Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

SÀI GÒN ĐẸP LẮM SÀI GÒN ƠI, SÀI GÒN ƠI . . .



Thy Anh st

Những hình ảnh toàn cảnh về một Sài Gòn "chọc trời" và rực rỡ ánh sáng do các tay máy trong và ngoài nước thực hiện. Theo tôi không nơi nào đẹp và quyến rũ cho bằng quê hương đất nước.







Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

NÂNG CAO TẦM NHÌN

Terri McPherson

Phong cách PUNK

Caitlynd (đứa cháu ngoại sáu tuổi) và tôi dừng lại trước cửa hiệu bánh để mua một ổ bánh mì nướng nhân việt quất. Khi chúng tôi bước ra cửa, một cậu thiếu niên bước vào.
Tóc ở hai bên đầu cậu thiếu niên được cạo nhẵn bóng, chỉ còn lại một chỏm nhọn hoắt trên đỉnh. Một vành mũi cậu ta được xỏ khuyên và móc vào một sợi dây chuyền vắt ngang mặt để chạy xuống chiếc bông tai lủng lẳng nơi vành tai. Một tay cậu ta kẹp tấm ván trượt, tay kia ôm một quả bóng rổ.
Caitlynd vội vàng dừng lại khi nó nhìn thấy cậu thiếu niên. Tôi tưởng cậu ta làm nó sợ, và con bé đứng chết trân ngay tại chỗ.
Tôi đã lầm.
Cô cháu ngoại thiên thần của tôi bước lùi khỏi khung cửa và đẩy cánh cửa mở toang ra. Lúc này tôi đang đối mặt với cậu ta, tôi cũng né qua một bên nhường cho cậu ta đi vào. Cậu ta lễ phép nói:
- Cảm ơn bà rất nhiều.
Trên đường ra xe, tôi khen ngợi Caitlynd vể cách nó đã cư xử khi nó mở cửa cho cậu thiếu niên. Dường như nó chẳng hề khó chịu trước diện mạo của cậu ta.
Điều duy nhất Caitlynd nhận thấy ở cậu thiếu niên là hai tay cậu ta đều bận ôm đồ.
- Anh ấy sẽ gặp khó khăn khi mở cửa, bà ạ.
Tôi chỉ nhìn thấy cái đầu bị cạo một phần, thấy chùm tóc nhọn hoắt, thấy một vành mũi được xỏ khuyên và sợi dây chuyền. Còn Caitlynd thì chỉ thấy một người tay xách nách mang gặp khó khăn khi tiến tới cánh cửa đang đóng kín.
Tự nhiên tôi muốn hạ mình xuống ngang tầm của cô cháu ngoại thiên thần của tôi và nâng cao tầm nhìn của mình lên.

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

VỢ LÀ… (Bài 2)




Vợ là quả ớt chín cây

Đỏ tươi ngoài vỏ rất cay trong lòng.

Vợ là một đoá hoa hồng

Vợ là "sư tử Hà Đông" trong nhà.

Vợ là nắng gắt mưa sa

Vợ là giông tố phong ba bão bùng.

Nhiều người nhờ Vợ lên Ông

Nhiều người vì Vợ mất không cơ đồ

Vợ là cả những vần thơ

Vợ là cả những giấc mơ vơi đầy

Vợ là một chất men say

Là nước hoa ngoại làm ngây ngất lòng

Vợ là một áng mây hồng

Vợ là hoa hậu để chồng mê say.

Vợ là khối óc bàn tay

Vợ là bác sĩ tháng ngày chăm ta

Vợ là nụ Vợ là hoa

Vợ là chồi biếc Vợ là mùa xuân.

Vợ là tín dụng nhân dân

Vợ là kế toán giải ngân trong nhà

Vợ là biển rộng bao la

Vợ là hương lúa đậm đà tình quê

Vợ là gió mát trưa hè

Vợ là hơi ấm thổi về đêm đông.

Vợ là chỗ dựa cho chồng

Nhiều ông dám bảo vợ không là gì!?

Khoan khoan hãy nghĩ lại đi

Vợ quan trọng lắm không gì hơn đâu.

Việc nhà vợ có công đầu

Nấu cơm, nấu nước, rửa rau, pha trà.

Vợ là máy giặt trong nhà

Vợ là Cát-sét Vợ là Tivi.

Nhiều đêm Vợ hát Chồng nghe

Lời ru xưa lại vọng về trong ta.

Vợ là làn điệu dân ca.

Vợ là bà chủ, vợ là nhân viên

Vợ là cái máy đếm tiền

Vợ là "Nội lực" làm nên cơ đồ

Vợ là thủ quỹ thủ kho

Vợ là hạnh phúc ấm no trong nhà.

Vợ là vũ trụ bao la

Nhiều điều bí ẩn mà ta chưa tường.

Khi nào giận, lúc nào thương.

Sớm mưa, chiều nắng ai lường được đâu.

Vợ là một khúc sông sâu

Vợ như là cả một bầu trời xanh

Vợ là khúc nhạc tâm tình

Vợ là cây trúc bên đình làm duyên

Vợ là cô Tấm thảo hiền.

Vợ là cô Cám hám tiền ham chơi.

Vợ là con Phật, cháu Trời,

Rẽ mây rơi xuống làm người trần gian.

Vợ là ...

Giàu và nghèo

Thu Huong Nguyen st


Một ngày nọ, người cha giàu có dẫn con trai đến một vùng quê để thằng bé thấy những người nghèo ở đây sống như thế nào.
Họ tìm đến nông trại của một gia đình nghèo nhất nhì vùng. “Đây là một cách để dạy con biết quý trọng những người có cuộc sống cơ cực hơn mình”. Người cha nghĩ đó là bài học thực tế tốt cho đứa con bé bỏng của mình. Sau khi ở lại và tìm hiểu đời sống ở đây, họ lại trở về nhà.
Trên đường về, người cha nhìn con trai mỉm cười: “Chuyến đi như thế nào hả con?”
- Thật tuyệt vời bố ạ!
- Con đã thấy người nghèo sống như thế nào rồi đấy!
- Ô, vâng.
- Thế con rút ra được điều gì từ chuyến đi này? Đứa bé không ngần ngại:
- Con thấy chúng ta có một con chó, họ có bốn. Nhà mình có một hồ bơi dài đến giữa sân, họ lại có một con sông dài bất tận. Chúng ta phải treo những chiếc đèn lồng vào vườn, họ lại có những ngôi sao lấp lánh vào đêm. Mái hiên nhà mình chỉ đến trước sân thì họ có cả chân trời. Chúng ta có một miếng đất để sinh sống và họ có cả những cánh đồng trải dài. Chúng ta phải có người phục vụ, còn họ lại phục vụ người khác. Chúng ta phải mua thực phẩm, còn họ lại trồng ra những thứ ấy. Chúng ta có những bức tường bảo vệ xung quanh, còn họ có những người bạn láng giềng che chở nhau… . “Bố ơi, con đã biết chúng ta nghèo như thế nào rồi…”
Đến đây người cha không nói gì cả Rất nhiều khi chúng ta đã quên mất những gì mình đang có và chỉ luôn đòi hỏi những thứ gì không có. Cũng có những thứ không giá trị với người này nhưng lại là mong mỏi của người khác. Điều đó còn phụ thuộc vào cách nhìn và đánh giá của mỗi người. Xin đừng quá lo lắng, chờ đợi vào những gì bạn chưa có mà bỏ quên điều bạn đang có, dù là chúng rất nhỏ nhoi.

Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

VỢ LÀ.... (Bài 1)



Vợ là mẹ các con ta 

Thường kêu bà xã, hiệu là phu nhân

Vợ là tổng hợp : bạn thân,

Thủ trưởng, bảo mẫu, tình nhân, mẹ hiền...

Vợ là ngân khố, kho tiền

Gởi vô nhanh gọn, hơi phiền rút ra

Vợ là biển cả bao la

Đôi khi nổi sóng khiến ta đắm phà

Vợ là âm nhạc, thi ca

Vừa lá cô giáo, vừa là luật sư

Cả gan đấu khẩu vợ ư ?

Cá ươn không muối, chồng hư cãi "bà" (vợ)

Chồng ơi ! đừng có dại khờ

Không vợ, đố biết cậy nhờ tay ai

Vợ là phước, lộc, thọ, tài ...

Thuộc trăm định nghĩa, trả bài vợ khen.

Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

Con ếch

Kaeru
 
The Magician (H.Bosch)
Nếu tôi nhớ không lầm, cuộc Triễn lãm mỹ thuật các bảo tàng viện vùng Ile-de-France ở Công viên Sceaux ngoại ô nam Paris đã được tổ chức vào tháng 5 năm 195.... Hai đứa - nhà tôi và tôi - biết tin ấy qua thông tin quảng cáo trong đường hầm métro [1]. Thế nhưng chúng tôi chưa chắc đã đi đến Công viên Sceaux [2] nếu trong những họa phẩm được trưng bày không có "Nhà ảo thuật" của Bosch [3]. Tình thực, bức tranh này vẫn được chưng thường trực ở Saint-Germain-en-Laye cũng thuộc vùng phụ cận thành phố Paris, chúng tôi đáng lý chả cất công xuống mãi Sceaux để xem nó. Chẳng qua mới chân ướt chân ráo đến Paris, vợ chồng chúng tôi định tiện dịp đi xem cuộc triễn lãm mỹ thuật sẽ ghé nhìn một lần cho biết Lâu đài Sceaux [4] và khu hoa viên vốn được ca tụng là Tiểu Versailles của nó, lúc ấy đang độ mùa hoa xoan nở rủ tím ngát.
Ngày hôm ấy nắng đẹp. Ánh sáng mặt trời chiếu lấp lánh trên những đóa hoa xoan đang buông lơi làm liên tưởng đến những ngọn lửa màu tím đang chập chờn bên dưới bóng những tàng cây. Lâu đài Sceaux là một tòa nhà kiến trúc thanh nhã hài hòa kiểu thế kỷ thứ 17, từ đại sảnh của nó nhìn xuống khu hoa viên và nếu nhìn qua bên kia cánh rừng, có thể thấy cả mặt hồ lấp lánh, nơi có đàn thiên nga.
Ngay lối vào gian đại sảnh, vợ tôi suýt nữa chạm phải một người đàn bà đứng tuổi mặc tang phục màu đen. Vì lúc đó tôi đã tiến gần đến cái sân thượng, từ đó có thể ngắm được khu vườn, cho nên không nghe hai người trao đổi những gì. Khi ngoảnh lại nhìn, tôi mới thấy nhà tôi và người đàn bà ấy đang mãi mê trò chuyện. Tôi bèn trở lại bên họ, chào hỏi vài câu xã giao với bà bạn đứng đối diện mà vợ tôi giới thiệu là Mademoiselle Denise F...., người có đôi mắt màu xám tro ươn ướt lộ ra dưới làn vải mỏng của một tấm voan đen. Đôi mắt đó có cái nhìn như đang đặt câu hỏi hay trách móc. Một đôi mắt đượm màu khổ não.
Sau khi chia tay với Denise F..., tôi thắc mắc với nhà tôi:
- Bà bạn đó trong nhà mới có ai qua đời à?
- Lúc nào cô ấy lại chẳng như thế. Hồi em đi còn đi học chung với Denise thì cô ấy đã như thế rồi, làm mình thấy tội nghiệp, tưởng là nhà đang có tang. Thực ra em đoán lầm. Em cứ nghĩ chắc chồng chết hay sao nhưng cô ấy cho biết chưa bao giờ kết hôn với ai.
- Có người yêu chết hồi chiến tranh cũng không chừng nhỉ!
- Nhưng cô ấy lạnh lùng lắm cơ. Người đâu mà lãnh đạm kinh khủng. Chúng bạn cho là con khùng nên cứ để mặc kệ. Khi nghe giảng bài cũng vậy, cứ ngồi một mình một xó...còn lúc tan lớp, trong khi mọi sinh viên xúm xít về chung với giáo sư thì mỗi mình cô ấy là lảng ra và đi riêng. Nhiều lúc em thấy tội nên hễ cô ấy hỏi mượn tập ghi "cua" là em cho mượn ngay. Thế mà không biết tại sao cô ấy cứ dây bẩn ra, khi được trả lại quyển vở, em có cảm tưởng như cái ẩm ướt của bàn tay cô ấy đã thấm tận vào trong từng trang giấy. Thành thử từ ngày đó em chẳng bao giờ cho cô ấy mượn tập vở nữa.
Trong khi nhà tôi đang kể lại chuyện cũ, trong đầu, tôi bỗng hiện ra cái ươn ướt và lạnh lẽo của bàn tay Denise F...Chỗ da thịt tôi tiếp xúc với bàn tay của bà ta như còn đọng lại một cảm giác buốt giá.
Nhưng rồi hai vợ chồng chúng tôi cũng ngưng cuộc đối thoại ở đó. Bức tranh nổi tiếng "Nhà ảo thuật" được treo ở một nơi hút sâu trong đại sảnh. Sự có mặt của nó đủ làm cho không khí chung quanh như có gì căng thẳng và trong lắng. Một bầu trời kỳ dị với bức tường dựng lên đằng trước làm bối cảnh, lũ người mê mãi xem diễn trò, tên móc túi ngơ ngớ, nhà ảo thuật, cái lồng nhốt con chim cú anh ta đeo ngang thắt lưng, con chó, chú ếch trên bàn và lão già chồm nửa thân hình ra phía trước để nhìn cho rõ....Chính lúc đó thì nhà tôi bỗng kêu lên: " - Ơ kia, con ếch!".
Ngón tay của nhà tôi không chỉ con ếch trên bàn nhưng là con ếch mà lão già chồm nữa người ra trước như đã khạc ra từ cái miệng đang há hốc của lão. Một con ếch khác, có đôi mắt màu vàng!
Tôi không còn nhớ lúc đó chúng tôi đã bàn với nhau những gì về bức tranh của Bosch. Thế nhưng có những ấn tượng kỳ lạ đã toát ra khỏi khung cảnh bình lặng của mặt tranh, ví dụ cảm tưởng lúc đó, mọi âm thanh bất chợt im bặt, là cái mà tôi không thể nào quên.
Hai năm sau, tôi đã đến Saint-Germain-en-Laye ngắm lại bức tranh này một lần nữa, chắc với ý định muốn xác nhận lại ấn tượng mình đã có về nó. Nhân vì nhà tôi thường vẫn đi họp mặt nơi khác vào ngày đó trong tuần nên chỉ mình tôi leo lên chuyến buýt ngoại ô. Hôm ấy, một buổi xế chiều mùa thu u ám, trời lại chuyển mưa cho nên trong gian phòng trưng bày bức "Nhà ảo thuật", chỉ thấp thoáng dăm bóng người. Thế nhưng mới vừa bước được đôi bước vào trong, tôi đã nhận ra có người đàn bà mặc tuyền một màu đen đang đứng trước tác phẩm. Người đàn bà ấy ý chừng muốn đi ra, ngược chiều với tôi lúc ấy đang đi vào. Vẫn với tấm voan đen che ngang khuôn mặt. Trong khi lách nhau, tôi nhận thấy đằng sau tấm voan đó đúng là đôi mắt màu tro xám, mờ mờ ươn ướt và chứa đầy khổ não của Denise F....Tuy vậy, tôi không có kịp thời giờ để lên tiếng chào. Giống như một cái bóng đen, Denise lướt qua sát bên tôi rồi biến dạng.
Buổi tối, thành phố chìm trong cơn mưa.Trong quán ăn chật chội, tôi ngắm phố phường qua khung cửa sổ. Nhà tôi đến trễ, bước vào trong quán.
- Sao, anh? "Nhà ảo thuật " thế nào hở?
- Được lắm. Mà này, em có nhớ, cái người mình gặp hồi ở dưới Sceaux? Anh gặp lại bà ấy đó!
Nhà tôi tỏ ra chưng hửng:
- Chuyện đó thật không anh?
- Sao lại không thật! Hôm nay cũng mặc nguyên bộ đồ tang.
Nhà tôi im lặng một đổi. Sau đó mới nhìn thẳng vào mắt tôi và nói:
-Thế nhưng Denise vừa mới mất cách đây không lâu đó anh!
Không biết tại sao lúc đó trong không gian mọi âm thanh chợt như im bặt. Chỉ còn những giọt mưa hư huyễn vẫn tiếp tục đổ xuống ào ạt. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ rõ như in khuôn mặt của nhà tôi khi ấy sao mà xa vắng, xa vắng đến lạ lùng.
(Nguyễn Nam Trân chuyển ngữ)

Chú thích:
[1] - Đường xe điện ngầm ở Paris. Chữ Pháp trong nguyên văn.
[2] - Parc de Sceaux, một địa danh nơi có công viên lớn bao chung quanh một tòa lâu đài ngoại ô nam Paris.
[3] - Hieromus Bosch 1450-1516, họa sĩ người Hà Lan, giàu tinh thần phúng thích. Tác phẩm của ông mang tính chất huyền ảo, quái dị. Có những bức với đề tài như "Con thuyền của thằng ngốc", "Khu vườn khoái lạc".
[4] - Château de Sceaux.
Tác giả; Tsuji Kunio là một tiểu thuyết gia, tùy bút gia, nhà phê bình văn học kiêm học giả văn chương Pháp. Ông sinh tại Tôkyô năm 1925, tốt nghiệp Cao học Đại học Tôkyô, đã theo đuổi một sự nghiệp văn bút song song với hoạt động giáo dục. Từng dạy tại các Đại học Gakushuuin và Rikkyô.
Ông đến với làng văn bằng tác phẩm đầu tay Kairô nite (Trong đường vòng hành lang) nói về cuộc đời phiêu lãng của một họa sĩ người Nga, đoạt ngay Giải văn học cận đại cùng năm (1963). Năm 1968, Azuchi ôkanki (Ký sự khi từ Azuchi trở về) chung quanh nhân vật Oda Nobunaga, võ tướng thời Chiến Quốc Nhật Bản, được Giải thưởng của Bộ Giáo dục dành cho các nhà văn trẻ tuổi. Trong 36 năm hoạt động phong phú, ông sáng tác rất nhiều (toàn tập 20 quyển khổ A4) nhưng nổi tiếng nhất có lẽ là Saigyô Kaden (Cái đẹp nhà thơ Saigô truyền lại) Haikyôsha Yurianus (Julianus, kẻ bội đạo). Tác phẩm trước được Giải nghệ thuật của Nhật báo Mainichi (1973), còn tác phẩm sau đã đem về cho ông Giải Tanizaki (1995).
Đã du học vào khoảng thời gian 1957-60 ở Pháp, chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Âu châu, nhất là Pháp và Hi Lạp. Văn phong ông trí thức, đậm màu sắc lý tưởng. Chủ đề tiểu thuyết thường có tính lịch sử, trong đó các nhân vật lúc nào cũng có thái độ băn khoăn trước những biến chuyển lớn của thời đại. Người bạn đời của ông, nữ giáo sư Tsuji Sahoko (khuê danh Gotô, 1930-2011), một tiến sĩ tốt nghiệp tại Pháp (1961), là học giả mỹ thuật sử thời Byzantine nổi tiếng thế giới. Hai ông bà được xem như một đôi bạn trí thức tâm đầu ý hợp. Ông qua đời đột ngột vì trụy tim ở Karuizawa (Nagano) năm 1999.
Con ếch (Kaeru) là một đoản thiên trong tập Ikoku kara (Từ những đất nước xa lạ) xuất bản năm 1968 nói về những kinh nghiệm sống của ông trong thời gian du học Âu châu.