Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

HÃY YÊU CON NGƯỜI NHƯ VỐN CÓ CỦA BẠN

Nick Vujicic


Trong một chuyến đi đến Đông Nam Á, tôi đã có buổi diễn thuyết trước hơn 300 doanh nhân hàng đầu ở Singapore. Khi kết thúc và khi khán phòng đã bớt đông, một người đàn ông trông rất đĩnh đạc bước vội về phía tôi. Ông có dáng vẻ thành đạt và đầy tự tin như tất cả các thính gỉa khác trong khán phòng này, nên những lời nói đầu tiên của ông đã khiến tôi ngạc nhiên.
"Nick, hãy giúp tôi với", ông van nài.
Thế rồi tôi được nghe câu chuyện của ông, biết rằng người đàn ông thành đạt đó đang sở hữu tới ba ngân hàng, nhưng ông đến nhờ tôi giúp đỡ vì sự giàu có vật chất ấy vẫn không thể giúp ông tránh khỏi muộn phiền.
"Tôi có một đứa con gái tuyệt vời mới mười bốn tuổi, và vì một lý do khủng khiếp nào đó mà cứ mỗi lần con tôi tự nhìn mình trong gương là nó lại nói rằng nó cảm thấy mình quá xấu xí", ông nói, "Tôi rất buồn vì con bé không thể nhận ra rằng nó thực sự đẹp. Tôi phải làm sao để để có thể khiến con bé thấy những gì tôi đang thấy đây?".
Nỗi buồn của ông cũng dễ hiểu, vì điều khó có thể chịu đựng được nhất đối với các bậc cha mẹ là chính sự đau khổ của con cái. Ông đang tìm cách giúp con gái vượt qua được sự ghét bỏ bản thân, một điều cực kỳ quan trọng, bởi nếu chúng ta không thể chấp nhận chính bản thân mình khi còn khỏe mạnh và trẻ trung thì chúng ta sẽ cảm thấy thế nào về chính mình khi đã về già? khi phải trải qua bệnh tật, ốm đau? Và nếu chúng ta cứ ghét bỏ bản thân vì một lý do vớ vẩn nào đó, thì chúng ta sẽ dễ dàng thay thế nó bằng hàng trăm cách phủ nhận bản thân vô căn cứ và tùy tiện khác. Tâm lý dễ chao đảo của tuổi trẻ có thể khiến bạn chìm sâu vào thất vọng và chán nản nếu bạn cứ chăm chăm nghĩ về những khiếm khuyết mà không nhìn ra những điễm mạnh, những điều đáng quý ở bản thân mình.
Kinh Thánh nói rằng chúng ta là " những tạo vật tuyệt vời của Đấng Sáng Tạo". Vậy thì tại sao việc yêu thương bản thân mình lại khó khăn đến thế? Tại sao chúng ta cứ tạo gánh nặng cho mình bằng cái cảm giác rằng mình chưa đủ đẹp, chưa đủ cao, chưa đủ thon thả, chưa đủ tốt? Tôi chắc chắn rằng người cha mà tôi gặp ở Singapore này rất yêu và hãnh diện về con gái , luôn cố gắng để cô bé tự tin và quý trọng bản thân mình.
Cha mẹ và những người thân của chúng ta có thể luôn cố gắng không mệt mỏi để xây dựng cho chúng ta lòng quý trọng bản thân, nhưng chỉ cần một lời bình luận vớ vẩn nào đó từ một người bạn học hoặc lời nhận xét ác ý từ một ông chủ hoặc đồng nghiệp cũng đủ làm tiêu tan hết nỗ lực của họ.
Chúng ta sẽ dễ bị tổn thương, chán nản và chán ghét bản thân khi chúng ta để cho cảm giác của mình lệ thuộc vào ý kiến của người khác hoặc vào sự so sánh bản thân mình với người khác.
Khi không sẵn sàng chấp nhận bản thân, bạn sẽ càng không thể chấp nhận người khác, và điều đó có thể đưa đến sự cô đơn và xa lánh. Một hôm, tôi đang diễn thuyết trước một nhóm khán giả tuổi mới lớn vể chủ đề sự khao khát được nổi tiếng thường làm người ta xa lánh những người bạn kém hấp dẫn ở trường. Để diễn giải ý kiến của mình, tôi đưa ra một câu hỏi thẳng thắn:"Bao nhiêu người trong số các bạn muốn trở thành bạn của tôi?".
Thật may, hầu hết những người có mặt trong phòng đều giơ tay.
Nhưng ngay sau đó, tôi lại hỏi một câu khiến họ lúng túng: "Vậy việc trông tôi như thế nào là không quan trọng, phải không?".
Tôi để cho không khí chùng xuống sau vài phút. Chúng tôi đang nói về việc cố gắng hòa nhập chỉ bằng cách mặc những bộ đồ đúng mốt, có kiểu tóc hợp thời trang, không quá béo, không quá gầy, không quá đen hoặc quá trắng. "Làm sao bạn có thể muốn kết bạn với một gã không tay không chân - một gã khác biệt nhất so với những người mà bạn từng quen biết - nhưng làm sao bạn lại có thể tẩy chay những bạn học của mình chỉ vì họ đã không diện quần áo đúng mốt hoặc không có làn da đẹp, hoặc không có một cơ thể thích hợp với khuynh hướng thời trang thịnh hành?"
Khi bạn cứ tự phán xét bản thân một cách khắt khe hoặc tạo sức ép căng thẳng lên chính mình, bạn sẽ trở nên hay xét nét người khác. Việc yêu thương và chấp nhận bản thân mình như Chúa yêu thương bạn sẽ mở ra cho bạn một cánh cửa dẫn đến cảm giác thanh thản và mãn nguyện hơn.
Những sức ép mà các bạn trẻ đang sắp bước vào ngưỡng cửa của cuộc đời cảm thấy dường như rất phổ biến. Tôi đã được mời đến nói chuyện ở cả Trung Quốc và Hàn Quốc bời vì ở những nước đang phát triển nhanh chóng đó, trong những năm gần đây, đã nảy sinh những mối lo về tỷ lệ trầm cảm và tự tử cao.
(Life Without Limits)

Không có nhận xét nào: