Nguyễn Hữu Tài
1.
Gà chưa kịp gáy sáng, Hạnh thức dậy, dợm chân lên nhà trên bật
đèn, thắp cho Mẫn một cây nhang. Cô mở cửa ra trước thềm, ngó lên trời đã thấy
sao Mai sáng lấp lánh. Hạnh ngồi thất thần, nhìn ra biển. Triều rút dần, để lại
trên bãi loang lổ những vũng nước to nhỏ khác nhau. Từng đoàn thuyền đánh cá nối
đuôi dài tạo thành những vệt điện sáng trưng ngoài đường chân trời xa tít tắp.
Hạnh có mấy trăm đêm không ngủ. Cô dậy sớm, ra đây ngồi,
ngóng trời, ngóng đất, ngóng biển sắp bình minh. Đôi lúc biển lặng lẽ, hiền hòa
như tỉ tê thủ thỉ, có khi ầm ầm nổi sóng, thét gào, sóng muốn chồm lên phá nát
những hàng dương lơ thơ chắn sóng, gió thổi mái nhà tốc mái, đập vào cửa sổ
nghe rợn người.
Cô cồn cào nhớ Mẫn, nhớ làn da rám nắng, bờ ngực rộng mênh
mông rắn rỏi, mái tóc cháy khét mặn chát mùi muối và nụ cười thiệt rộng khoe
cái càm bạnh của anh. Lúc anh mới mất, cô chả nhớ đã khóc bao nhiêu lần, khóc
muốn mù cặp mắt, để đến giờ đánh tám búa cũng chẳng rặn ra nổi một giọt. Mọi thứ
chung quanh cô trở nên vô hồn, lờ nhờ, lạc lõng.
2.
Hạnh chưa bao giờ quên cái đêm tự nhiên Mẫn đau đầu dữ dội,
la hét khản cổ, mắt long lên vì mệt mỏi. Cô hoảng sợ chạy kêu mọi người chở anh
ra bệnh viện. Họ cho uống thuốc giảm đau rồi lắc đầu kêu chuyển viện vì không
tìm được nguyên nhân. Bác sỹ ở Nha Trang kiểm tra cẩn thận, chụp CT, rồi nói
anh có một khối u ác tính nằm trong não. Tờ mờ sáng, họ đưa anh vô bệnh viện
ung bứu Sài Gòn để điều trị. Phải mổ, nhưng năm ăn, năm thua, chứ không chắc chắn
là cứu được. Hai chân cô muốn rũ xuống, tay quờ quạng tìm ai đó để bấu víu vào
cho khỏi té vì hoảng loạn.
Mẫn nằm thiêm thiếp trên giường. Trong giấc ngủ chập chờn,
anh nhăn mặt vì đau. Tỉnh lại, thuốc giảm đau tan, anh vật vã, môi rướm máu vì
cố cầm cự. Cô chỉ biết khóc thiệt to rồi ra giữa trời cầu xin đức phật bà cứu độ
anh tai qua nạn khỏi. Mẫn nắm tay cô, nước mắt chảy thành dòng, môi ngập ngừng
những lời trăn trối. Cái linh cảm sắp phải xa nhau cứ lẩn quẩn bên cô không
thoát được. Mọi thứ đến nhanh quá, nhanh đến không ngờ. Những cơn nhức đầu rải
rác ngỡ đâu vô hại, nào ngờ sắp cướp mất đời anh.
Khối u bị cắt bỏ nhưng vết mổ nhiễm trùng. Và anh buông tay
đi, không bao giờ về với mẹ con cô nữa.
Tuổi ba mươi, cô đã thành góa phụ, một nách hai con.
Anh nằm trên cồn cát, phía sau rặng dương rì rào trong gió,
im lìm ngắm biển và những chiếc thuyền trên sóng nhấp nhô, hòa linh hồn vào cuộc
sống làng chài rộn rã tôm cá ắp đầy mỗi khi vào mùa. Để mỗi chiều buồn, cô ra
ngồi bên anh, nhổ những cụm cỏ mọc lơ thơ, lượm mớ lá dương rụng đầy trên mộ, kể
cho anh nghe chuyện nhà cửa, xóm làng, chuyện của mình và hai đứa con thơ.
3.
Và cô phải xốc mình đứng dậy tự lo cho cuộc sống của ba mẹ
con, không thể cứ nằm dài vật vã khóc rồi cơm gạo tự chui vô nhà được. Ngày hai
mươi tuổi, ba má bảo cô lấy chồng đi, chứ con gái miền biển học hành không cao,
ở vài năm nữa lại ế xỏ ế xiên không ai thèm rớ. Ra khỏi vòng bảo bọc của ba má,
cô về với Mẫn. Anh giỏi giang, thương vợ, chả bao giờ cho cô đụng tới móng tay
đúng theo cái cảnh “chồng ướt dái, vợ ướt môi” của những gia đình dọc làng chài
xứ biển. Nơi đó, người chồng tất bận ghe tàu, mỗi năm mấy trăm ngày nhấp nhô
theo con sóng ra tận ngoài khơi đánh bắt xa bờ. Nhiều khi sáng đi chiều về, có
lúc cả tháng trời mới cập bến. Để rồi những đêm biển động, mọi người tụ tập trước
đình làng, chắp tay khẩn cầu thành hoàng, thổ địa, thủy thần phù hộ cho chồng,
cha, con họ toàn mạng trở về.
Nhưng rồi cũng có người vĩnh viễn nằm mãi dưới lòng biển sâu
không bao giờ về nữa. Mặc cho người thân đứng trên bờ khóc than, gào thét, thủy
thần cũng chẳng trả xác thân của họ về với gia đình. Có lẽ họ đã làm mồi cho hà
bá biển khơi. Cả làng khóc ngất tiễn đưa linh hồn người ngư phủ về cõi Niết, mảnh
tang trắng chít lên đầu người đàn bà vật vã và đứa trẻ mắt to tròn chưa cảm nhận
hết khổ đau. Những nấm mộ nằm rải rác khắp nghĩa trang, dưới ba tất đất không
có quan tài, chỉ có những hòn đá cụi hay cụm san hô vô tri vô giác, chất lên
thành ngôi mộ gió. Mỗi năm, đến ngày biển động, người ta nhặt sỏi chất đầy lên
nấm mồ lạnh lẽo cho ấm linh hồn người đã khuất.
Đàn bà xóm chài quanh năm ở nhà, rảnh thì đan lưới bậy bạ, xẻ
cá phơi khô, không thì xách đít đi sang hàng xóm nhiều chuyện cho vui, chiều về
lo cơm nước, sáng xách rổ ra bến chờ thuyền nặng trĩu cá tôm về, mang ra chợ
bán. Có bao nhiêu tiền ăn hết bấy nhiêu, chẳng biết để dành mai hậu về sau. Và
họ…đẻ. Sòn sòn năm một. Những đứa bé đen nhẻm bởi gió, tóc vàng hoe dưới cái nắng
cháy da, môi thâm đen vì muối mặn, khi cười nhe hàm răng sún gần nửa, không chịu
tới trường, cứ nhong nhong khắp xóm. Con trai mười lăm, mười sáu đã theo cha
anh ra biển mưu sinh; con gái mười tám lật đật đi lấy chồng cùng xóm. Lúc biển
động, thuyền cập bến, chỏng chơ, cá mắm không có lấy vài chục kí (mà phải chia
năm xẻ bảy). Cả làng trơ mỏ. Họ tất tả đi mượn tiền vay tiền góp, lay lắt sống
qua ngày, bao giờ sóng yên biển lặng, thuyền lại ra khơi và tiếng cười giòn tan
trở về giữa lập lòe ánh điện.
Và Hạnh không thoát ra khỏi cuộc đời nhàm chán đó. Mẫn đi biệt
năm này qua tháng nọ, lênh đênh theo những chuyến tàu xa. Về với cô được vài
ngày lại tất tả ra đi. Nhưng anh biết thu vén, chưa bao giờ để vợ phải cực
lòng. Tháng mưa bão, ghe nằm ế chỏng chê, anh lên bờ, vô xưởng người quen phụ
đóng tàu thuyền kiếm tiền lo cho vợ.
Khi anh nằm xuống, cô trắng tay. Bao nhiêu tiền bạc đổ vào ca
mổ cũng không mang anh về lại bên cô. Hạnh hoảng loạn, quay quắt, tuyệt vọng. Học
hành chẳng giỏi, tiền bạc cũng không, cả đời chưa đụng tới móng tay giờ chẳng
biết gì mà lần, rồi sức khỏe ngày càng cạn kiệt. Nằm đêm, cô muốn chết theo chồng
cho rảnh nợ. Nhưng còn hai đứa con biết gửi cho ai? Và cô tự nhủ mình phải sống
để lo cho tụi nó nên người, rồi lúc đó mình ra sao cũng mặc. Dì Chín bán miếng
vườn cho cô một ít tiền làm vốn sinh nhai. Mỗi sáng, cô xách rổ ra bến chờ ghe
về mua mớ cá rồi đạp xe cho kịp buổi chợ nằm sâu trong làng, rần rần vài tiếng
mỗi ngày là tan. Cô đi trễ, chợ tan, phải lặn lội vô từng nhà năn nỉ người ta
mua giùm chứ không là ăn cho hết.
Và như thế cô gầy dựng lại cuộc đời mình bằng chính đôi tay
mảnh khảnh của mình.
Mấy dì trong làng thường bảo người trẻ mà chết bất đắc kì tử
thường rất linh hay về thăm nhà dữ lắm. Nhưng hơn năm nay, Mẫn chưa bao giờ cho
mẹ con cô thấy mặt. Nhiều đêm nằm ngủ, nghe tiếng rột rẹt ngoài phòng khách, cô
tưởng anh về, hoảng sợ, lật đật ôm con, co rúm lại. Nhưng ráng trấn an, đánh bạo
bật đèn, đứng dậy ra coi thử là gì. Đôi khi chỉ vô tình là cơn gió thổi qua làm
bẹ dừa cọ vào mái ngói, hay con mèo lười chạy loanh quanh đuổi chuột. Cô yếu
bóng vía, sợ ma, nhưng thiệt tình cũng muốn Mẫn hiện về, ít nhất là trong giấc
ngủ, để cô nhìn lại gương mặt rắn rỏi, nghe tiếng anh cười, giọng anh nói, được
anh ôm trong tay, hôn lên môi, ngắt lên má, để ít ra cô còn biết anh đang hiện
diện đâu đó trong đời sống của mình. Thế mà thủy chung Mẫn chẳng bao giờ về bên
cô hết.
Trăng lẫn vào mây. Ngoài khơi xa, mặt trời như hòn lửa đỏ từ
từ nhô lên trên biển. Lũ hải âu chập chờn quang quác náo loạn tìm bầy. Hạnh đứng
dậy, ra sau hè, lấy gáo dừa múc từng ca nước mưa lạnh ngắt xối lên mình. Cô
thay đồ, quơ cái nón, để trên bàn ít ngàn. Tí nữa má xuống thay đồ dẫn hai đứa
nhỏ đi ăn sáng rồi đưa tới trường. Trưa bà lại ghé đón về. Dì Chín thương con cứ
càm ràm hoài, biểu thôi ba mẹ con bây cứ về trển ở. Tao với ổng hổng giàu có gì
nhưng cũng đủ nuôi tụi bây ngày hai bữa mà. Chứ thấy bây thức khuya dậy sớm, cực
khổ như vầy, tao chịu hổng nổi Hạnh à. Thương cô, má nói vậy, chứ sao kéo về ăn
bám cho đành. Với lại ở dưới này còn nhang khói cho chồng nữa chứ.
Cô mặc thêm áo, khép cửa, liêu xiêu đi trong gió lạnh. Sau
trận mưa đêm, biển không ầm ầm nổi sóng, mà hiền hòa, êm ả hẳn ra. Cả xóm đã tỉnh
ngủ, cầm rổ, giỏ, í ới gọi nhau ra bến chờ ghe đầy tôm cá ùn ùn tiến vào bờ. Tiếng
nói, tiếng cười rộn rã một góc biển lúc bình minh.
4.
Hạnh xách bịch cá về thì đã quá trưa. Bước vô sân thấy dì
Chín ngồi trên lan can ngó ra biển.
- Ủa hai đứa nó đâu rồi má?
- Tụi nó chạy qua nhà hàng xóm chơi rồi. Chợ búa bữa nay được
không bây?
- Dạ cũng được. Dạo này cá mắm cái gì cũng lên dữ quá. Kì
kèo lắm họ mới chịu để giá rẻ cho mình.
Cô lúi cúi làm cá chuẩn bị nấu ăn trưa, dì Chín theo ra sau
ang nước, chắp tay sau đít, tằng hắng:
- Sáng nay thằng Lâm nó tới nhà tìm bây đó.
- Lâm nào vậy má?
- Thì thằng Lâm con chị hai Lài chứ Lâm nào? Bộ bây quên nó
rồi hả?
Cô giật bắn mình, xương cá đâm vào tay đau điếng. Quên sao
được mà quên. Trong cô, hình ảnh Lâm hiện lên mồn một. Nhà anh ở xóm trên, bạn
đi biển của Mẫn. Anh là mối tình đầu của cô, nhưng chỉ là tình yêu lặng thầm
chưa một lần dám nói của cô gái cập kê chớm bước vào con đường tình ái, rụt rè,
đỏ mặt khi ai đó quay lại bắt gặp mình đang lén nhìn tấm thân cao to, vạm vỡ của
anh trước con sóng dữ. Hơn mười năm trước, cả nhà được bão lãnh đi Mỹ rồi
chẳng bao giờ nghe tin tức hay một lần về xóm ghé thăm. Cứ ngỡ anh đã ấm êm cuộc
sống gia đình nơi quê người xứ lạ và quên đi cái xóm chài nghèo heo hút này. Tự
nhiên hôm nay nghe nhắc tới tên anh làm cô giật mình và những kỷ niệm cũ cứ
miên man ùa về như thế đó.
- Ủa mà ảnh về khi nào? Rồi tới nhà mình chi vậy má?
- Tới thăm bây chứ chứ hổng lẽ thăm tao? Dzị mà cũng hỏi cho
được.
- Ảnh có dắt vợ con gì theo hông?
- Vợ con gì. Nó còn ở vậy. Nghe tao kể chuyện gia cảnh bây,
nó cũng buồn buồn. Tao có chỉ nhà. Nó nói có gì bữa nào rảnh ghé chơi. Mà nè,
coi mòi nó còn thích bây đó nhen Hạnh.
- Con giờ thành gái già, xồ xề rồi, có ma nó thèm.
- Thì tao thấy sao nói vậy thôi chứ có xúi biểu bây cái gì
đâu. Làm gì thì làm, phải để tang chồng nó mãn nghe chưa. Lỡ có chuyện gì xảy
ra, thiên hạ xì xào, nói ra nói vô chắc tao bỏ xứ mà đi quá.
- Con biết mà. Chạy ăn ngày hai bữa muốn hụt hơi riết hổng
còn nghĩ suy gì nổi nữa.
- Má biết mất thằng Mẫn thì bây không thể một sớm một chiều
mà gượng dậy được. Nhưng bây cũng phải ăn uống, ngủ nghê đầy đủ vô. Nhìn bây xơ
xác quá má chịu hổng thấu. Thằng Mẫn sống khôn thác thiêng, cũng không muốn
nhìn bây như vậy đâu.
- Con đâu có làm gì khác được. Con nhớ ảnh quá…
- Ừa má biết! Thôi má về. Có gì chiều tao xuống dẫn tụi nó
lên đó chơi.
- Dạ. Má cầm ít con cá hố về trển muối mặn để nướng ăn nè.
- Bây toàn cho ăn mấy thứ độc địa. Mà thôi đưa đây. Ổng ghiền
cái món này dữ lắm.
5.
Hạnh đang lúi cúi nấu cơm dưới bếp. Hôm qua mưa, quên hốt mớ
bẹ dừa vô, sáng nay trời nắng nhưng đi sớm quá hổng kịp lấy ra phơi. Giờ nó ướt
hết trơn, chụm hoài mà chả cháy. Đang hì hục thổi lửa thì Na chạy vô kêu ầm ĩ:
- Má ơi, có ai tới tìm kìa!
- Ai dzị con?
- Con đâu có biết đâu. Má lên coi thử đi.
Hạnh quẹt hai tay đầy lọ nghẹ vô ống quần, xốc lại mớ tóc chạy
lên nhà trên coi thử là ai. Vừa vén màn, cô chưng hửng thấy Lâm đi vòng vòng
trước sân, ngó chung quanh. Nghe tiếng bước chân, Lâm quay lại nhìn cô ấm áp.
- Chào em! Lâu quá rồi mình không gặp.
Nói thiệt, nếu có cái lỗ ở đây, chắc Hạnh chui xuống trốn
cho đỡ xấu hổ. Tưởng là người quen ghé thăm nên cô áo quần xốc xếch, tóc tai bù
xù, mặt mũi dính toàn lọ nghẹ của mấy ông táo xớn xác chạy ra. Ai dè lại là
Lâm, làm cô chôn chân chết đứng. Anh trắng trẻo, tóc cắt ngắn, ra dáng ông chủ,
không còn cái dáng ghồ ghề, vạm vỡ, đen nhẻm của chàng thanh niên tuổi đôi mươi
suốt ngày phơi lưng trần dưới nắng biển năm nào. Lâm nhìn cô, nhoẻn miệng cười:
- Bộ không nhớ anh là ai hả?
- Dạ nhớ chứ.
- Vậy sao không mời anh vô nhà?- Lâm tiếp tục cười.
- Anh đừng có cười em nữa. Em đang nấu ăn dưới bếp. Nghe con
kêu tưởng là người quen đâu nghĩ là anh nên mới có bộ dạng thế này đó chứ.
- Bộ anh là người xa lạ, hổng phải là người quen hả?
- Ý em không phải dzị. Thôi anh vào nhà chơi nhen. Đứng
ngoài này nắng lắm.
Anh chậm rãi bước vô. Hai tấm màn làm bằng những con ốc gạo
bé xíu xiu va vào nhau kêu leng keng nghe vui tai. Anh tới trước bàn thờ Mẫn,
thắp ba nén nhang, thì thầm vái thằng bạn đi biển một thời.
- Anh chờ chút. Em nấu cho xong nồi canh nhen. Mà nhà chuẩn
bị ăn trưa. Anh ăn với mẹ con em một bữa cho vui.
Lâm gật đầu cười đồng ý.
Hạnh lấy chén đũa bỏ vô mâm, bưng xoong canh và nồi cơm lên
nhà trên, ra trước ngõ kêu hai đứa nhỏ vô rửa mặt ăn cơm. Cô vào phòng tìm bộ đồ
tươm tất để mặc. Bất chợt nhìn vô gương thở dài lặng lẽ. Trong gương, khuôn mặt
cô hốc hác, đen thui, hai gò má hóp lại, mái tóc xác xơ vì nắng. Từ ngày Mẫn
đi, mọi thứ với cô đều vô nghĩa. Cô chẳng màng chuyện chưng diện lược gương,
son phấn bỏ qua một bên, áo quần thì có gì mặc nấy miễn…che thân là đủ. Nỗi buồn
mất anh trong cô quá lớn, lớn hơn mọi niềm vui còn sót lại trên đời này.
Hạnh cầm lượt chải đầu, những cọng tóc rối, quăng queo, rơi
đầy trên chiếu. Cô thất thần nhớ Mẫn. Hồi còn sống, chẳng bao giờ anh để cho cô
xơ xác thế này. Hễ đi biển về, thấy vợ rầu rĩ, héo queo, là anh chạy lại, dúi
vào tay một nắm tiền. Cô cười thiệt tươi rồi lật đật xông áo xông quần đi sắm sửa
mọi thứ trong nhà. Mẫn chả bao giờ giữ lại tí nào cho mình, thỉnh thoảng đi nhậu
với bạn bè, vẫn vô buồng ngửa tay xin cô ít chục ngàn dằn túi. Anh xúi có bao
nhiêu tiền cứ xài hết đi, mua vải vóc áo quần cho em với cho con. Anh sức dài
vai rộng, đủ lo cho cả nhà mà.
Vậy mà giờ, mới có hơn một năm, cô để hình hài mình tiều tụy
như thế đó.
Mâm cơm bốc khói. Mấy đứa nhỏ chạy vô góc lấy bốn cái đòn ra
ngồi. Hạnh xới chén cơm, múc tô canh, lấy đôi đũa để một bên lâm râm mời chồng
về ăn cơm với gia đình. Lâu lắm rồi mới có người ngồi ăn chung với ba mẹ con
làm không khí trong nhà vui lên một chút. Anh ăn hết cơm, bỏ chén, chan canh mà
húp.
- Em nấu canh chua ngon quá, lâu rồi mới ăn một bữa đã như
thế này.
- Chắc nhờ em nấu với chuối hột đó.
- Em rảnh không?
- Dạ có gì không anh?
- Tí nữa anh muốn ra thăm Mẫn…
6.
Những tia nắng trưa óng ả, nhảy múa trên con sóng bạc đầu từ
dưới lòng biển sâu tràn vào bờ rồi ùa ra khơi rộng. Lâm chậm rãi đi bên Hạnh,
không nói không rằng, thả hồn vào những suy nghĩ mông lung, vô định. Bàn chân
anh dẫm lên bờ cát dài đầy sỏi lẫn với những mảnh vỏ sò nghe nhồn nhột lòng bàn
chân.
Đi ngang qua mấy cái thuyền thúng úp trên bờ cho ráo nước,
anh leo lên ngồi, cười toe toét. Tới vĩ tre phơi đầy cá, mực, anh dừng lại, hít
một hơi thiệt sâu, để cái mùi biển mằn mặn, thơm thơm, tanh tanh chạy thiệt sâu
vào lồng ngực. Mười mấy năm xa nhà, anh chưa một lần trở lại chốn này, mọi thứ
chung quanh đối với anh cứ nửa quen nửa lạ. Nhà anh đã bán, sáng nay đi ngang
qua, đứng thất thần nhìn khi cảnh cũ giờ không thuộc về mình nữa. Hồi đó, những
khi không phải ra khơi, bọn anh tụ năm tụ ba, chạy từ xóm này qua xóm khác trêu
đùa. Tối tối dưới trăng, mang rượu, cá khô ra nhậu trên bãi rồi trêu ghẹo cô em
gái làng chài da khét nắng, nhưng mặn mòi, khỏe mạnh, bơi như rái cá, chân dài
thẳng tắp, chạy trên biển nhanh hơn bọn còng gió khi thấy bóng người vội vã
chui xuống hang ẩn nấp. Bao mối tình nghèo bắt đầu từ những đêm trăng tròn vành
vạnh trên biển. Đám cưới rộn ràng trên cát, lãng mạn như một cuốn tiểu thuyết
diễm tình được chuyển thể thành những phim tình cảm Đài Loan sướt mướt.
Rồi anh đi theo tiếng gọi áo cơm. Xa quê, xa xóm chài, xa Hạnh-
mối tình chưa kịp ngỏ lời, bàn tay chưa đan chặt vào nhau, mắt chưa nhìn tình tứ,
môi chưa phơn phớt hôn trên đầu lưỡi cay nồng. Ba anh mất, cuộc sống hối hả, vật
lộn với cái guồng máy vội vã, anh cứ hẹn sẽ về, nửa năm sẽ về, rồi một năm, hai
năm, ba năm, cứ hẹn lần, hẹn lựa, hẹn cho qua ngày đoạn tháng, coi như đó là mục
tiêu phải phấn đấu của mình.
Để rồi mười mấy năm trôi vèo như giấc mộng. Nhìn lại, đã hơn
nửa đời người từ khi nào chả hay.
Bạn bè trương lứa giờ yên bề gia thất, vợ chồng con cái đuề
huề. Ngồi giữa bàn nhậu, nói vài câu thấy vô cùng lạc lõng. Không phải anh đặt
mình cao hơn họ vì đang sống ở một thế giới hiện đại, hào nhoáng chứ đâu phải
cái làng chài tanh rình mùi cá mắm. Nhưng thiệt ra hổng biết gì để nói. Mười mấy
năm không gặp, tình cảm phai nhạt dần. Nghe tụi nó khoe về mấy đứa con ngoan, mới
mấy tuổi đầu mà đan lưới thoăn thoắt, bơi thuyền thúng siêu khỏi phải nói, anh
chỉ cười. Anh nhắc lại chuyện cũ chẳng đứa nào buồn nghe. Cong đít chạy ăn ngày
hai buổi thở không ra hơi thì đâu rảnh mà ngồi nghe ba cái chuyện xa lơ xa lắc.
Hay là kể cho họ nghe về những cao ốc cao tầng hiện đại, xe cộ vun vút, những
trung tâm shopping sang trọng? Hay nói anh phải vất vả như thế nào để vừa học,
vừa làm, trang trải cuộc sống đầy áp lực, lo cho mẹ già và mấy đứa em cắp sách
tới giảng đường đại học?
Cảnh cũ, bạn bè năm xưa, nhưng anh thấy mình đã không thuộc
về nơi này nữa.
Anh đứng trước mộ. Đôi mắt Mẫn trong tấm hình trên bia đá ấm
áp nhìn thẳng vào anh, như chào mừng thằng bạn sau bao năm lưu lạc tìm về với
quê hương xứ biển. Nếu Mẫn còn sống, có lẽ giờ này hai thằng đã ngồi trong bàn
nhậu, cụng vài ly đế với mấy con mực một nắng, thủ thỉ chuyện đời.
Thôi thì mày yên nghỉ. Bữa nào tao vác chai rượu với mấy con
mực ra đây, rồi hai đứa mình nhậu giống như hồi trẻ heng.
Họ ngồi bên nhau không nói, chỉ có tia nắng chiều nghiêng
nghiêng rơi đầy trên tóc rối. Mùi nhang trầm nhè nhẹ vương lên áo. Ngoài khơi xa,
biển muôn đời vẫn thế, tỉ tê tự tình mãi với bờ.
Mình về thôi em…
7.
Hạnh về tới nhà thì trời đã xế chiều. Hai đứa nhỏ giờ chắc
còn ở trên ngoại. Cô ra ang nước rửa chén, quét nhà, lấy đồ ra giặt. Mệt mỏi,
cô vào phòng nằm lăn qua lăn lại. Cô ngủ lúc nào không hay.
Cô chập chờn thấy Mẫn. Anh mặc quần đùi và cái áo ka-tê rằn
như cái đêm anh la hét thét gào trong cơn đau đầu kinh khủng. Anh cứ đứng trước
ngõ hổng dám vô. Cô choàng dậy, nhào ra, nắm lấy tay anh, ôm chặt, nhưng mọi thứ
cứ lạnh tanh, không sức sống. Cô quắn quít:
- Anh! Anh đi đâu hơn cả năm nay không về thăm nhà? Bộ anh
không thương mẹ con em nữa hả? Em nhớ anh muốn chết luôn vậy đó. Anh đừng bỏ mẹ
con em mà đi nữa nhen.
Mẫn cười. Tiếng anh chậm rãi, lạnh như hơi gió từ ngoài khơi
thổi vào ngày trời lên cơn bão.
- Anh đâu có bỏ mẹ con em đâu. Anh vẫn ở bên cạnh mà. Em đi
đâu anh cũng theo đó chớ. Chỉ có điều anh không dám hiện ra vì lo em sợ…
Anh đưa tay vuốt tóc cô, những sợi tóc rối đan vào nhau khô
khốc. Anh sờ lên mặt, vuốt lên hai má gầy teo tóp, lắc đầu, tỏ vẻ buồn buồn.
- Em ráng ăn uống nhiều vô. Đừng có buồn nữa nhen. Nhìn em
như thế này anh không yên dạ tí nào hết.
- Dạ. Em nhớ rồi anh. Anh ăn uống gì chưa? Để em nấu canh
chua với cá dìa rồi kêu hai đứa nhỏ về ăn chung nhen.
Ngày nào cũng ăn với mẹ con em hết. Mà Hạnh nè, mai sau mãn
tang anh, nếu coi ai đó được thì tiến tới nhen. Anh không muốn em vò võ như thế
này. Con Ni con Na cũng cần một người cha dạy dỗ khi tụi nó lớn lên nữa chớ.
- Anh nói gì kì quá hà! Em đủ sức lo cho hai con mà.
- Nói ghở miệng chứ lỡ em bịnh tật thì ai lo cho con? Anh thấy
Lâm nó cũng tốt với em đó. Anh không ngăn cản gì đâu.
- Anh đừng nói thế mà tội nghiệp. Em không thương ai nữa hết.
- Thôi anh đi, trễ rồi em à…
- Anh Mẫn, anh Mẫn…Đừng…đừng đi…
Hạnh la lớn, nhưng tiếng gào cứ nghèn nghẹn trong cuống họng
không thoát ra ngoài. Cô thấy anh quay lưng, băng qua mảnh sân, ra ngoài cửa,
bước lên cồn cát, và mất hút sau mấy hàng dương. Cô muốn chạy ra, níu tay kêu
anh ở lại, nhưng sao mình mẩy đông cứng như một tảng đá, chả cựa quậy gì được.
Một đỗi sau, cô giật mình tỉnh giấc, mồ hôi ra như tắm. Thì ra là một giấc mơ.
Cô lên nhà trên đứng trước bàn thờ Mẫn, đốt cây nhang, nhìn
thẳng vào tấm hình thờ, đứng dựa lưng vào tường…
Và Hạnh khóc.
Những giọt nước mắt tủi hờn, thương nhớ sau bao ngày tưởng
đâu đã cạn, giờ chảy dài trên hai gò má hõm sâu. Hạnh gục đầu nấc lên từng tiếng.
8.
Sáng hôm sau, bán hết mớ cá, cô ghé hàng vải mua cho mình một
xấp mút-xa-lin in hình hoa cúc vàng tươi, tạt qua mua cho Ni và Na mỗi đứa hai
bộ đồ thun, rồi mua nửa kí thịt nạc về kho đổi món. Cô xách giỏ, đi về phía biển.
Trời trong vắt không gợn mây, nắng dìu dịu, hiền hòa không cuồn cuộn sóng. Cô
đi lên cồn, băng qua đồi dương, tới mộ Mẫn, lấy miếng khăn trong giỏ, lau sạch
bia mộ, gạt những trái dương đen thui qua một bên. Cô thủ thỉ vài điều, không
ai nghe thấy.
Hạnh về.
Dấu chân liêu xiêu in trên cát bỏng. Ngoài kia, hải âu nhởn
nhơ bay theo từng đợt sóng nhấp nhô.
Cô dừng lại bên ghềnh đá. Người làng kể, khi xưa bà Nữ Oa đội
đá vá trời, còn dư bao nhiêu bà đẩy xuống nơi đây tạo thanh những khối chất chồng
không hình dạng. Chỗ này, ngày đó, Mẫn cầm tay, hôn lên má, lên tóc, lên môi và
nói anh yêu cô nhiều lắm lắm. Anh thì thầm vào tai cô, em có yêu anh hông? Có
chịu làm vợ anh hông? Cô gật đầu trong niềm sung sướng vô bờ bến.
Giờ chỉ còn lại mình cô đứng lặng thầm trước biển. Nhưng cô
biết, trong tim, Mẫn chưa bao giờ mất. Anh mãi mãi thuộc về xóm chài nghèo khó,
thuộc về cô, và những người bạn lưới chài mỗi lần ra biển đều nhắc tới tên anh
và bao người nằm xuống trên mảnh đất này như kiếm tìm một sự bảo bọc, chở che.
Cũng như biển nơi này, mãi mãi là của riêng cô và của riêng
anh.
Hạnh quay bước về phía làng. Gió thổi mạnh, hàng dương sau
lưng rì rào một bản nhạc không rõ lời. Trưa đứng bóng, trời xanh thẫm không một
gợn mây, nắng phản chiếu lên con sóng vừa chồm vào bờ đá, tung bọt thành những
mảng màu vô cùng rực rỡ.
Biển của riêng tụi mình, Mẫn nhé!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét