Thứ Ba, 7 tháng 1, 2014

Sư cô Trí Hải không còn nữa

Nguyễn Tường Bách

Chân dung Ni trưởng Thích nữ Trí Hải

Thiền viện Vạn Hạnh trên đường Nguyễn Kiệm tại thành phố Hồ Chí Minh là một tòa nhà uy nghi to lớn. Bên cạnh thiền viện là một con hẻm nhỏ dẫn đến một ngôi chùa khiêm tốn, được gọi là tịnh thất của các tỉ kheo ni. Mỗi lần khách bấm chuông lại thấy một ni cô tuổi còn trẻ chạy ra cẩn thận hỏi tên khách mới mở cửa.
Kể từ hơn mười lăm năm nay, mỗi lần về thăm nhà tôi đều đến đó bấm chuông để tìm gặp và thăm Sư Cô Trí Hải. Thường thì tôi đến buổi sáng hơi muộn giờ, ngồi chưa đầy một tiếng đã thấy nhà chùa chuẩn bị thọ trai nên tôi xin về. Tuy thời gian không nhiều nhưng mỗi lần tôi vẫn cảm nhận một thiền vị nhẹ nhàng, quên hẳn mình đang ngồi không xa đường Nguyễn Kiệm ồn ào đầy tục lụy của những hàng quán gần đó. Ngồi ngoài sân chùa, tôi thường được nghe tiếng tụng kinh trong trẻo và đầy khí lực của các vị ni và nhất là được nghe Cô Trí Hải đàm luận Phật pháp. Từ lúc ban đầu tôi đã gọi Cô bằng "cô" và về sau giật mình khi nghe các vị ni khác cũng như các vị cư sĩ đến thăm đều gọi Cô bằng "sư". Thế nhưng đã lỡ thì tôi cho lỡ luôn và hình như Cô cũng không quan tâm gì đến việc xưng hô.
Thời gian trước khi gặp Cô tôi đã biết Cô là một tu sĩ Phật giáo xuất sắc, giỏi ngoại ngữ, giỏi viết văn dịch sách, yêu văn thơ. Nghe tôi dịch sách Phật, Cô tặng tôi cuốn từ điển Pali-Việt do Cô soạn. Hồi đó cuốn từ điển đó được đánh máy trên giấy pelure mỏng dính. Trong những năm tám mươi, tôi chưa kịp mong Cô đi học đánh máy vi tính thì ngày nọ nghe Cô nói:
- Thì ra cái máy vi tính hắn cũng giống tâm người.
- Giống chỗ nào Cô?
- Mình ở trong một cái file nào thì mình không thể erase nó. Mình ra khỏi file thì mới erase nó được.
- Thì giống chỗ nào?
- Tâm cũng thế thôi. Đang giận thì khó biết mình đang giận lắm, khó ra khỏi lắm.
Thì ra Cô đi học vi tính để viết lách mà Cô cũng không quên Phật pháp. Tôi nghiệm ra rằng Cô sống trong nhận thức luận của Phật pháp nên không có chuyện "quên" hay "không quên". Mỗi lần ghé thăm tôi đều mang theo ít sô-cô-la, thực tế là tôi không biết đem theo vật gì ngoài thứ đó. Có lần Cô nói:
- Cứ mỗi lần anh về thì tôi thấy mình như con nít, được sô-cô-la.
Thực tình tôi không biết Cô bao nhiêu tuổi và thấy không có gì quan trọng để hỏi. Tôi chỉ thấy Cô thực là dẻo dai, đi cứu trợ đường xa dài ngày không biết mệt. Nhìn quanh thấy nhà chùa chất đầy mì gói, tôi hỏi Cô:
- Sao Cô không đem tiền phát cho khỏe, đem phẩm vật vừa cồng kềnh vừa mua bán mất công?
- Biết thế nhưng đem cho tiền, đàn ông họ lấy đi nhậu hết cả, vợ con không còn gì. Cuối cùng mì gói vẫn hơn.
Thì ra đi cứu trợ mà cũng có chiến thuật chiến lược hẳn hoi. Thời gian giữa các lần cứu trợ Cô dùng để nhập thất hay dạy học, viết lách, dịch thuật. Ngày nọ tôi nói với Cô:
- Thưa Cô, con tìm được một chữ dịch cho từ appearance hay lắm, chữ đó ta nên dịch là "sự trình hiện".
- Hay chỗ nào?
- Đó, thì sự vật "trình hiện" lên đúng như tâm thức của ta. Đúng quá chứ còn chi nữa
- Tôi thì tôi dịch là "giả tướng".
- Thưa Cô, trong chữ "giả tướng" có chữ "giả". Mà nói "giả" tức là ta phê phán rồi. Ta không được phê phán, ta phải khách quan.
Cô cười khanh khách. Tôi không rõ tại sao lần đó Cô cười lớn, Cô thú vị điều gì? Tôi nghiệm ra rằng chỉ đối với Cô Trí Hải tôi mới mạnh dạn nói những điều tôi nghĩ. Tôi đã từng gặp các vị tu sĩ khác và ít có những cuộc đàm luận tự nhiên và bình đẳng như với Cô. Một điều đặc biệt nữa là Cô biết lắng nghe. Có lẽ đó là điều mà Cô học của Hoà thượng Thiện Siêu. Thầy Thiện Siêu và Cô là hai người mà tôi được gặp, hai vị tu sĩ chịu lắng nghe những ý kiến của một người tại gia sơ cơ như tôi.
Đời sống xã hội của Cô có nhiều phiền toái, Cô cũng chịu lắm điều khổ nạn. Ngày nọ Cô nói với tôi:
- Tôi mong kiếp sau sẽ được tái sinh ở cõi Phật A-di-đà. Tôi không muốn làm kiếp người nữa.
Cô nói với một giọng thanh thản và vững chắc. Tôi không ngạc nhiên lắm mặc dù thông thường Cô ít nói về cõi Cực lạc phương Tây. Phải thôi, kiếp của một ni sư trong đời làm người thật là khó khăn, nhất là khi trên thế giới bóng tối nhiều hơn ánh sáng. Con người phải kiên quyết lắm, nghị lực lắm mới vừa giáo hóa học trò, vừa đi cứu trợ, vừa sống trong thế gian tục lụy, vừa trau dồi Phật pháp, vừa tự mình sáng tác, vừa dịch thuật và giới thiệu kinh sách. Ai đã từng sống ở Thành phố Hồ Chí Minh ồn ào hẳn phải biết đây thật là một điều bất khả.


Năm 1964, Ni trưởng tốt nghiệp Thạc sỹ Văn chương
tại Đại học Princeton, Hoa Kỳ
Ngày nọ Cô nói:
- Anh biết không, Ngài Đạt-lai Lạt-ma có thần thông đó nghe.
- Thiệt không Cô, sao Cô biết?
- Cách đây không lâu tôi có viết thư cho Ngài xin một tấm hình. Không ngờ, không những Ngài gửi cho một tấm hình mà còn có cả chữ ký nữa. Vừa rồi đây, tôi dịch một tác phẩm của Ngài và nguyện chỉ uống nước thôi, không ăn suốt mười ngày để dịch cho xong. Tôi để tấm hình của Ngài trước mặt và quả nhiên không hề thấy mệt mà còn khỏe lên nữa.
Sau đó Cô gọi người đem tặng tôi một chồng sách do Cô viết và dịch, trong đó có tác phẩm nọ của Đạt-lai Lạt-ma. Cô lắng nghe tôi kể đã gặp Ngài tại Bonn và lời tôi tâm sự, sao giọng của Ngài nghe rất quen thuộc đối với tôi. Cô muốn nói điều gì nhưng cuối cùng giữ im lặng.
Ngày nọ trên đường từ Tây Tạng về, tôi "gùi" trong ba-lô một bức tượng của bồ-tát Văn Thù đem đến cúng dường trong chùa. Tôi biết tuy Cô mong thác sinh về cõi Cực lạc nhưng con người của Cô không phải chỉ chuyên tâm niệm Phật mà là người lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Thế nên Văn Thù tay cầm kiếm bén chém màn vô minh phải là tính cách của Cô. Và quả như thế, nội dung của các câu chuyện giữa Cô và tôi đều thuộc về nhận thức luận, lý giải cảnh đời, cảnh người, tác động của nghiệp, về các bậc thầy đã xuất hiện trên thế gian trong thế kỷ 20. Ngày nọ Cô nói:
- Đau răng mới biết rõ ý nghĩa của vô ngã!
- Răng cỏ với vô ngã ăn thua gì đâu Cô?
- Khi răng không đau thì mình không để ý tới hắn, coi như không có. Khi hắn lên tiếng là có chuyện. Cũng thế, nếu mình vô ngã thì môi trường xung quanh mình sẽ rất dễ chịu. Còn mình lên tiếng "có tôi đây" thì có chuyện ngay. Bởi vậy muốn lành mạnh là vô ngã, vô ngã là lành mạnh.
Lần nọ tôi kiếm thăm Cô và kể chuyện vừa đi chiêm bái Linh Thứu ở Ấn Độ về. Cô chăm chú nghe và mừng cho tôi được đi thăm các thánh địa. Tôi hơi có chút xấu hổ vì kẻ nhập môn như mình mà đã được đi chiêm bái, còn Cô thì chưa. Trong giọng nói của Cô tôi nhận ra có một niềm mong ước rất lớn được đi thăm dấu chân của Đức Phật.
Cách đây chưa đầy một năm, cuối tháng 12 năm 2002, Cô đưa chúng tôi về thăm tịnh thất tại Nhà Bè và Hóc Môn. Nhờ Cô mà tôi được gặp thầy Nhật Từ trong lần này. Thầy Nhật Từ gọi Cô bằng "Ni trưởng" hết sức trân trọng, còn tôi xưng hô cứ như cô cháu trong nhà. Nhà Bè là một cơ sở nuôi dạy các cháu mồ côi, nay đã khang trang. Còn Hóc Môn là một ngôi chùa khiêm tốn mới xây, có phòng giảng pháp và lớp cho trẻ em học. Đất ở Hóc Môn do một đệ tử cúng dường để cho Cô có một chỗ yên tĩnh để làm việc và nghỉ ngơi, xa bớt đường Nguyễn Kiệm bụi bặm. Chúng tôi ngồi uống trà trong một cái cốc lợp bằng tre lá, nghe tiếng gió bên ngoài xào xạc chen giữa các hàng cây. Tôi nói giọng cải lương:
- Bây giờ Cô cũng có một chốn để về rồi!
- Tôi mà cũng có phước báo sao?
Chúng tôi mỉm cười. Phước báo hiểu theo nghĩa nhà đất, tài sản thì đúng là xưa nay Cô không có và Cô cũng chưa bao giờ cần có. Bao nhiêu năm gặp Cô tại Nguyễn Kiệm chưa bao giờ tôi nghe Cô nói cần một cái gì, thậm chí chưa bao giờ Cô than "không có thì giờ". Còn hiểu phước báo là tài năng và trí tuệ thì Cô có thừa và đang chia sẻ cho tăng ni sinh của Cô. Trong dịp này Cô cho hay là được cấp lại hộ chiếu rồi. Tôi thầm mong có đủ nhân duyên để Cô đi thăm thánh địa và qua châu Âu thăm Phật tử một chuyến.
Ngày 11.10 năm 2003 vừa qua, tôi lại bấm chuông nơi chiếc cửa sắt màu bạc của ngôi chùa nhỏ trên đường Nguyễn Kiệm. Ni cô thị giả mở cửa cho tôi vào. Vị ni cô cho hay cách đây vài tháng Sư bị té ngã nằm nhà thương tưởng nguy hiểm tính mạng nhưng bây giờ lành rồi. Gặp tôi Cô tiếp câu chuyện tai nạn đó và kể:
- Lúc tôi té xuống, thật tâm tưởng mình sắp chết, tôi hết sức vui mừng sắp thoát được kiếp người
- Thật sao Cô?
Tôi ngẩn người nhìn Cô. Nhưng tôi liền nhớ ngay đến câu chuyện Cực lạc phương Tây và tin là Cô nói thật. Đúng thôi. Đối với một người sống từ nhỏ trong Phật pháp như Cô thì sống chết có nghĩa gì, chết là đi từ một cảnh giới này qua một cảnh giới khác thôi. Tôi bỗng nhớ đến thân phận mình:
- Cô được tự tại như thế chứ con thì không. Người tại gia bị vướng bận lắm Cô ạ. Vướng bận vợ con, nhất là con cái. Con không biết tới cái ngày đó mình sẽ ra sao.
- Ừ thì tại gia xuất gia chỉ khác nhau chỗ đó
Cô nói nhỏ tiếng. Tôi ngẫm nghĩ một lát:
- Nhưng nếu cho con được ước nguyện thì con không thích về cõi Cực lạc. Con thích về cung trời Đâu suất nghe Đức Di-lặc giảng pháp hơn.
- Anh coi chừng về Đâu suất thì phải nhớ Đâu suất nội viện nghe
- Đâu suất mà cũng có nội ngoại sao Cô?
- Có chứ. Ngài Di-lặc ở Đâu suất nội viện còn Đâu suất ngoại viện chỉ là vòng ngoài vui chơi hưởng lạc thôi.
Thấy tôi cười, Cô nói tiếp:
-         Thì cũng như có người tới chùa không vô nội điện lạy Phật mà chỉ ở vòng ngoài ăn cơm chay thôi.
Tôi càng cười lớn tiếng. Tôi ghé qua nội điện của chùa thì thấy tượng Văn Thù "của tôi" được thờ ở đó, nhưng lại có thêm một bức thứ hai. Cô nói có một Phật tử ở Hồng Kông cũng thỉnh về một bức Văn Thù cho Cô. Cô nói trí huệ thì không bao giờ đủ. Thứ bảy hôm đó Cô hẹn tuần sau tôi hãy đến trình bày đề tài "Sự tái sinh trong quan điểm của đạo Phật":
- Bắt đầu sáu giờ sáng đó nghe. Anh dậy sớm nổi không?
- Dạ được chứ!  
Tôi mạnh miệng như thế chứ không ngờ tăng ni sinh của cô bắt đầu khóa học sớm như vậy. Tuần sau, ngày 18.10 tôi dậy năm giờ sáng, lần đầu tiên tôi cả gan đi giảng bài cho môn đệ của Sư Cô Trí Hải. Đường từ quận năm đến Nguyễn Kiệm khá xa, xem như chạy từ đầu này qua đầu kia của thành phố. Đến nơi đúng sáu giờ thì các vị tăng ni sinh đã ngồi đầy sân, có vài vị cư sĩ do Cô thân hành mời riêng. Tôi bắt đầu buổi trình bày và thấy Cô ngồi tuốt đàng sau, gần các vị cư sĩ. Sau này mới biết Cô chu đáo ngồi xa nhất để xem người ngồi sau có nghe rõ. Trong phần trình bày tính chất của ý chí và ước nguyện, nói rằng những niệm lực này có thể tồn tại từ đời này qua kiếp khác, tôi lấy thí dụ:
-         Ví như đời này ta có ước nguyện đi hành hương đất Phật mà chưa đủ điều kiện thì ước nguyện đó vẫn tồn tại và đợi nhân duyên hình thành, đời sau hay đời sau nữa sẽ thực hiện được.
Tôi bất giác nhìn Cô, thấy Cô mỉm cười gật đầu. Tôi cảm nhận có một sự rúng động nơi Cô. Ngờ đâu, đó là lời thưa gửi cuối cùng của tôi đối với Cô.
Chưa đầy hai tháng sau, chiều chủ nhật 7.12 tôi đọc một bức điện thư của một người bạn cho hay Cô đã bị tai nạn từ trần. Nửa tin nửa ngờ tôi gọi ngay về Nguyễn Kiệm. Một ni cô giọng đầy nước mắt xác nhận hung tin kinh hoàng đó. Sau khi viết thư báo tin cho thầy bạn, tôi tự hỏi năm nay Cô bao nhiêu tuổi. Trước sau, tôi vẫn không biết đến tuổi Cô.
Tôi vào Google, gõ từ "trí hải". Vô số tài liệu mang tên Cô hiện ra. Tôi lạc vào một website nọ và chợt thấy tác phẩm "Tâm bất sinh", ngữ lục của thiền sư Bankei, Việt dịch Thích Nữ Trí Hải. Tôi đọc lại "ghi chú của người chuyển ra Việt ngữ" và nhận ra lại văn phong nhẹ nhàng, lấp lánh trí huệ của Cô. Chiều nay lời văn vô cùng sống động như Cô đang trực tiếp nói với tôi. Tôi đọc lại Bankei và chợt thấy lời dạy của Ngài thật giống với Krishnamurti, một người mà Cô Trí Hải cũng vô cùng quí trọng và đã dịch khá nhiều.
Khi tôi đọc xong thì bên ngoài trời đã tối. Cô ra đi đã hơn sáu tiếng đồng hồ rồi. Cõi nhân sinh lại vắng thêm một người đầy tài năng, đức hạnh và nhiệt tâm phục vụ con người và đạo pháp. Ôi, những con người này càng ngày càng ít ỏi. Tôi lại không tìm thấy số tuổi của Cô vì mải đọc Bankei nhưng bây giờ điều đó không còn quan trọng nữa. Tâm bất sinh thì làm gì có tuổi. Tôi đến cửa sổ nhìn ra bên ngoài. Trăng 14 rực sáng trong một bầu trời hoàn toàn không mây hiếm có của mùa đông châu Âu. Ánh trăng dường như có màu xanh, in rõ bóng đậm của mái nhà trên vách tường. Tôi đang đau buồn nhưng biết đâu Cô đang tiêu dao cùng trăng sao? Cô chẳng đã nói "vui mừng sắp thoát được kiếp người" ư?
Nghĩ lại thì ra trước khi chia tay, tôi kịp thưa gửi Cô một câu về chuyện hành hương, còn Cô cũng kịp nhắn gửi cho tôi một câu về lòng "vui mừng". May cho tôi được nghe câu đó, nếu không thì lòng tôi bây giờ đau xót đến bao nhiêu. Thế nhưng vẫn xin hỏi Cô, Cô có nhất định muốn thác sinh về cõi A-di-đà hay cuối cùng Cô "đổi ý" tái sinh làm lại kiếp người để tiếp tục giáo hoá và để đi thăm thánh địa?

1 nhận xét:

tuan42016 nói...

ni cô mãi là tấm gương cho các phật tử noi theo