Hà Thủy Nguyên
Nếu tôi nói với các bạn rằng chúng ta – những thanh niên
sinh ra vào cuối thế kỷ 20 và lớn lên vào đầu thế kỷ 21 – là một thế hệ lạc
lõng, có thể các bạn cho rằng tôi đang nói điều tiêu cực. Khi tôi nói điều đó,
tôi không có ý muốn nói chúng ta là những kẻ lạc loài, và hi vọng rằng các bạn
đừng nhìn nhận điều tôi nói ở khía cạnh xấu của ngôn từ. Ngôn từ thật sự rất dễ
gây hiểu lầm. Từ “lạc lõng” ở đây mà tôi muốn nói đến là một cảm giác mà tôi
tin rằng rất nhiều bạn trẻ ở thế hệ của chúng ta đều cảm thấy rõ rệt: một sự
đơn độc, khó có thể kết nối với xung quanh, khó tìm kiếm sự đồng cảm từ những
thế hệ trước. Và không biết các bạn có nhận ra không, chúng ta gần như tách biệt
hoàn toàn với những người sinh ra đầu thập niên 80 đổ về trước. Và đã bao giờ bạn
tự hỏi, điều gì gây ra biến động lớn đến vậy?
Những thế hệ đi trước hình dung như thế nào về chúng ta? Có
phải chúng ta là những kẻ vô tâm và thờ ơ với xung quanh? Có phải chúng ta chỉ
biết chìm đắm trong chủ nghĩa tiêu dùng? Có phải thế hệ chúng ta là một thế hệ
suy đồi đạo đức? Khi báo chí truyền thông mổ xẻ thế hệ chúng ta ở những câu
chuyện tiêu cực, họ đã vẽ nên một chân dung không đúng với sự thật. Miếng mồi của
báo chí là những câu chuyện giật gân “cướp, giết, hiếp”, và rõ ràng họ sẽ chẳng
thể kiếm đủ miếng cơm manh áo bằng những câu chuyện “người tốt việc tốt” thực sự.
Để viết một câu chuyện “người tốt việc tốt” hấp dẫn, cần quá nhiều kiến thức và
công sức khảo cứu, điều này đòi hỏi một tinh thần trách nhiệm cao trong lương
tâm của một số hiếm hoi các nhà báo, không chỉ ở Việt Nam, mà cả trên thế giới.
Và các bạn có biết ai là những nhà báo chê bai chúng ta không? Họ không ở trong
thế hệ của chúng ta, họ không phải đối mặt với những gì chúng ta phải đối mặt,
họ không tận hưởng những thú vui theo kiểu của chúng ta, họ không làm bạn với
chúng ta. Và tôi nói không ngoa, chính họ góp phần làm bố mẹ chúng ta (vốn đã
không hiểu về chúng ta) giờ đây lại càng thêm phần không hiểu.
Cảm giác lạc lõng đầu tiên mà chúng ta thấy rõ rệt là ngay
trong gia đình của chúng ta. Dù gia đình bạn êm đềm, yên ấm hay đầy sóng gió,
thì bạn cũng vẫn luôn thấy một sự khác biệt quá lớn giữa hai thế hệ. Và điều đó
tạo ra xung đột giữa hai bên, hoặc có một cách để tránh xung đột là chúng ta
không thể cho các bậc phụ huynh biết được những gì chúng ta thật sự muốn làm,
những gì chúng ta cảm nhận, những gì chúng ta đang suy nghĩ trăn trở. Sự khép
kín đã đẩy chúng ta vào một cảm giác đơn độc triền miên. Mọi sự chăm sóc, chiều
chuộng không bao giờ là đủ một khi chúng ta cứ phải khép mình để giữ một trạng
thái ổn định trong gia đình. Liệu các bậc phụ huynh có hiểu được biết bao vấn đề
đằng sau khuôn mặt thờ ơ hay thái độ cắm mặt vào Iphone hoặc máy tính của con
cái? Nói lên điều chúng ta suy nghĩ, dám làm những mong muốn ở sâu thẳm bên
trong… chúng ta phải đối mặt với sự phản đối kịch liệt. Nhẹ nhàng hơn, chúng ta
sẽ bị phủ nhận rằng những điều chúng ta dự định chỉ là ảo tưởng, là không thật,
là vô nghĩa. Cái gì là thật đối với đa số các bậc phụ huynh: Học hành chăm chỉ,
có bằng cấp, công ăn việc làm đầy đủ, lấy vợ, đẻ con và … chết. Họ đã quá quen
với việc: “dùng tiền chúng ta không có,
mua những thứ chúng ta không cần, để cố vừa lòng những người chúng ta không
thích” (Trích phim “Fight Club”) Đó là cuộc sống bình thường theo quan điểm
của thế hệ phụ huynh chúng ta.
Không thể trách họ, họ chỉ muốn điều họ cho là tốt nhất với
con cái. Nhận thức và tư duy của đa số các bậc phụ huynh được xây dựng trong một
nền tảng xã hội và giáo dục đề cao chủ nghĩa vật chất. Trong thời thanh niên, họ
phải chật vật kiếm sống và khẳng định vị trí xã hội của mình. Điều này khiến
cho họ tin rằng mọi giấc mơ thuở thiếu thời đều là viển vông. Họ sẽ thấy vô
nghĩa khi con cái mình say mê đọc sách nghiên cứu về vũ trụ, hay bỗng một ngày
con mình chuyển sang ăn chay và ngồi thiền, và cũng chẳng dễ dàng gì thấy con
mình nhảy Hip hop ngoài đường… Đó là còn chưa kể đến những người cha, người mẹ
có lối suy nghĩ đơn giản: chỉ cần cho nó ăn ngon mặc đẹp, vật chất đầy đủ là ổn
thỏa. Nếu thế giới này chỉ được xây dựng bằng vàng bạc, tiền tìa, hàng hóa… có
lẽ tôi nghi ngờ sự lâu dài của nó. Liệu rằng cái gì còn lại sau một cơn hồng thủy?
Sẽ là nhà lầu xe hơi ư? Không! Cái còn lại là những mảnh rơi rớt của trí tuệ
con người, những giá trị sống đích thực như tình yêu thương, sức mạnh ý chí, và
lòng khát khao cái đẹp.
Đọc đến đây chắc sẽ có nhiều người thuộc thế hệ đi trước cười
ruồi và bảo: “Đúng là tuổi trẻ nông nổi! Tuổi trẻ thời nào mà chẳng nông nổi thế!”.
Đây không phải vấn đề tuổi tác, mà là vấn đề về chuyển dịch nhận thức và tư
duy. Trong suốt thế kỷ 19 – 20, gần như cả thế giới đều tin rằng: con người
chúng ta là sự sắp xếp của các nguyên tử, chúng ta chỉ là một dạng vật chất và
tinh thần cũng từ đó mà hình thành. Với niềm tin như vậy, con người chỉ quan
tâm chăm lo cho cái ăn, cái ở. Khoa học Công nghệ được đẩy cao hơn giá trị tinh
thần, chủ nghĩa hiện thực được ưu ái hơn những ước vọng cao đẹp, thái độ hoài
nghi được thay thế cho tình yêu thương đại đồng. Và hãy nhìn xem hai thế kỷ vừa
qua: Bạo loạn, bất công, môi trường bị hủy hoại, đại chiến thế giới, đại suy
thoái kinh tế, con người tuyệt vọng chìm đắm trong sắc dục, ma túy, giết chóc. Ở
trong một thời đại như vậy và cũng góp phần nhúng tay vào tình cảnh hỗn loạn ấy,
các thế hệ đi trước của chúng ta trên thực tế không đủ tư cách để nói rằng thế
hệ chúng ta là một thế hệ suy đồi về đạo đức. Họ đã quá quen với cách tư duy
tuyến tính một chiều, chỉ nhìn nhận được một dòng chảy của vấn đề. Với họ, tốt
là thuần túy tốt, xấu là thuần túy xấu. Trong khi ấy, sự việc và con người nào
cũng có vô vàn góc độ đánh giá. Thế hệ của chúng ta thì ngược lại, bằng một bước
chuyển vô hình nào đó (mà nhiều người gọi là bắt đầu của kỷ nguyên Bảo Bình),
chúng ta đã bắt đầu nhìn sự vật, sự việc và con người như một tổng thể. Điều
này khiến chúng ta không quá quan trọng chuyện tốt xấu theo các quy chuẩn xã hội,
và đương nhiên các bậc phụ huynh nói riêng và thế hệ đi trước nói chung không
tránh khỏi sự khó hiểu, thậm chí đến mức không bằng lòng. Chúng ta được sinh ra
ở thời kỳ khá đầy đủ về vật chất, và đương nhiên chúng ta đột nhiên nhận ra rằng
đó không phải tất cả những thứ chúng ta cần. Chúng ta cần các giá trị tinh thần
như nghệ thuật, triết học, tâm linh, những công việc thiện nguyện, khả năng gắn
kết giữa người với người…
Sự khác biệt ấy khiến cho chúng ta chơi vơi trôi nổi giữa một
thời đại mà cái cũ đang dần dần đi vào ngày tàn trong khi cái mới chưa thành
hình. Chúng ta lạc lõng vì chúng ta đang ở giai đoạn giao thời, một sự chuyển dịch
lớn của lịch sử nhân loại và chưa ai dự đoán trước được nhân loại sẽ chuyển dịch
theo hướng nào. Chúng ta lạc lõng vì chúng ta muốn vươn đến đỉnh cao của các
giá trị tinh thần nhưng lại bị quá nhiều lực cản của thế giới cũ. Và chúng ta đứng
giữa hai con đường rõ rệt: hoặc mạnh dạn phiêu lưu theo nguồn cảm hứng mới mẻ bất
chấp mọi hiểm nguy, hoặc chấp nhận vùi dập ước mơ của mình trong một thế giới
an toàn nhưng cũ kỹ. Đứng giữa các lựa chọn khiến chúng ta cũng bị phân hóa, sự
phân hóa này lại làm chúng ta ngày một hoang mang. Người mạnh dạn đi theo giấc
mơ thì đôi khi cảm thấy mơ hồ và đơn độc, người chấp nhận đời sống xã hội an
toàn thì luôn luôn ở trong tình trạng chán nản triền miên đến mức chỉ cảm giác
mình như những cỗ máy biết tư duy đi lại dật dờ.
Tôi viết bài này không phải đêu kêu gọi các bạn đi theo cái
mới. Tôi chỉ có hai mong muốn:
Một là chia sẻ với các bạn sự đồng cảm về cảm giác lạc lõng
giữa một thế giới 7 tỉ người mà chẳng có sự kết nối nào với nhau.
Hai là muốn nói với những thế hệ những người đi trước rằng họ
không nên mất thời gian vào việc chê bai thế hệ của chúng ta. Thật đáng tiếc vì
họ không nhìn thấy những người bạn của tôi: những người sẵn sàng xuống đường
tìm kiếm những em bé lang thang và dạy cho chúng học đọc, học viết; những người
bỏ hết công sức và tiền bạc để thu gom kiến thức nhân loại và tìm mọi cách để
chia sẻ với mọi người; những người dám xông xáo tìm kiếm một cách tân nghệ thuật
có giá trị mang tầm thời đại; những người lao đầu vào các dự án bảo vệ môi trường
và cộng đồng người; những người đang cố giữ gìn nền tảng đạo đức tôn giáo bất kể
sự xuống cấp của niềm tin; những người sẵn sàng rũ bỏ đời sống vật chất giả dối
để lên đường đi phiêu lưu khắp thế giới cố gắng tìm kiếm một sự kết nối với
chính bản thân mình và kết nối với vũ trụ… Còn rất nhiều, rất nhiều những người
như thế có thể rằng tôi cũng chưa được biết tới. Và nếu ai đó nói rằng những
người tôi biết chỉ là thiểu số, vậy thì có lẽ tôi đã quá may mắn được kết bạn với
họ, được cùng họ chia sẻ ý tưởng về thời đại mới và ở bên họ, tôi biết rằng
mình chẳng bao giờ đơn độc nữa!
3 nhận xét:
Riêng em thì lại cảm thấy các thế hệ trước lại được phát triển hoàn thiện, được giáo dục chu đáo và được tranh bị nền tảng văn hóa ổn hơn các thế hệ đi sau, lớn lên trong giai đoạn từ năm 1989 trở về sau nhiều thưa thầy.
Có lẽ bài viết đang tập trung vào một khu vực đặc thù nào đó chăng?!
Riêng thế hệ của em, sinh đúng năm 89 (năm chính thức mở cửa), đúng là luôn cảm thấy chút bối rối, tự ti bám theo mình. Tự ti trước những điều xưa cũ đã hoàn thiện đang dần phai nhạt đi, và bối rối do ngày càng xa cách với các thế hệ sinh sau; dẫu đôi ba năm thôi mà khác biệt ghê gớm quá!
đồng ý với MM 100%, tác giả viết hơi quá, nhưng thầy cũng đưa lên vì biết đấy cũng là ý tưởng của 1 số bạn trẻ đang hoang mang trong cái xã hội đầy bất ổn hôm nay
cảm ơn em góp ý rất hay
Dạ em cảm ơn thầy!
Đăng nhận xét