Hòa Đa
Tôi sinh ra ở một xóm nhỏ ngay cạnh tỉnh lỵ Phan Rang nhưng
đến năm ba tuổi gia đình chuyển về sinh sống ở một làng nhỏ phía bắc Bình
Thuận, tôi lớn lên ở đó. Làng tôi nằm trên quốc lộ 1 xuyên Việt trên một giải
đồng bằng hẹp. Tuổi thơ chỉ gồm những trưa hè gánh nước trên những con đường
ngoằn nghèo quanh xóm đầy cát lún, hay cùng đám bạn đồng lứa nô đùa, la hét
trong dòng sông. Con sông Lũy chảy song song với quốc lộ, cạn nước gần như sát
đáy vào mùa khô và hung dữ tràn bờ cuốn phăng những gì nó gặp trên đường đi vào
mùa nước đổ... Xa xa là những chỏm núi đá cuối cùng của dãy Trường Sơn, đứng cô
độc giữa bình nguyên chật hẹp, không có vẻ gì là hùng vĩ của núi non. Khí hậu
khắc nghiệt, chỉ gồm hai mùa mưa nắng. Quận lỵ nằm cạnh đó với tất cả những cơ
ngơi của các văn phòng hánh chánh, bưu điện, nhà thương... Nhưng cái gì cũng
mang vẻ nghèo nàn, xốc xếch.
Dân làng, hầu hết sông bằng nghề
ruộng rẫy, hay buôn bán nhỏ, căn bản dựa vào nông sản tại chỗ và hải sản từ một
thị trấn cạnh bờ biển gần đó, Phan Rí Cửa. Người lớn ai cũng đầy vẻ khắc khổ vì
phải tranh sống. Giải trí vui chơi, có họa chăng là các ngày lễ Tết, hay năm
khi mười họa mới có một gánh cải lương lưu diễn tập tuồng, ghé lại thị trấn;
rồi cũng không nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của cư dân trong làng, vài hôm
sau lại lẳng lặng dọn đi, trả lại cho dân làng cái quạnh quẻ cố hữu. Cũng thỉnh
thoảng có vài nhóm bán dạo, kiểu sơn đông mãi võ, vừa bán hàng vừa phụ diễn văn
nghệ hay ảo thuật, cái này thì hấp dẫn bọn con nít chúng tôi hơn người lớn, nên
cũng chỉ được vài hôm... Dạng giải trí thường gặp nhất là những buổi chiếu phim
ngoài trời do phòng thông tin quận tổ chức mà bao giờ cũng bắt đầu bằng lễ chào
quốc kỳ và suy tôn Ngô tổng thống. Tôi không nhớ người lớn giải trí một cách
đông đảo bằng cách nào, có lẽ cuộc vui thu hút được bà con nhiều nhất la cái
máy hát quay tay. Những buổi tối có trăng, gần như cả xóm tụ tập ở sân sau nhà
chú Ba, cách nhà tôi một căn, nghe say sưa mấy tuồng cải lương thu trên dĩa đá.
Kim chạy dĩa là loại kim sắt, mỗi mặt dĩa thay một kim, kim cũ cũng được cất
lại phòng hờ. Tuồng hát cũ mèm mà vẫn được chiếu cố, vở tuồng được yêu cầu cho
nghe nhiều nhất mà tôi còn nhớ là tuồng San Hậu, Tô Ánh Nguyệt...
Cuộc sống quá cơ cực làm người lớn
không có hứng thú gì trong việc giải trí. Có chăng là vào dịp Tết, họ quần năm
tụm bảy sát phạt nhau. Người bình dân thì chơi bầu cua cá cọp, sóc dĩa, bài
cào... các bà thì rủ nhau gầy sòng tứ sắc. Có "văn hóa" hơn một chút
là các ông tụ nhau đổ tam hường, giựt trạng em, trạng anh. Theo lời người lớn
kể lại thì cuộc chơi bình dân được quần chúng tham gia nhiệt tình trong các
ngày Tết là các sòng bài chòi, ở đó có trống có mõ, có hò có ca... Bài chòi
phát xuất từ vùng Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Các chòi chơi cất trên một
bãi đất trống, thường được dựng khá chắc chắn để chơi trong ba ngày Tết. Người
có tiền thì lên chòi ngồi chơi, người không tiền thì đứng vây quanh nghe hò bài
chòi và bàn luận... chỉ tiếc là cách chơi phức tạp và chỉ hấp dẫn khi những
người hò bài chòi có giọng tốt và sáng tạo, nên dần dần cũng mai một, không có
sức sống như các điệu hát chèo, quan họ ở ngoài Bắc, hay điệu vọng cổ, các điệu
ca trong cải lương ở miền Nam. Một cuộc chơi khác, tương đối cũng hấp dẫn giới
bình dân là chơi lô-tô (giống như "bingo" ở Mỹ), trò chơi này cũng
tùy thuộc vào người hô. Họ đọc có câu có kệ, nghe có vần có diệu. Người chơi
trước thỏa máu đỏ đen, sau có vài phút giải trí dễ dãi:
Tôi xóc tôi móc, con
cờ bằng cây, con gì nó ra đây?
-Nước chảy bon bon, dắt mẹ bồng con, lên non hái trái, cảm thương nàng, phận gái mồ côi, số một (1) ôi, là con số một.
-Chị bảy ăn trầu bô bô, cái miệng thì xỉa thuốc, việc làm trật vuột, làm biếng làm nhác, tối thì coi hát, sáng ngủ dậy cho trưa, đổ thừa cho con bú, cái mặt sù sụ, cái đầu chôm bôm, xuống bếp lục cơm, lên giàn bốc cá, chồng thấy chồng đánh, đâm đầu nhảy sải, con bảy mươi bảy (77) là con bảy mươi bảy, con gì nó tiếp theo?....
-Nước chảy bon bon, dắt mẹ bồng con, lên non hái trái, cảm thương nàng, phận gái mồ côi, số một (1) ôi, là con số một.
-Chị bảy ăn trầu bô bô, cái miệng thì xỉa thuốc, việc làm trật vuột, làm biếng làm nhác, tối thì coi hát, sáng ngủ dậy cho trưa, đổ thừa cho con bú, cái mặt sù sụ, cái đầu chôm bôm, xuống bếp lục cơm, lên giàn bốc cá, chồng thấy chồng đánh, đâm đầu nhảy sải, con bảy mươi bảy (77) là con bảy mươi bảy, con gì nó tiếp theo?....
Người lớn ai cũng phải làm lụng vô
cùng cực nhọc. Đất thiếu màu mỡ, nhiều cát, nên ruộng không có năng suất cao,
hơn nữa vì gần biển nên nước sông bị nhiễm mặn gần như quanh năm, ruộng chỉ nhờ
vào nguồn nước mưa. Năm nào mưa thuận thì còn đỡ, năm nào hạn hán hay mưa bão
dầm dề thì trăm đường cơ cực. Hoa màu phụ cũng là một nguồn lợi tức quan trọng
cho người sản xuất lẫn người bán lẻ. Những rẫy hoa màu nằm phần lớn bên kia
sông, bên động cát, loại cát có pha đất thịt, nơi có nhiều mạch nước ngọt để
tưới, người dân tận dụng từng vạt đất nhỏ để trồng, mùa nào thức đó. Hoa lợi
thu được đem tiêu thụ ở chợ. Một nghề chính, nhưng chỉ sinh hoạt trong mùa
nắng, là tráng bánh. Có cả nguyên một xóm chuyên nghề này được gọi là Xóm Bánh
Tráng. Vào trong xóm vào mùa tráng bánh, ở đâu người ta cũng gặp những vĩ tre
phơi bánh, không phải là loại bánh nhỏ, mà là những bánh lớn, có đường kính chừng
40 -50 cm, mỏng có, dày có; loại bánh dày rắc đầy mè, nướng trên than hồng, nở
ra, cong vòng, vàng lườm và thơm phức, ăn với mắm ruốc giầm ớt cho thiệt cay là
hết sẩy... Tất nhiên, bánh làm ra không thể tiêu thụ hết ở địa phương, họ bán
cho những mối thu mua chở đi bán ở Phan Thiết hay Sài Gòn. Sự giao lưu về hàng
hóa lúc bấy giờ dựa vào đường xe lửa xuyên Việt. Ga Sông Mao nằm về phía tây
nam quận lỵ và cách đó chừng 10 km.
Vùng quê tôi không có những đồi cát
hùng vĩ như Mũi Né, nơi đã có diễm phúc được ghi vào ống kính của các nhiếp ảnh
gia tên tuổi, nhưng quê tôi cũng có những vùng toàn là cát, loại cát mủn, màu
ngà ngà vì lẫn quá nhiều thứ rác bẩn. Người dân ai cũng biết gánh, đòn gánh
không phải làm bằng tre như ở miền Nam mà làm bằng gỗ một loại cây rừng có tên
là cây sò đo, có khắc mấu ở hai đầu. So với tre, đòn gánh sò đo dẻo và chịu
được trọng lượng ở hai đầu rất lớn, lên đến 60 - 70 kg. Đòn gánh loại này thông
dụng ở vùng Phan Rí, Phan Thiết, Bình Tuy. Có thể nói không ngoa là người dân
vùng này lớn lên với cây đòn gánh trên vai. Từ Phan Rang trở ra, đòn gánh được
làm bằng tre, giống như trong Nam, hoặc bằng cây săng có hai mấu sắt ở hai đầu.
Ở Phan Rang có câu hát:
...
Đòn gánh kia có gảy thì còn chờ mụt măng,
Em có chồng, như cá vào đăng,
Ra vô không có đặng, nói năng uổng lời.
Đòn gánh kia có gảy thì còn chờ mụt măng,
Em có chồng, như cá vào đăng,
Ra vô không có đặng, nói năng uổng lời.
Tuy cuộc sống có vẻ cực khổ như vậy,
trẻ con chúng tôi đứa nào cũng được đi học. Tôi không nhớ có đứa nào trong
khoảng tuổi tôi mà không được cho đi học. Trải dài theo quốc lộ 1 non ba cây
số, nhà cửa dân chúng phần lớn tập trung ở hai bên con lộ chính này, chia thành
ba làng, sâu hơn vào phía trong là một làng của người Chàm, làng Hậu Quách, họ
sống riêng biệt với gia súc của họ trong một ngôi làng có tre, me keo và xương
rồng rào kín chung quanh, sống bằng nghề nông và chăn nuôi. Tuy vậy, họ không
hoàn toàn cô lập với người Việt quanh đó, họ cũng đến chợ mua bán, giao dịch.
Họ đi chợ bằng xe bò hay đi bộ với hàng hóa trong thúng đội trên đầu. Tuy văn
hóa và tín ngưỡng khác nhau, nhưng người Chàm và người Việt sống với nhau rất
hòa thuận, không có những mâu thuẫn đi đến xô xát với nhau như giữa người Việt
và người Miên thỉnh thoảng vẫn xảy ra ở Nam Bộ.
Quận lỵ Hòa Đa đóng trên địa bàn của
làng giữa, làng Thoại Thủy và do đó trường tiểu học cũng nằm ở đó. Bây giờ tôi
không còn nhớ rõ trường có bao nhiêu phòng học, nhưng là một cơ ngơi rộng rãi,
vững chắc, xây gạch lợp ngói trên một nền cao ngang bụng, lót gạch tàu hay
tráng xi măng. Năm tôi học lớp Nhất (lớp năm bây giờ) trường đã có hai lớp Nhất
A và Nhất B, với sĩ số mỗi lớp chừng 30- 40 học sinh, mà số nữ sinh trong lớp
không ít. Tính ra số học sinh học hết tiểu học lúc đó (1957) trong vùng không
phải là nhỏ. Ngay cả người Chàm cũng gửi con em của họ đến trường học chung với
trẻ em Việt Nam. Hiện tượng này cũng dễ giải thích: công việc không đủ cho
người lớn, thì có đâu cho trẻ con. Để chúng lêu lổng ở nhà sao bằng cứ gửi
chúng đến trường, chỉ tốn chút tiền sách vở, bút mực... may thì lớn lên có chút
chữ nghĩa, kiếm được việc làm khá hơn, thoát khỏi cảnh khốn cùng, còn không thì
ít ra cũng không lâm cảnh dốt nát. Uy tín của thầy giáo rất lớn, được phụ huynh
kính nể và học sinh vâng lời. Dọa một đứa trẻ mà hăm mét với cha mẹ chúng,
không có tác dụng bằng hăm mét với thầy giáo. Câu mắng "Thầy giáo mày không biết dạy ! " là
một câu mắng rất nặng. Vào khoảng đó, trong làng có một ông Thầy, thường được
gọi là thầy Năm De, mở một trường tư nhỏ (dạy tại nhà) đến lớp ba. Trò nào làm
biếng không đến lớp, cha mẹ đánh đến cách mấy cũng không chịu đi, thầy cho học
trò đến nhà cùng với một đoạn dây thừng và bảo : "
Thầy kêu mày đi học kìa" thế
là cậu líu ríu theo đến lớp, đủ biết uy của thầy giáo lớn đến mức nào! Thầy dạy
theo phương pháp riêng, học chữ cái không theo thông lệ a, b, c mà thầy ghép
chữ thành vần theo kiểu trong kháng chiến, dễ học, dễ nhớ : "i tờ (t) tờ i ti, i u mờ (m) mờ i mi... " Chì
cần học với thầy chùng hai ba tuần là có thể nhận được đủ mặt chữ cái, ghép
được vần xuôi. Cũng có đứa, vì hoàn cảnh gia đình, nghỉ học sớm, nhưng
ít ra cũng đã biết đọc biết viết thành thạo, tỉ lệ thất học rất thấp. Ngay cả
người lớn, số người hoàn toàn mù chữ chiếm một số rất nhỏ. Tôi biết chắc như
thế, vì thỉnh thoảng chính quyền vẫn tổ chức những buổi "đón chợ, đố
chữ" : học sinh chúng tôi được chia thành nhiều tốp, chăng dây chận hết các
ngõ, ai muốn vào chợ phải đọc được một chữ do chúng tôi viết trên bảng đá... và
tôi nhớ là không mấy người bị mời về vì không đọc được chữ. Trong làng, số
người lớn có bằng "primaire" (bằng tiểu học thời Pháp) không phải là
ít. Họ đọc và nói trôi chảy tiếng Pháp, tất nhiên chữ quốc ngữ họ cũng thành
thạo. Họ là những người được dân trong làng kính nể, nhờ vả những khi cần làm
đơn từ giao tiếp với chính quyền. Trong làng cũng có một ngôi chùa, tên chữ là
gì tôi không biết, nhưng vẫn thường được gọi là chùa Phật Học. Chùa nằm trên
một khoảng đất rất rộng, quay mặt ra đường lộ, sân sau chùa tiếp giáp với bờ
sông, trong sân chùa còn nguyên cả những cây cổ thụ. Mấy vị sư trong chùa đọc
được chữ Nho, coi được sách bằng chữ Hoa, viết về ngày tốt, tháng kỵ; tuổi
khắc, tuổi hạp... là chỗ dựa cho dân làng vào những dịp ma chay, hiếu hỉ, động
đất, cất nhà, khai trương, xuất hành... Cũng có hẳn một ngôi chùa của người
Hoa, thờ bà Thiên Hậu, thường vẫn được gọi là chùa Bà, ở cách đó không xa. Ngày
rằm, ngày vía thiện nam tín nữ, không phân biệt Việt, Hoa tấp nập viếng chùa,
xin xâm, hương khói nghi ngút. Trong thị trấn cũng đã có một ngôi nhà thờ Thiên
Chúa nhỏ và một nhà thờ Tin Lành. Sinh hoạt của các nhà thờ này tuy được chính
quyền hổ trợ mạnh mẽ nhưng cũng chỉ giới hạn trong vòng giáo hữu còn rất khiêm
nhường quanh đó, hầu hết là đồng bào di cư từ ngoài Bắc, hồi 54. Lúc nhỏ, tụi
tôi sợ ông Cha ở nhà thờ, một phần vì chiếc áo chùng màu đen, phần khác vì tuổi
nhỏ tụi tôi ưa phá phách, trửng giởn... ông Cha không thích. Đối với tụi tôi,
Thầy ở Chùa có vẻ hiền hơn Cha ở Nhà Thờ.
Trước tôi vài năm, khoảng trước 1956
sau khi xong tiểu học, học sinh phải đi xa, hoặc về tỉnh lỵ Phan Thiết; hoặc
vào Sài Gòn để học tiếp trung học. Đây là một trở ngại lớn cho những gia đình nghèo
khó, nên có thể nói hơn 90% ngừng lại ở Tiểu học. Đi Phan Thiết còn đỡ, đi học
ở Sài Gòn chẳng khác gì sau này người ta du học bên Pháp, tuy thủ tục không có
gì khó khăn nhưng chỉ những nhà có tiền hay có thế lực mới có khả năng cho con
đi học ở Sài Gòn. Chúng tôi may mắn hơn, một năm trước khi tôi lên trung học,
một nhân sĩ trong vùng xin mở được một trường Trung Học Đệ Nhất Cấp, nằm trên
địa bàn xã Phan Rí Cửa (xã trù phú và đông dân nhất của Quận). Thế là trẻ con
trong vùng với một khoảng cách từ 10 đến 15 cây số có chỗ để học tiếp. Trường
nằm trên một đồi cát, cạnh miếu thờ Cá Ông. (Người vùng biển kính cẩn thờ cá
voi, họ gọi là cá Ông, vì họ tin rằng cá Ông giúp ngư dân khi gặp nạn ngoài
biển khơi,. Khi cá Ông chết, tấp vào bãi, họ gọi là Ông lụy (chết), người đầu
tiên gặp Ông lụy phải để tang, và cả xóm biển phải làm tang lễ cho Ông.) Trường
có tên là Trung Học Bán Công Phan Rí Cửa. Không biết tại sao lại gọi là bán
công, nhưng học sinh phải đóng tiền như trường tư. Có điều, ngôi trường ấy là
trường trung học duy nhất của Tỉnh Bình Thuận không nằm trên địa bàn tỉnh lỵ,
cho nên nó là niềm hãnh diện chung của dân chúng trong vùng bắc Bình Thuận.
Trường dạy cho đến lớp Đệ Tứ (lớp 9). Ngoài Thầy Trương Minh Huệ mà người địa
phương gọi thân mật là thầy Sáu Huệ, làm Hiệu Trưởng, còn những thầy giáo được
mời từ nơi khác về. :Thầy Nguyễn Xuân Nhiên (Văn, Hội Họa, Nhạc) Thầy Trịnh Thế
Trụ (Toán, Lý-Hóa, Vạn Vật) Thầy Đinh Tôn (Pháp Văn) Thầy Nguyễn đình Tín (Anh
Văn)... Học sinh đi học, ngoài thứ hai chào cờ phải mặc đồng phục : quần trắng,
áo trắng; còn thì tự do, nhưng phổ biến là bộ bà ba, sang thì màu trắng, hèn
thì màu đen, quần này áo kia cũng không sao, áo vá cũng được, có tiền thì mang
dép, không thì mang guốc vông, không có nữa thì chân không. Trường học từ sáng
8 giờ đến 11 giờ,đến chiều 1:30 đến 3:30, nên bọn học sinh ở xa trường phải đem
cơm trưa theo. Cơm được bỏ trong gào mên (cà mèn) loại hai hay ba ngăn: ngăn
lớn đựng cơm, ngăn nhỏ đồ ăn. Buổi trưa, quanh trường. chỗ nào cũng có những
bếp lửa nhỏ do học sinh gầy để hâm đồ ăn. Cũng có đứa không có khả năng mang
theo cơm và đồ ăn, buổi ăn trưa chỉ có vỏn vẹn vài nắm cơm và muối mè, hay
miếng cá khô nướng trước. Cũng có những học sinh từ những xã cách trường xa quá
(Chợ Lầu, Lương Sơn, Long Hương) thi ở lại luôn ở trường cho đến cuối tuần hay
cuối tháng, tối ghép hai bàn học lại làm chỗ ngủ, sáng dọn lại trả cho lớp. Họ
cũng mang theo cả mùng mền chiếu gối, hai ba người chung nhau nồi nấu cơm. Mấy
thằng bạn ngoài Duồng thì lại khác, đứa nào cũng rách rưới thê thảm, mắt đứa
nào cũng bị bét (toét) vì cát bụi. Duồng là một làng đánh cá nhỏ nằm giữa Phan
Rí Cửa và Long Hương, nhưng nghèo xơ, nghèo xác, cả làng chỉ có chừng vài chục
nóc gia, nhà cửa xiêu vẹo, lụp xụp... Đám bạn học ở Phan Rí Cửa gần trường thì
khá hơn, thị trấn này giàu có nhất so với mấy xã khác, sống nhờ vào biển: đánh
cá và làm nước mắm, các ngành nghề khác cũng phát triển khá hơn. Vào thời đó
(60 -61) mà Phan Rí Cửa đã có điện, cây xăng, nhà máy nước đá, rạp hát... Nhà
thằng Dũng, thằng Thạnh, bạn cùng lớp là nhà hàm hộ (làm nước mắm), trong nhà
có cả bàn Ping-pong. Tụi nó con nhà giàu, học giỏi, lại đẹp trai... nhưng vì
chỉ quanh quẩn chỉ có tụi tôi là đồng lứa nên cũng hòa đồng với nhau mà chơi,
mà học, mà nghịch phá... không thấy có những phân biệt như ở những chỗ khác.
Tôi không biết lúc đó tiêu chuẩn học
hành của các trường ở Sài Gòn hay các trường Tỉnh ra sao, nhưng quả thật ở
Trung Học Bán Công Phan Rí Cửa ấy, chúng tôi được dạy kỹ, dù về sau, tôi biết
những Thầy của chúng tôi lúc đó chỉ có trình độ Tú Tài I là cao. Sĩ số đậu
Trung Học Đệ Nhất Cấp hàng năm của trường rất cao. Ở trình độ đệ Tứ lúc bấy giờ
mà chúng tôi phải dùng tiếng Pháp trong giờ Pháp Văn, tiếng Anh trong giờ Anh
Văn dù là nói chậm và ngắn (lúc đó ở trường dạy cả hai sinh ngữ cùng một lúc,
không phân biệt sinh ngữ chính hay sinh ngữ phụ như sau chương trình cải tổ
1961). Pháp Văn thì học bộ sách (từ đệ Thất đến đệ Tứ) của giáo sư Bùi Hữu
Sủng, Anh Văn thì học bộ L'anglais Vivant, Edition bleue. Có điều là học sinh dù
có anh đã 17, 18 tuổi, nhưng vẫn nghịch như quỉ, và sợ Thầy như sợ cọp. Một
lần, một bọn học sinh trường kéo nhau sang vườn táo và đào gần đó phá phách, bị
bắt được, mắng vốn; thầy phạt quì gối trước cửa lớp và chép phạt 200 câu"từ nay tôi không đi ăn trộm làm hại thanh danh nhà
trường nữa", vậy mà không
một ai oán hận. Một lần khác, trong giờ Pháp Văn, anh này ném cho anh kia một
mẩu giấy vo tròn, bị thầy Tôn bắt được, mở ra thấy có hàng chữ : "nid bonze maison toi ", cả lớp, kể
cả Thầy, không biết anh nói gì, hỏi mãi anh mới ấp úng nói: "thưa Thầy,
con chưởi nó" - "chưởi cái gì?" - "thưa Thầy con
chưởi tổ sư nhà mày". Cả
lớp được một trận cười. Trường nằm cạnh một phụ lưu của sông cái. Đường quốc lộ
khúc trên, chỗ làng tôi, chạy song song với sông. Mỗi sáng đi học, chúng tôi
thường nhìn mực nước ở sông cái, để quyết định có nên đi đường tắt, lội ngang
sông nhỏ để lên trường, nếu được chúng tôi có thể lợi được gần nửa giờ, so với
phải đi đường vòng. Khổ một điều, vì khúc sông này quá gần cửa biển, nên đôi
khi thủy triều lên, nước ở khúc này lớn, có khi khi lút đầu, bọn con gái thường
quay trở lại đi đường vòng, bọn con trai chúng tôi, lột hết quần áo cuộn lại,
một tay cầm sách vở, một tay cầm quần áo và cơm trưa, đưa lên khỏi đầu, cứ trần
truồng lội đứng bằng hai chân sang sông; qua bờ bên kia, chui ngay vào lùm mặc
quần áo vô. Làng tôi ở cách xa trường khoảng 3 cây số, học sinh thường tụ họp
chừng năm ba đứa đi cho có bạn. Tôi có biệt tài kể chuyện nên tụi bạn thường tụ
họp ở nhà tôi để cùng đi. Từ Tây Du, Phi Long diễn nghĩa... đến Ngũ Hổ Bình
Tây, La Thông Tảo Bắc... kể theo chuyện cũng có mà bịa thêm cũng có. Tôi không
hiểu sao, bài học thì nhét vào đâu một cách khó khăn, mà chuyện đọc thì sao cứ
vô cùng dễ dàng. Những Triệu Khuôn Dẫn, Trịnh Ân, Đào Tam Nương, Hàng Tố Mai...
La Thành, Đơn Hùng Tín, Tần Thúc Bảo... Tôn Ngộ Không, Bát Giái, Ngưu Ma
Vương... chỉ đọc lướt qua mà sao tôi nhớ giỏi thế, còn mấy bài học, ngồi mài cả
buổi mà khi trả bài cho thầy cứ quên đầu, quên đuôi. Vừa đi , vừa kể chuyện, đường
không còn thấy xa. Lúc chấm dứt, bao giờ tôi cũng lựa một chỗ ly kỳ, hấp dẫn
(nếu cần thì bịa ra, tụi bạn đâu có biết) rồi bắt chước cách nói trong chuyện
Tàu lúc đó "Muốn biết khúc sau thế nào, xin chờ ngày mai sẽ rõ" khiến
tụi bạn không thể rời tôi được . Một trong những trò quỉ quái của bọn học trò
con trai chúng tôi là xích (đu) xe ngựa. Phương tiện di chuyển công cộng của
người bình dân là xe ngựa, hình dáng cũng như xe thổ mộ ở Sài Gòn, nhưng bánh
xe nhỏ hơn. Người đánh xe lựa chỗ ngồi trên càng xe để tạo cân bằng, thành ra
khi có một thằng nhóc đu trên bàn đạp, sự cân bằng sẽ mất ngay, và thằng nhóc
sẽ lãnh một roi quất ngược về phía sau, rủi mà trúng dám rướm máu lắm. Bị đòn
đau như vậy, nhưng mười thằng là đã hết chín thằng thích đu xe. Có lần bác Tư
Nhường đánh xe ngựa mắng vốn má tôi " Cái
thằng con chị, tui đâu có làm hiểm với nó, nó muốn thì đón xe, tui cho quá
giang; lần nào cũng xích theo xe, có ngày té chết."
Cứ thế cho đến ngày tôi thi đậu được
bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp, thì gia đinh tôi dời về Phan Thiết. Xa trường, xa
đám bạn nghịch ngợm, xa cả làng quê nghèo khổ...
Làm sao quên được những kỷ niệm của
thời thơ ấu? Những đêm sáng trăng , bắt chước mấy gánh hát rong, tụ nhau trên
nhà lồng chợ giả làm đào làm kép, đứa nào cũng muốn đóng vai chánh. Hô một
tiếng "tam quân" là lũ nhóc
con dạ ran, lũ nhóc này cũng là đám khán giả nhiệt tình của đám đào kép nửa mùa
đó. Nhớ những lúc chơi, nhảy dây, u mọi... nhất là rượt bắt, trẻ con mỗi xóm là
một phe, cũng có phục kích, dụ địch, bắt và giải cứu tù binh. Mà không biết
sao, ở đó tụi tôi chơi nhiều trò có nguồn gốc khác nhau, từ Bắc (rồng rắn lên mây) Trung (Đúc hột đúc hạt...vùng
Qui Nhơn, Phú Yên) đến cả những trò chơi xuất phát từ tôn giáo (Thiên đàng Địa Ngục...) . Cũng có cả trò chơi
du nhập từ nước ngoài: trò đánh banh (quả banh nhỏ băng cao su) mà sau này tôi
biết là đã nhái theo gần như y hệt môn thể thao base ball của Mỹ...
Đất nghèo quá, chỉ có cát và bụi,
thì lấy gì để tạo ra của cải để làm giàu? Người dân quê tôi nghèo quá, chân và
vai to bè va chai cứng vì phải gánh nặng và lội bộ trên cát nóng, nhưng họ vẫn
hy sinh làm việc để gửi con cái họ đến trường. Họ quê mùa, dốt nát, nhưng họ
muốn con cháu họ phải có đời sống khá hơn, không rơi vào con đường đau khổ mà
họ đã trải. Họ sống đời tối tăm nhưng họ muốn con cháu họ sống trong tươi sáng.
Ước mơ của họ, như bao bậc cha mẹ của những miền quê nghèo khó của miền Trung
là làm sao họ đổi được đời, con họ đổi được đời... Họ đổi được đời chưa thì
không biết nhưng ước mơ của họ về tương lai của con cháu thì có thể đã đạt
được. Mà sao trong lòng thấy như có gì cay đắng. Làng quê tôi, cát bụi, nghèo
đói vẫn còn nguyên bụi cát đói nghèo, những người con thành đạt cũng tìm những
nơi khác để cống hiến. Có chăng chỉ là những tình cảm không làm nên cơm gạo cho
phần đất nghèo nàn, cơ cực ấy.
Con sông
Lũy vẫn khô cạn và mặn chát trong mùa nắng và vẫn cuồn cuộn hung hăng tràn bờ
trong mùa mưa lũ. Và làng quê tôi không có cây
đa cao vút từng xanh, có con sông lơ lững vờn quanh... cũng không
có bao mái tranh san sát kề nhau, bóng tre ru
ôm mấy hàng cau...” Có chăng là những mái tranh lụp sụp, úp
trên những vách đất được trét bằng bùn và rơm, những con đường quanh co trong
xóm đầy cát lầm, cái thứ cát màu xam xám vì lẫn quá nhiều thứ, trong đó có cả
mồ hôi của người dân quê tôi.
( Tháng 3/2001)
Nguồn: http://chimviet.free.fr
1 nhận xét:
Tranh gốm Đồng Quê thường mang đến cảm giác bình yên và thanh thản. Cảnh quan và cuộc sống đồng quê thường được thể hiện trong một trạng thái yên bình và tĩnh lặng, tạo nên sự thư giãn và cảm giác thoải mái cho người xem
Đăng nhận xét