Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2014

HỒI XUÂN NỔI LOẠN

Lưu Dung


Năm 1978, khi tới trường mỹ thuật Danvers, tôi được trung tâm nghệ thuật Martin Martinsville gần đó mời dạy 2 tuần môn hội họa truyền thống Trung Quốc. Người đón tiếp tôi là vợ chồng họa sĩ Kelly.
Sáng sáng, hai vợ chồng thay phiên nhau đưa tôi đi dạy và tham gia các hoạt động khác. Họ dành ngôi nhà sang trọng của mình để mỡ một cuộc triển lãm nhỏ các tranh của tôi. Là thợ thêu nghiệp dư, ông Kelly thêu tặng tôi một lá cờ tinh xảo, bà vợ thì đãi tôi các món ăn Tàu mới học, bảy đứa con của ông bà trở thành những người bạn của tôi. Cảnh gia đình hạnh phúc và cảnh đẹp mùa xuân Martinsville sau đó vẫn đọng mãi trong ký ức tôi. Vì thế, năm năm sau, khi gia đình tôi đoàn tụ ở New York và sinh hoạt đã ổn định, tôi gọi điện hỏi thăm gia đình tuyệt vời đó.
Tiếm tôi qua điện thoại là giọng nói già nua mệt mỏi của ông Kelly: "Vợ chồng tôi đã li hôn, vợ tôi đã một mình đi Bắc Mỹ, có lẽ là Canada rồi! Bà ấy nói, con cái đã lớn, nay muốn được tự do, vì thế bà ấy muốn sống một mình ..."
Cũng trong năm đó, bà Ninh Phù, một học viên xuất sắc trong lớp học vẽ của tôi bỗng dưng bỏ học. Bà bảo, sáu đứa con của bà đã trưởng thành, đứa bé nhất cũng đã biết tự chăm sóc, vì thế bà muốn rời nhà để thực hiện những ước mơ của thời trẻ.
"Tôi không định li hôn, chỉ rời nhà, từ mười mấy năm nay tôi đã muốn như thế, giờ mới có cơ hội. Tôi cũng gần năm mươi rồi, nếu không làm ngay e không còn kịp nữa." Bà Phù nói.
Lạ là các bà học viên cùng lớp lại ồ lên chúc mừng. Rồi bà này một câu oán, bà kia một câu trách, nói rằng mình cũng chán lắm rồi, đã bỏ cả nửa đời người vào tã lót và bột giặt, nên chỉ muốn sống một mình như bà Phù.
Ngồi bên, tôi không biết nói thế nào cho phải. Nhìn thấy ánh mắt long lanh của các bà, tôi chợt nhận ra: Các bà tuổi trung niên dường như bị kích thích bởi lòng "dũng cảm" của bà Phù, có thể nói rằng bà Phù đã làm được cái việc mà họ không dám làm, nói ra điều mà họ không dám nói nên khiến cho các bà hứng khởi mãi không thôi.
Hè năm nay về nước, một bà bạn từ thuở bé mời tôi đi ăn trưa.
"Tôi đang tính li thân với chồng, anh thấy sao?" Đột nhiên bà bạn hỏi tôi.
"Vợ chồng bà không hạnh phúc? Gia đình lục đục à?"
"Hôn nhân của chúng tôi có hạnh phúc hay không tôi cũng không biết nữa", bà bạn nói: "Có thề nói gia đình cũng ổn, trước kia nghèo xác xơ, nay thì nhà cửa đàng hoàng, nhưng ông biết không, nhà là do chính tôi mua, lương chồng tôi thì chỉ đủ ăn!"
"Người ta bảo vợ chồng nghèo mới hay lục đục, hai ông bà nay đã khá giả sao còn oán trách? Vợ chồng đã cùng nhau phấn đấu, nay có chút tích lũy, giờ sao không an hưởng? Huống hồ con cái đều đã lên cấp ba!"
"Uầy ... sao ông không nghĩ cho tôi? Ông tưởng tôi còn trẻ lắm à? Không tranh thủ khi còn sức lực để hoàn thành dự định lẽ nào đợi đến già khú đế rồi hối hận?" Bà bạn bỗng nổi cơn tức giận.
Nhưng vấn đề là, trong suốt buổi trò chuyện, tôi chẳng nghe thấy dự định của bà là cái gì, không phải để tìm một chàng thư sinh tre trẻ, cũng chẳng phải mở của hàng kinh doanh buôn bán gì. Tóm lại, dường như bà cảm thấy tiếc đời, dường như bà cũng chẳng quan tâm sau khi li thân, ông chồng lớn hơn mười tuổi của bà sẽ ra sao.
Trước, người ta hay nói, đàn ông đến tuổi trung niên, có kinh tế, bớt trách nhiệm thì dễ ngoại tình. Một mặt tìm lại tuổi xuân ở các cô gái trẻ, chứng tỏ mình vẫn còn trẻ; một mặt đã chán mười, hai mươi năm cuộc sống gia đình nên muốn tìm sự kích thích bên ngoài.
Gặp trường hợp của mấy bà kể trên, tôi mới kinh ngạc nhận ra: tận trong sâu thẳm tâm hồn các bà tựa hồ có "gien đột biến"! Đột biến vì sự o ép của chồng, bởi những bi phẫn mà cánh đàn ông không có.
Cuối cùng, tôi nói đùa với bà bạn hồi nhỏ:
"Để tôi nói bà nghe nhé, bà và chồng cùng đi trên đường đời, ông mang hành lý nặng, bà dắt mấy đứa con, đến nửa đường thì hành lý đã vơi, con cũng đã lớn, bà nhìn phía trước thấy phong cảnh không đẹp bằng phía sau, thế là nói với chồng con: 'Thôi bố con ông cứ đi một mình đi, tranh thủ lúc còn khỏe, tinh thần còn minh mẫn, tôi quyết định quay lại thử con đường ngày trước. Lần này tôi quay lại là để ngắm cảnh, hái mấy bông hoa đẹp'. Nhưng sao bà không nói với chồng: 'Hành lý của ông cũng đã nhẹ rồi, tranh thủ lúc trời còn chưa tối, chúng ta hãy quay lại cùng thưởng thức cảnh đẹp'. Nhỉ?
Nếu chồng bà bảo không đi được nữa thì bà có nhẫn tâm bỏ chồng để một mình quay lại không?
Những năm tháng miệt mài gian khổ, cuộc sống vợ chồng có thể kém phần lãng mạn. Song vẫn còn những năm tháng hạnh phúc khi con cái đã lớn, sao không cùng nhau chung hưởng mà lại ai đi đường nấy?
Từ lúc ai cũng phải mang vác hành lý nặng, không đủ thời gian ngắm cảnh, đến khi cả hai có thể thảnh thơi nắm tay nhau đi, chẳng phải đã bước vào cảnh giới mới sao?"
Các bà trung niên có "gien đột biến" nghe tôi nói vậy có lọt lỗ tai không?


Không có nhận xét nào: