Thứ Ba, 14 tháng 5, 2013

CHÚNG TA ĐANG NGOẢNH MẶT SANG NƠI KHÁC

David Michie
Tranh siêu thực của họa sĩ Zdislaw Beksinski

 Một trong những thách đố của chúng ta, với tư cách những người bận rộn, chính là đánh giá đúng mỗi ngày chúng ta đang sống. Bị bao vây chung quanh bởi những âu lo liên quan đến công ăn việc làm với những đòi hỏi khắt khe, rồi các vấn đề nhà cửa, gia đình và sự nghỉ ngơi, giải trí cần thiết, điều rất thường là phải có sự can thiệp quyết liệt nào đó để thức tỉnh chúng ta trước thực tại là cuộc sống của mình đang đong đưa trên những sợi chỉ mong manh nhất. Cuộc sống cứ thế tiếp tục sang năm sau, tháng sau, hay thậm chí sang ngày mai sẽ chẳng bao giờ tự độngđoán trước được.
Nhưng, xu hướng của chúng ta là nghĩ về những vụ tai nạn, những trung tâm cấp cứu và những cuộc khủng hoảng khác có tính chất đe dọa tính mạng như cái gì đó bất thường, cứ như thế, chúng ta sẽ sống suốt trong khoảng cái tuổi thọ bình quân ước lượng là bảy mươi hay tám mươi gì đó một cách an toàn, không bị làm sao cho đến lúc đó.
Quan niệm này không chỉ là thiếu chính xác, nó còn là một phần của thái độ phủ nhận cái chết. Mặc dù cái chết là một điều chắc chắn trong cuộc đời chúng ta nhưng nó lại là một vấn đề mà chúng ta cố không nghĩ đến. Nói theo lời Lama Surya Das "Chúng ta bị vây quanh bởi cai chết mặc dù chúng ta ngoảnh mặt đi chỗ khác".
Tại sao chúng ta lại làm vậy?
Những người tin tưởng rằng chúng ta chẳng có gì ngoài thân xác và khi chết đi chẳng còn gì tiếp tục, sẽ nói rằng chẳng lý do gì lại phải tự làm khổ mình khi cứ nghĩ đến viễn ảnh cái chết. Nhưng như trường hợp của Jack (xem thêm : Vị thầy vĩ đại nhất củachúng ta) cho thấy rõ, ngay cả những người tin vào thuyết hư vô cũng có thể hưởng được nhiều điều từ cuộc sống nếu việc đã từng đối diện với cái chết khiến họ tỉnh giấc vào mỗi buổi sáng với cảm giác thật sự rang :"24 giờ kế tiếp thật là một khoảng thời gian quý báu".
Việc nhắc nhở với bản thân rằng cuộc sống của chúng ta chỉ là tạm bợ cũng hiệu quả không thua gì việc giảm stress. Đối với những người bận rộn, trách nhiệm và những thời hạn phải hoàn thành có thể hợp lại tạo thành một mức độ lo lắng sẽ có tác dụng như a xít , ăn mòn khả năng thư giãn và hưởng thụ của chúng ta. Phật giáo nhấn mạnh đến sự vô thường là để cung cấp một công cụ hữu ích nhằm ứng phó với vấn đề này. Bằng cách tự nhắc nhở mình rằng tất cả các sinh hoạt mà chúng ta đang tham gia chỉ có tính chất tạm bợ, chúng ta sẽ có cái nhìn đúng hơn, tốt đẹp hơn và tránh được cảm giác bị đè nặng.
Tôi có một anh bạn chủ trương rằng khi bước chân đi làm, bạn nên tưởng tượng rằng chỉ đang làm thế công việc cho một người bạn trong ngày hôm đó mà thôi. Đó là một kinh nghiệm chỉ xảy ra có một lần và bạn sẽ làm tốt hết mức có thể. Vậy thì, đâu cần phải quấy rầy chính mình bằng những kịch bản "Gía mà ..." lẫn những suy nghĩ gây stress khác - đó chỉ là công việc tạm thời, đúng không nào? Mở rộng logic, cuộc đời chỉ là một chuỗi liên tiếp những trải nghiệm thóang qua. Chúng ta chỉ cần nhìn lại khỏang vài năm gần đây, sẽ thấy ngay điều này. Chính khi chúng ta cụ thể hóa mọi thứ  và làm cho chúng mang cảm giác thường hằng, chúng ta đã tự gây cho mình những vấn nạn.
Việc thừa nhận sự vô thường là một trí tuệ, không chỉ của Phật giáo mà còn của các truyền thống tôn giáo lớn khác. Đây chính là động cơ giải thích chữ khắc trên chiếc nhẫn của vua Solomon, vốn được ông dùng để giúp mình tỉnh thức trước những giờ phút mỹ mãn và vượt qua những thời điểm khó khăn: "Việc này, rồi cũng sẽ qua đi".
(Buddhism for busy people)
 

Không có nhận xét nào: