Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Thơ tếu Quý Bùi : ĐỪNG VÀ NÊN











ĐỪNG
ĐỪNG nên có vợ ; Các Ông !
ĐỪNG nên đưa cổ đeo gông vào người
ĐỪNG nên miệng méo khi cười
ĐỪNG nên khốn khổ như người tù sai
ĐỪNG nên hành tội cái tai
ĐỪNG nên để nó nghe hoài lệnh ban
ĐỪNG nên hoá kiếp đời tàn
ĐỪNG nên đêm tối kêu than thở dài
ĐỪNG nên để giựt tóc mai
ĐỪNG nên phí sức trả bài ngày đêm
ĐỪNG nên để túi lủng thêm
ĐỪNG cho lưng , gối đau rêm hàng ngày
ĐỪNG nên để mất đời trai
Lấy vợ là chuyện hỡi ai xin ĐỪNG
NÊN
NÊN đi cưới vợ cho ngay
Phố phường mất bóng hàng ngày chạy rông
NÊN ôm lấy một bóng hồng
Mai này khỏi phải chổng mông mà gào
NÊN tìm người mộng xem sao
Mùa đông không phải sắm bao chăn dầy
Gia đình hạnh phúc NÊN xây
Cơm no bò cưỡi vui vầy hàng đêm
NÊN tìm người vợ theo kèm
Hết đi lạc bước lem nhem đêm về
NÊN tròn tình nghĩa phu thê
NÊN giữ đúng chuyện đi, về có nhau
NÊN nhớ cho mỗi một câu
Vợ Chồng là nợ dài lâu suốt đời

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

TRÌNH BỆNH ÁN : Một Trường Hợp Tiểu Đường Toan Huyết

Bác sĩ Nguyễn văn Đích

Trường hợp bệnh lý
Ông X. 55 tuổi, độc thân, chiều thứ bảy điện thọai cho em gái nói rằng ông bị mệt, khát nước, buồn nôn. Người em khuyên đi khám bệnh nhưng ông không đi. Trưa thứ hai, bà em đến thăm thì thấy ông nằm bất tỉnh trong nhà tắm, chung quanh có những chất nôn mửa; bèn kêu xe chở ông đi cấp cứu.
Bệnh nhân đến phòng cấp cứu lúc 16 giờ, trong tình trạng lơ mơ nhưng có thể lay dậy được, không dấu định vị, nhiệt độ 36.6, mạch 108, áp huyết 118/77 cân năng 63 Kg, da và lưỡi khô, tim phổi bình thường, bụng mềm. Nước tiểu: tỉ trọng 1.025, đường trên 1000 mg, đạm 40mg, ketone dương tính 15mg, bạch cầu 0-2, hồng cầu 3-6, myoglobin 27 (BT dưới 2). Thử máu: bạch cầu 17.4 ngàn, hemoglobin 15.9g/o, hematocrite 48.4, tiểu cầu 140 ngàn, Na 138 mEq/l, K 4.9, Cl 105, Bicarbonate 6, BUN 87, Creatinin 5.1, Anion gap AG = Na – (Cl+CO3H) = 138- (105+6) = 27 (bình thường 3-11 mEq), Đường huyết 1120 mg/dl, Đạm toàn phần 4.4, Albumin 2.1, Calcium 8.7, Troponin 0.16 (BT: 00-0.04), Creatinin Kinase 9.560 (BT 49-357), CKMB 178.1 (BT:0.3-4.0), Chất khí trong máu động mạch (Arterial Blood Gases-ABG) (FìO 21%) pH 6.92, pCO2 16.4, p O2 88.8, Bác sĩ cấp cứu truyền TM dung dịch NS 0.9% nhanh, và insuline 6 đơn vị mỗi giờ.
Hỏi thân nhân được biết bệnh nhân có cao huyết áp, cao mỡ, không biết có tiểu đường, có hút thuốc lá, không uống rượu, điều trị bằng Nifedipine ER 90 mg, Advicor 20/1000 (kết hợp Lovastatin 20mg và Niacin 1000mg), mẹ và em gái đều bị tiểu đường.
Chẩn đoán:
1) Tiểu đường toan huyết, 2) Thiếu nước, 3) Ly giải cơ vân (rhabdomyolysis) 4) Suy thận cấp do thiếu thể tích và/hoặc do ly giải cơ vân. 
Xử trí:
Chuyển Khoa Săn Sóc Tích Cực, nhịn ăn uống, theo dõi lượng nước xuất nhập, sinh hiệu, cấy máu, cấy nước tiểu, chụp phim phổi, điện tâm đồ, truyền NS 0.9% 1000ml/giờ, truyền TM insulin 10 đơn vị mỗi giờ, theo dõi đường huyết mỗi giờ. Lúc 19 giờ nước tiểu 1400 ml, máu: Na 144 K 3.5 Cl 120 Bicarbonate dưới 5, BUN 78 Creatinin 4.1.đường huyết 811 thêm bicarbonate 1 ống (50 mEq) trong 250 ml ½ NS truyền TM 2 lần , thêm KCl 10 mEq trong mỗi lít dịch Y lệnh về truyền insulin như sau: insulin 10 đơn vị mỗi giờ, khi đường huyết 350-400: 6 đv, 300-350: 5 đv, 250-300: 4 đv, 200-250: 3 đv, 150-200: 2 đv, 80-150: 1 đv, truyền TM luân phiên NS và ½ NS 250 ml/giờ.
Ngày 2: Lượng nước vô 7200ml ra 2600ml, bạch cầu 9.1, hemoglobin 15.4 hematocrite 44.9 tiểu cầu 63, Máu: Na 151, K 2.8 Cl 127 bicarbonate 16, BUN 77 Creatinin 3.9, đường huyết 398, Osmolality huyết tương 411 mOsm (BT 280-295). ABG (FìO2 100%) pH 7.198 pCO2 40.1 pO2 91.9 HCO3 15.3 saturation of O2 95.3% Base deficit 12.2
Ngày 3: bệnh nhân khó thở, M 112, thở 22, AH 139/85 nước vô 6000ml, ra 950ml, phổi có rales nổ mịn ở đáy phải, phim phổi có thâm nhiễm mô kẽ, ABG (FiO 2 100%) pH 7.26 pCO2 27, pO2 81 Bicarbonate 12 saturation 81 %, Na 149, K 3,9 Cl 129 Bicarbonate 13, BUN 84, creatinin 5. Xử trí: bỏ truyền dịch, Lasix 80 mg TM và 160 mg không đáp ứng, bệnh nhân dược lọc thận nhân tạo.
Ngày 4: Bệnh nhân tỉnh, lượng nước vô 1200, ra 0, lọc thận nhân tạo, cho ăn, tiêm Novolog 70/30 12 đơn vị buổi sáng, 8 đơn vị buổi chiều, 2 giờ sau khi tiêm novolog dưới da bỏ truyền TM insulin. Bệnh nhân được tiếp tục lọc thận nhân tạo, điều chỉnh nước, điện giải, được hướng dẫn về bệnh tiểu đường gồm chế độ ăn, cách dùng thuốc, tác dụng phụ của thuốc, cách theo dõi và xử trí khi có tác dụng phụ..Bệnh nhân khỏe ra viện ngày thứ 9, tiếp tục Novolog 70/30 28 đv buổi sáng 18 đv buổi chiều, theo dõi ngọai trú..
Bàn luận
Toan huyết trong tiểu đường là hậu quả của sự thiếu insulin tuyệt đối hoặc tương đối do mất thăng bằng của hệ thống hạ đường (insulin) và tăng đường (glucagon, cortisol catecholamine và growth hormone), thường xảy ra ở người bị tiểu đường lọai 1 nhưng cũng có thể xảy ra ở tiểu đường lọai 2. Thiếu insulin làm tăng đường và các ketoacids trong máu. Các ketoacids gây toan chuyển hóa và tăng khoảng trống anion (anion gap). Đường trong máu cao có tác động lợi tiểu thẩm thấu (osmotic diuretic) làm cho thận thải ra nhiều nước kèm theo các chất điện giải. Vì cơ thể mất nhiều nước (water diuresis) hơn là chất điện giải nên Na huyết thanh tăng, osmolality huyết tương tăng. Osmolality tăng hút nước (H2O) từ nội bào ra ngọai bào giảm phần nào Na trong huyết thanh. Trong khi đó toan huyết cùng với thiếu insulin làm cho potassium di chuyển từ nội bào ra ngọai bào làm cho K huyết thanh tăng trong khi K của toàn cơ thể thấp.
Tiêu chuẩn để chẩn đoán tiểu đường toan huyết gồm: đường huyết cao 250-800 mg/o, pH máu động mạch dưới 7.25, bicarbonate dưới 15 mEq/L, anion gap trên 10, có hoặc không rối lọan tri giác. Bệnh nhân này có đủ các tiêu chẩn trên kèm theo rối lọan tri giác được xếp vào tiểu đường toan huyết lọai nặng theo bảng xếp lọai của Hội Tiểu Đường Hoa kỳ.
Điều trị gồm: bù nước, insulin TM, bù potassium và tìm nguyên nhân gây toan huyết.
- Truyền dịch - Bệnh nhân thường mất từ 3-6 lít dung dịch. Ta bắt đầu bằng dung dịch muối đẳng trương (NS) truyền với tốc độ 15-20ml/kg/giờ. Có thể truyền 1lít dịch đâu tiên rất nhanh (IV Bolus) nếu bệnh nhân bị trụy mạch. Thông thường truyền 1lít/giờ trong 3-4 giờ đầu, duy trì bằng 200-300ml/giờ, theo dõi sinh hiệu và lượng nước xuất nhập. Nhiều bệnh nhân sẽ cần chuyển sang dung dịch 1/2NS để bù lại lượng nước tự do bị mất (free water loss) do tác dụng lợi tiểu thẩm thấu của đường huyết cao.
- Insulin giảm đường huyết và giảm ly giải chất béo do đó giảm ketoacids. Insulin thường (regular) tiêm, truyền tĩnh mạch là phương pháp tốt nhất: insulin R 0.1 đơn vị/kg tiêm TM nhanh (IV bolus) tiếp theo bằng truyền TM 0.1 đơn vị/kg/giờ. Phương pháp này giảm đường huyết từ 50-70mg/dl trong 1 giờ. Nếu đường huyết không giảm 50mg/giờ, có thể thêm 1 liều tiêm TM; không nên giảm trên 100mg/giờ để tránh phù não. Khi đường huyết giảm đến 200mg/dl cần đổi dịch truyền sang D5NS và giảm liều insulin xuống 0.05đv/kg/giờ. Khi hết toan huyết và bệnh nhân ăn được, bắt đầu tiêm dưới da hỗn hợp insulin và chỉ ngừng truyền TM insulin 1-2 giờ sau khi đã tiêm dưới da để tránh tái phát.
Ở những nơi thiếu phương tiện và trong trường hợp toan huyết nhẹ không trụy mạch, có thể tiêm bắp hoặc dưới da insulin tác dụng nhanh 0.2 đơn vị/kg tiếp theo bằng 0.1 đơn vị/kg mỗi giờ cho đến khi đường huyết xuống đến 250mg/dl, khi đó sẽ giảm liều insulin xuống 0.05 đơn vị/kg mỗi giờ hoặc mỗi 2 giờ cho đến khi hết toan huyết.
- Bù potassium - Thời điểm chuyển sang dung dịch 1/2NS có thể tùy thuộc vào potassium. Hầu hết bệnh nhân bị tiểu đường toan huyết thiếu K vì bị mất do đường tiểu và đôi khi do đường tiêu hóa. Vì toan huyết kéo K ra ngoài tế bào nên K huyết thanh thường cao khi bệnh nhân nhập viện (trong khi K của toàn thể cơ thể bị thiếu hụt). Ta thường thêm 10-20 mEq KCl trong mỗi lít dịch truyền khi K xuống dưới 5.3 mEq/l nếu bệnh nhân tiểu được tốt (trên 50ml/giờ). Vì K cũng có họat tính thẩm thấu (osmotically active) như Na nên sẽ thuận lợi khi cho thêm KCl vào dung dịch ½ NS hơn là dung dich NS. Nếu K dưới 3.3 mEq/l cần phải bù K trước khi bắt đầu dùng insulin vì insulin đem K trở vào trong tế bào sẽ làm cho K huyết thanh thấp hơn có thể gây biến chứng về nhịp tim. Trong trường hợp này có thể truyền potassium từ 20-30 mEq/giờ trong dung dịch chứa 40-60 mEq/L. Potassium huyết thanh cần được duy trì ở mức 4-5mEq/L
- Sodium - Đường huyết cao, tăng plasma osmolality, kéo nước nội bào ra khu vực ngoại bào, khiến cho Na bị pha loãng, đồng thời đường huyết cao cũng gây lợi tiểu thẩm thấu làm thận thải nhiều nước hơn muối khoáng do đó làm cho nồng độ của Na tăng. Trị số của Na huyết thanh khi bệnh nhân nhập viện là kết quả của hai tác dụng trái ngược này. Khi điều trị bằng insulin, đường huyết giảm, osmolality giảm, nước di chuyển vào trong tế bào khiến cho nồng độ Na huyết thanh tăng.
- Bicarbonate và toan chuyển hóa -Chỉ định dùng bicarbonate trong tiểu đường toan hyết là một vấn đề còn bàn cãi. Có 3 lý do để quan tâm:
1) dùng nhiều bicarbonate giảm toan huyết do đó giảm kích thích trung tâm hô hấp, làm cho pCO2 tăng; CO2 vượt qua rào cản giữa máu và màng não làm giảm pH trong não gây rối lọan thần kinh;
2) cho nhiều bicarbonate làm tăng ketoacids vì bicarbonate tăng sư sản sinh ra ketone ở gan;
3) cho thêm bicarbonate gây kiềm chuyển hóa sau điều trị vì điều trị bằng insulin tạo ra bicarbonate và tự điều chỉnh toan chuyển hóa. Tuy vậy những bệnh nhân có pH dưới 7, hoặc hôn mê, trụy mạch, hoặc có potassium cao đến mức nguy hiểm cần dùng bicarbonate. Trong thực tế ta cho thêm bicarbonate nếu pH dưới 7. Nếu pH từ 6.9 đến 7.00 cho 50 mEq bicarbonate (một ống) và 10 mEq KCl trong 200 ml nước vô trùng, truyền TM trong 2 giờ. Nếu pH dưới 6.9 cho 100 mEq sodium bicarbonate và 20 mEq KCl trong 400 ml nước vô trùng truyền TM trong 2 giờ. Cần đo pH mỗi 2 giờ, dùng bicarbonate như trên cho đến khi pH lên trên 7.00.

- Thiếu phosphate- Phosphate của cơ thể bị thiếu hụt trong tiểu đường toan huyết tuy nhiên vì bị kéo ra khỏi tế bào nên nồng độ phosphate khi bệnh nhập viện có thể cao. Khi điều trị bằng insulin, phosphate trở lại tế bào khiến cho nồng độ huyết thanh giảm. Nghiên cứu cho thấy điều trị thêm bằng phosphate không có lợi, ngược lại bù phosphate lại làm giảm calcium và magnesium vì vậy ta không bù phosphate một cách thường xuyên. Trong trường hợp có rối lọan cơ tim, giảm hô hấp, và phosphate huyết thanh dưới 1mg/dl có thể bù một cách thận trọng bằng cách truyền phosphate 0.08-0.16 mmol/kg pha trong 500 ml dung dịch 1/2NS trong 6 giờ. Cần theo dõi Calcium phosphate, potassium mỗi 8 giờ. Có thể phải bù Magnesium nếu giảm dưới 1.8 meq/L
Nếu điều trị đúng, tỉ lệ tử vong của tiểu đường toan huyết thấp, dưới 5%, tử vong thường do bệnh kết hợp như nhồi máu cơ tim. Biến chứng do đìều trị tiểu đường toan huyết là phù não, tuy nhiên thường chỉ xảy ra ở trẻ em, nguyên nhân gây phù não chưa rõ nhưng cần tránh bù nhiều nước nguyên chất (free water).
Song song với điều trị rối lọan nước và điện giải, một điều không kém quan trọng là tìm và điều trị nguyên nhân gây ra toan huyết. Bệnh nhân này đã được cấy máu, cấy nước tiểu, chụp phim phổi, làm điên tâm đồ, siêu âm tim, troponin khi nhập viện cao do suy thận, không thấy nguyên nhân gây toan huyết như nhồi máu cơ tim hoặc nhiễm trùng. Bệnh nhân cũng bị ly giải cơ vân, có thể do dùng statin kết hợp với niacin, ly giải cơ vân đã tự ổn định. Bệnh nhân cũng bị suy thận cấp vì thiếu thể tích vì đã được phát hiện chậm nhưng sự bù dịch khi bệnh nhân đã bị suy thận, gây phù phổi. Bệnh nhân đã được cho nhiều bicarbonate vì pH thấp 6.92, bicarbonate huyết thanh 5 mEq/L và có rối lọan tri giác. Bệnh nhân cũng có K rất thấp 2.8 nhưng đã được bù kịp thời. Lọc thận đã giải quyết tình trạng sung huyết cũng như những rối lọan điện giải còn lại.
Sau cùng cần nhấn mạnh đến “giáo dục về tiểu đường” là điều rất quan trọng mà có khi các bệnh nhân còn chưa được hướng dẫn đầy đủ làm cho sự điều trị không đạt yêu cầu.
TL tham khảo: UpToDate, version 15.3, 2007, Harrison’s Internal Medicine, 16th edition
xem thêm : Ly giải cơ vân

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

CUỘC SỐNG QUA ỐNG KÍNH : THƯƠNG CON

Thy Anh

Hai anh em, Cá Cơm và Cóc Con - thyanhphoto Canon350D f 5.6


Các bậc cha mẹ đều hết lòng yêu thương, chu cấp cho con mọi điều. Nhưng nhiều người đã chiều chuộng đến mức làm hư con cái.
Cha mẹ thường mua cho con những thứ đồ chơi đắt tiền để con có được nhiều kỷ niệm vui, hay cha mẹ cưng chiều con hết mực để con không bị thiếu thốn như chính tuổi thơ của mình. Dù xuất phát từ tình thương nhưng tất cả những điều ấy sẽ vô tình ảnh hưởng đến sự phát triển của con. Một trong những món quà quý nhất nên cho con là hãy để chúng rèn luyện tính tự lực qua việc học cách đạt được điều mong muốn để tự chăm lo hạnh phúc của bản thân.
Hãy để con cái trải nghiệm trọn vẹn cuộc sống.
Hãy để chúng tự tìm kiếm những gì chúng mong muốn. Khi con cái đến tuổi đi học, đi làm, bạn sẽ yên tâm là mình biết dạy con tham gia đóng góp cho xã hội.
Khi một đứa trẻ không được tạo cho cơ hội rèn luyện tính tự lực, không được dạy để hiểu rằng của cải được tạo ra thế nào nhưng lại được cung ứng mọi nhu cầu, trẻ sẽ dần dần nghĩ rằng mình có quyền được hưởng mọi thứ, sẽ chẳng bao giờ hiểu giá trị của lao động và sẽ không thèm quan tâm đến nhu cầu của người khác.
Những đứa trẻ được yêu thương chăm sóc đúng cách thường tốt bụng, nhân hậu và có trách nhiệm hơn những trẻ được nuông chiều vật chất. Chúng ý thức mạnh mẽ về "cái tôi" vượt qua cách hiểu hẹp hòi về vật chất và các suy nghĩ phiến diện của những đứa trẻ được nuông chiều cùng trang lứa. Khi trường thành, chúng sẽ hiểu rằng mỗi người phải biết tự xây dựng cuộc sống như mơ ước.
Nếu bạn cảm thấy mình đang đáp ứng mọi ý muốn "nông nổi" của con cái, bạn hãy tự hỏi xem tại sao mình lại làm như vậy. Có thể bạn sẽ nhận ra rằng mình đang tìm cách bù đắp lại cảm giác thiếu thốn của chính mình trong quá khứ,
Dạy con biết giá trị mồ hôi nước mắt của đồng tiền, dạy con biết tự lập khi còn bé thơ đến lúc trưởng thành quả là một quá trình gian khổ nhưng rất xứng đáng với công sức của các bậc cha mẹ. Có thể ta sẽ đau lòng khi thấy con cái đang phải vất vả theo đuổi một mục tiêu nào đó, nhưng thật tuyệt vời biết bao khi ta được ở bên con trong những giây phút thành công.
Khi quyết định không nuông chiều con cái, bạn đã cho chúng cơ hội để thấu hiểu cuộc sống, biết yêu thương mọi người hơn và biết trân trọng chính bản thân hơn.
(Inspiration thoughts for Happy, Healthy and Fulfilling day - Madisyn Taylor)

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

Săn sóc những giây phút cuối đời

bác sĩ Nguyễn Văn Đích

 "L'Homme souffre et meurt tout seul." 
   (Giáo sư Trần quang Đệ)

Vui sống mỗi ngày @ blog: mời các em sinh viên y khoa tham khảo bài viết rất hay và đáng suy ngẫm cuả bác sĩ Nguyễn Văn Đích, một người thầy cuả tôi từ trước năm 1975, hiện đang sống và làm việc tại Mỹ. 
     
Một đồng nghiệp hỏi "Làm sao điều trị ung thư phổi giai đọan cuối?".  Câu hỏi biểu lộ sự băn khoăn lo lắng và tinh thần trách nhiệm đồng thời cũng cho thấy sự bế tắc.
    Khi nói đến y khoa người ta nghĩ đến chữa bệnh, nghĩa là làm cho khỏi bệnh.      Tuy đã làm được những việc không ngờ, như ghép tạng phủ, làm tim nhân tạo, có thể nhân bản làm một người mới (?)… nhưng y khoa không bao giờ có thể chữa cho con người khỏi chết.
    Chết là một điều đáng sợ, là một sự bí mật, là một sự mất mát tuyệt đối với người thân, tuy nhiên bệnh nhân và thầy thuốc, tất cả chúng ta đều phải trải qua.
    Khác với cái chết dễ dàng và không đau đớn như "chết kiểu Hollywood", hoăc "chết đứng" như Từ Hải, chết là một tiến trình xảy ra từ từ, kèm theo đau về thể xác và khổ về tinh thần.
    Tôi nhớ những kỷ niệm khi làm nội trú tại khu ung thư bệnh viện Bình dân Sài gòn đầu năm 1961.  Bệnh nhân là một ít trong số nhiều người bị ung thư từ những miền xa xôi về được thành phố, tìm hy vọng ở khoa học.
    Tôi nhớ những bà lớn tuổi bị ung thư cổ tử cung giai đoạn III hoặc IV, chảy máu dầm dề, ung thư có mùi hôi như mùi chuột chết, những ông bị ung thư hàm mặt, phải mở khí quản, không nói được và sợ hãi, buổi sáng phải tự đem cái lòng của ống nội khí quản ra rửa ở vòi nước trước trại bệnh trong khi y tá ngồi ở trong nhà la mắng. Trại bệnh ung thư giống như một cái Tiền Địa ngục!
    Để bù đắp cho sự thiếu sót của y khoa chữa bệnh, đã nảy ra quan niệm về “y khoa tạm trị” - palliative medicine (xem thêm …) nhằm giảm bớt sự khó chịu do bệnh tật và quan niệm về "nhà săn sóc đặc biệt" (hospice) để giúp những người không còn chữa được do ung thư hay không ung thư và thân nhân bớt đau khổ, trải qua những ngày cuối cùng một cách dễ dàng hơn.
    Đặc tính của sự săn sóc là khung cảnh gia đình ở một cơ sở hay tại nhà riêng. Nhóm săn sóc đặc biệt gồm điều dưỡng và nhân viên thuộc nhiều ngành chuyên môn như vật lý trị liệu, tâm lý học, công tác xã hội (social workers), công tác tinh thần và tôn giáo, và người tình nguyện có huấn luyện làm việc với sự phối hợp của một điều dưỡng phụ trách, điều dưỡng phụ trách tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên về săn sóc đặc biệt. Nhóm săn sóc đặc biệt cung cấp những phương tiện tại nhà như giường bệnh viện, bình dưỡng khí, dụng cụ hút đàm nhớt, giúp và hướng dẫn xoay trở, xoa bóp, vật lý trị liệu để giảm đau và chống co rút, giúp dùng thuốc chống đau, giúp tìm cách giải quyết các khó khăn về tài chính…an ủi hỗ trợ tinh thần bệnh nhân và thân nhân, ứng trực 24 giờ/ngày 7 ngày/tuần.
    Cùng với sự phát triển kinh tế, nền y tế Việt nam cũng phải đáp ứng với những nhu cầu do sự thay đổi của xã hội đem lại. Phải sử dụng các phương tiện và cơ sở y tế sao cho đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Phải nâng cao trình độ nghiệp vụ, chú trọng không những về chuyên môn kỹ thuật mà còn cả về đạo đức văn hóa để hành nghề một cách lương thiện và đối xử hợp tình người. Cần nhận thức đúng giá trị của ngành điều dưỡng: tôn trọng, đãi ngộ xứng đáng để họ hoàn thành nhiệm vụ, giúp họ thăng tiến về chuyên môn ở trong ngành và có thể học thêm nếu muốn để đạt trình độ cử nhân, tiến sĩ điều dưỡng chứ không phải để thành bác sĩ biết ra y lệnh nhưng không có người thi hành y lệnh tốt.
    Y khoa là khoa học có tính chất nhân bản, bao gồm từ áp dụng kỹ thuật cao đến săn sóc các nhu cầu thông thường của đời sống hàng ngày.
    Với sự phát triển của kinh tế thị trường và công bằng xã hội, con người thực sự làm chủ được khá nhiều thứ, được phục vụ, được sống lâu hơn, và khi chết, mong được chết đỡ đau khổ hơn, trong sự tôn trọng nhân phẩm và được an tâm hơn vì mỗi người, bệnh nhân, thầy thuốc và gia đình đã làm hết những gì hợp lý có thể làm được. 
                   Lời khuyên . . . .
                   Nhật ký
                   Bệnh nhân chính là những người thầy tốt

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

Những ngôi chùa, ngôi đền ở Nhật

Kyoto - thyanh photo Canon 350D f 11


Thy Anh

Những ngôi chùa, ngôi đền ở Nhật mà tôi có dịp viếng thăm đều mang dáng vẻ giản dị và thanh thoát.
Khi bạn đang phải ngược xuôi đâu đó, dù có vội vã bao nhiêu, bạn cũng sẽ cảm thấy thanh thản ngay khi nhìn thấy những mái chùa, mái đền ẩn hiện sau những rặng cây xanh . . . và bạn sẽ thấy lòng mình bỗng dưng tràn ngập một niềm hạnh phúc khó tả, dù chỉ mỏng manh như một làn gió nhẹ lướt qua tâm hồn.

xem thêm : sống thong thả . . . 
                      du lịch thong thả . . .

Thứ Hai, 21 tháng 11, 2011

Hồi tưởng về những chuyện buồn trong Bệnh Viện – tập I

Nguyễn Tăng Tri, D.D.S. Canada.     
 Nguyên trưởng Khoa Nhổ Răng và Tiểu Phẫu Thuật,Viện Răng Hàm mặt Việt Nam.(1981-1988).
 

 
Chuyện buồn Số 4 / 
Tôi có một người bạn học cũ, người bạn nầy có đứa em gái có chồng ở Long Khánh.
   Người chồng đi xe gắn máy bị đụng xe, chấn thương hàm mặt và sọ não, xương mặt bị gãy Lefort 1. Do đó, Bệnh viện Long Khánh chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy.
 Các Khoa nội, ngoại TK, ngọai Tổng Quát, RHM đã hội chẩn… BN đang nằm ở trại Nội thần kinh, đã tỉnh táo và xác định bằng mạch não đồ là không có máu tụ trong não. Các dấu hiệu sinh tồn tốt.
   Tôi được người nhà tìm gặp báo tin và tôi có đến thăm, nói chuyện với cậu ta…2 hôm sau, người vợ hớt ha hớt hải chạy qua chỗ tôi báo tin chồng em chết rồi! Tôi hỏi tại sao? Cô ta trả lời là do có một ông BS trẻ bảo là các BS khác đã định bệnh sai! Và đây là phiên trực của cậu ta, cậu ta có quyền quyết định và đã đưa BN vào phòng mổ để chính cậu ta mổ để lấy máu tụ ra.(Ba của cậu ta lúc ấy đang là BS trưởng một khoa rất có thế lực tại bệnh viện nầy). Tôi hỏi vợ của BN muốn tôi giúp gì? Cô ta bảo giúp lấy xác đem về chôn, thế thôi!
 
Chuyện buồn Số 5 / 

Một cô giáo tại Rạch Giá, góa phụ,  có đứa con trai duy nhất 6 tuổi, bị viêm tủy xương hàm, do bệnh viện Rạch Giá chuyển lên tuyến trên là Viện Răng Hàm Mặt.
   BN không được nhập viện ở trại Phẫu Thuật Hàm Mặt mà điều trị ở tại Khoa Nhổ  răng và Tiểu Phẫu thuật. Tôi là BS đã mổ cho em bé đó, cả em bé và người nhà phải thuê ghế bố trọ ở gần Viện để hàng ngày đến chỗ tôi thay băng…
   Sau hơn 1 tháng rưỡi điều trị, tôi đã viết toa thuốc cho BN dùng tiếp khi về đến quê nhà, mẹ của bệnh nhân sau đó đến gặp tôi khóc và nói:
-  Xin bác sĩ giúp tôi, cho tôi xin giấy chứng nhận có điều trị tại đây để trình cho chính quyền địa phương, vì tôi đã lên đây mà không xin phép tạm vắng. Nếu không, ở nhà chỉ còn có mẹ tôi, có thể họ cho rằng tôi vượt biên không được, nên viện cớ chữa bệnh cho con để che giấu tội…Tôi có thể mất việc và mất nhà!
-  Được ,
 Tôi đã gọi cho ông trưởng phòng Y vụ để báo sự việc. Vì ông mới được quyền ký và đóng được con dấu tròn. Ông ta đồng ý.
 Sau khi nhân viên hành chánh đã đánh máy giấy chứng nhận (y chứng) theo nội dung tôi đã ghi nháp. Tôi bảo người mẹ đem xuống phòng Y vụ để ông trưởng phòng Y vụ ký tên một bên và đóng dấu. Lúc ấy có Nha  sĩ Nguyễn Thị Tịnh ghé qua Khoa tôi (để bàn công việc cho Hội Nghị và triển lãm đón tiếp đoàn của Bộ Trưởng Y Tế Đặng Hồi Xuân sẽ vào thăm Viện RHM), chị Tịnh ra trường trước tôi nhiều năm, trước 30/4/75 chị là  Chánh Sự Vụ Sở Nha Khoa của Bộ Y Tế VNCH.
   Một lát sau, người điều dưỡng (điều dưỡng trưởng thời VNCH, nhân viên lưu dụng làm việc tại phòng Y vụ) tất tả mang tờ giấy y chứng, vẻ mặt  nghiêm trọng đến khoa tôi, quăng tờ giấy lên bàn (chưa ký tên và đóng dấu của ông trưởng phòng y vụ) và lớn tiếng với tôi là tôi làm như thế nầy là sai nguyên tắc hành chánh! Tôi im lặng, bà ta tất tả bỏ đi. Một lát sau, người mẹ kia lên tìm tôi nước mắt đoanh tròng năn nỉ tôi cố giúp cho xong giấy tờ. Tôi bảo bà hãy ra ngoài ngồi chờ, chị Tịnh (cũng là nhân viên lưu dụng) đã lắc đầu nói với tôi là không thể chấp nhận thái độ của một y tá nói năng với BS như vậy, và hỏi tôi sẽ làm gì?
   Tôi đã tức tốc xuống phòng Phó Viện trưởng, vừa lúc BS GS Nguyễn Văn Thủ. Viện trưởng vừa đi công tác về. Tôi trình bày sự việc và yêu cầu giải quyết, nếu Ban lãnh đạo không giải quyết tôi sẽ từ chức và nghỉ việc hoặc Viện phải chuyển tôi đi nơi khác. Ông trưởng phòng Y vụ và “mụ” nhân viên đó đã bị “dũa” mộ trận “te tua”…Phải xin lỗi bệnh nhân và mẹ bệnh nhân.
   Ngày nay sống và làm việc ở Canada, một đất nước giàu có và phương tiện điều trị hiện đại không phải là không có những chuyện tương tự như trên xảy ra. Mà gần đây đã có nhiều cuộc điều tra đã tiết lộ những chuyện khủng khiếp như mua bán nội tạng, thậm chí có một cặp vợ chồng không hiểu vì muốn nổi tiếng hay không muốn nuôi con vì ngại khó khăn và không đủ tiền để thỏa mãn cho họ đã tự ý thương thuyết với một cặp vợ chồng khác có con cùng tuổi bị bệnh tim để ký giấy cam kết hiến tim của con mình, lôi cuốn giới truyền thông phỏng vấn “nhặng xị” trên đài truyền hinh và báo chí để “đánh bóng” tên tuổi (không biết với mục đích gì).
 Tôi cũng đã được những bệnh nhân của tôi kể về những nỗi buồn khổ của họ  khi chứng kiến  một số hoàn cảnh mà họ phải chấp nhận đau thương mà đành ngậm đắng nuốt cay cho qua những tháng ngày còn lại…
   Thêm vào đó, người dân có phương tiện internet  để tìm hiểu về các phương thức và thuốc điều trị, mà hiện nay có quá nhiều những bài viết do những người chưa từng học y bao giờ, đã lượm lặt những bài viết  “lá cải” hoặc những quảng cáo, rồi chuyển đi  đến các bạn bè nhằm chứng tỏ họ đã “lột xác” và đã trở thành “trí thức”, đại trí thức trong ngành y khoa!!! Những bài viết không có ghi tài liệu tham khảo, thậm chí  những tài liệu chưa được báo cáo ở những cuộc hội thảo hội nghị khoa học bao giờ! Lại còn có thêm những bài báo nói về những hiện tượng siêu nhiên và những “siêu nhân” có thể chữa được tất cả các bệnh chỉ bằng một phương pháp duy nhất như cào, vuốt như…giống như ảo thuật. (xem thêm ...)
 
Để kết thúc  tập 1, Tôi có những quan sát sau:
   Bệnh nhân như người sắp chết đuối sẽ tin bất kỳ những ai “chịu khó" ngồi nghe họ nói dài, mà  người nghe là những người  có tài khôn vặt, làm “cò”, hành nghề  “quảng cáo ” để ăn tiền đăng quảng cáo, hoặc huê hồng.
   Ngược lại, cũng có người khỏe mạnh hoàn toàn lại muốn bán nội tạng hoặc  một phần cơ thể để cứu gia đình khỏi túng thiếu. Bán máu chẳng hạn…
   Tôi nghe được một trưòng hợp bán thận (thật ra là bán mạng) để cứu gia đình khỏi chết đói. Chuyện xảy ra  tại Trung Hoa lục địa, đã có một cô gái tình nguyện hiến "cả 2" quả thận (!?) với giá 20 nghìn đôla cho một người VN bị hư cả 2 trái thận. Tất cả chi phí hết 50 nghìn đô. Người nhận thận đã  thấy như vậy là tội lỗi nên đã cùng chồng yêu cầu chỉ  muốn ghép một trái thận. Nhưng tổ chức phòng mổ cấy ghép tại 1 bệnh viện ở TH (BS là người da trắng, bệnh viện là người TH)  không chịu vì như vậy sẽ hụt sở hụi của họ. Nên cuối  cùng người nhận thận đành phải chấp nhận. Hòm đã được chuẩn bị sẵn, bệnh viện lo việc tống táng sau đó vì BN đâu có tiền. Cas mổ đã được thực hiện hoàn chỉnh. Bệnh nhân được cấy ghép 2 trái thận và còn sống đến nay tại Toronto (*), chồng của bệnh nhân nầy là bạn thân của một bệnh nhân của tôi đã kể cho tôi nghe rằng, bệnh nhân dù sống bình thường nhưng tâm trạng rất bất ổn, thường hay gặp ác mộng và mặc cảm tội lỗi không khác gì là kẻ giết người và nay đã gần như điên loạn.
   Tôi tự hỏi có phải bệnh viện ấy chỉ cấy ghép 2 trái thận của người hiến cho người nhận thôi hay còn mổ cấy ghép giác mạc, tim,gan, phổi ,ruột …cho bệnh nhân khác đã lên kế hoạch mổ vì bệnh nhân đã ký “bán sỉ” cho bệnh viện thân xác của cô ấy? bệnh viện có quyền khai thác triệt để thân xác ấy, mổ ghép  cho những bệnh nhân cần các bộ phận khác để có lời nhiều hơn? Vì KH Y học ngày nay tiến bộ, tất cả các bộ phận của cơ thể con người  đều có thể cấy ghép giống như đồ part xe hơi, sản xuất hàng loạt nên hễ có tiền thì hư bô phận nào thay bộ phận ấy.
   Và đã có những bài báo nói đến tiến bộ  khoa học thậm chí đến một ngày kia người máy hoặc computer sẽ thay thế bác sĩ để làm công tác khám bệnh và điều trị (thật không tưởng). Bệnh nhân sẽ tự chữa bệnh cho mình bằng cách sử dụng máy điện toán, máy điện toán sẽ thay thế con người!
  Và đến một ngày N nào đó có thể có một thanh niên sẽ cưới được một hoa hậu (mà không cần phải tán tỉnh như mô tả trong Ngày Xưa Hoàng Thị) trong đêm động phòng tất cả các bộ phận… đều được phơi bày là bằng silicon hoặc plastic…Bên trong là những dây điện và các bộ vi xử lý và các softwares , hardwares… Nếu BN không có tiền sắm máy nầy, có thể đến những clinic công cộng để thuê máy giống như những internet café hoặc những máy rút tiền tự động ở đâu cũng có.
 Mà bác sĩ có kinh nghiệm cũng có thể lầm, càng có kinh nghiệm thì càng già, càng dễ bị lầm, mắt kém thì thị lực sút giảm, mức độ nhầm lẫn sẽ tăng lên,”trông gà hóa cút!”, có đúng không các bạn?
                                      Toronto, 03/11/2011.

(xem them ...)

(*)có lẽ thông tin này không đúng vì thực tế bệnh nhân suy thận chỉ cần ghép một trái thận. Tôn trọng tác giả nên chúng tôi đăng nguyên văn lá thư.

(Còn tiếp)

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011

Phải chăng Y Khoa Lâm Sàng đang chết dần?

Laënnec and the Stethoscope
 Vui sống mỗi ngày @ blog: mời các em sinh viên y khoa tham khảo bài viết rất hay về Y Học Lâm Sàng, cuả bác sĩ Nguyễn Văn Đích, một người thầy cuả tôi từ trước năm 1975, hiện đang sống và làm việc tại Mỹ.
Bệnh nhân là một thanh niên 27 tuổi, gốc da trắng, vào viện vì sốt và nổi hạnh ở cổ. Theo bệnh sử, bệnh nhân là nhạc sĩ chơi nhạc tại các hộp đêm, ở với bạn gái, bị sốt 3 ngày trước khi nhập viện, cảm thấy sưng ở cổ sưng nhiều ở bện trái, đồng thời đau khi nuốt, nên chỉ có thể uống nước nhưng lại ói ra sau đó. Bệnh nhân mệt mỏi, đau nhức khắp người.
Khi nhập viện sốt 38
o5, mạch 112, áp huyết 110/78, lưỡi khô, có trạm trổ (hình xăm) lớn ở vai và cánh tay phải. Công thức máu: bạch cầu 8.6 ngàn, đa nhân trung tính không tăng, monocyte tăng nhẹ, chức năng gan thận bình thường. Vì bệnh nhân là nghệ sĩ trẻ độc thân, làm việc tại hộp đêm, da có trạm trổ nên nghĩ nhiều đến nhiễm HIV, cũng nghĩ đến nhiểm siêu vi Epstein Barr và u lymphô, và viêm thực quản do nấm, do đó bệnh nhân đựơc truyền dịch, truyền kháng sinh Ceftriaxone, và Fluconazole, thử HIV, viêm gan siêu vi B và C, Giang mai, tìm kháng thể chống siêu vi Epstein Barr. CT cổ thấy hạch 1.1x1.2 cm ở dưới hàm bên trái. Phim Tim Phổi và Trung thất bình thường. CT bụng thấy gan lách không lớn, hạch ổ bụng không lớn. Bệnh nhân vào viện đã 3 ngày, không ngủ được, buồn bã, sợ bị nhiễm HIV tuy cho biết vẫn thận trọng trong quan hệ tình dục và cách nay 6 tháng thử HIV âm tính. Bệnh nhân vào viện vì đau cổ họng, đã được làm nhiều xét nghiệm và chụp nhiều CT nhưng chưa ai khám cổ họng. Khám cổ họng thấy hai hạch hạnh nhân sưng đỏ nhất là ở bên trái, có phủ giả mạc, hạch cổ dưới hàm bên trái chừng 1.2 cm đau, không sờ thấy hạch ở các vùng khác, chẩn đoán viêm họng, được quệt họng và cho uống amoxicillin. Kết quả HIV âm tính quệt họng mọc liên cầu trùng huyết giải bêta.
Bệnh nhân này có thể không cần nhập viện và không cần làm nhiều xét nghịêm tốn rất nhiều tiền nếu được khám cổ họng ngay khi đến khám bệnh vì . . . đau cổ họng!
Trường hợp này cho thấy rằng một số bác sĩ ngày nay dựa nhiều vào xét nghiệm hơn là để thời giờ hỏi bệnh sử và thăm khám lâm sàng. Đúng là các tiến bộ về kỹ thuật đã giúp cho y khoa tiến vượt bực. Các dấu chỉ sinh học có thể giúp chẩn đoán từ nhồi máu cơ tim đến suy tim hay thuyên tắc mạch máu phổi, các phương pháp định hình đã cho phép nhìn vào trong tạng phủ một cách rõ ràng như thấy tận mắt. CT giúp nhìn thấy vùng tổn thương trong não bộ mà không cần mất nhiều thời giờ khám thần kinh. Các bác sĩ còn mang ống nghe nhưng một số người coi đó là biểu tượng của nghề nghiệp hơn là một phương tiện để chẩn đoán. Không mấy người còn nhiều thời giờ nghe tim để mô tả những đặc tính của tiếng thổi như vị trí, cường độ, âm sắc, hướng lan, hoặc nghe tiếng ngựa phi v..v..để làm chẩn đoán vì siêu âm cho thấy rõ ràng và chắc chắn kích thước các buồng tim, tình trạng các van tim, các thông số về chức năng bơm máu của cơ tim.
Y khoa mỗi ngày một tiến, từ cái ống nghe bằng gỗ thô sơ của Leannec đến cái máy cộng hưởng từ (MRI) và sẽ có những khám phá và ứng dụng mới nữa. Leannec và Osler, nếu sống lại sẽ bị coi là lạc hậu lắm vì không biết gì về siêu âm hay y khoa hạt nhân? Chắc là không phải như vậy, họ là những bậc thày mà sự quan sát, suy nghĩ và làm việc đúng phương pháp đã mở đường cho y khoa khoa học ngày nay. Không phải rằng cứ sử dụng các phương tiện của khoa học là tiến bộ. Điều quan trọng là phương pháp làm việc. Một bệnh nhân đã được cắt bỏ tuyến giáp và dược cho uống thyroxin. Sau một thòi gian bệnh nhân đến khám, thử máu thấy kích thích tố tuyến giáp cao, nghĩ là bị cường giáp nên được cho uống thuốc chống tuyến giáp (antithyroid, cụ thể là methimazole); chỉ sau khi làm bức xạ đồ (thyroid scan) mới biết rằng bệnh nhân đã không còn tuyến giáp nên được điều trị bù với liều thyroxine nhỏ hơn! Đây là một sư thiếu sót vì bỏ qua giai đọan lâm sàng, chỉ cần để một chút thời giờ hỏi tiền căn và nhìn vết sẹo ở cổ bệnh nhân là có thể tránh được việc làm phi lý kể trên.
Một đồng nghiệp hỏi về một bệnh nhân đau vai và cánh tay nhưng không cho biết bệnh sử và kết quả thăm khám cột sống cổ, khớp vai và hệ thần kinh, chỉ cho kết quả chụp X quang cột sống cổ. Có phương tiện để chụp X quang ở bệnh viện huyện của một nước đang phát triển là quý nhưng tự nó, không đủ để chẩn đoán và điều trị. Kết quả X quang chỉ có nghĩa khi được giải thích trên cơ sở triệu chứng của từng bệnh nhân riêng biệt. Thăm khám lâm sàng có suy nghĩ trong trường hợp này giúp ích nhiều hơn là chỉ chụp X quang mà thôi.
Y khoa là khoa học ứng dụng vào việc giữ gìn sức khỏe và điều trị bệnh tật của con người. Theo chân toán học, vật lý và hóa học, ta tìm sự chính xác và khách quan. Tiếp cận thăm khám lâm sàng là sự tiếp xúc đầu tiên giữa thầy thuốc và người bệnh trong cái tiến trình làm việc có phương pháp, áp dụng kiến thức của khoa học cơ bản để tìm ra sự thật tức là làm công việc chẩn đoán. Phạm vi của y khoa lâm sàng có thể nhỏ hơn trước vì các ứng dụng kỹ thuật sẽ càng ngày càng nhiều nhưng lâm sàng vẫn là buớc đầu không thể bỏ qua vì mỗi bệnh nhân lại là một con người khác nhau, sống trong những hoàn cảnh khác nhau.
Ngày 18-5-2008
Bs Nguyễn Văn Đích

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

Vào bếp cùng Kim Gollinger : Cá kèo kho rau răm

Eating is not merely a material pleasure. Eating well gives a spectacular joy to life and contributes immensely to goodwill and happy companionship. It is of great importance to the morale. (Elsa Schiaparelli)

         Thành phần:
  1/2 kg cá kèo, làm sạch, để ráo nước.
  Rau răm 300 gr, rửa sạch, để ráo nước.
  Mỡ heo 30 gr cắt hạt lựu.
  Gia vị gồm: nước mắm, bột nêm, tiêu , ớt, dầu ăn, đường, nước.
         Cách chế biến:
  Trong 1 nồi cho mỡ heo vào cho phần mỡ chảy ra, vớt tép mỡ vào chén, để qua 1 bên.
 Cũng trong nồi đó, lấy phần nước mỡ đun nóng cho tiếp 2 muỗng ăn cơm đường vào đảo đều, trên lữa vừa.... đến khi đường ngã màu nâu cánh gián, tắt bếp.
  Cho 1/2 rau răm xếp lên đường caramel, kế tiếp là xếp cá kèo lên trên rau răm, rồi 1/2 phần tép mỡ lên trên cá kèo, rồi kế tiếp là rau răm...cá kèo....tép mỡ.... Cứ làm như vậy đến khi hết tất cả thành phần.
 Trên cùng là rắc bột nêm, nước mắm, nước thì cho khoảng 1/3 của nồi cá kèo, ớt vào nồi, để nồi lên bếp, vặn lửa  lớn đến khi hỗn hợp nước vừa sôi thì vặn lửa nhỏ, để trên bếp lửa riu riu,  hâm đến khi nước kẹo đặc lại, nêm nếm lại lần nữa cho vừa ăn, để thêm 10 phút nữa , rắc tiêu lên trên và tắt bếp.

Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011

SUY NGHĨ TÍCH CỰC SẼ THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI BẠN

Thy Anh



Today is the first day of the rest of your life (anonymous)

Tôi bắt đầu đọc nhiều bài viết về zen và tập suy nghĩ tích cực từ vài năm nay. Kết quà, từ tháng 11 năm 2010, tôi đã có cảm hứng tạo blog VUI SỐNG MỖI NGÀY để chia sẻ suy nghĩ với mọi người và thấy rất thư thái sau mỗi bài viết.
Có thể nói, cách suy nghĩ tích cực đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống tôi đang sống. Tôi nhìn mọi việc xảy ra với một thái độ thư thái hơn, bao dung hơn, bình tĩnh hơn và không còn thể hiện những phản ứng gay gắt như trước. Tôi đã nhận thức được : bản chất cuộc sống là như thế, nó phải đúng như nó vốn có (xem thêm ...)
Suy nghĩ tích cực có thể không giúp bạn giải quyết được một trăm phần trăm các vấn đề của bạn nhưng cứ thử đi, bạn sẽ thấy rất đáng làm.
Việc luyện tập để quen suy nghĩ tích cực không khó. Các bạn có thể thử vài cách sau đây xem sao.
Mỗi ngày,
# Trước mọi vấn đề cần giải quyết, hãy tự nhủ rằng: " điều này là có thể!" thay vì cứ lo lắng: "điều này phải chăng là không thể?"
# Gạt bỏ ngay những ý tưởng tiêu cực bi quan, thay thế chúng bằng những suy nghĩ tích cực hơn. (xem thêm ...)
# Yêu thương những gì bạn đang sở hữu.
# Biết ơn cuộc sống mà bạn đang sống, những quà tặng mà bạn đã nhận và cảm thông với tất cả mọi người quanh bạn. (xem thêm ...)
# Tập trung quan tâm vào những gì mình đang có, đừng vào những gì mình không có.
# Đừng so sánh bản thân với người khác mà hãy biết cách tìm được nguồn cãm hứng từ chính họ.
# Vui vẻ chấp nhận những lời phê bình nhưng hãy bỏ ngoài tai những lời nói xấu.
# Đừng phán xét người khác nếu không phải để giúp đỡ họ. (xem thêm ...)
# Xem thất bại như những nấc thang cần có để tiến đến thành công
# Xem khổ đau vẫn còn là điều may mắn vì đã không phải gập những tình huống có thể còn tồi tệ hơn.
# Liên kết với nhiều người suy nghĩ tích cực trong cộng đồng.
# Than vãn ít hơn và cười nhiều hơn.
# Coi như mình đã là người suy nghĩ tích cực và cứ tiếp tục như thế trong mỗi suy nghĩ và hành động trong tương lai.
          Chúc các bạn thành công!

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

5 BIỆN PHÁP PHÒNG TRÁNH BỆNH TIỂU ĐƯỜNG

BS Thy Anh
aerobic

HỎI:
Gia đình tôi có nhiều người bị tiểu đường týp 2, hiện tôi chưa mắc bệnh, vậy, có biện pháp nào phòng ngừa để tôi sẽ không bị bệnh?

ĐÁP:
Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) týp 2 là loại bệnh tiểu đường thường gập nhất nhưng thật may mắn, lại có thể phòng tránh được.
Phải chủ động tìm cách phòng bệnh càng sớm càng tốt, đặc biệt nếu bạn là người đang bị thừa cân hoặc có thân nhân cũng đang mắc bệnh.
Các biện pháp phòng bệnh căn bản bao gồm vấn đề ăn uống lành mạnh, vận động nhiều hơn, gia tăng các hoạt động thể lực và cố gắng giảm bớt cân nặng.
Nên nhớ, chẳng bao giờ là quá muộn để bắt đầu thực hiện các biện pháp phòng ngừa có thể giúp bạn sau này chẳng phải lo âu vì các biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường.
Sau đây là 5 biện pháp phòng tránh bệnh tiểu đường rất công hiệu:

resistance training

          # Biện pháp 1 - Hoạt động thể lực nhiều hơn và đều đặn hơn
Tập thể dục đều đặn sẽ giúp bạn:
- giảm bớt được cân nặng
- giảm được đường huyết
- tăng nhạy cảm với Insulin nên đường huyết của bạn dễ ổn định hơn.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh bệnh tiểu đường có thể được kiểm soát rất tốt bằng các phương pháp luyện tập thể lực như aerobic giúp tăng cường nhịp hô hấp, nhịp tim, sức dẻo dai cuả cơ thể ví dụ: đạp xe, bơi lội, đi bộ, nhảy dây, chèo thuyền, chạy, đi bộ đường dài, chơi quần vợt . . . cũng như các phương pháp luyện tập sức mạnh cuả cơ bắp với kháng lực, resistance training ví dụ: kéo dây, tập tạ . . . nhưng kết quả sẽ đạt được nhiều nhất nếu chương trình luyện tập gồm đủ cả hai loại.

          # Biện pháp 2 - Ăn nhiều chất xơ hơn
Ăn đủ chất xơ, sẽ:
- giảm được nguy cơ mắc bệnh tiểu đường vìa chất xơ giúp bạn kiểm soát đường huyết tốt hơn
- giảm được nguy cơ mắc các bệnh tim mạch
- giúp bạn cảm thấy no nhanh nên dễ giảm cân hơn
Các thực phẩm nhiều chất xơ như trái cây, rau xanh, các loại đậu, các loại hạt nguyên hạt (whole grains), quả có vỏ cứng (nuts) và hạt mầm (seeds).

hạt nguyên hạt

          # Biện pháp 3 - Ăn các loại hạt nguyên hạt
Dù chưa có nhiều chứng cứ rõ ràng, nhưng bạn có thể giảm được nguy cơ tiểu đường hoặc sẽ có lượng đường huyết ổn định nếu ăn các loại hạt nguyên hạt. Hãy cố gắng thay thế một nửa các loại hạt đang ăn bằng hạt nguyên hạt. Thế nào là nguyên hạt? Nguyên hạt là những loại ngũ cốc, như lúa, lúa mì sau khi được chà xát lấy đi lớp vỏ trấu bên ngoài, hạt vẵn còn giữ màng cám, mầm, và phần chính của hạt gọi là phôi nhũ.
*Cám (son, bran): gồm biểu bì, quả bì và chủng bì (nucellus). Màu sắc hạt gạo do lớp chủng bì.Cám chứa nhiều chất xơ, vitamins nhóm B complex, và một số chất khoáng.
*Mầm cây (germ, embryo) gồm có phôi (mầm) lá, phôi rễ và trụ phôi giữa ở phần dưới của hạt. Mầm chứa nhiều loại vitamin, như vitamin B complex, vitamin E, khoáng chất và các chất béo tốt. 
*Phôi nhũ (endosperm) gồm có lớp aleurone và phôi nhũ tích tụ tinh bột.
(theo Tiến Trình Phát Triển Sản Xuất Lúa Gạo Tại VN của TS Trần Văn Đạt, Ph.D)
Nói chung ngũ cốc nguyên hạt chứa nhiều dưỡng chất phytonutriments, như các chất chống oxy hóa, chất lignines, phytosterols (plant sterols). Tất cả đều là những chất tốt cho sức khỏe.
Trên thị trường có bán rất nhiều thực phẩm nguyên hạt, như bánh mì nguyên hạt, nui (pasta) nguyên hạt và các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lức, bạn chỉ cần tìm chữ "whole grain" in trên bao bì hoặc ghi trong bảng thành phần.

thực phẩm nguyên hạt

          # Biện pháp 4 - Gỉam số cân nặng dư thừa
Nếu bạn đang bị thừa cân, kết quả phòng bệnh tiểu đường chắc chắn sẽ phụ thuộc vào số kg cân nặng mà bạn giảm được. Trong một nghiên cứu, các bệnh nhân thừa cân sẽ giảm được 16% nguy cơ tiểu đường nếu giãm bớt được 1 kg cân nặng (2.2 pounds) hoặc những ai giảm được khoảng 5 đến 10 % cân nặng trước đó và tập thể dục đều đặn cũng giảm được nguy cơ mắc bệnh tiểu đường gần 60% trong 3 năm.
 
          # Biện pháp 5 - Kiêng ăn chất béo và chọn các bữa ăn lành mạnh hơn.
Chọn ăn các loại thức ăn ít carbohydrate (ít ngọt, ít tinh bột, có chỉ số đường huyết thấp) có thể giúp bạn giảm cân nên cũng có lợi. Nhưng về lâu dài cũng chưa chứng minh  chắc chắn  phòng ngừa được bệnh tiểu đường hay không. Không nên loại bỏ hoàn toàn chất béo ra khỏi thực đơn hàng ngày, hãy chọn các loại chất béo tốt với nhiều acid béo không bão hòa, acid béo omega 3 . . . 
Tuy vậy, bạn cũng không nên kiêng khem quá mức. Khâu phần ăn hàng ngày phải cân đối giữa các thành phần gồm các chất đường (carbohydrate), chất đạm, chất béo, vitamin và các khoáng chất.

Và khi nào bạn cần gập bác sĩ?
Nếu bạn trên 45 tuổi và có cân nặng bình thường, hãy hỏi bác sỉ cuả bạn khi nào cần xét nghiệm đường huyết.
Hôi Đái Tháo Đường Mỹ (ADA) khuyên bạn nên tầm soát bệnh bằng xét nghiệm đường trong máu nếu:
          # Bạn từ 45 tuổi trở lên + thừa cân
          # Bạn trẻ hơn 45 tuổi nhưng thừa cân và có thêm nhiều yếu tố nguy cơ bị tiểu đường týp 2 như : đang sống tĩnh tại, ít vận động thể lực hoặc có thân nhân mắc bệnh tiểu đường.

   xem thêm : rừng thông tin y khoa trên mạng 
                        Tiền tiểu đường là gì?