Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

TRỞ VỀ

Ngọc Thu



1 - Trong hội Đình, cô tình cờ gặp lại anh - người yêu xưa- giờ anh đã là một Việt kiều- danh từ quá xa lạ với chàng nông dân nghèo khổ ngày xưa- Chàng nông dân suốt ngày cặm cụi ngoài đồng, hết lúa đến khoai, hết khoai đến cá. Nhưng khi làng có đám tiệc thì chàng lại thành nghệ sĩ : Mái tóc dợn sóng tự nhiên ốp sau gáy rất đẹp, gương mặt điển trai với chút trầm buồn, phong thái tài tử, ngón đàn vọng cổ điêu luyện làm ai cũng thán phục.
            Có lần đoàn hát cải lương ở Tỉnh về làng dựng rạp để diễn, đêm ấy bỗng dưng tay đàn chính của họ bị sự cố gì đó, họ phát loa tìm người thay thế gấp. Bạn bè tiến cử, ông chủ đoàn sau khi nghe thử, năn nĩ anh đàn để khỏi hủy đêm diễn. Sau đêm diễn thành công vang dội ấy, tiếng đàn mò mẫm tự học của anh như có giấy chứng nhận đẳng cấp. Họ mời anh đi theo đoàn lưu diễn với mức lương hấp dẫn, nhưng anh chỉ lắc đầu.
            Tình yêu của anh và cô thời ấy nẩy nở tự nhiên như trời và đất. Mặc cảm gia đình nghèo hèn vì người cha nát rượu, sau này mất vì sơ gan. Người mẹ hiền lành suốt đời vất vả, muộn phiền vì lấy phải ông chồng vô tư có bao nhiêu tiền dành dụm ông đổi lấy ma men, khi say về nhà hành hạ vợ. Không đánh đập, nhưng những lời nhiếc mắng day dẳng suốt đêm, thứ bạo hành tinh thần ấy rút kiệt sức lực người đàn bà. Vì thế bà đau bệnh triền miên rồi cũng mất sớm.
            Là anh lớn trong gia đình phải lo cho bốn đứa em nhỏ ăn học, anh ít nói , ít cười. Yêu cô, nhưng anh phải dằn lòng né tránh. Những lúc vô tình gặp nhau giữa cánh đồng, trên bờ ruộng vắng, anh đã không giấu được vẻ vui mừng. Cô biết, không gặp nhau, anh quay quắt nhớ, nhớ cháy ruột gan cũng như cô đã nhớ anh vậy.
            Anh làm cái bình cắm hoa tặng cô, bình hoa đẹp và độc đáo đến nỗi bạn bè cô cứ tấm tắc khen hoài “ Chàng nào tài hoa thế này? Nhìn bình hoa biết ngay sáng tác bằng tình yêu!” Cô cứ mân mê bình hoa, tìm hơi tay anh còn vương đâu đó, hình dung anh tỉ mĩ cưa cắt những cây tre vàng, những sọc xanh trên thân cây anh chọn là những sọc đẹp nhất. Cô thích được tặng những món quà mà người tặng tự tay làm lấy, mỗi nét trong tặng phẩm là tình cảm chan chứa những yêu thương. Ngày xưa đọc tác phẩm “ Bông hồng vàng” chàng là thợ bạc nghèo, mơ ước tặng người yêu bông hồng bằng vàng thật, mỗi ngày chàng cặm cụ quét những hạt bụi vàng li ti, nó nhỏ nhoi tưởng chừng vô vọng, vậy mà cuối cùng, với tình yêu chàng cũng đạt ước nguyện.
             Ngày lấy chồng cô cũng mang bình hoa theo, sau này khi nổi danh và giàu có, cô vẫn chưng bình hoa trang trọng trong phòng khách, bình hoa kỷ niệm trở thành vật trang trí mỹ thuật độc nhất vô nhị.
            Đúng như lời anh nói “ Anh sẽ cưới cô gái nào giống y như em”quả thật, vợ anh giống cô từ vóc dáng đến gương mặt. Cô ấy là thợ may, tính tình hiền lành. Gia đình bên vợ bảo lãnh, thế là anh trở thành Việt kiều Mỹ khi quay về nước.
             Mười tám năm qua, cô bây giờ là người đàn bà sắc sảo, là giám đốc công ty thành đạt. Đóa hoa hé nhụy non tơ trao anh - nụ hôn duy nhất bên má phải- nụ hôn đầu đời để suốt đời từng trải của mình ở những mối tình sau, cô vẫn không bao giờ quên cái cảm giác run rẫy, hai trái tim đập thình thịch như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực tươi trẻ vào một đêm trăng rằm. Ánh sáng huyền ảo trải khắp cánh đồng lúa xanh.
                                          
2 -  Cô ngồi đối diện anh- giám đốc một công ty lớn- luôn là đối diện mỗi khi ngồi với nhau, có lần anh hỏi;
            _ Sao em không ngồi bên trái anh như người ta vẫn ngồi khi bên nhau?
Cô cười, lắc đầu:
            _ Em không thích vậy, ngồi thế này em thấy tự tin và thoải mái hơn.
Cô nghĩ thêm nhưng không nói, em muốn quan sát anh, muốn nhìn rõ từng cử chỉ, ánh mắt anh. Có lẽ đọc được điều đó, anh mỉm cười, nụ cười thật bao dung. Với anh, cô có cách ứng xử hoàn toàn khác vớii những người khác, bởi anh sâu sắc, điềm đạm, ít nói. Những lần gặp nhau hiếm hoi, chỉ khi có việc gì cần chia sẻ,cần an ủi.. Cả hai thường im lặng, nghe rõ tiếng lá rơi trong khu vườn. Thỉnh thoảng anh cất tiếng và đáp lại là một câu với dấu chấm hỏi. Ai đó nói, trả lời bằng một câu hỏi là cách của người thông minh. Thường cả hai cùng cười, đàng sau im lặng là tri âm, tri kỷ.
            Anh nhận ra không có ai hiểu anh hơn cô, những va vấp khó khăn anh vướng phải khi gặp em anh cảm thấy nhẹ nhàng và có ngay lối thoát tích cực. Có lần bế tắc đến nỗi mọi khó khăn phủ chụp, bao vây, tấn công dồn dập như  mọi bất hạnh rình rập từ lâu đổ dồn một lúc. Không còn con đường nào khác, anh đã buông xuôi. Không phải anh xử lý yếu kém, yếu kém làm sao từ anh bộ đội phục viên lại trở thành đại gia trong hoàn cảnh neo đơn chỉ có cha mẹ già với vài miếng ruộng còm ở quê xa?. Nhưng người trong cuộc thường lúng túng, em là người phụ nữ nhạy cảm, lại có tầm nhìn xa. Em ngồi lại ( Không ra về như các bạn khác bị anh mặc cảm thất hế mà đuổi xua) Nét mặt tỏ ra bình tĩnh, đĩnh đạc nhưng thật thân thiện. Em nói” Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí” anh đừng quá bi quan. Rồi em đưa ra từng giải pháp một cho mỗi vấn đề, rồi chúng ta cùng bàn bạc. Tấm lưới khó khăn khổng lồ từng gút được tháo ra. Không có tầm nhìn xa sao em lại có thể ngoi lên từ muôn ngàn khó khăn cho dầu em chỉ là một công dân nhỏ nhoi của thành phố này? Người ta nói anh hào hoa lịch lãm, nhiều cô muốn gần anh lắm, nhưng chỉ với em- chỉ em là ấn tượng không phai mờ trong tâm trí anh.
Còn nhớ có lần em thật buồn, buồn lắm… Đó là lần đầu tiên anh phát hiện em có cặp mắt buồn. Đó là lần đầu tiên chúng ta đi với nhau, em uống bia hơi nhiều mà không nói gì . Mãi đến khi gần tàn buổi ăn, em mới hỏi
-Đi uống bia ôm có gì thú vị không anh?
- Chỉ thú vị với những ai nông cạn
Em ừ khẻ rồi tự rót bia uống tiếp. Chiều ấy mưa, em lảo đảo trong vườn cây, tay dang ra đón mưa, em cười trong mưa như đứa trẻ. Chợt thấy nụ cười em u sầu lại thánh thiện. Anh ôm em trong tay, người em nhỏ nhắn nhưng rất cân đối, mưa làm ướt áo trắng, lộ ra khuôn ngực tròn căng, em mềm mại ngã vào anh, đôi mắt khép nhẹ. Anh ngửi từ em một làn da thơm ngây ngất.

3 - Người phụ nữ ấy một mình đến phòng mạch, cô chỉ khe khẽ “ Em mệt quá!” huyết áp tuột hẳn, mạch rất yếu. Anh vội vàng cho truyền dịch. Đây làn thứ ba cô đến, lần nào cũng sắp ở mức nguy kịch, lần nào cũng tự đi một mình. Thông thường huyết áp ở mức đó người ta không thể bước. Anh thấy ở cô ngầm chứa ý thức sống mạnh mẽ. Cô yên lặng, cánh tay xanh xao đang truyền dịch xuôi cạnh giường, mắt nhìn vào bức tranh treo tường. Nhìn mà như không thấy gì, ánh buồn tràn mi. Là Bác sĩ, anh ít tìm hiểu chuyện riêng tư của bệnh nhân, nhưng vì là lần thứ ba nên bệnh nân đặc biệt này làm anh chú ý. Một lúc sau, có người đàn ông cao to, ăn mặc rất lịch sự, thư thả đến, anh ta gật đầu chào bác sĩ rồi chỉ tay vào cô ấy như thay cho lời xác nhận tôi là người nhà. Dầu đang bận nhưng bác sĩ cố lắng nghe lời thoại giữa hai người. Anh ta chỉ nói về chiếc xe du lịch của nhà hư chổ nào và cần sửa chửa gì đó. Xem ra anh ta quan tâm sức khỏe chiếc xe nhiều hơn sự sống của vợ mình. Nói xong anh ta đứng lên, nắm tay vợ hờ hững:
- Thôi anh đi làm đây.
 Bác sĩ đợi anh đi ngang qua bàn làm việc, ra hiệu anh ta dừng lại, nói nhẹ nhàng:
- Sức khỏe chị nhà rất kém, tôi nghĩ anh nên quan tâm hơn, đừng để tình trạng này xảy ra hoài, nguy hiểm lắm.
Anh ta gật đầu lấy lệ, rồi thản nhiên ra cửa.
Kín đáo tìm hiểu mới biết cô bệnh nhân hôm qua là chủ doanh nghiệp, người ta nói gia đình họ hạnh phúc thành đạt, họ là đôi uyên ương đẹp đôi. Bác sĩ lặng lẽ suy ngẫm. Anh không tin, biết đó chỉ là biểu hiện bên ngoài, là kiểu đánh lừa thiên hạ như chính vợ chồng anh đang bịt mắt xung quanh.
Thời sinh viên y khoa, vì tư tưởng muốn bay nhảy đó đây cho thỏa chí tang bồng, muốn được làm công dân chính thức của thành phố nguy nga tráng lệ này, nên anh đã gật đầu kết hôn với cô công nhân có hộ khẩu thành phố. Lúc ấy anh chỉ nghĩ đơn giản: vợ có hiểu biết kém hơn chồng sẽ ngưỡng mộ chồng. Anh là cổ thụ che chở cả nhà và đó mãi là mái ấm. Nhưng cuộc sống đô thị hiện đại đã lật nhào nền tảng cũ, thượng tầng vật chất chiếm ngự, vợ anh cũng chuyển mình nâng theo xu thế mới, đến mẹ vợ ở quê lên thăm cũng không nhận ra con gái mình: Cô chạy ra cửa đón bà, bà ngớ ra không biết ai mà mặc váy ngắn ngủn, áo thun bó sát người, tóc nhuộm vàng chóe, cái mũi tây cao chót vót….
Anh khuyên: “ Đẹp chính là sự trang nhã đúng mực” Cô công nhân xưa muốn người ta thấy mình là vợ bác sĩ, là trí thức, là người trong giới thượng lưu:
- Giàu phải ăn mặc chi tiêu cho ra người giàu chứ anh!

4 - Bác sĩ được mời dùng bửa tối tại nhà, cô ấy hàm ơn cứu mạng, nhưng với anh đây là cơ hội tiếp xúc mà anh cũng thầm mong. Anh muốn khám phá nội tâm cô có như những lời đồn đại. Cô đón anh từ cổng nhà có giàn hoa ti-gôn hồng, đưa vào phòng ăn đã bày biện sẵn: Bàn ăn trải khăn lụa tím đậm làm nổi bật những bộ chén đĩa sứ trắng viền vàng. Dưới ánh đèn compact từ trần nhà chiếu xuống càng lóng lánh. Cách trình bày thức ăn cũng sang trọng. Những cây nến thơm màu tím biếc, bình hoa tím nhạt, chiếc áo voan hở nhẹ vai màu tím mơ. Từng yêu thích hội họa, anh ngạc nhiên và thích thú khi thấy cô sử dụng ấn tượng với màu tím chủ đạo, lối tone sur tone nhuần nhuyễn.Nhạc Piano dìu dặt làm nên một không gian chìm đắm nhẹ nhàng du dương…. Đôi bàn tay thon dài trắng muốt, cô khéo léo rót rượu vào hai chiếc ly pha lê, nghiêng mái tóc đen truyền với nụ cười nhẹ thay lời mời sẵn sàng đối ẩm. Nhã nhặn, lịch thiệp, am hiểu nhiều lĩnh vực.
Bữa ăn tối với cô đã làm anh chao đảo!

5 - Người ta râm ran về cô, những người tiếp xúc không ngại ngùng bênh vực. Cô gây tranh luận, gây tò mò như vật thể đột biến gien. Người nào được ăn tối với cô là niềm vui lớn, họ kể cho nhau nghe. Có người âm thầm chinh phục. Những cô gái trẻ ganh tị. Đi đôi những sự kiện trên tất nhiên là cô nhận được rất nhiều quà tặng đắt giá ( bởi không thể tặng món quà đơn giản khi được đi với nữ đại gia, lại duyên dáng như M.C , lịch lãm như nhà ngoại giao, đầy nữ tính như diễn viên gợi cảm. Cô bắt đầu có thú vui sưu tập quà tặng.
_ Với cái đà này rồi bạn sẽ đi đến đâu? Thùy Trang- nhỏ bạn thân thời học phổ thong lo lắng.
Sẽ đi đến đâu à? Rõ ràng cô đã không nghĩ đến, bởi cô đang yên vị trên đỉnh dốc hạnh phúc bên chồng và con gái, cô bị chồng cho lăn long lốc xuống con dốc bất hạnh. Chồng cô theo bạn bè tập tành ăn chơi, người ta đi chơi về đến nhà cởi bỏ cảm xúc, đam mê như cởi bỏ giày dép bên ngoài cánh cửa gia đình. Vun đắp cho vợ con là chính. Anh thiếu bản lĩnh, thiếu nghĩ suy nên bị ả ca-ve trói gô và sai khiến như tên tội đồ xuẩn ngốc. Khi ly, dị anh đã mang theo một nửa gia tài được chia. Chỉ sáu tháng chung sống với cô ta, mấy tỉ đã bay vèo qua cửa sổ bởi anh không quen kinh doanh, ở nhà anh chỉ làm được một số việc nhỏ, nhưng vì chị luôn tế nhị, khéo léo nên anh không biết chị là người quyết định chính. Lâu nay anh cứ ngỡ mình tài giỏi vì luôn nghe tán dương, nịnh hót ngọt ngào của những viên đường hóa học mà ả ca-ve nhét vào tai. Giờ anh chỉ còn lại ngôi nhà cấp bốn trong hẽm nhỏ, ả ta thì bay theo một đại gia khác với niềm hứng thú mới.
Thời gian đầu sau ly hôn, cô lả lơi để trả thù chồng, viên đá bị bỏ rơi cô đơn tội nghiệp lăn qua vườn hoa tươi héo đủ tâm trạng buồn vui của thân phận phụ nữ. có khi lăn êm ái trên bãi cỏ nhung mát rượi ngửa mặt ngắm trời xanh với lòng tự mãn. Thỉnh thoảng gặp trên đường những chú dê mới mọc sừng cứ nghinh mặt tự cao mà thấy buồn cười. có lúc sốc lên với tình yêu khi gặp những cây đại thụ chính chắn để thực sự có nhớ nhung, mới biết trong máu mình có dòng suối lãng mạn, để đột phá qua rào cấm để hiểu hơn hai từ hồi sinh của trái tim. Sau hai năm lăn lốc sù sì với muôn mặt tình ái, chưa có vật cản nào để viên đá cô đơn dừng lại.

6 - Hôm qua má gọi điện thoại lên nói “ Con gắng thu xếp về quê dự hội cúng đình, Hội đình Kỳ Yên năm nay do Ba con làm thủ bổn. Má cũng muốn con nên khẩn cầu thần đình linh thiên cho gia đạo bình an con à. Con làm việc hoài không nghĩ ngơi cũng không nên, Mà cũng lâu lắm rồi con chưa về thăm quê.
Dân làng đón chào khách theo cái cách chân tình: Mùa này đập lúc có khá hông? Thấy đám ruộng anh trúng quá mà mừng; chân dì Năm đau khớp hết nhức chưa? tôi có bài thuốc này hay lắm, đâu dì mần thử coi; Nghe bác bác đau làm sao? Đỡ chưa bác?.... Gặp những người ở xa về thì ân cần: Chà, lâu quá không thấy bây về, cháu nó học giỏi hông? Con dạo này làm ăn sao? Coi bộ ốm hơn trước à nghe….” Râm ran trò chuyện, những câu thăm hỏi mộc mạc đến nao lòng. Âm thanh quê mùa mà thân thương ấy lâu lắm rồi cô không được nghe. Cô chìm trong hàng trăm câu chuyện, chìm trong tình cảm dịu dàng không mua bán. Chợt thức tỉnh tình người từ lâu đã ngủ quên.
Đình là mãnh đất trống ở giữa cánh đồng, nơi thờ được xây lại sau chiến tranh chỉ là gian thờ thật hẹp ngang ba mét, dài hai mét, lợp tạm tôn xi măng, cửa thấp, người hơi cao phải cúi khom khi bưng lễ cúng, hoặc vô đốt nhang. Mỗi đợt tế lễ chỉ chứa được ba người. Gian nhà khách trước đây lợp lá tềnh toàng, cứ ba năm phải thay lá mới. Người khởi xướng làm lại cũng chính là Cây.
Nhà khách chỉ lợp mái, bốn bề nhìn ra đồng lúa. Ba cái bàn tròn được dân khiêng từ những nhà gần đó tới. Ngoài sân tràn nắng, mấy anh nông dân trải chiếu dưới bóng mát mấy cây bàng, cây trứng cá mọc sát bờ ruộng. Ngồi xếp bằng, ngồi chồm hổm ăn uống vui vẻ. Cô ngồi bên bàn các chị, nhìn qua cái bàn dài ở giữa nhà khách, mà khi sáng là nơi xếp đặt đồ cúng. Giờ là bàn ăn cho mấy bác có chức vụ trong đình. Cây đang ngồi quay lưng, cô trộm nhìn: quần jean, áo thun, khoác ngoài sơ mi kẻ sọc. cái sơ mi đẹp duy nhất của anh ngày xưa cũng kẻ sọc gần giống chiếc áo này, màu sọc nâu nhẹ thân thương mà ngày ấy cô khen anh mặc đẹp và cô cứ nhìn theo lưng áo cho đến khi anh xa dần trên cánh đồng sau những lần hò hẹn. Màu áo ấy biết bao lần đã đi vào giấc mơ mỗi khi cô nhớ anh da diết. Không biết anh thích kẻ sọc ấy hay anh cố ý mặc áo giống ngày xưa cho lần trở về này? Mà anh đâu biết lần này có cô trở về?  Vì bao lần rồi, bao năm rồi anh trở về mà không thấy cô?
_Năm ngoái mày gởi tiền về làm cái chái nhà bếp Đình làng mình, mà tụi nó mắc sạ lúa rồi lu bu trừ sâu, sâu năm ngoái phá dữ quá. Tụi nó mới làm xong cái chái này hồi mùa khô đó, mày coi có vững không?
Ông Bảy vừa nói với Cây vừa cởi bớt cái áo dài the đen mà ông mặc vô làm lễ tạ ông Thần nông. Anh Sáu đen chen vô:
_ Tao nói mày không chịu để tên vô bảng góp cúng, nhưng anh Ba  làm cái cổng cứ ráng đắp xi măng mấy chữ viết tắt nói là để kỷ niệm cái tình của mày với bà con, có gì mày đừng rầy rà tao nghen. Anh cười cười nói: “Đâu có gì!”
Không biết anh có còn nhớ cô với những kỷ niệm xưa. Cây trâm già vẫn còn đứng đó, nơi lần đầu tiên cô nhìn thấy anh vác bao lúa đi qua, cười với nhau để rồi vương vấn mãi. Cô muốn nói với anh bình hoa bằng khúc tre vàng cô vẫn còn giữ đến hôm nay,nhưng không biết anh sẽ nghĩ gì? Bỗng nghĩ “ Mình gợi lại chuyện cũ làm gì khi mọi thứ đã trôi quá xa? Dòng kênh trong vắt kia còn lưu giữ gì những bâng khuâng ngày ấy?
Cuộc sống nơi anh không là thiên đường như nhiều người vẫn tưởng. Những đồng đô la anh gởi về đẫm mồ hôi nước mắt xứ người. Chỉ là tài xế lái xe tải chở hàng cho siêu thị, ngày đêm anh chỉ ngủ được ba tiếng vì phải làm hai sở, thậm chí không có thời gian ăn sáng, ăn trưa, vừa lái xe vừa ăn.
Cô bất giác cúi nhìn bàn tay mình, nhìn chiếc nhẫn hạt xoàn đắt giá đang lóng lánh, thậm chí càng rực rở hơn bởi nắng đang ngời chiếu. Lần đầu tiên cô thấy vật chất không có ý nghĩa gì!./.

                   Mùa thu, 12-7- 2005

Không có nhận xét nào: