Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013

Huyền thoại “ông Năm”

Yêu trẻ con, thương người nghèo là đức tính nổi bật của bác sĩ (BS) Yersin trong ký ức người dân Nha Trang. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người trìu mến gọi ông với cái tên thuần túy Việt Nam là “ông Năm” và kể những câu chuyện về ông như một huyền thoại giữa đời thường.

Ngôi nhà rộn tiếng trẻ thơ
Suốt những năm tháng sống ở Nha Trang, BS Yersin đã sống một cuộc đời thật bình dị, gắn bó với quần chúng cần lao. Những câu chuyện về ông được người dân Nha Trang lưu truyền đến hôm nay như một huyền thoại.
Sinh thời, trong ngôi nhà của ông ở Xóm Cồn (nay là khu vực Nhà nghỉ 378 Bộ Công an), ông dành nhiều thời gian để đọc sách, nghiên cứu khoa học. Ông không có thói quen tiếp khách ở nhà, những “vị khách” thường đến nhà ông và nhận được nhiều tình cảm yêu mến của ông là những em nhỏ trong xóm. Ông luôn dành cho các em những tình cảm thân thương nhất. Trẻ em đến chơi ở “lầu ông Năm” được thoải mái chạy nhảy, nô đùa, thậm chí còn được lật những cuốn sách lớn để xem tranh ảnh. Trong ngôi nhà của “ông Năm” có hẳn một tủ sách thiếu nhi với rất nhiều loại khác nhau như: truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện tranh, tập thơ... Ông cũng thích đọc những quyển sách này và kể lại cho những người bạn nhỏ của mình nghe... Đến chơi với “ông Năm”, các bạn nhỏ thường được ông cho lên sân thượng - nơi đặt chiếc kính thiên văn để ngắm những ngôi sao và nghe ông giảng giải về những vì tinh tú.
Ngay trong bức thư gửi cho người thầy và cũng là người bạn của mình - Emile Roux vào tháng 8-1888, ông viết: “Tôi làm những chiếc cối xay và những chiếc diều cho trẻ em trong xóm...”. Các em nhỏ đến chơi nhà ông ở Xóm Cồn vẫn thường được nhận những món quà nho nhỏ của chủ nhà. BS Kiều Xuân Cư (Nha Trang) có lần tâm sự: “Mỗi lần đến chơi ở nhà “ông Năm”, chúng tôi vẫn thường được ông cho những viên kẹo nhỏ”. Còn nhà nghiên cứu văn học Quách Giao (con trai nhà văn Quách Tấn) vẫn nhớ như in những kỷ niệm tuổi thơ ở nhà BS Yersin: “Những chiều Thứ bảy, bọn trẻ chúng tôi được xem phim ở nhà “ông Năm”. Vì còn nhỏ nên tôi được ngồi phía sau màn ảnh để xem, thành ra những hình ảnh được chiếu trên màn ảnh đều đi ngược lại cả”.
Lễ truy điệu “ông Năm” có sự giao thoa giữa Phật giáo và Thiên Chúa giáo.
Chuyện kể rằng, BS Yersin rất yêu hoa lá, cỏ cây. Quanh nhà, ông trồng rất nhiều loại hoa và thường dành thời gian để chăm sóc, vun trồng. Một hôm, có một số trẻ em vào nhà ông đùa nghịch làm gãy mấy cây hoa. Một người giúp việc trong gia đình thấy vậy liền la lối om sòm. Vừa lúc đó, “ông Năm” đi làm về, ông chỉ nhỏ nhẹ nhắc nhở người giúp việc của mình: “Đừng đuổi người ta, đừng đánh người ta, người ta sợ”.

Một tấm lòng nhân ái, cao cả
Có thể nói, trọn cuộc đời BS Yersin đã cống hiến cho sự nghiệp khoa học và cho những người dân nghèo khổ, yếu thế ở Xóm Cồn và Suối Dầu. Chính vì thế, hình ảnh của ông đã sống mãi trong lòng những người dân Nha Trang - Khánh Hòa nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung. Đến Nha Trang, ông đã chọn một xóm chài nhỏ -  nơi mà người dân luôn phải đối mặt với nghèo đói, bệnh tật, thiên tai đe dọa. Ông gần gũi, giúp đỡ, chăm sóc họ những lúc ốm đau cũng như quan tâm cả đến đời sống tinh thần. Những lúc rảnh việc, ông thường trò chuyện với người dân trong xóm, chụp ảnh, quay phim về đời sống sinh hoạt của họ rồi mời đến xem để giải trí. Người dân Xóm Cồn vẫn kể cho nhau nghe câu chuyện xảy ra vào tháng 11-1939, khi xem thiên văn “ông Năm” phát hiện sắp xảy ra một biến cố thời tiết ở gần biển. Ông vội vã báo cho người dân trong xóm biết và mời họ vào nhà mình trú tạm. Ngay đêm đó, một cơn bão lớn ập đến đã cuốn trôi hầu hết nhà tranh vách đất của người dân trong xóm. Nhờ ông, tính mạng người dân được an toàn.

tượng BS. Yersin và đặt tại vị trí Xóm Cồn ngày xưa.
Khác xa với những người Pháp đương thời, tất cả những việc làm của ông đều nhằm đem lại lợi ích cho người dân nghèo. Trước khi qua đời, ông còn viết di chúc dành nhiều tài sản của mình cho những người Việt đã làm việc cho ông, cho những người nghèo khổ trong xóm. Không chỉ chăm lo vật chất, BS Yersin còn rất ý thức trong việc gìn giữ bản sắc dân tộc của người Việt. Cụ Đặng Anh Trai - nhân viên của BS Yersin tại Viện Pasteur Nha Trang nhớ lại: “Hồi đó, tôi còn trẻ, có biết một chút tiếng Pháp nên trong lần đầu gặp BS Yersin, tôi hỏi ông bằng tiếng Pháp. Thế nhưng, ông không trả lời. Sau này, tôi được một số người thân cận với BS Yersin cho biết, ông không thích người Việt Nam giao tiếp bằng tiếng Pháp mà thích họ nói tiếng Việt. Quả thật, sau đó, khi tôi nói tiếng Việt, ông đã trả lời rất thoải mái”. Do đã gắn bó gần trọn đời mình với vùng đất Nha Trang - Khánh Hòa, với những người dân hiền lành, chân chất nên ông không muốn rời khỏi mảnh đất và con người nơi đây. Trong di chúc của mình, ông viết: “Khi tôi chết, tôi ước muốn được chôn ở Suối Dầu. Yêu cầu ông Phương hãy giữ tôi lại ở Nha Trang, đừng cho ai lấy tôi đi... Tôi muốn được chôn cất một cách giản dị, không linh đình, không diễn văn”... Ngày ông ra đi về cõi vĩnh hằng, đám tang ông có rất đông người đưa tiễn. Người dân ở Xóm Cồn, những công nhân ở Suối Dầu đội tang trắng, đứng dài hai bên đường thương tiếc vĩnh biệt ông - một người bạn, một người thầy, một người thân. Chuyện kể rằng, có những lão ngư vừa từ ngoài khơi trở về, hay tin “ông Năm” mất đã vội vàng chít khăn tang, đến trước linh cữu ông than khóc. Nhiều người dân Nha Trang lập bàn thờ ông bên cạnh bàn thờ gia tiên. Bài vị của ông ở chùa Linh Sơn, chùa Long Tuyền (Cam Lâm) được đặt ngang hàng với bài vị của các vị Bồ tát. Hàng năm, đến ngày giỗ ông, người dân lại cúng giỗ và dâng hương hoa lên phần mộ ông một cách thành kính…
Huyền thoại của “ông Năm” với người dân Nha Trang - Khánh Hòa là huyền thoại về tình thương yêu đồng loại không biên giới. Đó là kết tinh của những giá trị nhân văn cao cả, chân chính của một tâm hồn bao dung.
NHÂN TÂM

2 nhận xét:

Dean Nguyen nói...

Tôi là người Saigon, Tết năm nào cũng đi Nhatrang và ghé thắp nhang cho Ông Năm Yersin ở Suối Dầu để chiêm bái bậc vĩ nhân đã hết lòng vì Vietnam, hết lòng vì con người. Năm nay, tôi đứng thắp nhang mà thấy hàng cái ghế với những dòng chữ "Yasaka Saigon Nhatrang kính tặng" đặt chình ình trên đầu mộ đập vào mắt mà đau lòng. Đây là cách người ta tặng cho bậc vĩ nhân yêu nước Việt.
Dân trọc phú không chút kiêng dè đối với tiền nhân

http://vuisongmoingay.blogspot.com/ nói...

hay quá Dean Nguyen :"Dân trọc phú không chút kiêng dè đối với tiền nhân" ở đâu cũng có chuyện này!