ĐỨC ĐẠT-LAI LẠT-MA
Gia đình là đơn vị căn bản nhất của xã hội. Nếu nguồn an vui tràn ngập trong
gia đình, và các giá trị nhân bản được tôn trọng, thì chẳng riêng
gì cha mẹ mà cả con cháu đều được sống trong bầu không khí hạnh phúc và thư
giãn, và cũng biết đâu cái không khí đó sẽ còn tiếp tục tồn tại cho đến những
thế hệ về sau. Nếu cha mẹ có một niềm tin tôn giáo, đương nhiên con cái cũng
quan tâm đến tôn giáo. Nếu họ ăn nói lễ độ với nhau, biết sống trong đạo đức
(1), yêu thương và kính trọng lẫn nhau, biết giúp đỡ kẻ khác và quan tâm đến thế
giới chung quanh, thì con cháu sau này sẽ có nhiều hy vọng biết cư xử giống như
họ trong cuộc sống của chúng, và chúng sẽ hành động như những con người ý thức
được trách nhiệm của mình.
Ngược lại, nếu cha mẹ thường xuyên gây gỗ và thoá mạ lẫn nhau, biểu lộ thành
hành động tất cả những gì đến trong tâm trí họ và không hề biết kính trọng lẫn
nhau, thì chẳng những họ không bao giờ biết hạnh phúc là gì mà dĩ nhiên con cái
họ sẽ phải gánh chịu những hậu quả mà họ gây ra.
Với tư cách của một người Phật giáo, tôi vẫn thường nói với người Tây tạng
rằng nếu thật sự có một nơi mà người ta có thể nỗ lực để tái lập và phát huy
những lời giáo huấn của Đức Phật, thì nơi ấy nhất định phải là khung cảnh gia
đình. Chính gia đình là nơi mà bậc cha mẹ cần phải biểu lộ niềm tin của mình,
đấy là nơi tốt nhất để cảm hoá con cái bằng cách tự biến mình thành những người
hướng dẫn tinh thần cho chúng. Không phải chỉ cần trỏ cho con cái những ảnh
tượng và giải thích cho chúng đấy là những vị thần linh nào, nhưng phải giải
thích một cách cặn kẻ hơn : đây là vị thánh nhân tượng trưng cho lòng từ bi,
đây là vị thần linh của trí tuệ tối thượng, và cứ tiếp tục giải thích như thế
cho chúng. Nếu bậc cha mẹ càng hiểu thấu đáo giáo huấn của Đức Phật, thì họ lại
càng có thể ảnh hưởng đến con cái họ một cách tích cực hơn. Điều ấy cũng đúng
với các truyền thống tinh thần khác hay các tôn giáo khác.
Gia đình này sẽ ảnh hưởng đến gia đình kia, và tiếp tục ảnh hưởng thêm một
gia đình khác nữa, rồi cứ thế sẽ nhân lên thành mười, một trăm, một ngàn, và
sau cùng là toàn thể xã hội sẽ trở nên vững vàng hơn.
Các xã hội tân tiến ngày nay không hẳn là những xã hội thật lành mạnh. Nhưng
nếu như một số người cứ nhất quyết cho rằng con người trong các xã hội ấy không
còn biết kính trọng gì cả thì trong những xã hội kém kỹ nghệ hoá hơn, hãy tự
hỏi con người có hành động ý thức hơn hay không ? Vì thế ta cần phải thận trọng
khi đưa ra những loại xét đoán như trên đây.
Nhiều vùng đất Ấn độ thuộc địa phận Hy mã Lạp sơn rất hiểm trở nên không bị
ảnh hưởng nhiều bởi những tiến bộ kỹ thuật hiện đại. Tại các nơi này trộm cắp
và tội phạm ít xảy ra hơn, con người chấp nhận và vui sống với những gì họ có,
thậm chí có những nơi khi đi vắng, người ta vẫn để cửa bỏ ngõ, nếu có người
viếng thăm thì cứ tự tiện lưu lại và nghỉ ngơi chờ đến khi người nhà quay về.
Ngược lại, trong các thành phố lớn, chẳng hạn như ở Delhi, tội phạm xảy ra rất
nhiều và con người chẳng bao giờ biết an phận, vì thế mà khó khăn cứ tiếp tục
gia tăng và chồng chất lên nhau. Tuy nhiên theo quan điểm của tôi thì thật là
sai lầm nếu cứ mang những tệ hại ấy làm tiêu đề để kết án sự phát triển kinh tế
và chủ trương phải đem xã hội đi thụt lùi lại. Sự hòa thuận và kính trọng kẻ
khác trong các xã hội truyền thống thường là do sự sống còn áp đặt và một phần
cũng vì muốn an phận, không nhìn thấy những cách sống khác hơn. Thử hỏi những
người du mục Tây tạng xem họ có muốn tìm được một nơi ấm áp để trốn cái giá rét
của mùa đông hay không, họ có thèm muốn những cái lò sưởi tân tiến không bốc
khói mù mịt bám đen cả túp lều và các vật dụng của họ hay không, họ có muốn
được chăm sóc khi đau ốm và được ngồi xem truyền hình để nhìn thấy những gì
đang xảy ra ở những chân trời góc bể của thế giới hay không? Tôi tự cho
là có thể đoán được câu trả lời của họ.
Phát triển kinh tế và tiến bộ kỹ thuật là những gì thật tốt và rất cần
thiết. Đó là kết quả phát sinh từ nhiều yếu tố phức tạp mà ta không nhận thấy
hết. Nếu cho rằng chận đứng những tiến bộ kỹ thuật là sẽ giải quyết được tất cả
mọi khó khăn thì đó quả thật là một cách suy nghĩ hết sức ngây thơ. Tuy thế
nhất định ta cũng không nên phó mặc cho sự tiến bộ phát triển một cách vô ý
thức. Tiến bộ phải đi kèm với những giá trị đạo đức. Chính đó là trách nhiệm
của con người nói chung mà trong đó có chúng ta, và trách nhiệm ấy là phải được
tôn trọng đồng loạt đối với cả hai phương diện : tức tiến bộ kỹ thuật phải đi
đôi với những giá trị đạo đức. Đó chính là chiếc chìa khóa giúp chúng ta vươn
tới tương lai. Khi một xã hội đủ sức kết chặt được những tiến bộ vật chất và
những nỗ lực tâm linh thì lúc ấy mới có đủ khả năng để mang lại hạnh phúc thật
sự.
Làm thế nào để có thể thực hiện một xã hội như thế ? Tôi không nghĩ rằng
phải nhờ vào chùa chiền và tu viện nguy nga. Cũng không phải chỉ đơn giản dựa
vào trường học là cũng đủ. Chính gia đình phải đứng ra đảm trách vai trò then
chốt đó. Nếu một gia đình biết sống trong an vui và mọi người trong gia đình ấy
ngoài phần kiến thức còn thực thi được những giá trị đạo đức, biết sống ngay
thật và vị tha, thì khi đó mới có thể nghĩ đến việc kiến tạo một xã hội theo
đúng nghĩa của nó. Theo tôi, gia đình nắm giữ một vai trò vô cùng lớn lao.
Điều thật cần thiết là con cái phải được nẩy nở thật sự, phát huy được những
phẩm tính căn bản của con người, biết cư xử một cách cao thượng, đủ sức mạnh
tinh thần để tương trợ lẫn nhau, để nhận biết sự tương quan với những người
chung quanh và tự biến mình thành một tấm gương cho kẻ khác soi vào. Được như
thế thì khi những đứa trẻ lớn lên và tìm được nghề nghiệp sinh sống, chúng sẽ
có đủ khả năng để giáo dục cho các thế hệ kế tiếp. Nếu sau này chúng có trở
thành những vị giáo sư già lọm khọm với những cặp kính dày cộm, thì chắc hẳn
các vị ấy cũng không đến nỗi quên mất những năm tháng của chuỗi ngày thơ ấu.
Tôi vẫn luôn tin như thế.
Nếu gia đình muốn thành công với trọng trách này thì ngay từ lúc khởi đầu,
người đàn ông và người đàn bà không nên kết hợp với nhau dựa trên sự bám víu
duy nhất vào sắc đẹp thể xác, vào âm thanh của giọng nói, hay là những thể dạng
khác bên ngoài. Họ phải cố gắng tìm hiểu nhau. Nếu cả hai khám phá ra một số
phẩm tính nào đó của nhau và đều cùng cảm thấy một tình yêu chung, đi song đôi
với một sự tương kính và quý trọng, thì khi đó sự kết hợp giữa hai người mới có
nhiều cơ may đưa đến hạnh phúc lâu bền.
Ngược lại nếu sự kết hợp duy nhất bằng dục vọng, bằng thèm khát nhục dục,
giống như sự thèm khát trước một người gái điếm, không cần biết tánh tình của
nhau, không cần phải tỏ lộ sự kính trọng, thì khi đó họ chỉ có thể tiếp tục yêu
nhau khi dục vọng còn đủ mãnh liệt. Một khi những kích thích do sự mới lạ không
còn nữa và tình yêu không còn đi đôi với sự quý mến lẫn nhau một cách sâu đậm
nữa, thì lúc ấy việc sống chung sẽ trở thành một thứ gì thật khó khăn. Tình yêu
như thế chỉ là một thứ tình yêu mù quáng. Sau một thời gian sẽ không còn là
tình yêu nữa mà là một cái gì ngược hẳn lại. Nếu hai vợ chồng lại có con cái
thì có thể chúng sẽ lâm vào cảnh thiếu tình thương. Thật hết sức quan trọng
phải nghĩ đến điều này trước khi quyết định chung sống với một người khác.
Một hôm tại San Francisco tôi gặp được một vị cố đạo Thiên chúa giáo thường
giúp các bạn trẻ chuẩn bị lập gia đình. Ông ta khuyên những người trẻ là họ cần
nên quen biết một số đông bạn trai gái trước đã, rồi sau đó mới lựa chọn. Nếu
cứ nhắm mắt chọn ngay người hôn phối sau một lần gặp gỡ đầu tiên thì sẽ có cơ
nguy bị nhầm lẫn. Tôi thấy điều này rất đúng.
Cũng không nên quên là khi đã lấy nhau, thì kể từ giây phút đó một người sẽ
trở thành hai. Ngay những lúc còn sống một mình, những gì mình suy nghĩ vào lúc
chiều tối cũng đã khác với những gì suy nghĩ vào buổi sớm mai. Vì thế cũng
không cần phải nhắc lại ở đây là những bất đồng chính kiến có thể đến vào bất
cứ lúc nào. Nếu người này hay người kia chỉ biết bảo vệ ý kiến của mình mà
không quan tâm đến ý kiến của người bạn đời của mình, thì sinh hoạt lứa đôi
không thể tiến hành tốt đẹp được. Từ giây phút khởi sự sống chung với một người
khác, ta phải đối xử bằng sự trìu mến và phải quan tâm đến những suy tư của
người ấy. Mỗi người đều gánh lấy một phần trách nhiệm chung, dù cho bất cứ gì
sẽ xảy ra cho nhau. Cuộc sống lứa đôi không phải là công việc riêng của một
người.
Người đàn ông phải làm cho người đàn bà vui lòng và người đàn bà phải làm
cho người đàn ông vui lòng. Nếu người này hay người kia không làm được những gì
mà cả hai chờ đợi lẫn nhau, thì lối thoát duy nhất có thể hình dung được là sự
bất hòa và cảnh chia ly. Khi chưa có con cái thì sự chia ly vẫn chưa hẳn là một
thảm hoạ. Chỉ cần kéo nhau ra tòa, điền vào những mẫu khai in sẵn, chỉ đơn giản
phung phí một ít giấy thế thôi. Nhưng nếu đã có con cái thì suốt đời chúng sẽ
cảm thấy một nỗi đau buồn xót xa nào đó.
Rất nhiều cặp vợ chồng ly dị nhau. Có thể họ cũng có lý, nhưng theo ý tôi
trước nhất hãy làm tất cả những gì có thể làm được để tiếp tục sống hạnh phúc
với nhau. Nhất định điều đó đòi hỏi nhiều cố gắng và suy tư. Nếu sự chia ly
không thể tránh được, tốt nhất nên hành động một cách êm thắm, không gây ra
buồn khổ cho kẻ khác.
Vì thế nếu ta đã quyết định sống chung với một người nào đó thì phải thật
tâm và không nên hấp tấp. Một khi đã sống với nhau, hãy suy nghĩ đến trách
nhiệm mà cuộc sống lứa đôi đòi hỏi. Gia đình là chuyện nghiêm túc. Hãy làm tất
cả những gì có thể được để mang lại hạnh phúc cho gia đình, hãy chu cấp cho gia
đình được đầy đủ, giáo dục con cái và bảo đảm hạnh phúc cho chúng trong tương
lai.
Hãy đặt phẩm lên trên lượng. Cái quy tắc ấy phải được áp dụng cho bất cứ
cảnh huống nào trong cuộc sống. Trong một tu viện, dù cho số người tu hành
không đông nhưng nếu họ là những người đứng đắn thì luôn vẫn hơn. Trong một
trường học điều quan trọng không phải là thu nạp một số học trò đông đảo mà
chính là sự giáo dục phải được thực hiện tốt. Trong một gia đình, điều cốt yếu
không phải là có nhiều con mà phải có những đứa con lành mạnh và không hư hỏng.
Ghi chú :
1- Sống trong đạo đức, theo định nghĩa Phật giáo mà Đức Đạt-Lai
Lạt-Ma thường thuyết giảng là tránh không được làm bất cứ gì có hại đến người
khác.
ĐỨC ĐẠT-LAI LẠT-MA
NHỮNG LỜI KHUYÊN TÂM HUYẾT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét