Phan Minh Đức
Ý nghĩa cầu nguyện
trong đạo Phật không giống ý nghĩa cầu nguyện trong các tôn giáo khác hay trong
tín ngưỡng dân gian.
Ý nghĩa cầu nguyện
thông thường là cầu xin ước muốn điều gì đó. Ví dụ, người ta ước muốn giàu
sang, ước muốn thi cử đỗ đạt, ước muốn thăng quan tiến chức, phát tài, người ta
đem ước muốn này gởi đến một đấng thần thánh nào đó mà họ cho là thiêng liêng
và cầu xin vị ấy giúp cho ước muốn của họ thành hiện thực. Đó gọi là cầu
nguyện.
Tuy nhiên, trong đạo
Phật thì khác. Người Phật tử hiểu rằng không ai có thể ban cho mình sự toại
nguyện những ước muốn, ngoại trừ những ước muốn đó là kết quả của những nhân
duyên mà mình từng tạo ra trong quá khứ đời này hay đời trước. Người Phật tử
tin luật nhân quả, tin rằng mình không thể trốn chạy nhân quả bằng cách cầu xin
tránh khỏi tai họa, bệnh tật, những rủi ro bất trắc, và không thể cầu xin có
được bình an, hạnh phúc khi mình chưa từng gieo nhân duyên lành hoặc ít gieo
nhân duyên lành.
Hoa trái hạnh phúc
chỉ có được khi nhân thiện lành được gieo và chăm sóc chu đáo. Những hạt giống
tốt đẹp (thiện nghiệp) được gieo trồng và chăm bón, đến khi hội đủ nhân duyên
thời tiết thì tự động nó sinh hoa trái, không cầu cũng có. Những điều không
hay, những rủi ro bất trắc trong cuộc đời là kết quả của những nghiệp bất thiện
mà chúng ta đã tạo ra trong quá khứ đời này và những đời trước. Việc cầu xin
quyền năng của Đức Phật hoặc thần linh che chở, cứu giúp cho mình thoát khỏi
tai nạn hoạn họa cũng không có kết quả, bởi một khi nghiệp quả đã hình thành và
chín muồi (đầy đủ nhân duyên sinh khởi, hiện hành) thì không cách gì trốn tránh
được. Đức Phật dạy chúng ta tránh được nghiệp quả một khi nó chưa hình thành
bằng cách thay đổi tâm ý và tạo nhiều nhân duyên lành có tác dụng ngược lại với
những nhân duyên đã tạo. Đây gọi là chuyển nghiệp.
Nếu ai đó có thể
thấy những điều sắp xảy đến cho chúng ta, là do những nhân duyên chúng ta đã
tạo trong quá khứ sắp tựu thành kết quả, quả báo đang dần dần tượng hình, bởi
thế người có thần thông có thể biết trước. Dù chúng ta chạy trốn bằng cách nào
đi chăng nữa (như cầu thần linh che chở, dùng bùa chú phép thuật để bảo hộ),
chúng ta vẫn phải nhận lãnh quả báo khổ hoặc vui dưới hình thức này hay hình
thức khác khi nhân duyên hội tụ đầy đủ. Nếu đã từng tạo nghiệp nhân thiện lành,
tích cực thì nhận lãnh quả báo tốt đẹp; nếu đã từng tạo nghiệp nhân bất thiện,
có tính chất tiêu cực thì nhận lãnh quả báo xấu. Ví dụ như người tạo nghiệp
nhân giết người thì sớm muộn gì cũng bị pháp luật xử tử hình hoặc bị người giết
lại, quả báo này không xảy ra trong đời hiện tại thì cũng xảy ra trong đời sau,
dù có mưu thần chước quỷ, giở thủ đoạn luồn lách, trốn chạy cũng không thoát
khỏi.
Đức Phật và các vị
Đại Bồ-tát, các bậc hiền thánh đều có lòng từ bi muốn cứu khổ chúng sinh, nhưng
không ai có thể làm trái lại luật nhân quả. Chúng sinh cứ không ngừng tạo
nghiệp, do đó không ngừng thọ lãnh quả báo. Cũng như người nghèo khổ khốn khó
vì đam mê rượu chè cờ bạc, nếu không chừa bỏ nghiệp đỏ đen, nghiệp say sưa,
nghiện ngập thì không thể có cuộc sống an vui hạnh phúc được dù có người giúp
đỡ về tiền bạc, cơm áo, bảo bọc, đỡ nâng. Không chuyển những nghiệp xấu thì
chắc chắn họ sẽ khổ, không khổ vì tù tội cũng khổ vì bệnh tật, tan nhà nát cửa,
khó nghèo. Hoặc người sống sa đọa trụy lạc đến mức thân tàn ma dại, cùng lúc
phát sinh nhiều bệnh tật nan y như HIV/AIDS, ung thư phổi, ung thư gan, xơ gan
v.v… thì không có thần thánh, phép màu nào cứu được.
Vì thế mà người Phật
tử không cầu xin quyền năng ban bố phước lành, che chở hoạn họa. Vậy người Phật
tử cầu nguyện điều gì?
Việc cầu nguyện
của người Phật tử mang một ý nghĩa khác. Chữ “cầu” trong đạo Phật không có
nghĩa là “cầu xin” mà là mong muốn, ước nguyện. Cũng như nói “Thượng cầu
Phật đạo, hạ hóa chúng sinh” (Trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sinh), thì
“Trên cầu Phật đạo” không có nghĩa là trên “cầu xin” Phật đạo. Phật đạo đâu ai
cho mà cầu xin. Do đó “cầu” ở đây có nghĩa là “mong muốn đạt thành”, “mong muốn
có được”.
Cầu nguyện trong đạo
Phật không phải là mong muốn Đức Phật ban cho mình điều gì, mà là thể hiện mong
muốn, ước nguyện. Sự thường xuyên cầu nguyện là lặp đi lặp lại, nhắc đi nhắc
lại ước nguyện, mong muốn đó để chúng ta luôn ghi nhớ, từ đó chúng ta nỗ lực,
phấn đấu trong việc thực hiện mong muốn, ước nguyện đó.
Để dễ hiểu và tránh
hiểu lầm, kinh sách Phật giáo thường không dùng từ “cầu nguyện” mà chỉ dùng một
từ “nguyện”. Từ “cầu nguyện” chỉ dùng rộng rãi trong đời sống tín ngưỡng, tâm
linh của quần chúng.
Từ “nguyện” có nghĩa
là mong muốn, ước muốn, ý hướng (chí hướng, hoài bão), tâm nguyện, ý nguyện. Ví
dụ như: “Nguyện đoạn nhứt thiết ác, nguyện tu nhứt thiết thiện, nguyện độ nhứt
thiết chúng sinh” (Nguyện dứt trừ tất cả điều ác, nguyện tu tất cả điều lành, nguyện
độ tất cả chúng sinh), “Nguyện dĩ thử công đức, phổ cập ư nhứt thiết, ngã đẳng
dữ chúng sinh, giai cộng thành Phật đạo” (Nguyện đem công đức này, hồi hướng
cho tất cả, chúng con và chúng sinh, đều trọn thành Phật đạo) v.v…
“Cầu nguyện”
trong đạo Phật chỉ là một bước trên con đường tu học, trên con đường hoàn thiện
bản thân, trên con đường chuyển phàm thành thánh, trên con đường lợi lạc chúng
sinh. Vì thế, người Phật tử không dừng lại ở chỗ cầu nguyện, mà phải bước tiếp
sang giai đoạn hành trì giáo pháp, những lời dạy của Đức Phật để đạt được mong
muốn, ước nguyện của mình. Cầu nguyện và hành trì phải gắn kết với nhau.
Cầu nguyện giúp hành trì thêm tinh tấn, dũng mãnh, và ngược lại, hành trì mới
giúp việc cầu nguyện có ý nghĩa thiết thực.
Cầu nguyện thể
hiện chí hướng. Ví dụ như người tu Tịnh độ phát nguyện vãng sinh, cầu Đức
Phật A-di-đà tiếp dẫn chính là có chí hướng sinh về Cực Lạc, nhưng người tu
Tịnh độ phải hành trì pháp môn niệm Phật hoặc quán tưởng hảo tướng quang minh,
công đức, nguyện lực rộng lớn của Đức Phật A-di-đà, sự trang nghiêm thù thắng
của cảnh giới Cực Lạc, đồng thời phải giữ năm giới (Ngũ giới), hành Thập thiện,
phát tâm Bồ-đề và tu tạo các công đức phước lành.
Có tâm nguyện,
chí hướng mà không có hành động thiết thực để thực hiện tâm nguyện, chí hướng
thì chẳng có ích gì. Cũng như người muốn trở thành bác sĩ, kỹ sư mà không
chịu học hành, cứ ngồi đó mà mơ tưởng hoặc cầu khẩn thần linh. Dù người đó có
được ô dù nâng đỡ, có mua được bằng cấp, học vị thì cũng chẳng thể là một bác
sĩ, kỹ sư thực thụ, và bằng cấp, học vị giả mạo kia sẽ là nhân, là duyên mang
tai họa đến cho người đó về sau này. Một mai bằng giả bị phát giác; hoặc bác sĩ
dỏm trị bệnh chết người, kỹ sư dỏm xây công trình kém chất lượng, không đạt
tiêu chuẩn, vừa hao công tốn của, vừa gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, chắc
chắn ông bác sĩ, ông kỹ sư này sẽ rơi vào vòng tù tội.
Chúng ta thường
đến chùa cầu nguyện sự bình an, hạnh phúc cho mình và cho những người thân, thì
chúng ta phải hành trì lời Phật dạy, phải làm gì, sống như thế nào để có được
sự bình an, để hạn chế được những phiền não khổ đau nơi thân và tâm mình.
Không thể cầu nguyện rồi cứ thản nhiên tạo tác các nghiệp ác, bất thiện, tạo
các nhân duyên xấu, tiêu cực; giao phó cho Đức Phật và các vị Bồ-tát, Hộ pháp
nhiệm vụ bảo hộ cho mình, làm như thế chẳng khác nào xem Đức Phật và các bậc
thánh hiền như các quan tham ô, các nô bộc do mình mua chuộc (bằng hoa quả,
phẩm vật cúng dường), do mình tùy ý sai khiến.
Nhiều người đến chùa
vào các ngày lễ lớn, đốt cả bó hương to và cắm bừa tứ tung mặc dù lư hương
không còn chỗ cắm; lấy bánh trái trên bàn thờ, hái hoa bẻ cành cây kiểng nhà
chùa để xin lộc; rải tiền đầy trên bàn thờ Phật, bàn thờ các vị Bồ-tát để cầu
nguyện, những việc làm này chẳng những không có ích mà còn tổn phước bởi vì
phung phí tiền của và phỉ báng chư Phật, chư Bồ-tát, thánh hiền, làm mất trang
nghiêm nơi cửa chùa thanh tịnh. Vung vãi tiền như thế là bố thí cho Phật,
Bồ-tát hay đút lót hối lộ? Đó chẳng phải là việc làm phỉ báng các bậc thánh
hiền thì là gì? Quả thật là việc làm tội lỗi! Vì mê muội mà vô tình tạo thêm
nghiệp tội và làm tăng thêm tà kiến.
Người có niềm tin,
tín ngưỡng, dù là Phật tử hay không phải là Phật tử đều cần phải có chánh tín
(niềm tin chân chánh trên cơ sở chánh kiến, chánh tư duy), tránh những hành
động tiêu cực, tà kiến, bất cứ việc làm nào cũng phải có ý nghĩa và giá trị lợi
ích thiết thực. Trong đạo Phật, việc cầu nguyện của người Phật tử
cũng khác với thế thường, không phải vì mục đích van xin, cầu cạnh. Nếu mê tín,
cầu cạnh, van xin sự bình an và lợi lộc thì đã tạo nghiệp tham, si. Đồng thời
là hình thức chắp tay khấn nguyện, nhưng tâm niệm khác thì ý nghĩa và giá trị
của hành động cũng khác.
Đạo Phật còn khuyến
khích cầu nguyện không chỉ cho bản thân mà còn cho người khác. Việc cầu nguyện
điều gì đó cho người khác mang ý nghĩa cao đẹp thể hiện tấm lòng của mình đối
với người đó, thể hiện tình thân, tình thương, thể hiện tinh thần từ bi, vô
ngã, vị tha. Chẳng hạn như cầu nguyện cho ông bà cha mẹ mạnh khỏe, sống lâu,
cầu nguyện cho gia đình bình an hạnh phúc, cầu nguyện cho quê hương, đất nước,
cho thế giới, cho nhân loại, chúng sinh được thái bình, an lạc v.v…
Sau mỗi thời kinh,
người Phật tử luôn phục nguyện hồi hướng công đức phước báo của sự hành trì tu
tập cho pháp giới chúng sinh, cầu tất cả chúng sinh mau chóng được sinh về cõi
Phật; nguyện được chân trí huệ sáng suốt, tiêu trừ tất cả phiền não, tội
chướng… (Phúng kinh công đức thù thắng hạnh, vô biên thắng phước giai hồi
hướng, phổ nguyện pháp giới chư chúng sinh, tốc vãng vô lượng quang Phật sát.
Nguyện tiêu tam chướng, trừ phiền não, nguyện đắc trí huệ chơn minh liễu, phổ
nguyện tội chướng tất tiêu trừ…). Nội dung cầu nguyện vừa cho mình, vừa cho tất
cả chúng sinh, không cá nhân vị kỷ, bình đẳng không phân biệt.
Tóm lại, việc phát
nguyện thể hiện ý nguyện, chí hướng và quyết tâm của chúng ta. Phát nguyện cũng
là một pháp tu trưởng dưỡng đạo tâm, phát triển đạo hạnh và làm tăng trưởng
công đức, phước báo cho người hành trì, tu tập Chánh pháp. Một người Phật tử sơ
cơ khi phát nguyện tu tập các pháp lành, thọ trì giới pháp, bỏ ác hành thiện
chính là đang “hồi đầu” (quay đầu – chỉ mới quay đầu lại thôi chứ chưa bước đi,
hành trì mới là giai đoạn bước đi đến đích), còn “khoảng cách đến bờ giác ngộ,
giải thoát, an vui” (giác ngạn, bỉ ngạn) còn bao xa là tùy thuộc vào mức độ
tinh tấn hành trì, tu tập, sự thực hiện lời nguyện của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét