỉ lạy năm trăm lạy, cả tuần tôi khỏi cần tập khí công mà vẫn mạnh. Mạnh cả thân lẫn tâm.
Nhưng Phật đâu mà nhiều vậy? Tôi đọc lướt vài trang và hiểu: ba ngàn danh hiệu chẳng thấm vào đâu, vì Phật nhiều vô số kể, nói mấy cũng không hết. Kinh này cụ thể hóa điều mà các kinh khác đã nói: Phật ở khắp nơi và trong mọi lúc. Bao nhiêu danh hiệu là bấy nhiêu cách nói về Phật; Phật ở trong đời, tự tại với đời, như là người thân và thương mến đời. Phật nhiều như vậy lại cũng có nghĩa rằng ai cũng có thể thành Phật, và để thành Phật thì phải bắt đầu diệt trừ những gì làm trở ngại, xoay cái tay làm việc ác thành cái tay làm việc lành. Lạy mỗi danh hiệu là xoay mỗi cái tay. Và như vậy, lạy là tâm niệm, tín niệm: thân này tâm này lạy Phật tức là thân này tâm này là Phật, thân này tâm này làm Phật.
Tôi sẽ không nói về sách này nếu người dịch không phải là Hòa Thượng Trí Quang. Từ sau 1975, Hòa Thượng chỉ làm mỗi một việc thôi là dịch kinh, dịch hết bộ này đến bộ khác, từ khi mắt sáng quắc đến khi thị lực mỏi mòn. Bao nhiêu chuyện thị phi trong lịch sử trước đó, Hòa Thượng gởi cho sương đầu cỏ. Cho đến cuối đời, Hòa Thượng vẫn chỉ là một con người ấy thôi, dù là khi quật ngã bạo lực thời ngọn đuốc Quảng Đức hay khi chống gậy lần từng bước trong sân chùa: con người chỉ biết lạy Phật.
Nhưng Phật mà Hòa Thượng lạy là Phật gì? Phật ở trong tâm, Phật ở trong đời, Phật thọ ký cho ai muốn thành Phật: điều đó đã rõ. Nhưng cụ thể là thế nào, thế nào là Phật ở trong đời, thế nào là Phật ở cùng khắp?
Mở quyển sách ra, người đọc, nếu không phải là người nghiên cứu hoặc người xuất gia, chắc sẽ bỡ ngỡ. Ngoài những danh hiệu nói lên sắc tướng tốt, năng lực lớn của Phật, Phật trong sách đơn sơ lạ thường và danh hiệu về Ngài cũng vậy. Thử đọc vài danh hiệu mà xem: Kính lạy đức Phật danh hiệu "Tự tại như mây bay trong không gian". Kính lạy đức Phật danh hiệu "Đã vượt qua chỗ nước chảy xiết". Kính lạy đức Phật danh hiệu "Qua rồi mọi sự lo buồn". Kính lạy đức Phật danh hiệu "Sự hổ thẹn tuyệt diệu". Kính lạy đức Phật danh hiệu "Không lo ngại khi nhìn thấy cái chết". Kính lạy đức Phật danh hiệu "Bước đi không rối loạn mà hùng dũng". Kính lạy đức Phật danh hiệu "Không tự cao". Kính lạy đức Phật danh hiệu "Thấy đại thể mà cũng thấy chi tiết". Cho đến: "Kính lạy đức Phật danh hiệu "Sức khỏe". Kính lạy đức Phật danh hiệu "Giàu có". Kính lạy đức Phật danh hiệu "Thư thái", danh hiệu "Mạnh mẽ", danh hiệu "Khiêm tốn"…
Ba ngàn danh hiệu như vậy, có chỗ nào mà không có Phật? Khi ta tức giận, Phật nào hiện ra và danh hiệu là gì? Kính lạy đức Phật danh hiệu "Xa rời mọi sự tức giận". Khi ta phiền não? Kính lạy đức Phật danh hiệu "Răng sư tử cắn nát phiền não". Còn khi ta gây bậy nhau? Kính lạy đức Phật danh hiệu "Cảm hóa được đối nghịch".
Như vậy, Phật là đời sống, đời sống có phẩm chất. Hòa Thượng Trí Quang bình giảng thêm: "Phật phục vụ. Phật cống hiến. Và những nhu cầu bình thường, Phật cũng làm cho thỏa mãn. Phật làm lãnh đạo, cũng làm tôi tớ, làm không tuyên bố. Phật tối thượng, tối thượng ở chỗ tự hạ cái tâm mình xuống mà làm kẻ phục vụ và phục dịch. Ta có hai đức Phật: đức Phật làm thầy cho ta và đức Phật khác là chính ta biết làm theo Phật. Như vậy thì cái gì cũng có thể bị đánh bại".
Nếu đến đây người đọc đã hết bỡ ngỡ thì tôi xin đọc tiếp, và đây chính là chỗ tôi muốn nói trong dịp đầu năm. Nhưng trước khi đọc tiếp, tôi muốn nhắc lại bốn cái ơn - tứ ân - mà các chùa ở Việt Nam vẫn tụng niệm mỗi ngày: ơn đối với cha mẹ, ơn đối với thầy, ơn đối với thí chủ, ơn đối với Quốc gia. Ơn Quốc gia! Chứ còn gì nữa! Nước còn thì đạo còn, chuyện ấy hiển nhiên trong lịch sử, lại càng hiển nhiên trong lịch sử Việt Nam! Và thế nào là mất nước? Mất lãnh thổ, mất chủ quyền, đã đành. Mất văn hóa cũng là tử huyệt! Chuyện ấy đâu phải chỉ là thời sự ngày nay, chẳng hạn trên Hy Mã Lạp Sơn. Ta biết rõ hơn ai cả từ xưa: Trương Phụ làm việc gì đầu tiên khi chiếm nước ta nếu không phải là đốt hết sách vở đời Trần?
Cho nên, với cái ơn lớn đó trên đầu, tôi đọc tiếp, đọc ngay lời mở đầu của dịch giả. Hòa Thượng Trí Quang viết, mỗi chữ chắc nịch như một nhát búa: "Cái nét lớn của kinh này là nói lên đặc tính nhân bản. Nói một cách đề cao. Phật có thể thị hiện làm chủ đạo Quốc gia, làm chỉ đạo quần chúng. Nước phải giàu, dân phải mạnh. Phải có quân lực, và quân lực ấy là để chống xâm lăng. Không phải để xâm lăng".
Vậy thì Phật thị hiện dưới danh hiệu gì? Với ai? Hãy đọc cùng tôi: Kính lạy đức Phật danh hiệu "Quân đội xuất chúng". Kính lạy đức Phật danh hiệu "Chiến thắng mọi sự gây chiến". Kính lạy đức Phật danh hiệu "Chiến thắng xâm lược". Kính lạy đức Phật danh hiệu "Dẹp tan quân giặc". Kính lạy đức Phật danh hiệu "Trừng trị giặc xâm lăng".
Ấy chỉ là mới vài lạy. Nhưng Quốc gia là ai, và ai đánh thắng xâm lăng? Là người lãnh đạo! Vậy thì: Kính lạy đức Phật danh hiệu "Tướng lĩnh của quân dân". Kính lạy đức Phật danh hiệu "Thủ lãnh của công chúng". Kính lạy đức Phật danh hiệu "Vương thượng của quần chúng". Kính lạy đức Phật danh hiệu "Hoàng Đế của mọi sự hùng cường". Kính lạy đức Phật danh hiệu "Thừa tướng cho quốc gia".
Như trên đã nói, Phật làm lãnh đạo và Phật cũng làm tôi tớ. Vậy thì người lãnh đạo nào cũng nên có một đức Phật tôi tớ ở bên mình. Tôi tớ của ai? Của quần chúng. Cho nên: Kính lạy đức Phật danh hiệu "Quần chúng quy tụ". Kính lạy đức Phật danh hiệu "Hoàng Đế khéo sống". Kính lạy đức Phật danh hiệu "Vua nước sạch". Và nếu vị hoàng đế đó cất lên tiếng nói ngoại giao, hãy có trên lưỡi một đức Phật nói lời cương quyết của dân chúng. Cho nên: Kính lạy đức Phật danh hiệu "Hùng biện lợi ích cho quốc gia". Không phải ai cũng biết làm tôi tớ. Cho nên ai làm tôi tớ là Thánh Vương. Kính lạy đức Phật danh hiệu "Thánh Vương".
Ngẫu nhiên kỳ lạ: tôi cầm quyển sách trên tay sau khi vừa mới đi Yên Tử về. Tôi đến thăm Hòa Thượng Trí Quang là để kể chuyện chuyến đi Yên Tử.
Tôi đến Yên Tử lúc 4 giờ chiều, định lên cáp treo đến thẳng chùa Hoa Yên ở lưng chừng núi, ngủ lại một đêm để sáng mai tiếp tục leo lên tận đỉnh. Nhưng cáp hỏng! Mà đêm sắp xuống! Mặc, chống gậy lần mò leo dốc suốt hai giờ giữa bóng tối, rốt cục tôi cũng thắp hương bái yết được Phật Hoàng Trần Nhân Tông trên Hoa Yên, nơi Vua đến tu sau hai lần đuổi giặc. Sáng sớm hôm sau, tôi leo lên tận đỉnh Yên Tử.
Cuối thu, không phải mùa lễ hội, khách vãng lai lác đác, núi non Yên Tử giữ được vẻ thanh vắng, trầm mặc linh thiêng. Chỉ có tiếng tụng kinh vẳng lại, càng leo càng rõ, càng leo càng âm vang, từ các loa phóng ra trên Chùa Đồng, ở đầu núi. Chúng tôi bốn người, trong đó có một sư, xin phép được tắt loa vài phút để tụng một bài kinh trước Phật Hoàng, trên chót vót cao, giữa núi non hùng vĩ. Được trả lời rằng như vậy là trái quy tắc, chúng tôi vâng lời, mượn chùa một chuông một mõ, đặt lên nền đá, quỳ xuống đá tụng kinh giữa tiếng loa. Chưa dứt bài kệ khai kinh, tiếng loa im bặt, núi non tĩnh lặng, chỉ còn giọng kinh rất nhỏ của chúng tôi.
Cảm tạ người đã tắt loa, tôi lợi dụng thêm vài phút im lặng nữa để nhập mình vào thiêng liêng của Yên Tử. Trên chót vót cao, mênh mông bốn hướng, đông tây nam bắc, tôi dừng mắt về phía bắc. Như nghe bên tai: "Thế giặc mạnh quá, hay là Trẫm hàng để cứu muôn dân?" Và ứa nước mắt, không ngăn được. Chắc muôn dân lúc đó cũng ứa nước mắt khi đáp lại một lời, từ già đến trẻ. Tôi cam đoan: trong lòng mỗi người già ngày nay đều giữ hình ảnh một chàng trẻ; một thiếu niên, một hành động, một cử chỉ - cử chỉ bóp nát trái cam của Trần Quốc Toản. Còn quá nhỏ tuổi để dự việc quân, Trần Quốc Toản đứng ngoài, căm giận giặc, bóp nát trái cam trên tay bao giờ không hay.
Các bạn trẻ ngày nay của tôi ơi, lúc tôi học bài học lịch sử ấy ở lớp ba, tôi đã thử cầm trong tay trái cam, nhưng không dễ gì bóp nát được. Có thể trong một lúc khác, Trần Quốc Toản cũng không đủ sức để bóp nát trái cam. Nhưng lúc ấy, lúc ấy, trái cam đã bị bóp nát. Nếu là các bạn, có thể lúc ấy, trái cam cũng sẽ nát trong tay. Các bạn có thấy trái cam đang hừng hực nát trong bàn tay?
Kính lạy đức Phật tôi tớ, đức Phật chủ đạo, đức Phật hộ trì của riêng tôi, của riêng chúng ta, của tuổi trẻ ngày hôm nay, của Thánh Vương Yên Tử, của non sông bất khuất, kính lạy đức Phật danh hiệu: "Bóp nát trái cam ".

Không có nhận xét nào: