Phan Sơn - báo SGTT
Một thế giới khác của bệnh viện công
Chắc hẳn trong suy nghĩ của nhiều người, bệnh viện là thế giới
của lòng nhân ái, hy sinh và yêu thương. Tuy nhiên, điều này chưa hẳn đúng nếu
căn cứ vào kết quả thanh tra tại ba bệnh viện công lập có tiếng ở TP.HCM (bệnh
viện Bình Dân, Chấn thương chỉnh hình và Nguyễn Tri Phương) vừa công bố cách
đây hơn một tuần.
1. Bệnh viện cũng là một thành phần trong xã hội, phải tuân
theo những luật lệ do xã hội đặt ra, nhưng chẳng hiểu sao ở đây những nhà quản
lý lại có những luật riêng nhằm phục vụ cho lợi ích nhóm. Đơn cử, tại bệnh viện
Bình Dân, hai bác sĩ và một dược sĩ (con trai của nguyên giám đốc) không phải
qua học việc ngày nào mà được ký hợp đồng thử việc ngay (hai tháng) rồi sau đó
được ký hợp đồng làm việc. Nhưng lạ thay, ở đây cũng có hai bác sĩ dù học việc
không lương một thời gian khá lâu nhưng lại không được ký hợp đồng lao động. Có
gì khác nhau trong chuyện này?
Cũng ở bệnh viện này, nhân danh xã hội hoá y tế, người ta
cho đơn vị này, đơn vị kia liên kết, liên doanh đặt máy. Chủ trương này không
sai, vì ngoài hạn chế đầu tư ngân sách công vẫn giúp bệnh viện phát triển. Tuy
nhiên, điều đáng nói là dù chưa có sự đồng ý của sở Y tế, người ta vẫn thực hiện,
và khi thực hiện thì cứ 1 đồng chảy vào ngân sách nhà nước thì 5 đồng lọt vào
túi một số cá nhân. Nhìn vào kết quả thanh tra, ai cũng phải lắc đầu ngán ngẩm,
dự án liên kết đặt máy nào cũng có vấn đề, sai phạm từ vài chục đến vài trăm
triệu đồng!
Bệnh viện đúng là có luật riêng. Ở bệnh viện Chấn thương chỉnh
hình, phó khoa chẩn đoán hình ảnh chỉ là một cử nhân X-quang, thế mà lãnh đạo bệnh
viện lại để người này thực hiện luôn kỹ thuật siêu âm và trả lời kết quả cho bệnh
nhân. Luật Khám chữa bệnh hiện hành không cho phép như thế, nhưng ở bệnh viện
này, người ta cho phép! Luật riêng cũng có ở bệnh viện Nguyễn Tri Phương khi kết
quả thanh tra cho thấy nhiều đơn vị cung cấp thuốc, trang thiết bị không đạt
tiêu chuẩn thầu, nhưng vẫn trúng thầu. Có ai hào phóng hoặc ngây thơ làm như thế
không?
2. Bệnh viện ở nước ta đôi khi là một thế giới đảo lộn. Tưởng
chừng bệnh viện công là của mọi người, đặc biệt dành cho những đối tượng yếu thế
trong xã hội, nhưng thực tế không phải vậy. Ở bệnh viện Chấn thương chỉnh hình,
dù trong ngày làm việc nhưng số ca mổ dịch vụ (bệnh nhân phải đóng thêm tiền so
với quy định) chiếm đến 70%. Hoá ra ở đây ai có tiền được ưu tiên mổ nhanh, người
nghèo dù cần phẫu thuật gấp thì cũng cứ ngồi đấy chờ... tới lượt nhé! Ở bệnh viện
Nguyễn Tri Phương, tỷ lệ mổ dịch vụ chỉ xấp xỉ 50%, nhưng điều “tàn nhẫn” là
ngay cả mổ cấp cứu như viêm ruột thừa cấp, viêm ruột thừa vỡ hay u nang buồng
trứng vỡ người ta cũng lấy tiền mổ dịch vụ. Trong năm 2012, chỉ mổ dịch vụ viêm
ruột thừa, bệnh viện thu về hơn 500 triệu đồng, trong đó tỷ lệ phân chia công mổ
giữa kíp mổ và bệnh viện là 50/50, dù ca mổ sử dụng cơ sở vật chất và trang thiết
bị của bệnh viện. Nhân viên y tế ở hai bệnh viện này là đều là người nhà nước,
cớ sao chỉ nhăm nhe “kiếm chác” trên thân phận của bệnh nhân, quên mất tinh thần
phục vụ của một công chức, của “từ mẫu”?
Bệnh viện còn là một thế giới đảo lộn, khi những quy định
chuyên môn tưởng chừng như nghiêm ngặt vì liên quan đến tính mạng con người, lại
bị buông thả và thực hiện hời hợt. Ở bệnh viện Bình Dân, kết quả thanh tra cho
thấy 47% hồ sơ bệnh án từ năm 2009 – 2012 trong đó bác sĩ cho y lệnh thuốc
nhưng không ghi rõ thời gian sử dụng thuốc, 66% hồ sơ trong đó trưởng/phó khoa
chỉ ký tên nhưng không ghi kết quả thăm khám, 39% biên bản hội chẩn trước phẫu
thuật không có sự tham dự của phẫu thuật viên, 27% ca tử vong tại bệnh viện
nhưng chỉ có một bác sĩ khám và xác nhận trong hồ sơ bệnh án. Đúng là kinh
hoàng, nhưng còn kinh hoàng hơn khi đây là bệnh viện hàng đầu về ngoại khoa
nhưng lại không có số liệu nào khảo sát về nhiễm trùng bệnh viện, và bệnh viện
cũng chưa giám sát việc rửa tay của nhân viên y tế và bệnh nhân. Với cách làm
việc cẩu thả như vậy, bệnh nhân vào bệnh viện này chẳng khác gì “may nhờ rủi chịu”!
3. Bệnh viện công nước ta thường được xã hội chia sẻ bằng một
hình ảnh đáng quý: thế giới của những nhân viên y tế làm việc vất vả, hy sinh
thầm lặng, chịu đựng với thu nhập còn hạn chế. Hình ảnh đó đúng ở một bộ phận
nhiều người lao động ở đây, nhưng hoàn toàn sai ở một nhóm nhỏ lãnh đạo khi xem
bệnh viện là lãnh địa của mình, tha hồ trục lợi cá nhân, bất chấp y đức, đạo lý
và pháp luật. Kết quả thanh tra đề nghị thu hồi tiền thất thoát từ một số cá
nhân lãnh đạo, nhưng câu hỏi cũng đặt ra: Tiền thu hồi đó phải chăng chỉ là phần
nổi của tảng băng thu nhập bất chính của những người gây thiệt hại? Nhiều cá
nhân bị quy trách nhiệm cụ thể, nhưng liệu điều đó có đủ hay không khi người ta
đòi hỏi trách nhiệm cả ở những người bổ nhiệm những cá nhân này, và trách nhiệm
cả ở những người từ cấp cao hơn khi đã buông lỏng việc giám sát và theo dõi cấp
dưới trong một thời gian dài?
Thật buồn cười khi đều đặn hàng năm sở Y tế TP.HCM đều tổ chức
kiểm tra các bệnh viện dưới quyền và chắc hẳn những năm qua các bệnh viện Bình
Dân, Chấn thương chỉnh hình và Nguyễn Tri Phương đều được công nhận là bệnh viện
tốt hoặc chí ít thì cũng không có vấn đề gì. Vậy mà chỉ sau một đợt thanh tra,
những lớp son hào nhoáng đó lại bị rơi rụng không thương tiếc. Người ta đã làm
gì ở những lần kiểm tra trước đây mà không phát hiện được sai sót và tiêu cực?
Và trong những ngày qua, khi người viết tiếp xúc với nhiều người trong ngành y,
họ đều có chung một nhận định: Giờ đây chỉ cần thanh tra bệnh viện nào là bệnh
viện đó có vấn đề, và bệnh viện nào càng có nhiều lợi ích, bệnh viện đó tiêu cực
càng lớn.
Đó là một thế giới khác của bệnh viện công?
Đã đến lúc phải có nhà quản lý bệnh viện chuyên nghiệp
Với xu thế phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực chăm sóc sức
khoẻ như hiện nay, mọi chuyện đều đòi hỏi sự chuyên nghiệp hoá, việc người đứng
đầu bệnh viện không cần, hoặc cần ít chuyên môn về quản lý bệnh viện gần như
không còn đúng.
1. Nói về kết quả thanh tra ba bệnh viện công lập ở TP.HCM
(bệnh viện Bình Dân, Chấn thương chỉnh hình và Nguyễn Tri Phương) công bố trong
tuần qua, một số lãnh đạo sở Y tế TP.HCM trước đây và hiện nay cùng thừa nhận
“đó là một cú sốc đau đớn nhưng cần thiết để chấn chỉnh lại việc quản lý bệnh
viện ở thành phố hiện nay”. Nhưng chấn chỉnh từ chỗ nào? Theo nhiều người, phải
bắt đầu từ nhà quản lý bệnh viện.
Khác với nhiều nước trên thế giới, nhà quản lý bệnh viện
công ở nước ta thường được lựa chọn từ người có cống hiến lâu năm ở bệnh viện,
có học hàm, học vị nổi bật (tiến sĩ, giáo sư/phó giáo sư) và thành tích chuyên
môn được nhiều người công nhận (từng đứng đầu một khoa chuyên môn). Trong hoàn
cảnh lịch sử nào đó, cách làm này không sai, vì khi nhà quản lý xuất thân từ bệnh
viện, hiểu rõ nội tình của cơ sở, nhận được nhiều ủng hộ từ bên dưới, họ sẽ
thành công. Thế nhưng, với xu thế phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực chăm sóc sức
khoẻ như hiện nay, mọi chuyện đều đòi hỏi sự chuyên nghiệp hoá, việc người đứng
đầu bệnh viện không cần, hoặc cần ít chuyên môn về quản lý bệnh viện gần như
không còn đúng.
Tham khảo danh sách 130 nhà điều hành (CEO) bệnh viện phi lợi
nhuận (non-profit) của Mỹ do Becker’s Hospital Review công bố hồi tháng 7 vừa
qua, người ta có thể nhận ra chỉ có độ 30 CEO dính dáng đến y khoa (bác sĩ, trưởng
khoa y đại học), còn lại đều là những nhà quản lý chuyên nghiệp từng lăn lộn
qua nhiều công ty và tập đoàn (kể cả quản lý bệnh viện), có bề dày về quản lý từ
thấp đến cao trước khi được bổ nhiệm làm CEO bệnh viện. Cần nói thêm, những người
trong danh sách do Becker’s Hospital Review lựa chọn đều có tầm ảnh hưởng trong
lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ và dẫn dắt những bệnh viện hàng đầu nước Mỹ. Không
thể nói mô hình người đứng đầu các bệnh viện của Mỹ là nhà quản lý bệnh viện
chuyên nghiệp là sai, bởi những bệnh viện này đều phát triển thành công.
2. Ở nước ta, giám đốc bệnh viện công lập thường là những
người giỏi chuyên môn, vì thế thật đáng tiếc khi sau hàng chục năm học hành phấn
đấu trong nghề nghiệp, một ngày nào đó họ phải từ bỏ chuyên môn để chuyển sang
làm quản lý, lĩnh vực mà họ gần như phải bắt đầu từ số 0. “Một cầu thủ xuất sắc
chưa hẳn là một huấn luyện viên tài ba”, câu nói này đúng không chỉ trong bóng
đá mà cả trong nhiều lĩnh vực khác, kể cả quản lý bệnh viện. Khi nói đến quản
lý bệnh viện, nhiều người thường nói đến một nhận định của bác sĩ Trần Tấn
Trâm, nguyên giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM: “Ở nước ngoài, muốn cất nhắc
ai làm giám đốc, người ta phải đào tạo người đó đầy đủ rồi mới cho lên làm lãnh
đạo. Ở nước ta thì khác, thấy người nào được, ở trên cho người đó làm giám đốc
ngay mà không chuẩn bị gì. Lên làm giám đốc, người này phải vừa làm, vừa học
nghề quản lý. Làm được một nửa, hư một nửa. Họ đâu muốn như thế, nhưng năng lực
họ cũng chỉ như thế mà thôi. Đến khi làm tốt, họ đến tuổi… về hưu”. Từ kết quả
thanh tra các bệnh viện của TP.HCM vừa qua, gạt sang những lý do tế nhị, người
ta có thể thấy mọi chuyện đều có phần xuất phát từ năng lực hạn chế của người
quản lý.
3. Cách đây cả chục năm, từ việc nhận ra những vấn đề trong
quản lý bệnh viện công, sở Y tế TP.HCM đã tổ chức cho nhiều giám đốc bệnh viện
đi tham quan, học tập mô hình quản lý bệnh viện tại Singapore, một quốc gia khá
tương đồng với chúng ta. Vài năm gần đây, đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng mở
chương trình đào tạo quản lý bệnh viện cho những nhà quản lý y tế, với các giảng
viên hàng đầu từ Pháp. Nhưng cách làm này thực ra cũng chỉ là “đo ni đóng giày”,
hay nói cách khác là đẽo gọt chiếc ghế giám đốc cho vừa vặn người ngồi, khác với
cách làm buộc người ngồi phải hội đủ năng lực mới được ngồi lên chiếc ghế có
kích cỡ theo như quy ước.
Do không chuyên tâm và thiếu năng lực quản lý, nên nhiều nhà
quản lý bệnh viện công lập ở nước ta chỉ loay hoay với công việc hành chính như
họp hành, ký giấy tờ hoặc quay lại công việc chuyên môn. Chuyện hai phó giám đốc
bệnh viện Chấn thương chỉnh hình trong giờ trực vẫn tham gia mổ dịch vụ là một
minh chứng. Nhưng bệnh viện này đâu phải cá biệt, ở một bệnh viện phụ sản lớn của
thành phố, giám đốc và phó giám đốc cũng mổ dịch vụ như những bác sĩ bình thường
mà bỏ qua nhiệm vụ chính là quản lý, giúp bệnh viện phát triển chuyên môn, nâng
cao thu nhập cho người lao động.
Trước những yếu kém trong quản lý bệnh viện công lập, cách
đây một năm bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng mỗi một giám đốc bệnh
viện phải là một CEO và đề nghị xây dựng lại tiêu chuẩn giám đốc bệnh viện. Bà
nói: “Chúng ta không thể bắt giám đốc bệnh viện phải có học hàm giáo sư, phó
giáo sư hay tiến sĩ. Phó giáo sư, tiến sĩ suốt ngày đi giảng bài, đi làm nghiên
cứu khoa học thì lấy đâu thời gian để quản lý bệnh viện?” Ý tưởng của người đứng
đầu bộ Y tế có thể xem là một đột phá, nhưng từ đột phá này trở thành hiện thực
có lẽ mất một thời gian khá lâu. Trong thời gian đó, người dân sẽ còn phải lĩnh
nhận bao nhiêu hậu quả từ sự quản lý kém cỏi của người quản lý bệnh viện?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét