Thứ Tư, 3 tháng 12, 2014

CỦA BÁU VÔ CÙNG VÔ TẬN


Thiền sư Thạch Ốc đi ra ngoài, gặp một người lạ, mải trò truyện nên trời tối lúc nào không hay. Hai người đành nghỉ trong quán trọ. Đến nửa đêm, thiền sư Thạch Ốc nghe có nhiều tiếng động bèn hỏi:
- Trời sáng rồi sao.
Người kia đáp:
- Chưa, giờ đang là nửa đêm.
Thiền sư Thạch Ốc ngẫm nghĩ, người này trong lúc đêm tối dậy mò mẫm nhất định là người kiến đạo rất cao, phải chăng là một vị La Hán? Bèn hỏi:
- Rốt cuộc thì người là ai?
Nhưng không ngờ, người kia lại đáp:
- Ta là kẻ trộm.
Thiền sư Thạch Ốc nói:
- Ồ, thì ra là kẻ trộm, nãy giờ người trộm được mấy lần?
Kẻ trộm đáp:
- Không nhớ rõ.
Thiền sư hỏi:
- Mỗi lần ăn trộm, người hưởng thụ vui thú được bao lâu?
Kẻ trộm đáp:
Điều đó còn phải tùy vào thứ lấy trộm đáng giá thế nào.
Thiền sư hỏi:
- Lúc vui thú nhất có thể kéo dài được bao lâu?
Kẻ trộm đáp:
- Chỉ được vài ngày thôi.
Thiền sư nói:
- Thì ra chỉ là kẻ trộm vặt, sao không làm một mẻ trộm cho thật lớn?
Kẻ trộm hỏi lại:
- Ngài có kinh nghiệm gì không? Ngài đã ăn trộm cả thảy mấy lần?
Thiền sư Thạch Ốc đáp:
- Chỉ một lần.
Kẻ trộm hỏi giọng nghi hoặc:
- Chỉ mỗi một lần ? Như vậy đã đủ được sao?
Thiền sư đáp:
- Tuy chỉ một lần nhưng dùng cả đời không hết.
Kẻ trộm liền hỏi:
- Thứ ấy trộm ở đâu? Chỉ cho tôi biết được không?
Thiền sư Thạch Ốc liền túm lấy ngực kẻ trộm bảo:
- Ngươi có hiểu không? Đây chính là báu vật vô cùng vô tận, người đã dâng hiến cuộc đời cho sự nghiệp thì suốt đời dùng không hết. Ngươi hiểu chứ?
Kẻ trộm nói:
- Dường như hiểu mà cũng dường như còn chưa hiểu. Nhưng cảm nhận như vậy lại khiến người ta thấy rất thoải mái...
Sau đó kẻ trộm cảm thấy hối hận và anh ta quy y làm một thiền tăng.

Con người cứ luôn tham lấy những vật ngoài thân, còn báu vật bản thân thì lại không cầu đến. Bản thân mình mới là báu vật vô cùng vô tận.