QUANG ĐẶNG
Mấy tháng rồi chưa ra phố. Sáng nay định sẽ xuống nhà
sách Nguyễn Huệ mua vài cuốn truyện gởi cho người bạn. Đến ngã tư Pasteur- Lê Lợi
tôi không tin vào mắt mình: Một rừng lô cốt đang án ngữ khu trung tâm quận 1.
Hàng ngày đọc báo vẫn biết nơi đây đang thi công đường hầm Metro đầu tiên của
thành phố, biết thì biết vậy nhưng sao vẫn thấy ngỡ ngàng. Bước vào
Thương xá Tax, quang cảnh còn tiêu điều hơn. Những tủ kính trống hoác, những
gian hàng vắng người lặng lẽ, bà con tiểu thương thì đang hối hả đóng gói hàng
hóa. Ngày mai 25/9/2014 Thương xá sẽ chính thức đóng cửa sau hơn 100 năm hoạt động
và một phần diện tích cũng được phục vụ cho việc xây dựng Metro. Vẫn biết đó là
sự thay đổi cần thiết nhưng sao vẫn thấy xốn xang, khi một Sài Gòn thân thuộc
ngày một mất dần, ngày một lần lượt nối đuôi nhau vào quá khứ.
Đưa tay chụp vội những tấm ảnh cuối cùng của Thương xá Tax.
Nhìn lần cuối ánh đèn vàng lộng lẫy một thời nơi tiền sảnh tôi bước chân ra phố.
Từ mặt tiền của Tax, góc phố đẹp nhất của Sài Gòn đã biến mất trong rừng lô cốt.
Không còn bóng liễu rũ dưới vòng xoay phun nước. Không còn hàng cổ thụ thẳng tắp
trước Nhà hát thành phố. Không thể tản bộ thảnh thơi từ Nguyễn Huệ qua Lê Lợi,
Đồng Khởi trong một ngày xuống phố nữa rồi. Và từ Tax tôi cũng mất đi một
góc đẹp để hồi tưởng về ngôi nhà có căn gác gỗ nằm trên con hẻm nhỏ sau lưng
khách sạn Con tinental, ngôi nhà của Tuyết Anh, người bạn đầu tiên của tôi ở
Sài Gòn.
Bốn mươi năm với bao nhiêu người quen biết. Sài Gòn, lục tỉnh,
miền Trung, miền Bắc đều có…người thì để lại dấu ấn sâu đậm, người thì lướt qua
nhàn nhạt trong đời. Nhưng mọi tình cảm của tôi có với Sài Gòn đều bắt nguồn từ
một Sài Gòn rất cũ, ngày tôi mới tập tễnh làm cư dân của thành phố. Đó có
thể là người thầy đầu tiên, người bạn đầu tiên, ngôi trường đầu tiên…và cái thuở
ban đầu lưu luyến ấy đã hình thành một Sài Gòn đậm nét trong tôi.
Giã từ một trường trung học ở miền Trung, tôi ghi danh vào
trường Văn Học một trong những lò luyện thi lớp 11, 12 nổi tiếng của Sài Gòn bấy
giờ. Lần đầu nhìn ngôi trường mấy tầng lầu không một bóng cây xanh, đối diện với
bệnh viện Bình Dân tấp nập, xe cộ chạy như mắc cưởi trên đường Phan Thanh Giản
(nay là Điện Biên Phủ), tôi thấy nản vô cùng (Thoáng chút tiếc nuối khi nhớ đến
ngôi trường đầy bóng phượng vĩ ở miền Trung). Nhưng mọi thứ không bi quan như
tôi tưởng, ngôi trường mới ở Sài Gòn đem đến cho tôi nhiều điều thú vị bất ngờ.
Đầu tiên là thầy Hiệu trưởng Trần Bích Lan (nhà thơ Nguyên
Sa) phụ trách môn Luận lý học. Trong tâm tưởng của tôi, tác giả của những vần
thơ Tuổi mười ba, Paris có gì lạ không em, Tháng sáu trời mưa, Áo lụa Hà Đông…
phải là một người dáng cao gầy rất ư là nghệ sĩ. Ngoài đời thầy hơi mập, hay mặc
áo chemise trắng ngắn tay bỏ ngoài quần, chân đi dép da, không được đẹp trai
cho lắm. Nói chung tôi hơi bị thất vọng vì những ảo tưởng trước đây. Công bằng
mà nói giọng của thầy không được hay (thường thì giáo sư người Bắc giọng rất
hay) nhưng cách giảng của thầy thì thật tuyệt vời. Luận lý học là môn học mới mẻ
và khô khan, không hiểu sao lại trở nên dễ hiểu và vô cùng lôi cuốn qua phương
pháp giảng dạy của thầy. Và nhờ thầy, triết học trở thành môn yêu thích của
chúng tôi. Một thiếu sót rất lớn nếu không nhắc đến cô hiệu trưởng Trịnh Thúy
Nga, nàng thơ của thầy Nguyên Sa. Thỉnh thoảng tôi hay gặp cô ngoài hành
lang trong bộ áo dài lụa trắng. Không biết đó có phải thứ lụa mà thầy Lan
từng ca ngợi : Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát- Bởi vì em mặc áo lụa Hà
Đông…
Trường Văn Học cũng là nơi tôi gặp gỡ Tuyết Anh. Đó là mẫu
người trẻ điển hình của Sài Gòn: Năng động, văn minh, phóng khoáng. Một trong
những điều tôi thích nhất ở Tuyết Anh là tính cởi mở, không hề phân biệt dân tỉnh
hay thành phố. Khác với vẻ rụt rè của tôi, cô bạn sinh trưởng ở Sài Gòn này
toát ra vẻ tự tin hiếm thấy. Ăn mặc thì hippi, phim gì cũng biết, nhạc gì cũng
tường tận nhưng đồng thời cũng học rất giỏi. Chính Tuyết Anh là người đã phả
vào tâm hồn tôi những kiến thức đầu tiên về điện ảnh, âm nhạc, văn hóa của Sài
Gòn. Trong khi tôi còn mù mờ chưa phân biệt được người nào là Richard Burton,
người nào là Rex Harrison trong phim Cleopatra thì Tuyết Anh đã có thể đọc vanh
vách tên phim, tên của các ngôi sao ca nhạc, điện ảnh trong và ngoài nước thời
bấy giờ. Và thế là mỗi chiều cuối tuần, sau khi gởi xe đạp ở nhà Tuyết Anh,
ngôi nhà sau lưng K/S Continental ở công trường Lam Sơn tôi và Tuyết Anh xuống
phố. Chỉ cần dạo một vòng qua các rạp Eden, Rex, Lê Lợi là có nhiều phim hay để
chọn lựa. Hôm nào không có phim mới, chúng tôi lại vào rạp Vĩnh Lợi (trước nằm
cạnh B/V Sài Gòn ), nơi chuyên chiếu thường trực các phim cũ kinh điển rất hay.
Đó là Sài Gòn năm 1973. Một Sài Gòn còn thưa người và thanh
lịch. Hàng ngày từ một lưu xá nữ trên đường Lê Quí Đôn, tôi đi bộ dọc
theo đường Ngô Thời nhiệm, băng qua đường Lê Văn Duyệt (CMT8) đi thêm một đoạn
nữa là tới trường Văn Học trên đường Phan Thanh Giản. Những vỉa hè sạch rợp
bóng cây đường Lê Quí Đôn, tia nắng sớm rọi trên mái ngói đỏ trường
Saint-Exupery ở đường Ngô Thời Nhiệm, tóc nữ sinh bay bay trên những chiếc
xe PC…là những hình ảnh không bao giờ tôi quên. Giờ thì lưu xá nữ vẫn còn đó
nhưng cũ kỹ, nhếch nhác thế nào. Nhà hàng, quán nhậu, phòng trà thi nhau bung
ra từ những biệt thự cổ kính. Thỉnh thoảng ghé lại đường Bà Huyện
Thanh Quan kêu một ly chè đậu đỏ bánh lọt, vài cuốn bò bía sao không còn thấy
ngon như ngày trước, tại khẩu vị thay đổi hay tại mùi hương cũ đã bay đi.
Còn Tuyết Anh trong bức thư mới nhất gởi về từ Canada viết
“Sao mình nhớ Q! Nhớ Sài Gòn quá! Phố bây giờ ra sao?” Tôi không biết trả lời
như thế nào khi sáng nay đứng trước thương xá Tax, một góc phố để hồi tưởng về
bạn cũng không còn.
Trong 3 năm trọ học ở Sài Gòn, tôi đã trải qua rất nhiều địa
chỉ. Hồi còn trẻ mỗi lần di chuyển là mỗi lần phiền toái. Xáo trộn việc học, rối
tung mọi sinh hoạt. Giờ nghĩ lại thấy việc di chuyển nhiều cũng có cái hay của
nó. Đi nhiều, biết nhiều thì thương nhớ cũng nhiều. Ký ức về Sài Gòn của tôi
ngày ấy chỉ quanh quẩn có quận 3, Chợ Lớn, Phú Nhuận và quận 1. Ngày nay
tốc độ phát triển những nơi này chậm hơn so với nhiều quận huyện khác, nên vẫn
còn nhiều thứ để nhớ khi thỉnh thoảng tạt ngang qua.
Hôm rồi ghé vào quán bò viên trên con hẻm đường Nguyễn Thiện
Thuật, thấy một gương mặt quen quen sau chồng tô cao, chợt nhớ ra đó là thằng
nhóc con chủ quán trạc tuổi mình ngày trước, giờ có thêm mái tóc và hàm ria lún
phún bạc nên nhìn không ra. Hay có lần vô Chợ Lớn, đi ngang ngôi nhà số…đường Đồng
Khánh(Trần Hưng Đạo B) bỗng dưng nhớ Tiểu Muội. Nhớ căn gác có cửa sổ nhìn ra một
chung cư toàn người Hoa. Suốt ngày nghe trò chuyện, học tập, hát hò, cãi lộn đều
bằng tiếng Hoa. Đêm đêm thức khuya học bài nghe âm thanh Hồ Quảng réo rắt từ
chiếc casette của bà chủ nhà trọ, có cảm tưởng đang đi lạc vào một khu phố nào
đó ở Trung Hoa. Còn Tiểu Muội giờ ở đâu? Có quên cái lồng đèn đã tặng một chiều
mưa trên đường Triệu Quang Phục? Rồi chiều muộn nào ở giảng đường A 1 Đại học
Văn khoa, mê mẩn nghe giọng Duy Quang vẳng lên từ hội quán bài “Giết người
trong mộng”. Trong ký ức về Văn Khoa còn có sự tiếc nuối mất đi cơ hội được học
với những người thầy khả kính. Đó là thầy Nguyễn Trọng Văn dạy triết Tây dáng
cao như một diễn viên điện ảnh. Cha Thanh Lãng dạy Văn học sử thời Trung đại
thường mặc áo bốn túi. Thầy Nguyễn Duy Cần dạy triết Đông ăn mặc rất bình
dân …
Và nhớ nhất buổi chiều cuối cùng ở Sài Gòn khi đạp xe từ trường
Văn Khoa về Phú Nhuận. Hôm đó mưa rất lớn. Nước ướt nhòe mắt kính không chạy xe
được phải tấp vào một vỉa hè. Nhìn đôi ngã đường ray ở Cổng xe lửa số 6 chỉ muốn
khóc, khi nhớ đến cánh cổng khóa chặt nhà H Xưa vài giờ trước đó. Sài Gòn-
tháng tư lần đầu tôi biết thế nào là chia xa.
Năm năm sau tôi trở lại Sài Gòn. Khác với sự háo hức thời đi
học, lần trở lại này mang theo nhiều tan vỡ. Bắt đầu từ con số không, giấc mơ ổn
định nơi thành phố đất chật người đông này gần như là điều không tưởng. Nhưng
Sài Gòn không phụ ai cả, chỉ cần chịu khó một chút, cố gắng một chút ai
cũng có chỗ cho riêng mình.
Bên cạnh những nổ lực, gắn bó với Sài Gòn đôi khi còn là một
cơ duyên. Nhiều hôm chạy xe ngang qua cửa Đông số 11 chợ Bến Thành, tôi cố
chạy thật chậm để tìm lại mình của những ngày đầu mới bước chân vào chợ: Lớ ngớ,
cả tin, không chút kỹ năng sống. Đó là chợ Bến Thành những năm đầu thập niên
80, lúc xe ngựa Hóc Môn còn đậu bên đường Phan Bội Châu, lớp tiểu thương
trạc tuổi tôi ai nấy tóc đều đen nhánh. Thời gian như cái chớp mắt, không ngờ đời
mình đã gắn kết với đời chợ hơn 30 năm. Giờ thì tìm mỏi mắt những người cùng thời
ngày ấy. Đôi khi nhớ anh Hai Cà Ri quanh năm hay mặc cái áo thun ba lỗ màu trắng
dính bột cà ri vàng, nhớ nụ cười hiền hậu của cụ Tâm bán giò chả cửa Bắc, nhớ Mỹ
Kim bán chè hồi mới quen còn đôi quang gánh trên vai…Hàng hàng, lớp lớp
tiểu thương ngày ấy đã bỏ chợ mà đi. Người thì ra nước ngoài, kẻ thì về hưu và
cũng có những đám tang đi ngang chợ chào lần cuối.
Hồi mới có ý định nghỉ bán muốn rời chợ thật mau để nghỉ
ngơi. Giờ rảnh rang lại nhớ không sót một sạp nào ở bốn cửa Đông, Tây, Nam, Bắc.
Nhớ tiếng í ới của bạn hàng chào nhau sáng sớm, nhớ tiếng kỳ nèo giá cả đủ thứ
ngôn ngữ Anh, Pháp, Nga, Thái, Malaysia… của khách phương xa. Nhớ những ngày cận
tết chợ mở cửa suốt đêm bán vui quên cả về… Đôi khi nhớ cũng chỉ để mà nhớ, chứ
“ Kẻ Chợ” mà, mua bán lào xào có gì mà nhớ với thương!
Hôm rồi ngồi với một người bạn ở café Văn Thánh. Trời đang
mưa tầm tã bỗng hửng nắng. Người bạn cũng là dân miền Trung nhập cư đắc ý
nói: “Thương Sài Gòn chỗ đó, ngay cả thời tiết cũng lạc quan”. Ở một nơi quanh
năm không cần cái áo ấm, bão thì chỉ hăm he chứ chưa vào đã quyến rũ người tứ xứ.
Đến rồi ở lại rồi thành người Sài Gòn. Cái chất Sài Gòn thấm vào người từ từ
lúc nào không hay, đến khi bạn cũ vỗ vai “Ê dân Sài Gòn” mới thấy mình khác trước.
Suy nghĩ thoáng hơn. Ăn nói bộc trực hơn và được là chính mình hơn.
Có người hỏi tôi ở Sài Gòn lâu không chán sao? Câu trả lời
là gần như không có thì giờ để chán. Cuộc sống nơi đây như một giòng sông cuồn
cuộn chảy và lúc nào cũng lao về phía trước. Đã có lúc tiếc nuối khi mất đi một
góc phố đẹp, thấy trống vắng khi không còn hàng cổ thụ trên con đường đi lại mỗi
ngày, ngẩn ngơ khi Passage Eden bị đập bỏ…Rồi cái mới xuất hiện. Thoạt tiên thấy
lạ, lâu dần thấy thích nghi. Như Eden một thời vang bóng đã nhường chỗ cho
Vincom sang trọng. Như dòng kênh xanh Nhiêu Lộc- Thị Nghè đã xóa đi quá khứ bùn
lầy nước đọng. Như mỗi lần quay lại chợ Bến Thành là mỗi lần ngạc nhiên khi thấy
lớp tiểu thương con cháu giỏi dang hơn thế hệ của mình.
Sài Gòn bây giờ rộng lớn và đông hơn nhiều so với trước năm
75. Có lần xuống Gò Vấp tìm địa chỉ nhà một người bạn, tìm hoài chẳng thấy chỉ
thấy mình ngơ ngác giữa bốn bề người là người. Đi dạo dọc bờ sông khu Trung Sơn
gió mát tưởng đang ở đường Trần Phú Nha Trang. Lang thang ở Phú Mỹ Hưng thì cứ
ngỡ đang ở Singapore hay Hàn Quốc. Rồi quận 2, quận 7, quận 9, Tân Phú… có những
địa danh chưa một lần bước tới. Bản chất Sài Gòn là thế. Hoài niệm thì vẫn cứ
hoài niệm nhưng thay đổi vẫn cứ đổi thay.
Có người quen ở xa về chê Sài Gòn đủ thứ. Chê lần 1, lần 2
thấy đúng, nhưng đến lần thứ 3 thì hơi bị buồn. Làm sao tránh khỏi những tiêu cực
khi Sài Gòn như một chỗ trũng thu hút hết mọi cái tốt lẫn cái xấu của cả nước?
Nhưng bên cạnh những mảng tối, không ai có thể phủ nhận rằng Sài Gòn chính là
vùng đất màu mỡ của cơ hội, có kẻ bỏ đi nhưng cũng lắm người trân quí.
Nếu được chọn lần nữa, tôi vẫn chọn Sài Gòn làm nơi ở lại.
Không quá quen thuộc để nhàm chán. Không quá xa lạ để cô đơn. Mọi người cứ thế
lướt qua nhau ung dung mà sống. Mỗi buổi sáng tôi vẫn tập thể dục ở công viên
23/9, vẫn thong thả đi bộ hít thở khí trời dưới những vòm cây xanh mát. Vẫn thản
nhiên trước không khí ồn ào, xe cộ tấp nập chỉ cách đó vài bước chân của khu phố
Tây Phạm Ngũ Lão. Sài Gòn là như vậy đó. Mặc cho ai ngoảnh mặt, mặc cho ai
thương nhớ Em ra đi nơi này vẫn thế!* phải không người bạn ngày xưa?
*Nhạc Trịnh Công Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét