Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

Đò ơi! Đò ơi đò!

Từ Chúc Phúc

Vắng bóng cô em từ dạo ấy
Để buồn cho những khách sang sông.

Cô em đây là những cô lái đò. Trên sông đưa khách ngược xuôi, có khi là "người khách tình quân ấy, đi miết không thấy về". Cô lái đò và khách sang sông, hay có những ánh mắt giao tình, chỉ là bâng quơ, thế mà đáng nhớ. Đã có một giai thoại thuộc Công án Thiền luận: Mọi khách rời đò đều trả cho cô lái đò, mỗi người một xu. Riêng anh khách rời đò sau cùng, cô lái đò nói anh phải trả cho em năm xu. Tại sao vậy? Vì anh nhìn trộm em nhiều quá! Khách mỉm cười trả 5 xu rồi đi. Lần sau, cũng sang chuyến đò này, lúc khách cuối cùng rời đò, cô lái đò đòi anh phải trả cho cô 10 xu. "Tại sao vậy, tôi có nhìn trộm cô đâu?", khách ngạc nhiên. "Không nhìn nhưng anh nghĩ về em miên man từ khi bước xuống đò em."
Huế có nhiều sông, nhánh sông, thời chưa có cầu thì sang sông chỉ có đò, nên mới có câu ngạn ngữ dân gian" Qua sông thì phải lụy đò. Cũng vì trời tối lụy o bán dầu". Đó là đò ngang, đò ngang cũng như đò dọc không có mái như nhau, nhưng khác là đò ngang cô lái đò không hò, còn đò dọc, dọc trên sông dài đìu hiu nên cô lái đò phải biết hò "mái đẩy" cho vơi bớt nhọc nhằn, lại để khách thương hồ dễ ngủ nghỉ. Hò mái đẩy hay vận dụng nhiều câu Hán-Nôm và đối đáp. Tỉ như: "Thiên sinh nhơn hà thiên sinh lộc, địa sinh thảo, hà thảo mộc nọ vô căn.Một mình em đứng giữa lòng thuyền dưới nước trên trăng, không biết ai vô đây mà trao duyên gởi nợ cho bằng thế gian" hay "Mẹ thương con ra ngồi cầu Ái Tử, vợ trông chồng lên đứng núi vọng phu, chiều chiều bóng xế trăng lu, nghe con ve kêu mùa hạ, biết mấy thu mới gặp chàng?". Những vế đối rất chỉnh. Thương con - ái tử, Trông chồng - vọng phu. Đò dọc có vai trò giúp điều hòa hàng hóa giới thương hồ buôn chuyến qua đường sông dài.
Bến đò trở thành những nơi gặp gỡ, tuy mong manh mối duyên tơ phút chốc, những cũng là những nơi trở thành dấu tích của hẹn ước trăm năm, sinh động nhất là bến đò Thừa Phủ trên sông Hương, mùa tựu trường rợp cánh bướm trắng của nữ sinh Đồng Khánh, chen vào cũng có một ít nam sinh Khải Định, Pellerine. Nhưng có lẽ, chỉ có Huế mới có bến đò Ba Bến. Vùng tam giác ba bến hợp lưu giữa sông Kẻ Vạn-Bạch yến-Sông Đào một bến phía Thành nội, một bến phía làng Vạn Xuân và một bến thuộc làng An Hòa. Ba Bến không quá rộng, nhưng do khách số đông chọn, nên đò không thể chèo theo thủy trình sau trước. Và tiếng kêu"Đò ơi đò!", vọng lên trong đêm khuya khoắt thường réo lên ở đây, để có thành ngữ "kêu như kêu đò".
Đò du lịch có mái vòm gọi là thuyền, nhưng đò có mái vẫn gọi là đò như Vạn Đò. Vạn là đơn vị phường xã trên bộ, Vạn đò Huế có khoảng 20.000 hộ gia cư, con số này giảm dần, do kế hoạch di dân, từ dưới nước lên đất liền. Nói hộ gia cư vì đò không chỉ có mái vòm, mà trong đó là một nếp nhà dài, chia làm ba khoang, trước mũi là sân trống, bên trong có tấm ván nằm ngang để tiếp khách, khoang giữa là nơi ăn ngủ và thờ kính, khoang sau là bếp núc và chỗ vệ sinh. Các Vạn đò thường cặp bến sông Hàng Bè mé trái cầu Gia Hội, là những hộ lao động phổ thông  hay đánh bắt, một ít cặp bến nhánh sông Hương mé phải cầu Gia Hội gồm những hộ buôn bán đường sông. Mỗi d92 chính có vài ba chiếc xuồng nhỏ, chèo bằng tay chầm đi bán dạo chè đâu ván, hột vịt lộn ... Và cũng tại bến đậu này, mà Huế có tiếng lóng thuộc mảng khoái lạc bất chính "đi ngủ đò" cũng như trong Saigon "đi chơi bời" hay "xuống xóm". Vào mỗi tối, khách nam giới xuống bến đậu mé phải chân cầu Gia Hội giáp chợ Đông Ba là có tiếng mời, khách xuống ngồi trên băng gỗ tiếp khách, đợi xuồng đi điều "kỹ nữ", xuồng cập mạn, khách nhìn "kỹ nữ", có thể gật hay lắc. Gái gọi ngủ đò có hai cấp, cấp để nghe ca Huế, uống rượu và ngâm thơ, cấp chỉ để tới bến. Nhưng cũng có kỹ nữ sau thơ ca cũng chịu tới bến luôn, thì giá cao hơn. Khi khách đã thỏa thuận giá cả đâu đó, và chọn được đào rồi, là đò rời bến. Đò chậm rãi, có thể đi xuống hướng Cồn Hến, Vỹ Dạ hay ngược lên phía Đập Đá. Đó là lúc chủ đò đóng bửng, dành khoang giữa hoàn toàn cho khách mây mưa. Cho đến tờ mờ sáng thì đò đã cắm tay sào, kỹ nữ đã rời đò khi khách còn ngủ mệt. Cũng do món "ngủ đò" này mà Huế thơ, còn có hai câu ca dao đồi tục:"Núi Ngự không cây, chim ngủ đất/ Sông Hương vắng khách đĩ kêu trời".

Không có nhận xét nào: