Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

Đạo Phật sinh ra vì cuộc sống

Cát Khuê hỏi - Thiền sư Nhất Hạnh trả lời

* Thưa thầy, con đã đọc nhiều sách ghi lại lời giảng của thầy cũng như những gì thầy viết, con nhận thấy thầy không bao giờ né tránh cuộc sống như một số các nhà tu hành vẫn áp dụng mà ngược lại, thầy đi thẳng vào cuộc sống, lấy chính cuộc sống với những hỉ nộ ái ố của nó để làm bài học cho chúng sinh. Vậy cuộc sống với thầy thực ra là gì ạ?
- Đạo Phật sinh ra vì cuộc sống. Vì cuộc sống có những khó khăn, có những khổ đau nên mới có đạo Phật. Đạo Phật ở VN là nhập thế nghĩa là không chỉ ở chùa mà ở khắp nơi, đi vào cuộc đời. (“Đạo Phật đi vào cuộc đời” là tựa đề một cuốn sách của Thiền sư). Không thể giữ đạo Phật chỉ ở trong chùa được. Hiện tại ở phương Tây, có nhiều cuộc tuần hành vì hòa bình, hay cổ động sự giúp đỡ dành cho người nghèo mà nhiều cuộc tuần hành đó xuất phát từ Làng Mai…

* Vậy thưa thầy, “Phật pháp vô biên” nhưng còn lòng người thì sao ạ?
- (Thiền sư im lặng một xíu, uống khẽ khàng một ngụm trà rồi mới thong thả nói) Tuệ giác giống như biển cả. Nó như một dòng sông, khi mình cần tới nước thì mình tới với dòng sông. Khi đó mình muốn uống nước thì đến, múc nước về là tùy. Có người để hết cuộc đời để đi vào dòng sông, có người chỉ ghé qua rồi lại đi. Từ bi và tình yêu trong đạo Phật không có ranh giới. Đó là từ bi hỉ xả. Từ chính là nếu thương mà chưa hết lòng vì người mình thương thì chưa phải là tình thương. Bi là biết lấy đi những đau khổ của người mình thương mới chính là thương. Hỉ là phải biết làm người mình thương vui- ấy là thương. Xả là không có ranh giới, không có sự phân bì hay kỳ thị. Thương hết mà không kỳ thị là xả, là ôm lấy hết. Bốn cái chất liệu từ bi hỉ xả đó có thể phát triển đến vô biên. Càng thương yêu càng hạnh phúc. Tứ vô lượng tâm- chính là 4 thứ tình yêu không có ranh giới. Và đó chính là cuộc sống.

* Trong nhiều bài thuyết pháp, thầy có khuyên mọi người sống an vui, thảnh thơi hoà hợp trong chính gia đình mình, nếu ai cũng vậy thì Phật giáo liệu có còn người xuất gia khi mà không thể thiếu “tăng” trong ba vị trí quan trọng tạo nên Phật giáo là “Phật- pháp- tăng”?
- Nếu ai cũng đã biết sống an vui trong hiện tại thì Phật giáo đã hiện diện khắp nơi.

* Con được biết các nhà làm phim Hollywood muốn thực hiện bộ phim “Đường xưa mây trắng” do tỷ phú người Ấn Độ, ông Bhupendra Kumar Modi, tài trợ với khoảng 120 triệu đô-la. Thầy đã không nhận bất kỳ khoản nhuận bút nào mà chỉ đề nghị các nhà làm phim tham gia một khoá tu tập. Thực hư chuyện này ra sao và dự án làm phim đã tiến hành đến đâu rồi ạ?
- Tôi đã mở nhiều những khóa tu tập cho các người ở Hollywood,họ rất sợ hãi, sống rất nhiều khổ đau. Tôi đã gặp rất nhiều, tôi cho họ thực tập và nghe, họ đã khóc. Với phim “Đường xưa mây trắng” tôi đòi hỏi mọi người tham gia làm phim phải đến làng Mai tu tập để thực sự thảnh thơi nhẹ nhàng. Chúng tôi không có lấy tiền nhưng có một điều kiện đó thôi để họ có thể có cuốn phim có chất lượng. Nếu không có gì thay đổi thì bộ phim sẽ tham dự LHP Cannes vào năm sau.

* Thưa thầy, “Phật tại tâm”. Vậy các nghi lễ của Phật giáo nhiều khi bí ẩn và mang màu sắc huyền thoại có cần thiết không ạ?
- Nó cần thiết vì chỉ những người đạt đến trình độ vô tướng thì người ta mới không cần hình thức. Nhưng nhiều người cần cái đó người ta mới có thể cảm thấy gần gũi. Bàn thờ ông bà chẳng hạn, mình biết ông bà đâu phải ngồi trên bàn thờ. Nhưng hình thức hướng dẫn được cho cái tâm. Những người tu tập như chúng tôi không cần hình thức nhưng bây giờ thì nhiều người vẫn cần. Có chân tâm và vọng tâm. Nếu tu tập tốt thì chân tâm lớn lên và vọng tâm sẽ nhỏ đi.

* Thầy tin là Phật giáo có thể làm được điều gì tốt nhất cho một con người? Và theo thầy, con người sẽ tìm thấy điều tốt đẹp gì khi thành tâm trở thành một Phật tử?
- Phật giáo có thể làm được điều tốt nhất cho con người đó là sự “từ bi hỉ xả” và khi luôn biết “an trú trong hiện tại” thì mỗi một con người đã là một Phật tử rồi.

Tôi còn quá nhiều câu hỏi “tại sao”, “như thế nào”, “là cái gì” nhưng Thiền sư lại rất ung dung hóm hỉnh khẽ nói: “Phật pháp là vô biên nhưng thời gian là hữu hạn” Và tôi hiểu thế cũng đã là nhiều cho một cơ duyên gặp gỡ…

Không có nhận xét nào: