Lưu Dung
Cuối năm
ngoái, đoàn làm phim của một đài truyền hình giáo dục Mỹ đến Đài Loan làm phóng
sự về đủ các lĩnh vực chính trị, kinh ết, văn hóa và môi trường, trong phần giới
thiệu về môi trường Đài Loan, tôi thấy một câu khá khó nghe: "Đài Bắc là một
trong những nơi khó sống nhất thế giới".
Câu đó cứ
ám ảnh tôi mãi, đến một hôm tranh luận cùng con trai 17 tuổi, nào ngờ cậu thanh
niên nhún vai:
"Thành
phố khó sống thì liên can gì, vấn đề là ở đó có gia đình dễ chịu hay
không?"
Câu trả lời
của con trai dường như chưa chạy qua não, với tôi, nó còn đáng để bị mắng.
Chẳng lẽ
tình hình đất nước không phản ảnh ngay trong từng gia đình sao?
Chúng ta
có dự trữ ngoại tệ tới 80 tỷ đô la Mỹ, tạo ra một xã hội xa hoa mà không cách
gì cải thiện được môi trường sống. Nhiều người chỉ biết theo đuổi lợi ích cá
nhân mà không quan tâm đến lợi ích cộng đồng, chỉ lo sao cho nội thất xe hơi
thoải mái mà không để ý đến ô nhiễm chung quanh, chỉ lo đóng cửa hưởng thụ căn
phòng yên tĩnh mà tùy tiện gây huyên náo bên ngoài.
Vấn đề
là, khi chúng ta đóng cửa, liệu trong nhà có thoát được ảnh hưởng xã hội bên
ngoài không?
Trong
nhà chúng ta có thể có những đồ đạc xa xỉ của phương Tây, song không gian lại ẩm
thấp cũ kĩ; cho dù có sửa sang tốn kém trăm vạn thì kết quả vẫn cứ lộn xộn,
không theo một kiểu cách nào. Cũng giống thành phố của chúng ta, nhìn kiến trúc
từng tòa, từng tòa nhà một thì không sao, song nhìn chung lại thì thiếu phong
cách và cảm giác hài hòa chỉnh thể.
Phòng
khách chúng ta có thể có tủ tường đóng bằng gỗ lim, song bên trong lại chất đầy
báo cũ cùng những chai rượu đã uống hết. Cũng giống như chúng ta vung tiền xây
bảo tàng, nhà văn hóa, xong hiện vật trưng bày, các buổi biểu diễn lại nghèo
nàn đến thảm thương.
Chúng ta
tự hào là một dân tộc biết "kính lão đắc thọ" song nhiều người già suốt
ngày phải nằm trong phòng, chỉ đến bữa cơm mới được "mời" ra ăn; hiếm
khi thấy thanh niên đưa các cụ già đi dạo hay đi du lịch. Cũng giống như nhiều
bậc nghệ nhân cấp quốc gia của chúng ta,
chỉ dịp trước tết mới được nhân viên chính phủ tới thăm hỏi, bình thường ít được
ai ngó tới.
Con cái
chúng ta, một mặt mong được bố mẹ quan tâm
vô thời hạn theo kiểu "Trung Quốc"; một mặt đòi hỏi được tự
do, bỏ mặc theo kiểu "phương Tây". Cũng giống như nhân viên vừa yêu cầu
công ty có phúc lợi và giữ vị trí ổn định theo kiểu Nhật, vừa đói tự do và muốn "nhảy việc" theo kiểu Mỹ.
Bậc cha mẹ
chúng ta, một mặt cho con cái quá nhiều tiền tiêu vặt, một mặt áp dụng kỷ luật
của thế kỷ 18, sáng còn lên mặt dạy dỗ, tối đã bê tha trong quán rượu, cũng giống
như ...
Tóm lại,
gia đình là hình ảnh thu nhỏ của đất nước, đất nước là tập hợp của mọi gia đình.
Khi chúng ta hô hào đất nước thay đổi, liệu có nên bắt đầu từ chính gia đình
mình?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét