Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

Những ngày cuối đời của mẹ

Bùi Bích Hà


HỎI:
Chúng tôi có vấn đề gia đình nan giải, xin bà vui lòng góp ý cho.
Chúng tôi còn mẹ già 81 tuổi. Sau một cơn tai biến mạch máu não nhẹ vào mùa hè năm ngoái, mẹ chúng tôi yếu đi nhiều tuy may mắn vẫn còn đi đứng chậm rãi được bằng walker. Hai vợ chồng chúng tôi đều đi làm toàn thời gian, công việc kỹ sư tại một hãng chuyên sản xuất dụng cụ nhà thương tương đối khá ổn định nhưng bù lại, đồng lương không cao, chúng tôi lại có 3 con còn đi học cả. Mẹ tôi chỉ có tôi là con trai và một cô em gái lấy chồng ngoại quốc ở xa. Hai vợ chồng cô đều làm việc chân tay nên xem ra cũng không dư dả với đàn con 4 đứa, chỉ thỉnh thoảng gởi quần áo, quà bánh và chút tiền về biếu mẹ dịp lễ tết hay sinh nhật. Trong hoàn cảnh kinh tế không được rộng rãi, chúng tôi không có cách nào giữ mẹ chúng tôi tại nhà vì số tiền phải trả thêm để thuê mướn người trông nom cụ ít nhất cũng khoảng từ $500 trở lên, chưa kể còn phải lo ăn ở cho người này.

Do đó, chúng tôi đành phải chọn giải pháp đưa mẹ chúng tôi vào viện dưỡng lão và hằng tuần vợ chồng thay phiên nhau vào thăm cụ. Vấn đề là mẹ chúng tôi buồn rầu, than khóc, cho rằng con cháu bỏ bê không thương cụ. Chúng tôi cố giải thích, mong mẹ chúng tôi hiểu được phần nào cuộc sống ở đây hoàn toàn không giống chút nào với thời trước ở quê nhà. Hơn nữa, ở viện dưỡng lão, mẹ chúng tôi sẽ có đầy đủ các tiện nghi y tế cần cho sức khỏe của cụ chứ ở nhà thì không những đã không bằng mà còn khó khăn gấp bội.

Mặc dầu chúng tôi hết lời biện bạch và an ủi, cuối cùng, mẹ chúng tôi đòi đưa cụ về Việt Nam để sống với bà dì ruột chúng tôi, em gái kém mẹ tôi 3 tuổi, năm nay cũng đã 78 và mới chớm mắc bệnh lú lẫn. Cụ nói bên ấy các cháu đông và hiếu thảo, chúng nó sẽ trông nom cụ tử tế cho đến khi cụ quy tiên. Ngoài ra, còn họ hàng, xóm giềng, cụ cảm thấy vui hơn chứ cuộc sống bên này cả ngày lẫn đêm chỉ thấy người già ốm đau, xa lạ, loanh quanh trong mấy căn phòng lạnh lẽo, cụ đau khổ lắm. Nếu hoàn cảnh chúng tôi không trông nom cụ được, cụ cũng hiểu và không trách móc gì đâu, chỉ xin cho cụ cái vé máy bay về Việt Nam thì may ra cụ còn sống được thêm vài năm nữa, như thế là trả hiếu đấy.

Không biết xử trí thế nào, chúng tôi gọi điện thoại nói chuyện với cô em. Cô ấy bảo sẵn sàng đón mẹ chúng tôi đi Nebraska là nơi gia đình cô đang sống. Vì cô làm một công việc tại nhà nên có thể săn sóc cụ được. Chúng tôi đề nghị cô nhân dịp cuối năm vừa rồi, về Cali thăm cụ và đưa ý kiến mời cụ qua sống với gia đình cô thử một thời gian xem sao? Nếu cụ vẫn không thích thì rồi sẽ tính tiếp. Cô em tôi thực hiện ngay lời yêu cầu của tôi nhưng cả hai anh em đều không thuyết phục được mẹ. Cụ đã kiên định với ý nghĩ sống ở nuớc Mỹ này thì nơi nào cũng vậy thôi, chưa kể lạnh quá, tuổi già chân tay đau nhức làm sao chịu được? Cụ van vỉ chúng tôi cho cụ về Việt Nam để cụ được thỏa nguyện gặp lại dì chúng tôi và được chết chôn bên cạnh ông bà nội ngoại, cụ không mong muốn gì khác nữa.

Thưa bà, để mẹ chúng tôi đi thì thật ra không có gì khó khăn cả. Thậm chí tôi có thể xin nghỉ phép để hộ tống mẹ tôi trong chuyến đi và sau đó sẽ không bận rộn với cụ như hiện nay nữa nhưng không hiểu vì sao tôi thực sự không an tâm làm điều này. Có chút gì bất nhẫn, như thể mẹ tôi còn tại thế sờ sờ mà chúng tôi đã coi như thiên thu cách biệt! Tôi không biết tính thế nào cho phải, mong bà góp ý cho, chúng tôi vô vàn cảm tạ.
Đường.

TRẢ LỜI:
Một khi ông đã viết xuống câu: “Chúng tôi không có cách nào giữ mẹ chúng tôi tại nhà” thì tôi phải tin rằng đây là sự thật trong khả năng của vợ chồng ông.
Nếu thực tế đã như vậy rồi, giữa hai lựa chọn ngoài tầm tay mọi người, hoặc:
•       Cứ để Cụ ở lại trong viện dưỡng lão (mà cụ rất âu sầu và khổ tâm)
•       Đưa Cụ về Việt Nam sống nốt những năm tháng cuối đời (làm cụ cảm thấy vui và được an ủi hơn).
tôi nghĩ có lẽ không khó để ông lấy một quyết định hợp lý mà không cần tôi thêm ý kiến hay lời bàn.

Tuy nhiên, vì ông đã có lòng hỏi tới, tôi cũng xin mạn phép trình bày ở đây những suy nghĩ của riêng tôi để ông chiêm nghiệm thêm.

Các bậc sinh thành chúng ta thuộc vào thế hệ được nuôi dưỡng theo tập tục văn hóa đã thành nề nếp của tổ tiên, trong đó có chân lý bất di dịch (cho đến khi chúng ta bị bắt buộc phải di tản khỏi đất nước thân yêu của chúng ta): Trẻ cậy cha, già cậy con.

Tại Việt Nam trước đây, chúng ta sống dưới chế độ đại gia đình. Con cái nhiều thế hệ quen với bổn phận trông nom, săn sóc người già dưới mái nhà chung, sớm tối ra vào có nhau.

Tổ chức xã hội của nước Mỹ không theo mô hình này mà mỗi công dân, sau tuổi 18, tự lo thân là chính. Cha mẹ vừa nuôi con, vừa lo kế hoạch cho chính bản thân họ khi về già. Trước khi về già, họ đã phải quen với cái tổ ấm có lúc trở nên trống vắng vì con cái như những con chim đủ lông đủ cánh sẽ bay xa.

Các cụ cao niên của cộng đồng chúng ta hoàn toàn không quen với lối sống cá nhân theo văn hoá tây phương, cũng chẳng kịp chuẩn bị gì (vật chất và tinh thần) cho các cụ khi bước vào tuổi già. Vì vậy, sự hiu quạnh thiếu vắng con cháu là một cực hình ghê gớm đối với các cụ. Một số rất ít các gia đình giàu có, mang theo thế hệ 1½ ở lứa tuổi trưởng thành khi tới Mỹ, anh chị em đông, còn giữ được tập tục này và giữ được cha mẹ già ở cùng nhưng đại đa số các gia đình khác không có hoàn cảnh/điều kiện để làm được nghĩa cử đáng quý này. Cũng giống như ông, “họ không có cách nào quanh quẩn bên cha mẹ già” như các cụ mong muốn.
Như nói trên, giải pháp hợp lý và gọn ghẽ nhất là thuận theo các cụ, đưa các cụ về lại cái ao nhà, đặc biệt với gia cảnh như của Cụ và ông, còn đông họ hàng thân thiết ở bên kia. Lẽ tất nhiên ông sẽ không tránh được cảm giác có lỗi với mẹ trong hoàn cảnh bất đắc dĩ phải đưa mẹ về một nơi có khi không còn gặp lại lúc mẹ còn tại thế, song ít nhất con đường này còn đem lại đôi chút ấm lòng cho cụ hơn là giam giữ Cụ héo mòn trong khung cảnh lạnh lùng của nhà dưỡng lão ở đây.

Nếu quả thật ông đã hết sức cố gắng tìm một phương thức tốt đẹp hơn hầu báo hiếu cho từ mẫu nhưng không có cách nào khác như ông nói trong thư, tôi thiển nghĩ ông nên thành khẩn nhìn thẳng vào thực tế và chấp nhận uống chén thuốc đắng. Khi Cụ về tới bên nhà, ông nên cố gắng liên lạc thường xuyên bằng những phương tiện truyền thông mới, gửi tiền về để cụ có cuộc sống thoải mái và cảm ơn những thân quyến đã làm thay ông và các con ông nghĩa vụ cao cả mà ông và các cháu không làm được.

Giòng đời như giòng sông không ngừng trôi qua những bờ bến mới, chúc ông bình tâm hướng về tương lai, đón nhận buồn vui, nắng mưa trong khả năng chọn lựa hạn hẹp của thân phận mình.

Cảm ơn lá thư chia sẻ của ông.


Không có nhận xét nào: