Đức Đạt-lai Lạt-ma và Stéphane Hessel*
Stéphane Hessel (S.H.) : Thật đáng buồn là trên địa cầu
này vẫn có một số người phải thốt lên rằng: "Chúng tôi không được hưởng
những gì khả dĩ tương xứng với quyền hạn của chúng tôi. Chúng tôi phải chịu
cảnh đói nghèo, thật quả là vô phước cho chúng tôi. Hãy thử nhìn vào các người khác
thì sẽ thấy ngay, họ là những người tư bản, hoặc những người đang nắm quyền
hành trong tay, chúng tôi vô cùng thù ghét họ, chúng tôi chỉ muốn tận diệt hết
những người ấy... ». Thật thế, nếu muốn mở rộng tâm thức và con tim mình thì
nào có phải là một chuyện dễ đâu?
Đức Đạt-lai Lạt-ma (Đức
ĐLLM ) : Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên
tôi viếng thăm Âu Châu vào năm 1973. Một hôm ở Genève, tôi cảm thấy bị chấn
động mạnh vì có một người Anh khá phong nhã bảo với tôi rằng tôi sẽ chẳng có hy
vọng gì khi trông cậy vào các thế hệ lớn tuổi (thế hệ trên trước và giàu có, ám
chỉ người tây Phương và các nước Tây Phương) vì tinh thần của họ quá chật hẹp
và cứng nhắc. Thật thế từ đấy đến nay cái hố sâu giữa người giàu và kẻ nghèo ngày
càng trở nên sâu thêm (một cách nói khéo nhằm ám chỉ các quốc gia giàu có và
các quốc gia nghèo đói). Vào thời bấy giờ con người sống khá lẻ loi (các quốc
gia Tây Phương tự cô lập mình), và cũng vì thế mà họ luôn cảm thấy mất an ninh.
Các xã hội Tây Phương từ lâu đã đạt được các tiêu chuẩn khá cao thế nhưng không
hề chìa tay ra để nâng đỡ kẻ khác. Cách suy nghĩ của chúng ta bao giờ cũng thế,
chẳng có gì mới lạ cả, cũng vẫn là sự ngăn cách giữa "chúng ta" và "kẻ
khác". Cái hố cứ ngày càng sâu thêm. Sức mạnh khủng khiếp của các thể chế kinh
tế cứ chi phối sự sinh hoạt của toàn thể xã hội, sự nghèo đói cứ ngày càng tạo
ra thêm các cảnh khốn quẩn cho những người bần cùng. Đấy là những gì bắt buộc
chúng ta phải tìm cách biến nền kinh tế hiện hành thành một một nền kinh tế xây
dựng trên lòng từ bi, một nền kinh tế biết quan tâm đến nhân phẩm và công lý và
phải được áp dụng cho tất cả mọi người, đúng theo những gì đã được nêu lên
trong Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân Quyền. Bất cứ ở đâu phát sinh ra tình
trạng nghèo đói thì ở đấy cũng sẽ xuất hiện những mối hiểm nguy làm phương hại
đến sự hài hòa trong xã hội, hạ thấp tình trạng sức khoẻ chung trong dân chúng,
mang lại đau thương và gây ra các cuộc xung đột vũ trang và chiến tranh toàn
diện. Không phải chỉ biết nhân danh đạo đức để lên án tình trạng nghèo đói là
đủ; trên thực tế nghèo đói là một nguyên nhân bất tận đã mang lại đủ mọi thứ khó
khăn, các cuộc xung đột và cả chiến tranh. Tôi liên tưởng đến các trường hợp như
Ấn Độ và Pakistan tranh dành nhau vùng Kashmir; hoặc cuộc tranh chấp giữ
Do Thái và Palestin; và cả các cuộc khủng bố xảy ra khắp nơi... Nếu chúng ta cứ
tiếp tục lao mình theo cái đà đó thì tình trạng ấy một ngày nào đó sẽ trở nên
không còn có thể hàn gắn được nữa. Cái hố chia cách "những người có"
và "những người không có" sẽ mang lại khổ đau cho tất cả hai bên.
Chúng ta không phải chỉ biết mở rộng lòng từ bi đối với những người đang đau
khổ, mà còn phải tranh đấu tích cực hơn nhằm mang lại một sự công bằng xã hội
toàn diện hơn.
S. H. : Theo tôi nghĩ thì ngày nay sự kính
trọng tất cả mọi con người phải được xem như là một đạo luật thuộc vào nền luật
pháp quốc tế. Bởi vì chúng ta đang sống trong một thế giới mang thể chế toàn
cầu. Từ năm 1945, chúng ta tổ chức cuộc sống dựa vào Bản Hiến Chương Liên Hiệp
Quốc. Người Do Thái bảo rằng Trời cho họ quê hương của họ, trao tặng cho họ
Hebron (thánh địa của người Do thái ở vào phía nam của thành phố Bét-lê-hem -
Jerusalem). Thế nhưng tôi muốn nói lên rằng: Bản Hiến Chương Liên Hiệp Quốc nào
có cho quý vị cái mảnh đất ấy đâu. Quý vị là thành viên của Liên Hiệp Quốc, vậy
thì phải tôn trọng Hiến Chương ấy, tôn trọng Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế với các
điều luật nêu lên liên quan đến việc bảo
vệ văn hóa và xã hội. Luật pháp quốc tế phải được đặt lên trên các quyền lợi hẹp
hòi của một quốc gia. Khi một quốc gia không tuân thủ, chẳng hạn như Trung Quốc
không tôn trọng luật pháp quốc tế - quy định rằng tất cả mọi dân tộc đều có
quyền bảo vệ văn hóa của mình - thì phải bắt quốc gia đó phải tuân thủ luật
pháp, thay vì chỉ biết nghĩ đến các quyền lợi ích kỷ của xứ sở mình.
Đức ĐLLM : Tất nhiên là phải như thế!
* Vì sự tiến bộ tinh thần / Hãy cùng tuyên bố
Hòa Bình !
Tác
gỉa : Sylvie Crossman & Jean-Pierre Barou - Hoang Phong chuyển ngữ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét