ĐỨC ĐẠT-LAI LẠT-MA
Cái chết đánh dấu một thời điểm cực kỳ quan trọng vì thế cần phải được chuẩn
bị thật chu đáo. Hãy nghĩ đến tính chất bất khả kháng của cái chết. Hãy nhìn nó
như một thành phần bất khả phân của sự sống, vì đương nhiên sự sống bắt buộc
phải có một khởi điểm và một sự chấm dứt. Thật là vô ích nếu ta tìm cách tránh
né chuyện ấy.
Nếu ý niệm trên đây sớm ăn sâu vào tâm thức thì sau này cái chết sẽ không
đến với ta một cách đột ngột như là một biến cố bất thường. Và như thế ta sẽ có
thể tiếp cận nó một cách khác hơn.
Quả thật phần đông chúng ta đều cảm thấy ghê sợ khi nghĩ đến cái chết của
chính mình. Ta sử dụng phần lớn cuộc đời để thâu góp của cải và hoạch định thật
nhiều dự án, dường như ta có thể sống bất tận, không chịu nghĩ rằng rồi một
ngày nào đó ta cũng sẽ ra đi và bỏ lại tất cả phía sau. Cái ngày nào đó cũng có
thể là ngày mai, mà cũng có thể là ngay hôm nay, trong một chốc nữa đây.
Theo Phật giáo, tốt hơn hết là ngay từ bây giờ ta nên tập thế nào để cái
chết sẽ đến một cách êm đẹp nhất. Khi các chức năng sinh tồn chấm dứt, cấp bậc
thô thiển của tâm thức cũng tan biến theo, và khi đó phần tri thức tinh tế
không còn lệ thuộc vào thành phần vật chất nữa, sẽ hiển lộ một cách rõ rệt, tạo
ra dịp may duy nhất cho người đã tu tập thuần thục bước vào thể dạng Giác ngộ.
Vì thế các kinh sách tan-tra (1) đã đưa ra nhiều phương pháp thiền định với mục
đích chuẩn bị cho cái chết.
Nếu là người mang đức tin thì khi sắp chết ta nên nhớ đến đức tin của mình
mà cầu nguyện. Nếu ta tin có Trời, thì tự nhủ rằng dù cho thật đau buồn khi
phải chấm dứt sự sống, nhưng Trời vẫn có cái lý của Ông ta, trong cái lý đó có
một cái gì sâu xa mà ta không thể hiểu nổi. Điều đó chắc hẳn cũng giúp đỡ ta
được phần nào.
Nếu là một người Phật giáo và tin có luân hồi, thì đối với ta cái chết chỉ
là sự thay đổi cái vỏ thể xác bên ngoài, giống như ta thay áo mới khi chiếc áo
trên người đã cũ. Khi cơ sở vật chất gánh chịu những tác động từ các nguyên
nhân bên trong và bên ngoài không còn đủ sức duy trì sự sống, thì đã đến lúc
phải rời bỏ nó để tiếp nhận một cơ sở vật chất mới. Trong bối cảnh như thế,
chết không có nghĩa là chấm dứt hiện hữu.
Đối với những người có đức tin, dù họ có chấp nhận sự tái sinh hay không,
thì cần nhất khi chết phải chận đứng những tư duy của tri thức thô thiển và
phải phát động niềm tin vào Thượng đế hay bất cứ một thể dạng tâm thức tích cực
nào cũng được. Tốt nhất là giữ cho tâm thức minh mẫn chừng nào hay chừng nấy và
tránh tất cả những gì làm cho tâm thức u tối. Nếu như người hấp hối đau đớn quá
mức và không còn khả năng giữ tâm thức trong một thể dạng thuận lợi, thì tốt
hơn là đừng nên cho người hấp hối phải ra đi trong tình trạng đau đớn như thế.
Trong trường hợp này hãy giúp người sắp chết bớt đau đớn bằng những liều thuốc
an thần hay thuốc ngủ. Việc ấy thật lợi ích !
Đối với những ai không theo một tôn giáo hay các cách tu tập tâm linh nào,
và các cách suy tư của họ quá xa vời với cái nhìn của tôn giáo về thế giới này,
thì trong lúc hấp hối điều quan trọng hơn hết là nên giữ bình tĩnh, thư giãn,
và suy nghĩ trong đầu thật minh bạch rằng cái chết chẳng qua cũng chỉ là một
quá trình tự nhiên của sự sống.
Nếu phải chứng kiến và giúp đỡ một người hấp hối, thì ta hãy chọn một thái
độ thích nghi với họ, phù hợp với bịnh tình của họ, với việc họ có tin ở tôn
giáo hay không, có tin vào sự tái sinh hay không, và nhất là tránh tối đa không
tìm cách gây ra cái chết sớm hơn để tránh sự đau đớn (2). Nên làm tất cả những
gì có thể làm được để tạo ra chung quanh người hấp hối một không khí an bình.
Nếu ta bồn chồn lo lắng, người hấp hối cũng sẽ cảm thấy bị giao động làm phát
sinh những suy nghĩ hỗn loạn khiến cho họ bất an. Thuật ngữ Phật giáo gọi đó là
nguy cơ tạo cho người hấp hối những xu hướng tiêu cực (3).
Nếu người hấp hối có cùng một tôn giáo với ta, thì ta nên nhắc nhở họ cách
tu tập mà họ đã quen thuộc hoặc hãy củng cố thêm đức tin cho họ. Khi hấp hối
thì tất nhiên tâm thức sẽ kém sáng suốt hơn. Lúc ấy nếu có đem ra giảng cho họ
một cách tu tập mà họ chưa hề biết hay chưa quen thuộc thì cũng vô ích. Khi
phần tri thức thô thiển đã tan biến và giai đoạn tri thức tinh tế khởi sự, thì
những gì có thể giúp ích cho người lâm chung chính là sức mạnh của sự tập luyện
tinh thần từ trước của họ, kèm theo những suy tư tích cực.
Khi người bịnh đã hôn mê và chỉ còn giữ được hơi thở ra vào, không còn suy
nghĩ được nữa, thì lúc đó cần phải giúp cho họ ra khỏi tình trạng vô thức,
nhưng hãy hành động tùy theo hoàn cảnh. Nếu gia đình giàu có và người hấp hối
được gia đình quá thương tiếc và sẵn sàng kéo dài sự sống của họ với bất cứ giá
nào, dù chỉ được một ngày đi nữa, thì cũng nên cố gắng thực hiện. Dù cho việc
ấy không giúp ích gì thêm cho người sắp chết nhưng cũng làm cho những người
thân đang sống được mãn nguyện.
Nếu không còn một hy vọng nào để làm hồi tỉnh tri thức của người hôn mê và
nếu việc đó quá tốn kém khiến gia đình phải gánh chịu nợ nần hoặc tạo ra những
khó khăn trầm trọng, thì tốt hơn hết là nên thốt lời « từ giã ».
Tôi cũng xin nói thêm rằng, theo Phật giáo nếu cần phải làm bất cứ gì để
giúp người sắp chết không đau đớn, thì đồng thời cũng nên hiểu rằng không phải
vì thế mà người hấp hối sẽ thoát khỏi những khổ đau do chính họ đã tạo ra cho
họ. Nói một cách khác là họ phải gánh chịu sự khổ đau mà nguyên nhân bắt nguồn
từ hành vi (nghiệp – hay karma) của chính họ, và hậu quả phát sinh từ hành vi
thì không thể nào trốn tránh được. Nếu họ rơi vào một hoàn cảnh không có một
tiện nghi vật chất nào, hoặc trong một thể dạng hiện hữu khác hơn là con người,
hoặc không có ai bên cạnh để chăm lo, thì sự đớn đau sẽ còn tệ hại hơn nhiều.
Ngay trong lúc này khi còn đang có kẻ khác chăm sóc và chu cấp nhu cầu cho họ
thì tốt hơn là họ nên để cho cái thân xác hiện tại gánh chịu sự đớn đau (4).
Đương nhiên, tất cả là do gia đình hay những người thân thuộc quyết định kéo
dài hay thu ngắn tình trạng sống giả tạo (5) của họ mà thôi.
Ghi chú :
1- Tan-tra là các kinh sách căn bản của Kim cương thừa trong Phật
giáo.
2- Sự gây chết không đau (euthanasie).
3- Xu hướng tiêu cực ở đây có nghĩa là sự bám víu vào sự sống và những người thân chung quanh, cản trở một tâm thức an bình thuận lợi cho sự tái sinh.
4- Ý nghĩa của câu này là sự đớn đau là do nghiệp sinh ra, nếu ta « trả » trong lúc này thì sẽ được nhẹ gánh hơn cho thân xác tương lai. Dù sao thì hậu quả của nghiệp cũng phải « trả », hoặc « trả » trong lúc này hay khất « nợ » lại về sau cũng thế thôi.
5- Kéo dài sự sống giả tạo có nghĩa là dùng hô hấp nhân tạo và các máy móc y khoa khác để tạm thời chận đứng cái chết.
2- Sự gây chết không đau (euthanasie).
3- Xu hướng tiêu cực ở đây có nghĩa là sự bám víu vào sự sống và những người thân chung quanh, cản trở một tâm thức an bình thuận lợi cho sự tái sinh.
4- Ý nghĩa của câu này là sự đớn đau là do nghiệp sinh ra, nếu ta « trả » trong lúc này thì sẽ được nhẹ gánh hơn cho thân xác tương lai. Dù sao thì hậu quả của nghiệp cũng phải « trả », hoặc « trả » trong lúc này hay khất « nợ » lại về sau cũng thế thôi.
5- Kéo dài sự sống giả tạo có nghĩa là dùng hô hấp nhân tạo và các máy móc y khoa khác để tạm thời chận đứng cái chết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét