Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2013

NGÔI NHÀ NGUY HIỂM

MAI NHẬT THI
 
Ngày xưa, ven biển Ấn Độ có một làng chài, nhiều ngư dân trong làng hết đời này đến đời khác đều sống ở đó. Mỗi buổi sáng, khi bình minh lên, các ngư dân giương buồm ra khơi, thả lưới đánh cá.
Cả đời họ lao động cực khổ. Đôi khi, để những người dân trong làng bên cạnh có cá để ăn, họ phải mạo hiểm cả tính mạng ra khơi thật xa để đánh bắt cá chẳng nề hà bão táp.
Khi họ khai thác những mẻ lưới mới ở biển xa, một số thuyền không tránh khỏi va vào đá ngầm rồi chìm vào đáy biển, người trên thuyền cũng vì vậy mà mất mạng. Mỗi khi có tin ngư dân gặp nạn, trong những ngôi nhà tranh sẽ vang lên tiếng khóc tang thương xé lòng, nhưng đối với ngư dân, biển dẫn có sức hấp dẫn to lớn. Cho dù nguy hiểm bao nhiêu, họ vẫn luôn ra khơi.
Một hôm, cha của chàng ngư dân trẻ Natunio bị nạn. Những ngư dân đi biển trở về đến nhà Nantunio nói với mẹ anh rằng, thuyền của cha anh bị sóng biển cuốn đi mất, ông đã chết. Tuy họ đã nghĩ hết cách, nhưng không thể đem thuyền của ông ấy trở về.
Nghe nói cha đã chết, Natunio và mẹ đau khổ tột cùng. Qua hôm sau, Natunio đem thuyền đi sửa chữa. Chưa đến một tuần, người thợ sửa thuyền đã chữa xong, anh cố gắng thật nhanh lại ra biển đánh cá.
Xế chiều, Nantunio ra chợ mua lưới, anh gặp con trai của một địa chủ. Nantunio khá thân với anh ta. Con trai địa chủ hỏi:
- Sao? Cậu lại ra mua lưới rồi à?
- Đúng thế, ngày mai tớ ra khơi đánh cá, cậu đi không?
- Cái gì? Ra biển ư? Tới không đi đâu, tớ sợ nguy hiểm lắm.
- Sợ ư? Sợ gì chứ?
- Đương nhiên là sợ biển, tớ nghe nói tuần trước cha cậu đã bị chết chìm”.
- Đúng là thế, vậy thì sao nào?
- Cậu không sợ sao?
- Có gì đáng sợ đâu? Tớ là con trai của ngư dân, ngư dân không sợ biển.
- Cậu hãy cho tớ biết, ông nội cậu làm nghề gì?
- Ông ấy cũng là ngư dân
- Ông ấy chết như thế nào?
- Ông ấy ra khơi đánh cá, gặp phải sóng to gió lớn, không thể trở về nhà được nữa.
- Còn ông cố của cậu?, con trai ông địa chủ ngạc nhiên hỏi.
- Cũng chết ngoài biển. Ông ấy dám mạo hiểm lái thuyền vòng qua Colombo, đến bờ biển Đông Ấn Độ đãi trân châu, ông lặn trong nước, rồi không thể lên được nữa.
- Thật kỳ lạ, các người sao thế? Từng người một đều bị chết ngoài biển, lại còn muốn ra biển đánh cá. – Con trai địa chủ nói một cách vô cùng kinh ngạc.
Đến lượt Nanturio hỏi lại con trai ông địa chủ.
Anh gãi gãi đầu:
- Tôi cũng nghe nói cha cậu mới mất gần đây, ông ấy mất ở đâu?
- Ông ấy chết khi nằm ngủ trong nhà, ông đã lớn tuổi lắm rồi, khi đầy tớ kêu ông thức dậy thì phát hiện ông đã tắt thở.
- Còn ông nội của cậu?
Ông ấy cũng sống rất thọ, cuối cùng bệnh chết trong nhà.
- Còn ông cố của cậu?
- Tớ nghe nói, ông ấy bệnh nằm rất lâu, cũng chết trong nhà.
- Trời ơi! Các người đều chết trong nhà, vậy mà bây giờ cậu vẫn sống trong căn nhà đó, chẳng lẽ cậu không sợ sao?
Con trai địa chủ im lặng…
CHIA SẺ MỘT CHÚT SUY TƯ
CẦU AN
1. Bình an
Sống trong cuộc đời, ai cũng muốn bình an. Lời chúc bình an là lời chúc ta nghe thường xuyên nhất. Thí dụ mở đầu năm mới ta luôn chúc nhau “năm mới vạn an”. Những cuộc hành trình người ta chúc nhau “thượng lộ bình an”. Ai cũng muốn “Quốc thái dân an”, “an vui hạnh phúc”…
Thế nhưng, cái gì càng chúc, cái đó thường là càng thiếu! Vì, nếu bình an bên ngoài đã khó gìn giữ, thì sự bình an tâm hồn càng khó gìn giữ vạn lần hơn!
Cho nên, thế nào là sự bình an? - Mức độ nhận thức của mỗi người khác nhau, và thái độ sống lại còn khác nhau nhiều hơn nữa.
Chắc hẳn, bạn đã nghe câu chuyện “bức tranh bình an” rồi, phải không?
Ngày xửa ngày xưa, có một nhà vua nọ mở một cuộc thi vẽ tranh về hòa bình và sẽ trao giải thưởng cho nghệ sĩ nào vẽ bức tranh đẹp nhất về bình an. Rất nhiều nghệ sĩ thử tài và trịnh trọng dâng lên tác phẩm của mình. Nhà vua lần lượt ngắm nhìn tất cả các bức tranh. Nhưng ngài chỉ thực sự thích hai bức tranh, và ngài buộc phải chọn một trong hai.
Một bức tranh vẽ một hồ nước yên ả, in bóng những ngọn núi cao vời vợi. Trên cao là bầu trời xanh với những dải mây trắng mềm mại. Tất cả mọi người đều rất thích và nghĩ rằng đó là bức tranh hoàn hảo về bình an.
Bức tranh thứ hai cũng có núi, nhưng là núi đá lởm chởm và trơ trụi. Phía trên là một bầu trời đang giận dữ đổ mưa như trút cùng sấm vang chớp giật. Từ trên núi đá, một thác nước đổ xuống tạo bọt tung trắng xóa. Thật khó khăn để thấy rằng đây là một bức tranh thanh bình.
Nhưng nhìn kỹ hơn, nhà vua thấy bên cạnh thác nước có một bụi cây nhỏ xíu mọc ra từ khe đá. Trong bụi cây, một con chim mẹ đang xây tổ. Ở đó, giữa dòng thác ào ào trút nước trong giận dữ, chim mẹ đậu trên tổ của mình trong bình yên đến hoàn hảo.
Nhà vua thì đã chọn bức tranh thứ hai.
Nhà vua giải thích: "Bởi vì...bình yên không có nghĩa là được ở một nơi không có tiếng ồn, rắc rối, hay công việc khó nhọc. Bình yên nghĩa là khi ở giữa tất cả những điều này mà vẫn giữ được sự điềm tĩnh trong lòng. Đấy mới là ý nghĩa thực sự của bình yên ".
Vậy, bình an, không có nghĩa là sống chui rút và cố thủ vào “hang động”, “ngôi nhà” hay một thứ “chỗ trú” an toàn nào đó, đi tìm bình an kiểu đó chẳng khác nào chôn vùi đời mình vào huyệt lạnh ngay khi còn sống.
2. “Cầu an”
- Nếu cuộc đời được ví như dòng sông, gọi là “dòng đời” – thì, có dòng sông nào luôn êm ả? Có câu: “Sông có khúc, người có lúc”.
- Nếu cuộc đời được ví như biển cả, gọi là “biển đời” – thì, có biển nào không sóng gió? Có câu: “Đời là bể khổ”.
- Nếu cuộc đời được ví như con đường, gọi là “đường đời” – thì, có con đường nào toàn toàn trải thảm thẳng tắp? Có câu: “Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai” (PBC).
Lẽ dĩ nhiên, sống ở đời, ai cũng cố gắng tìm lối sống “bình an” nhất. Nhưng “bình an”, không có nghĩa là “cầu an”, là củng cố sự an toàn cho riêng mình, “Cầu an” – hiểu theo nghĩa như thế, là một trong những thái độ sống tệ hại nhất của con người. Nó là con đường đưa con người vào “ngôi nhà nguy hiểm”, là nhà mồ dành những ai chỉ sống ích kỷ và bằng lòng với một cuộc đời vô nghĩa. Họ là những người tìm mọi cách, sẵn sàng bỏ ra nhiều thứ, và nhất là dám hy sinh tất cả những gì “không phải là của mình”, nếu họ là những người có quyền - thí dụ công quỹ, tài sản chung - để củng cố “vị trí an toàn” của họ.
Nhà khoa học với những thí nghiệm đầy rủi ro. Công nhân hầm mỏ tháng ngày trong tăm tối. Người chiến sĩ nơi sa trường đầy làn tên mũi đạn. Bác nông phu trên đồng ruộng mưa nắng dãi dầu. Ngư dân ngoài biển cả sóng gió hiểm nguy… Biết bao hy sinh để cống hiến cho đời nhiều nhu cầu trong cuộc sống… Nếu họ chỉ “nằm” trong “ngôi nhà an toàn” của họ, làm sao cuộc đời có được những điều tốt đẹp hơn?
Có câu chuyện vui thế này:
Vị chỉ huy đang tập trận cho tân binh. Ông ra lệnh.
- Các anh hãy hình dung đây là chiến trường. Chúng ta sắp chiến đấu. Bài học hôm nay rất là quan trọng: “Các anh hãy ngụy trang sao cho địch không thấy ta, mà ta thấy địch”. Đây là một trong những việc làm liên quan đến việc sống còn của ta. Nào chuẩn bị.
Các anh tân binh tràn ra một “bãi chiến” được dàn dựng. Sau đó, vị chỉ huy đi kiểm tra một vòng. Thật tốt! Thật khó nhìn thấy những anh lính tân binh khôn ngoan.
Vị chỉ huy cho lệnh tập họp. Ông khen đôi lời vắn tắt và bắt đầu điểm danh binh lính. Việc điểm danh là cho có lệ, chứ đây đâu phải là cuộc chiến đấu thật mà sợ mất ai.
Sau khi điểm danh binh lính, bất ngờ thấy mất một người. Vị chỉ huy cho đi tìm khắp nơi, một hồi khá lâu mới phát hiện ra anh tân binh “mất tích”. Anh ngụy trang khéo léo tới mức…Không ai có thể thấy anh và anh cũng không thể thấy ai! - “Địch không thấy ta mà ta cũng không thấy địch” – Vì thế anh đã không nghe thấy lệnh tập họp.
Anh đang ở trong một vị trí … thật an toàn!
3. Ngôi nhà nguy hiểm
Con trai địa chủ nói với Nanturio, anh chàng ngư dân:
“Thật kỳ lạ, các người sao thế? Từng người một đều bị chết ngoài biển, lại còn muốn ra biển đánh cá. – Con trai địa chủ nói một cách vô cùng kinh ngạc”.
Nanturio, anh chàng ngư dân, nói với con trai địa chủ:
“Trời ơi! Các người đều chết trong nhà, vậy mà bây giờ cậu vẫn sống trong căn nhà đó, chẳng lẽ cậu không sợ sao?”
Họ không thể hiểu nhau, vì suy nghĩ và cách sống của họ hoàn toàn khác nhau.
Hạnh phúc không phải là ở việc sở hữu một số lượng lớn tiền bạc, mà là ở trong niềm vui về thành công, trong sự hồi hộp của nỗ lực sáng tạo!  (Franklin D. Roosevelt).
Câu nói này, chính là sự khác biệt giữa con trai địa chủ và anh chàng ngư dân Nanturio. Và, cũng chính là sự khác biệt giữa con người với nhau, ở đó, ta có thể suy nghĩ thêm về ranh giới giữa “bình an” và “cầu an”.
Vâng, rõ ràng, biển cả mênh mông, nơi đó có niềm vui về thành công, có sự hồi hộp của nỗ lực sáng tạo, vì thế, anh chàng ngư dân đã từ chối “ngôi nhà nguy hiểm” của con trai ông địa chủ.
Biển đời bao la đầy giông tố, đường đời nhiều chông gai quanh co, dòng đời nhiều thăng trầm vinh nhục, nhưng chắc chắn nó có niềm vui, có sự hồi hộp, có những thú vị của cuộc sống muôn màu…
Hơn thế nữa, “hạnh phúc không phải từ những điều mà ta nhận được, mà từ những điều mà ta cho đi” (Ben Carson).
Cả đời họ lao động cực khổ. Đôi khi, để những người dân trong làng bên cạnh có cá để ăn, họ phải mạo hiểm cả tính mạng ra khơi thật xa để đánh bắt cá chẳng nề hà bão táp.(Chuyện: Ngôi nhà nguy hiểm).
Không ai có thể “cho đi” khi chỉ biết sống trong “ngôi nhà nguy hiểm”.

Không có nhận xét nào: