Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Ba giải pháp ngăn chặn thảm hoạ y đức

Bình Yên

SGTT.VN - Vụ ném xác bệnh nhân của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường đang được nhiều người xem là thảm hoạ y đức của nước nhà. Vì sao gây bức xúc xã hội trong nhiều năm qua, sự xuống cấp y đức vẫn không dừng lại, mà ngày một nặng nề? Đến lúc những nhà quản lý phải xem lại những giải pháp đặt ra hiện nay và quan tâm đến ý kiến của những người tâm huyết.

Chắt lọc đầu vào y khoa
Thật vậy, trái với những ngành nghề khác trong xã hội, điều kiện hàng đầu của người học y khoa là phải có ý hướng phục vụ cộng đồng, bởi đây là nghề phục vụ con người. Nếu người học chỉ biết nghĩ đến mình, không có tấm lòng chia sẻ, cảm thông với nỗi đau của người khác, người đó trước sau cũng gây tai hoạ.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, nguyên tổng giám đốc tập đoàn y khoa Hoàn Mỹ, đã nhiều lần đề nghị việc tuyển chọn người học y khoa phải dựa trên việc phỏng vấn trực tiếp người học, xem họ có phù hợp với ngành y hay không. Theo ông, ở những nước tiên tiến, việc tuyển chọn đầu vào y khoa rất khắt khe bởi đây là nghề liên quan đến tính mạng con người. Người học phải trải qua một cuộc phỏng vấn chặt chẽ. Để được ưu tiên tuyển chọn, người học còn phải nộp giấy chứng nhận tham gia các hoạt động xã hội khi còn là học sinh phổ thông (thí dụ làm tình nguyện viên tại bệnh viện hoặc nhà dưỡng lão). Một người có chí hướng mạnh mẽ như thế đáng để cho học.
Trong khi đó, cách chọn người học ngành y nước ta chỉ dựa vào điểm đầu vào tuyển sinh đại học, chưa kể còn đào tạo tràn lan, xem sản phẩm đào tạo y khoa không khác gì bất kỳ sản phẩm đào tạo nào khác. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, giảng viên đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM nói: “Ngày nay là thời bình rồi, không thể đào tạo bác sĩ kiểu hàng loạt như thời chiến được. Trước năm 1975, để học y khoa, người học phải làm một test kiến thức tổng quát về xã hội, âm nhạc, nghệ thuật, lịch sử, địa lý. Bên cạnh kiến thức y khoa, một thầy thuốc còn phải có kiến thức tổng quát, bởi nếu không họ sẽ không cảm thông người bệnh”.
Có gì khác nhau giữa bác sĩ thời nay và thời xưa, hỏi một người thầy thuốc lớn tuổi, người này nói: “Bác sĩ thời nay năng động, giỏi chuyên môn, nhiều kỹ năng vì có nhiều phương tiện học tập rất tốt, nhưng phần lớn họ không có tấm lòng với bệnh nhân”. Phải chăng đây là kết quả của việc đào tạo y khoa hiện nay? Tại sao những tích cực trong đào tạo y khoa nước ngoài không được những nhà quản lý nước ta áp dụng?

Thành lập y sĩ đoàn
Khi sinh thời, cố bác sĩ Dương Quang Trung luôn quan tâm với việc thành lập y sĩ đoàn, xem đây là biện pháp tốt để giải quyết những bức xúc trong ngành y tế như xuống cấp y đức, gia tăng tai biến y khoa. Ông nói: “Thanh tra y tế cũng tốt, nhưng lực lượng của họ cũng có hạn, không thể tăng thêm mãi. Vậy để quản lý tốt giới hành nghề, nên có y sĩ đoàn để cùng Nhà nước tham gia quản lý. Các bác sĩ khi muốn hành nghề phải tham gia y sĩ đoàn, nếu xảy ra chuyện, cứ dựa theo nghĩa vụ luật để phân xử, tránh tình trạng nể nang nhau. Bác sĩ bị gạch tên khỏi y sĩ đoàn sẽ không thể hành nghề ở đâu được nữa”.
Ở nước ta, hội hành nghề y không thiếu, hầu như chuyên khoa nào cũng có, nhưng vai trò của các hội này đến đâu còn phải bàn. Liên quan đến vụ việc bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, PGS.TS.BS Lê Hành, chủ tịch hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM, cho biết: “Hội nghề nghiệp ở các nước có vai trò rất lớn, có ý kiến trong cấp phép hành nghề, được tổ chức đào tạo y khoa liên tục như một căn cứ để cấp phép và tiếp tục cấp phép hành nghề mỗi năm. Còn ở nước ta, vai trò hội nghề nghiệp rất nhạt nhoà, chúng tôi chỉ có thể quản lý hội viên, còn thẩm mỹ viện của hội viên không quản lý được”.
Giới chuyên môn quản lý giới chuyên môn, đó là biện pháp hiệu quả đã được chứng minh ở những nước phát triển, tại sao nước ta không làm được? Không lẽ người quản lý nhà nước sợ mất quyền lực hoặc lợi ích?

Xem lại mục tiêu giáo dục
Phát biểu trên một tờ báo, PGS.TS Trịnh Hoà Bình, giám đốc trung tâm Điều tra dư luận xã hội – viện Xã hội học Việt Nam, đánh giá “sự biến dạng của y đức ngày nay một phần là hệ quả của quá trình đào tạo con người bắt đầu từ bậc phổ thông, đến bậc đại học”. Nhận xét này đáng lưu ý vì người bác sĩ suy cho cùng cũng là con người tiếp nối của những con người trong nhà trường.
Thế nhưng việc giáo dục nước ta khá xa lạ với bốn nguyên tắc giáo dục do UNESCO (tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hoá Liên hiệp quốc) đề nghị: học để biết, học để làm, học để tự khẳng định và học để chung sống. Đâu chỉ người ngành nghề khác, không ít bác sĩ thời nay cũng xa lạ điều này, như kết quả tất yếu từ việc đào tạo y khoa. Biết làm ngành y phải luôn lắng nghe và quan tâm bệnh nhân, nhưng tại bệnh viện Thiệu Hoá (Thanh Hoá), bác sĩ nghe người nhà gọi năm lần bảy lượt vẫn không đoái hoài, hậu quả là mẹ con sản phụ tử vong. Không có chuyên môn, chưa được cấp phép làm thẩm mỹ nhưng vẫn làm, hậu quả là bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường đã để khách hàng tử vong.
“Cơ chế thị trường với sự chi phối của đồng tiền và tính vị kỷ bản thân đã khiến những thầy thuốc sa ngã, thậm chí phạm tội”, ông Trịnh Hoà Bình nói. Đúng thế, một xã hội tôn thờ giá trị vật chất đã tác động đến nhiều người đủ ngành nghề, trong đó phải có người làm ngành y. Một bác sĩ lâu năm băn khoăn: “Thầy thuốc nước ta đang bị chi phối bởi hoa hồng, tiền bạc. Làm bác sĩ thường kê toa thuốc ăn hoa hồng, làm trưởng khoa ăn hoa hồng dụng cụ, lãnh đạo bệnh viện ăn hoa hồng xây dựng và mua sắm trang thiết bị. Cái gì cũng quy ra tiền bạc, người bác sĩ không sa ngã cũng không được”.


Không có nhận xét nào: