Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

HỌC ĂN HỌC NÓI

Lưu Dung

Một học sinh cũ của ba, có lần bị ông chủ quát cho một trận, tìm đến cha than khổ: 'Khi đồng ý với ai, em đều nói 'đúng rồi'. Hai mươi năm nay em đã nói như vậy mà chả thấy ai nhắc nhở hay có ý kiến gì. Nay ông chủ vừa nghe mấy tiếng 'đúng rồi' thì nổi xung lên quát 'đúng, đúng cái gì', với người trên phải nói 'dạ!'.
Ba nghe cô ta nói mà cũng ngơ ngác, thầm nghĩ: chẳng phải vậy sao? Chính ba cũng thường nói 'đúng rồi' với người cấp trên. Nhưng nghĩ kỹ lại thì 'dạ' mới phải.
Chuyện nói năng rất quan trọng, có những câu nói "có vấn đề", ta đã nói nửa đời người rồi vẫn không biết thế là lầm lẫn, là làm tổn thương người khác.
Con biết vì sao Linda không thích Philby không? Ngày Philby tới sân bay New York, anh nhờ Linda ra đón. Vừa gặp, Linda hỏi: "Nghe nói anh có người anh họ ở gần đây sao không nhờ anh ta cho tiện?" Philby nói: "Vì anh ấy bận!"
Nào ngờ câu trả lời ấy làm Linda phật ý, cô nghĩ: "Anh ta bận, thế còn mình thì không bận? Thời giờ của anh ta là tiền bạc còn của mình thì không? Từ đó, Linda không còn cảm tình với Philby nữa.
Ba nghĩ có lẽ Philby chỉ vì vô tâm mà làm mất lòng bạn học cũ. nếu anh ta biết cách nói, câu trả lời của anh ta sẽ là: "Bởi vì bạn thân hơn, tôi muốn người đầu tiên gặp ở New York là bạn học cũ!" Như vậy chẳng hay hơn sao?
Họa sĩ lão thành Trương Đại Thiên kể cho ba, chỉ vì một lần lỡ lời mà suýt mất mạng.
Hồi đó, ông được một tên quân phiệt mời tới nhà. Tên này có một con chó cực quý, mà Trương Đại Thiên vốn thích chó nên nóng lòng muốn tới xem. Vì thế, vừa bước vào nhà Trương Đại Thiên đã vui mừng nói: 'Từ lâu đã mong được tới nhà ..."
Tên quân phiệt đắc ý gật gật: "Không dám ..."
Nào ngờ, Trương Đại Thiên tiếp luôn: " để xem chó của ngài!"
Vừa dứt lời, Trương Đại Thiên lạnh cả người. Nói chuyện qua quýt rồi xin phép ra về, ông sờ tay lên gáy: "May mà hôm nay y thấy vui vẻ, chứ không thì cái đầu giờ không còn ở chỗ này nữa rồi!"
Chính ba cũng đã từng lỡ lời làm người khác hiểu lầm. Lần đó đi dự tiệc, ba được giới thiệu với một nhà học giả làm hiệu trưởng một trường đại học, ba cao hứng: "Nghe danh ngài đã lâu, nếu sau này tôi thất nghiệp ở Mỹ, nhất định sẽ tới nhờ cậy ngài!"
Vốn ý ba là muốn tỏ vẻ khiêm tốn, nào ngờ câu nói lại gây phảm cảm cho người đối thoại: "Chỗ tôi là nơi vơ bèo vạt tép chắc? Không còn nơi nào dung thân anh mới tìm đến!" Chắc một ngày nào đó, ba muốn tới chỗ ông ta dạy cũng không được tiếp nhận. Đó chẳng phải là hậu quả của vô tâm hay sao?
Ngược lại, nếu ta biết khéo ăn nói, có thể đưa cả những ý kiến không dễ chịu lọt vào tai người nghe.
Ví như có một vị lãnh đạo không thích cấp dưới cái gì cũng nhất nhất xin ý kiến, ông ta không phân cấp quản lý mà họp mọi người lại, nói: "Tôi không phải là người cái gì cũng biết, vì thế từ nay ai xin chữ ký, đừng hỏi tôi phải làm thế nào mà hãy đề nghị tôi phải làm gì!"
Một vị làm ở bộ ngoại giao, khi cần cấp dưới tới bàn chuyện, không bao giờ ông ta nói: "Anh tới phòng tôi!" mà nói: "Tôi đợi anh ở bên phòng tôi!"
Câu nói tinh tế sẽ làm cho người bị động cảm thấy mình chủ động. Nó thu phục được cảm tình của cấp dưới, sẽ khiến họ làm việc tận tình hơn.
Trong buổi tiệc ngoại giao, ba được nghe một vị đại sứ Mỹ nói những lời lẽ rất đẹp. Ông ta nói: "Mọi người đều biết, nếu không có tài hơn người thì không thể tồn tại suốt nhiệm kỳ 10 năm ở chiến trường ngoại giao New York. mà tôi vốn không có tài cán hơn người, vậy sao lại làm được mười mấy năm? Lý do thật đơn giản, vì tôi nhờ vào bạn bè!"
Thật thông minh làm sao! Trong chưa đầy  trăm từ mà có ba đoạn chuyển ý liên tiếp, vừa tự tôn, vừa khiêm tốn, và cuối cùng quy hết công lao cho bạn bè. Như thế làm gì mà chẳng được tán thưởng?
Kể chuyện như vậy, nếu con có hỏi muốn biết cách ăn nói phải làm thế nào thì ba thật sự cũng chưa biết chính xác. Nhưng theo ba, có thể có một nguyên tắc cơ bản đó là: Hãy bớt nói về mình. hãy nghĩ tới người đối thoại, hướng câu chuyện về người đối thọai. Điều quan trọng nhất là dù có nói về mình, cũng tuyệt đối không được quên người nghe!