Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2013

Bác sĩ Đông Đức bán “chuột bạch” như thế nào?

Trà Sương (Spiegel)

Các cuộc thử nghiệm lâm sàng cho hàng ngàn loại thuốc đã được thực hiện trái quy định trên ít nhất 50.000 người Đông Đức vào thời bức tường Berlin còn tồn tại. Ảnh: Spiegel
 
SGTT.VN - Khoảng 50.000 bệnh nhân ở Đông Đức (DDR) bị làm đối tượng thử thuốc của hãng dược phương Tây và nhiều cái chết vẫn ám muội cho tới hôm nay.

Hàng chục năm sau khi bức tường Berlin sụp đổ, những bản báo cáo của mạng lưới gồm hàng trăm ngàn công dân Đông Đức làm chỉ điểm cho Stasi (bộ An ninh quốc gia của DDR) thường bị xem là điển hình cho sự vi phạm quyền tự do của con người, vì đã bất chấp các thủ đoạn để xâm phạm nghiêm trọng các quyền riêng tư, để soi mói và tố cáo những người có tư tưởng đối lập với chính phủ. Nhưng chính các báo cáo của Stasi này mới đây đã giúp vạch trần những khuất tất của các vụ thử nghiệm các loại thuốc của phương Tây trên người dân Đông Đức.
Những món quà mùa xuân
Một báo cáo do một bác sĩ gửi cho Stasi kể rằng quà thường được tặng vào mùa xuân, khi đại diện các công ty dược phương Tây tham dự hội chợ thương mại Leipzig và gặp gỡ các bác sĩ Đông Đức ở đó. Cảnh tượng ở gian hàng của hãng dược Merrimack, công ty con của Pfizer, được vị bác sĩ có mật danh là Jörg mô tả: “Có rượu champagne trên bàn, bên cạnh một hộp thuốc lá, và các mỹ phẩm chuyên dụng cho vợ tôi”. Rồi vị bác sĩ này, trưởng khoa của một bệnh viện ở thành phố Schwedt thuộc bang Brandenburg, đến gian hàng của công ty Thuỵ Sĩ Ciba-Geigy, nay thuộc hãng dược phẩm Novartis, và được đón tiếp “rất nồng hậu”. Ở gian hàng của công ty Degussa, nay thuộc công ty hoá Evonik Industries, khi bác sĩ Jörg nói rằng con trai ông chưa nhận được quà thì những người đại diện đã sốt sắng dàn xếp và hứa rằng quà sẽ sớm được “gửi thẳng đến nhà”. Vị bác sĩ báo rằng ông cũng đã ghé sang các gian hàng của Bayer và các công ty dược phẩm khác đến từ Anh, Mỹ, Thuỵ Sĩ.
Điều tra của báo Spiegel công bố trong tuần qua cho thấy các công ty dược ở Tây Đức và các nước phương Tây đã trả cho Chính phủ DDR bạc triệu và đã đút lót có hệ thống nhiều bác sĩ Đông Đức, để tiến hành hàng ngàn cuộc thử nghiệm thuốc diện rộng và bí mật trên ít nhất 50.000 người Đông Đức. Một tường trình trong hồ sơ của Stasi cho thấy công ty dược Sandoz từng gửi một chuyên gia vận động hành lang đến Đông Đức. Tường trình của một bác sĩ Đông Đức, mật danh là Schubert, cho biết vào ngày 3.6.1987, chuyên gia của Sandoz đã đến thăm một phòng khám về tâm lý và thần kinh ở thành phố Bernburg của bang Nordrhein-Westfalen, đem theo những mẫu thuốc mới. Cuộc trao đổi của người này với bác sĩ Schubert xoay quanh việc Sandoz cần “các cuộc thử nghiệm thuốc ít tốn kém và được thực hiện trên diện rộng một cách khoa học nhất có thể”, điều “ngày càng khó khăn” ở Tây Đức. Trong một báo cáo khác của Stasi, Spiegel phát hiện rằng hãng dược Boehringer Mannheim, sau này được tập đoàn Swiss Roche mua lại, thậm chí còn điều một tiến sĩ hoá sang Đông Đức để đút lót các quan chức y tế và quan hệ thân thiết với một nữ nhân viên của phòng quản lý thuốc và thiết bị y tế của DDR.
Và những hậu quả
Bệnh nhân trong các cuộc thử nghiệm thuốc cho phương Tây lại không được đối xử xứng đáng. Giờ đây họ cho Spiegel biết rằng không hề nhận được tiền công hay các khoản bồi thường, và thậm chí còn không được biết về những thứ độc hại mà họ phải thử và phải chịu đựng.
Uwe Böhm, một người đến một bệnh viện phía đông Berlin vào mùa hè năm 1989 để cai rượu. Ngay từ đầu Böhm được thông báo trong khuôn khổ đợt cai nghiện, ông phải tham gia dùng thử mỗi ngày ba viên nimodipine, một loại thuốc cải thiện tuần hoàn máu não do Bayer sản xuất và thử nghiệm lâm sàng ở DDR. Böhm được cho biết tên thuốc nhưng không được thông báo về các tác dụng phụ và đã phải vật lộn hàng ngày với những phản ứng khó chịu.
Một người thợ nề họ Bungers bị ngất xỉu và được đưa vào bệnh viện Köthen-Süd gần thành phố Dessau vào tháng 3.1988. Ông đã hồi phục ngay nhưng sau đó bị bác sĩ giữ lại bệnh viện, bị tiêm những loại thuốc không rõ tên trong sáu tuần. Ông Bungers không còn khoẻ mạnh như trước nữa kể từ khi rời bệnh viện Köthen-Süd, và mất năm 1993 khi mới 59 tuổi.
Giải thích về trường hợp của ông Böhm, hãng dược Bayer nói rằng cuộc thử nghiệm nimodipine là do tự các bác sĩ Đông Đức thực hiện. Công ty Bayer đã lần lữa các yêu cầu phỏng vấn của Spiegel trong nhiều tuần qua mà không đưa ra một giải thích nào. Nhiều nhà sản xuất dược hàng đầu thế giới khác có liên quan đến những vụ thử thuốc tàn nhẫn ở DDR cũng vẫn đang im lặng. Giờ đây, sau hàng thập niên, bộ Nội vụ Đức đã có kế hoạch cấp tiền để thực hiện các điều tra toàn diện về các cuộc thử nghiệm thuốc tàn nhẫn của chế độ trước, trong khi các công ty dược phẩm vẫn chưa có hành động trách nhiệm gì.
Trong khi một số ít công ty dược như Roche và Boehringer Ingelheim đang bắt đầu lục lọi các kho tài liệu cũ để tự xét lại những hoạt động của quá khứ, Quốc hội Đức ngày 22.5 đã tranh luận về việc có nên tước các phê chuẩn lưu hành thuốc của những loại thuốc bị nghi ngờ đã được thử nghiệm trái quy tắc thời DDR.

Không có nhận xét nào: