Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2013

Thủy điện đánh cắp sự bình yên

HỮU KHÁ

Hôm qua, ông Nguyễn Bình, một người dân ở xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc (Quảng Nam), kể: “Trời đang tạnh ráo, tự nhiên thấy nước cứ ào ào dâng. Nhìn con nước hung hãn, người dân quá hoảng sợ, thế là cha mẹ, vợ chồng bồng bế con cái bỏ chạy”.
Cả thị trấn xôn xao lo sợ, ở các xã Đại Hồng, Đại Lãnh, Đại Hưng... người dân tìm mua thức ăn dự trữ. Những chủ hàng bán ximăng, đồ khô ở các chợ trong huyện buộc phải thuê người di chuyển hàng hóa đi nơi khác... Cả huyện Đại Lộc nổi lên cơn sốt mì gói, nến. Một số vùng nằm ven sông Vu Gia, chính quyền lo sợ buộc học sinh nghỉ học sớm.
Đó là kết quả của việc một loạt đập thủy điện như Đăk Mi 4, Sông Bung 4, A Vương đồng loạt xả lũ trong ngày 2-10 khiến dân vùng hạ du Quảng Nam bỏ chạy vì tưởng vỡ đập.
Đặc biệt thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ dù không bất ngờ đối với chính quyền nhưng người dân nói nó quá bất ngờ đối với họ. Họ lo sợ bỏ chạy vì thông tin thông báo xả lũ đến chậm hơn con nước dâng! Một ngày sau việc người dân lo lắng chạy lũ, ông Phan Đức Tính, phó chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, cho biết trong thông báo của thủy điện Đăk Mi 4 nói rằng từ 9g sáng 2-10 sẽ xả với lưu lượng nước từ 1.000-1.800m3/giây. Tuy nhiên, thực tế đo được lúc 12g thì Đăk Mi 4 lại xả lên đến 2.744m3/giây khiến lũ dưới hạ lưu lên quá nhanh. Đến chiều, do tình hình quá căng thẳng buộc chính quyền phải yêu cầu và Đăk Mi 4 đã hạ xuống chỉ xả còn 1.043m3/giây. Ông Tính cũng cho hay vì trời yên biển lặng nhưng chỉ trong mấy giờ đồng hồ nước dâng cao 4m nên người dân đồn vỡ đập là có nguyên cớ của nó.
Động đất ở Sông Tranh 2 đến giờ vẫn còn ám ảnh ghê gớm, rừng Khe Diên bị phá còn tan hoang. Mùa khô, các đập thủy điện lo tích nước đã khiến bao cánh đồng khô trắng. Còn mùa mưa lại cùng nhau xả nước khiến hàng vạn người lo sợ. Từ đây, đã khiến nhiều người phải bật ra câu hỏi: Thủy điện đem lại được bao nhiêu lợi ích cho xã hội, có đủ để bù đắp cho sự bình yên bị đánh cắp của hàng vạn người dân?
Câu chuyện phát triển thủy điện dày đặc đang đặt ra phép tính về sự lợi - hại khi hàng nghìn hecta rừng, có cả rừng già tận trong các vườn quốc gia, ngã xuống và sự xáo trộn ghê gớm đời sống của người dân. Theo tiến sĩ Đào Trọng Hưng - thành viên Tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, một điều mà ai cũng thấy là thủy điện một mặt đem lại lợi ích cho quốc gia nhưng mặt khác lấy đi nhiều thứ đối với người dân ở nơi có thủy điện. Điều dễ nhận thấy nhất là mất rừng do làm thủy điện. Nghiên cứu của tiến sĩ Hưng cho biết hiện chưa có số liệu chính xác về diện tích rừng đã mất của các công trình thủy điện và mỗi công trình thủy điện mất bao nhiêu diện tích rừng. Nhưng ước tính để có được 1MW thủy điện thì khoảng 16ha rừng bị đốn hạ. Đó là chưa kể nhiều nơi các ông chủ thủy điện lợi dụng làm thủy điện để phá thêm rừng.
Trên thế giới, người ta đã bắt đầu phá dỡ đập thủy điện vì thấy rằng lợi ích mà nó đem lại chẳng bù đắp được so với mất mát. Trong đó, mất mát lớn nhất là sự bình yên trong đời sống người dân. Trong khi đó, ở ta câu chuyện phát triển thủy điện đã trở thành một chủ đề rất nóng trên mặt báo, trên các diễn đàn chính trị - xã hội nhiều năm gần đây. Có lẽ đã đến lúc cần có một cuộc tính sổ đàng hoàng, nghiêm túc giữa được và mất của làn sóng làm thủy điện.

Không có nhận xét nào: