Nguyễn Trí
Già Năm có
hai vợ. Giả nói vậy chớ cả ấp nầy, gần ba mươi năm nay, ai lại không
rành gia đình giả. Một vợ bốn con thôi, chắc xạo quá. Thiên hạ hỏi
bà Năm. Ngờ đâu bả xác nhận đúng luôn. Chuyện củ rồi. Xưa, hai người
có yêu nhau, có ăn cơm trước kẻng. Gia đình bên gái sau đó không gã,
cả hai bỏ nhà đi xây tổ ấm. Tổ ấm
vỡ tan vì bị đập. Những hai mươi lăm năm sau gặp lại, mới hay có một
đứa con trai.
Rồi sao? Bà kia sao? Có chồng rồi chớ?
Còn thằng con? Nó có nhận cha không? Vậy ra bầy con của ông bà có
một anh trai chứ chơi sao. Thì có – bà Năm kể – Cha con gặp nhau đâu đó
hai lần. Nghe con trai tui lấy vợ, nó qua dự đám cưới, ai ngờ giữa đường bị
tai nạn xe cộ, thằng nhỏ qua đời, con vợ sắp cưới suýt chết. Còn má
nó nghe ổng kể không chồng ở vậy nuôi con, con chết nên vô chùa xuống
tóc qui y. Nghe mà ngậm ngùi.
Ôi chuyện
đó nhỏ xíu chớ ngậm ngùi gì. Tuy con ruột, nhưng từ khi sanh ra đến
khi chết giả có biết đâu mà săn sóc, nên tình đâu có mặn. Mặn là
thằng con với bà nầy kìa, nó có vợ, có con. Con trai đầu vừa giáp
thôi tôi, con gái đã ra đời. Ngày đầy tháng là ngày cha đi trại cai
nghiện. Nó để con và vợ lại cho vợ chồng già. Con vợ chờ chồng được
mười hai tháng. Sau đó quăng con gái cho cha mẹ ruột, con trai cho ông
bà nội bỏ nhà đi theo nhân tình. Con gái nhỏ còn đỡ, được nhờ vú
mẹ thuở lọt lòng. Còn anh nó - thương ơi là thương - chỉ cái bình
sữa. May có cô và chú lâu lâu mua cho hộp sữa cao cấp dặm cùng Ngôi
Sao Phương Nam.
Đứa con gái út đi làm về, thấy thiên hạ
kình cãi dẫn đến đánh nhau có dao búa liền đứng coi chơi. Rút kinh
nghiệm nghe, thấy đông đông đừng có ghé mắt, con nhỏ bị suông một dao.
Vậy là trong một năm, tháng hai con bà cũ chết, tháng tư thằng thứ đi
trại, đến tháng tám con gái út qua đời. Tưởng vậy là thôi, ai ngờ
đó chỉ mới là khúc dạo đầu của một bản nhạc buồn.
Là đàn ông,
bản lỉnh trước nghịch cảnh thì không nói. Còn bả? Tất nhiên phụ nữ
buồn là sinh bịnh. Đủ thứ tồn kho trở giò quay lại làm khổ thân
già. Nghèo túng đương đầu với cao huyết áp. Tuy có cái bảo hiểm y
tế của xã cho từ thiện, thuốc men chẳng tốn là bao, nhưng cao máu nó
kéo theo một bầy hệ lụy. Thuốc vào tuy hạ máu nhưng lại bị dày động
mạch vành tâm thất trái, sinh suy tim – Bác sĩ bảo vậy -. Dân ăn học
dăm bảy năm trường Y nói không linh đâu đáng mặt chữ nghĩa. Hoàn cảnh đứa tù đứa chết không suy tim
thì suy gì? Thêm cháu nội không sữa mẹ yếu ớt, bệnh tật suốt. Nó
hành bà nội lấn ngày qua đêm. Lương công nhân con gái lớn và thằng em
út làm sao đủ? Già Năm lê thân già lụm cụm tay xách xô, vai vắt cái
khăn mò ra mấy quán cà phê Vip. Xe hơi, xe tay ga ghé quán là gò lưng
làm cho sạch. Khách thương tình cho dăm bảy đồng tiền lẽ, kiếm tí phụ thêm. Đời phải biết chấp
nhận cái hiện thực. Già Năm bảo vậy. Có than thở cũng không động
đến lòng trời. Mình phải tự cứu lấy mình.
Già Năm có cái
đờ-rim tàu, chuyên chở bà và cháu đi bệnh viện. Một hôm cô con dâu về
thăm con, ra vẽ ăn năn chuyện bỏ con đi theo tiếng gọi, thấy tội già
Năm cho mượn cái xe để con dâu đi làm. Ngờ đâu nó quăng vô tiệm cầm
đồ, lầy tiền vu vi cùng bạn. Nghe qua, bà Năm đau thắt vùng ngực, may
mà uống thuốc chận cao máu rồi, nếu không chắc đứt mạch máu não
quá.
Thằng con sau
hai mươi bốn tháng, trở về cùng gia đình. Cha mẹ chị em thương lắm,
hết khuyên răn lại lo cho cả phương tiện và công ăn việc làm. Già Năm
đi lau xe, có vị khách hào hoa tặng cái di động liền cho con trai.
Nói:
Mình quan tâm để nó có niềm tin mà làm lại đời.
Con vợ cũng bỏ
tình về với chồng. Vậy là cả nhà đoàn tụ. Cứ như vầy thì đời
chẳng thể thua ai. Chồng làm thợ hồ, vợ làm công ty, hai đứa con
giao bà nội. Ông nội tiếp tục tay
xô vai khăn, vừa đi vừa hát. Nhưng đời đâu có đẹp khi con ma túy vẫn
lỡn vỡn bay. Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã, bầy ma túy rủ rê thằng ma túy.
Chỉ sau bốn tháng, ông con bị còng ngay tại nhà vì tội sử dụng ma
túy trái phép. Bà Năm khóc ngất. Nước mắt nước mũi thôi thì đầm
đìa.
Nhưng hai tháng
sau lại khóc thêm lần nữa, lần nầy nước mắt ngược dòng chảy. Chả
là con dâu cuốn gói ẳm con gái về mẹ đẻ. Kế tiếp cô lại đi theo
tiếng gọi. Biết sao được? Chồng hư đốn quá, đâu thể vì anh mà đời
tôi tăm tối. Còn con cái ư? Trai nội, gái ngoại...Thôi cũng đành, biết
nói làm sao? Cái đáng nói là bổng nhiên thằng cháu biếng ăn, xuống
cân và ho, thêm cái không thèm ngủ, Ông bà nội lại chạy lên bệnh
viện. Đủ thứ trời ơi và phát hiện ra thằng mới ba tuổi rưởi có
đường trong máu và nước tiểu. Một chế độ kiêng khem được đề ra. Không
sữa, không ăn mặn. Thằng nhỏ bú bình đâu dễ bỏ, nó khóc ngằn ngặt
suốt đêm. Bà nội thương cháu quá khóc ròng, nước mắt không thoát được
nó tuôn vô bụng, chạy lên đỉnh đầu. Nửa đêm lại lên cấp cứu. May kịp
thời nên qua, di chứng chút đỉnh chổ cái chân, phải khập khà khập
khềnh dẫn cháu nội đi chơi. Tội quá thì thôi.
Sáng nay già Năm
không lau xe như mọi bữa. Đi đâu mà ngó lịch sự lắm. Hỏi mới biết đi
thăm con trai bên trại. Hỏi thêm mới trả lời:
- Cũng khó khăn, nhưng bên trại cho biết
nó bị “ết” đến thời cuối. Không đi thăm biết nó chết lúc nào, buồn
quá, nhưng tui nói đây bỏ đây, đừng
cho bà nhà tui biết. Bả mà biết, chắc . . .
3 nhận xét:
bs Thy Anh ơi, câu chuyện này rất hợp với Tạp chí AIDS của em. Em muốn giới thiệu trên Tạp chí, có cách nào bác sĩ giúp em không ạ?
email của em:ninhvienchi@gmail.com
bs Thy Anh ơi, câu chuyện này rất hợp với Tạp chí AIDS của em. Em muốn giới thiệu trên Tạp chí, có cách nào bác sĩ giúp em không ạ?
email của em:ninhvienchi@gmail.com
đồng ý, xin để tên tác giả
Đăng nhận xét