Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

ÔNG NGOẠI TÔI

Darcie Hossack


Tình yêu chỉ là hai từ nhỏ nhoi nhưng con người đã làm cho nó trở nên lớn lao. (Khuyết Danh)

"Ông ngoại cho tôi cả thế gian này - khi ông trao cho tôi tình yêu của ông".
Tôi không cần phải đoán xem người đàn ông phong trần ( có đôi mắt tươi cười, ngời sáng hơn cả cái miệng) có thương yêu tôi hay không. Chỉ biết rằng tôi là đứa cháu thứ hai mươi bốn trong số hai mươi bảy đứa được chào đời ngay trong vòng tay ấm áp của ông.
Ông ngoại sẽ làm bất cứ điều gì cho tôi. Nhưng vì tình yêu chỉ toàn nói về những chuyện vụn vặt, nên ông ngoại sẵn sàng vùi đầu vào một dự án nào đó nhằm mang lại niềm vui cho tôi. Có một chiếc xích đu hai chỗ ngồi được chế tạo ngay trong xưởng làm việc của trang trại. Trên chiếc xích đu đó, tôi đã trải qua những buỗi chiều bất tận, hít thở hương thơm hoa dại nở rộ vào mùa xuân, ngắm những đám mây bàng bạc từ ngoài biển thổi vào thảo nguyên, nhìn những bày vịt đi lạch bạch, mơ màng tới những đỉnh núi xa xăm phủ đầy tuyết.
Trong nhà - nơi bà ngoại tôi không bao giờ để bếp lò nguội lạnh - tôi đã chất vào chiếc giỏ đựng những chú mèo con tinh nghịch ra đời  vào mỗi mùa xuân, chơi những giai điệu chói tai trên cây đàn organ cổ lỗ sĩ và cảm thấy mình được an toàn hơn bao giờ hết.
Mùa hè là lúc tôi có thể sống ở đây nhiều thời gian hơn để tránh xa sự tù túng của thành phố. Chúng tôi chỉ cần đi xe hai mươi lăm phút là tới nơi. Mẹ tôi thường đi cùng tôi, băng ngang những cánh đồng lúa mì vàng rực, và lọt vào vòng tay ấm áp của ông ngoại.
Trong một lần viếng thăm ngắn ngủi, tôi nhanh chóng quên bản thân mình, đắm chìm vào niềm vui trẻ thơ. Trên một toa xe long bánh màu đỏ, tôi sắp xếp tất cả mọi vật dụng của một quầy nước chanh và kéo nó ra rìa khu đất của ông ngoại, nơi đây có một con đường nhỏ cắt ngang dẫn tới các ngôi nhà. Trẻ con thường qua lại nơi này để đi thăm bạn bè và họ hàng chúng.
Tôi hăm hở bán món nước giải khát của mình cho những người đi ngang, đếm mớ tiền lẻ nhỏ nhoi không tương xứng với nỗ lực của tôi.
Tuy nhiên, nhiệt tình của tôi bị phai dần khi bóng mẹ tôi đang tiến đến, nhắc tôi phải đến một cuộc hẹn mà tôi không được phép bỏ lỡ. Tôi tiếc rẻ hỏi:
- Nhưng ai sẽ ngồi ở quầy nước chanh cho con?
Mẹ tôi an ủi:
- Mẹ nghĩ con sẽ phải thu dọn nó lại, chờ một ngày khác vậy.
Lòng rầu rĩ, nhưng tôi nghe lời mẹ, chậm chạp chuyển tấm bảng hiệu viết bằng tay, ly tách và bình nước vào trong toa xe, trước khi đụng đến bàn ghế.
Từ trong nhà, ông ngoại tôi bước ra, băng qua bãi cỏ với vẻ kiên quyết. Điều đó nhắc tôi nhớ rằng  người bạn thân nhất không nhất thiết phải cùng độ tuổi với mình.
Không nói lời nào, ông ngoại chạm khẽ ngón tay thô ráp lên má tôi rồi mang ra ngoài những món đồ mà tôi vừa miễn cưỡng chất vào toa xe. Ông ngồi xuống một chiếc ghế, vừa mở tờ nhật báo vừa nói:
- Ngày hôm nay mà uống nước chanh thì thật là tuyệt. Con nhanh lên rồi quay về đây. Chúng ta sẽ chia nhau một ít nước chanh.
Khi tôi quay trở lại, ông ngoại vẫn còn ở đó, nhưng tờ báo thì đã được thay bằng cây kim, sợi chỉ và ít quần áo cũ cần vá. Trong cái hộp nhỏ đựng tiền, tôi thấy nhiều tiền lẻ hơn tôi nghĩ. Hình như cả ngôi làng này đã kéo đến đây uống nước chanh hay sao ấy . . .
Hai ông cháu tôi cùng ngồi bên lề đường thêm chút nữa. Khi mặt trời bắt đầu xuống thấp, bà ngoại gọi chúng tôi về ăn tối. Chúng tôi thu dọn quầy hàng rồi tản bộ về nhà.

Không có nhận xét nào: