Thứ Bảy, 13 tháng 12, 2014

Những bài học thiên văn

Anne Cushman


Vài tháng trước, vào một buổi tối mùa xuân trời trong, tôi dẫn đứa con trai 6 tuổi của mình, Skyle, đến trung tâm không gian Chabot Space and Science Center ở vùng Berkeley để quan sát Thổ tinh (Saturn) qua chiếc kính thiên văn dài 28 bộ Anh.

Bầu không gian là niềm say mê mới nhất của bé Skyle. Nó thường mải mê vùi đầu trong những quyển sách với tựa đề như là “Một trăm điều bạn cần biết về không gian”, hay là chơi với những tấm thẻ, một mặt có in hình chiếc viễn vọng kính Hubble Scope, mặt bên kia là câu đố như là, “Sự bùng nổ của ngôi sao, super nova, được cấu tạo như thế nào?” “Làm thế nào các khoa học gia biết được một dãy thiên hà đang xoay theo chiều nào?”... 

Bầu không gian không phải là một đề tài tôi thường chú ý, vì vậy mà những quyển sách của bé Skyle – nó bắt tôi đọc cho nghe sau buổi ăn chiều – thường mang lại cho tôi nhiều điều mới lạ. “Chất đen, dark matter, là tên đặt cho những vật ngoài vũ trụ, vì các khoa học gia tuy biết rằng chúng có mặt, nhưng không thể tìm thấy chúng” Hoặc là, “Các khoa học gia có thể đoán được vũ trụ này có bao nhiêu vật thể (matter) bằng cách đo lường sự chuyển dịch của các thiên hà. Điều này cho ta thấy, tất cả những vì sao và hành tinh chỉ là một phần rất nhỏ của vũ trụ. Phần lớn còn lại là vô hình.” 
Câu nói ấy đã khiến cho tôi suy nghĩ hết trọn một tuần. Và tôi cũng kinh ngạc là tại sao các khoa học gia vẫn chưa trở thành những tu sĩ huyền bí, quỳ sụp xuống và tôn thờ những chiếc viễn vọng kính của họ!
“Bên ngoài vũ trụ còn có gì nữa không?” Chúng tôi cũng đọc cùng trong một quyển sách ấy của Skyle. “Các khoa học gia vẫn còn suy đoán, bằng cách dựa trên những manh mối còn sót lại sau khi vũ trụ được sanh ra. Nhưng họ tin chắc rằng, nơi ấy hoàn toàn không có thời gian, cũng không có khoảng cách và vật thể.” 
Câu chót ấy nghe sao giống như một lời kinh xưa, vọng ra từ trong một thiền viện, tụng theo nhịp mõ vang vang. Nhưng thật ra tôi đang đọc cho bé Skyle nghe nơi chiếc bàn ăn trong nhà bếp, trong khi nó đang say mê gặm nhắm miếng bánh màu hồng có dạng một trái trứng mà nó tin rằng có một con thỏ to thần bí nào đó đã giấu trong nhà chúng tôi vào buổi sáng Easter. Mà đâu ai có thể trách nó được? Trong một thế giới của vụ nổ lớn, Big Bang, và những đường hầm thông thương, wormholes, kết nối các vũ trụ khác lại với nhau, thì tôi cũng có thể tin vào sự có mặt của một con thỏ to huyền bí được chứ!
Tôi và bé Skyle đi đến đài trung tâm thiên văn Chabot với đứa bạn thân cùng tuổi, Alex, cũng say mê khoa học như nó. Bé Alex thì lại rất đam mê về môn vi trùng học, microbiology. Những món đồ chơi của nó là những con vi khuẩn nhồi bông, đủ mọi loại, mọi chứng bệnh.
Skyle và Alex đã làm bạn với nhau trước khi chúng biết đi, khi tôi và má nó thường bế hai đứa ra chơi ngoài công viên gần nhà. Vào năm ba tuổi, Alex bị chẩn đoán với căn bệnh loạn dưỡng cơ (muscular dystrophy) và hiện giờ đang được chữa trị theo một phương pháp genetic còn trong vòng thử nghiệm. Và điều đó có nghĩa là trong vòng mười năm tới, sự thành công hay thất bại cũng đồng nghĩa với sự sống chết của nó. 
Bé Alex không chạy nhanh như chúng bạn, và nó cũng gặp khó khăn khi bước lên những bậc thang. Nhưng trước những chuỗi cười giòn tan, thường không ai nhớ đến căn bệnh mà nó đang mắc phải.
Bé Skyle cũng có vấn đề riêng của nó, mặc dầu không đến nỗi nguy hiểm đến mạng sống. Lúc ba tuổi, nó phải đi điều trị vấn đề về sự phối hợp giác quan, sensory integration. Hệ thần kinh của nó quá nhạy cảm và có một kết cấu hơi khác thường. Nó có thể nghe được tiếng dòng điện chạy vang trong tường, khi ngủ phải cần những tấm màn che thật tối, và tôi vẫn thường bồng nó khóc la ra khỏi những buổi tiệc sinh nhật vì tiếng ồn lớn. 
Bây giờ thì mọi việc đều đã trở nên khá bình thường. Nhưng trong những năm tháng qua, tình bạn giữa nó và bé Alex là chỗ nương tựa cho cả hai, chúng cùng vui đùa và chia sẻ những say mê lẫn các khó khăn của nhau.
Chúng tôi đến nơi khi bầu trời đêm cũng vừa buông xuống trên mái vòm to của đài thiên văn Chabot. Đây cũng là nơi đặt chiếc kính thiên văn lớn nhất Hoa Kỳ và được mở cửa cho công chúng đến xem. Trong khi sắp hàng đứng chờ, Alex và Skyle thi nhau đố chúng tôi những câu hỏi về Saturn: những vòng đai chung quanh Saturnđược làm thành bởi những tảng băng và đá. Saturn to hơn trái đất gấp 800 lần, nhưng nó rất nhẹ, nếu như ta thả vào một đại dương vĩ đại thì nó vẫn nổi trên nước. 
Skyle quay sang nói chuyện với một phụ nữ đứng phía sau, chừng ba mươi tuổi, có lẽ cũng là một thành viên thiên văn “chuyên nghiệp” như nó. Cả hai bàn với nhau về 62 mặt trăng của Jupiter và về Proxima Centauri, ngôi sao gần nhất với mặt trời chúng ta, cách xa khoảng chừng 4 năm ánh sáng. 
“Cháu có biết nếu ta tính ra bằng dặm là nó cách xa bao nhiêu không?” Cô ta hỏi. 
Skyle nhíu mày suy nghĩ: “Nếu tính ra bằng dặm, ta phải nhân lên 186.000 dặm cho mỗi giây, nhân với 60 giây trong một phút, nhân với 60 phút mỗi giờ, nhân với 24 giờ trong một ngày, nhân với 365 ngày trong một năm, và rồi nhân lên cho 4 năm. Cháu không tính nhẩm trong đầu được. Có nhiều con số không quá!”
Đến phiên chúng tôi, từng người một thay nhau leo lên một chiếc thang dựng đứng và bước đến đặt mắt nhìn qua ống nhòm của chiếc viễn vọng kính. 
“Má! Má phải xem cái này!” Skyle há hốc miệng! 
Tôi đặt mắt vào ống nhìn và qua chiếc kính viễn vọng, 900 triệu dặm xa, là hành tinh Saturn – màu vàng sáng, với những vòng đai và chói sáng như một viên kẹo. Chung quanh nó là năm đốm sáng, những mặt trăng lớn nhất của Saturn.
Trong khi ấy, tầng bên ngoài phía trên, một số đông những người mê thiên văn đã bắt đầu tụ họp. Họ mang theo những chiếc kính riêng của mình, đặt nhắm lên bầu trời đêm hướng về những vật thể của thiên đàng. Giống như là một buổi hội thiên văn vậy. Bé Skyle và Alex đua nhau chạy từ chiếc kính thiên văn này sang cái khác, đặt mắt vào nhìn rồi la lên câu gì đó vô nghĩa. Một trò chơi bí mật nào đó mà chỉ có chúng mới hiểu với nhau.
Ánh trăng thật sáng, dường như ta có thể đọc sách được. Bé Skyle và Alex tạm thời chán với bầu không gian, chúng thi nhau tập trò chống tay lộn nhào trên sân. Tôi và má của Alex ngồi trên một bờ tường xi măng thấp, nhìn chúng chơi với nhau: Hai đứa bé cũng bí mật và vô thường như những hành tinh quay tròn ngoài không gian vô tận kia. Cơ thể của chúng cũng được làm bằng cùng những vật thể cấu tạo nên các vì tinh tú, đã được tôi luyện trong một mặt trời xa xưa. Tôi tưởng tượng đến sự kinh ngạc của nhà thiên văn đầu tiên khi đặt chiếc viễn vọng kính lên bầu trời đêm và khám phá ra Saturn với những vòng đai của nó. Hàng triệu năm qua, loài người chỉ thấy nó như là một điểm sáng trên bầu trời đêm, như một vị thần linh mà sự di chuyển của nó có thể mang lại tai hoạ cho con người.
Những năm trước, có lần tôi hỏi má của Alex, làm sao chị vẫn có thể giữ được niềm an vui và tự tin, trong khi phải săn sóc cho bé Alex – lo chữa trị, chở nó đi bác sĩ, giữ cho nó được khoẻ mạnh, cầu nguyện cho một ngày nào đó khoa học sẽ tìm ra thuốc chữa. Chị mỉm cười đáp: “Không ai có thể biết chắc được mình sẽ có bao nhiêu thời gian với con mình. Tôi chỉ cố gắng tập cho mình có hạnh phúc trong mỗi ngày.”
Ngồi nhìn chúng nó lộn nhào dưới ánh trăng, một câu kinh trong nhà Thiền chợt đến với tôi: “Trong ánh sáng, bóng tối cũng có mặt, nhưng ta không cần phải tìm hiểu bóng tối. Ngay giữa bóng tối, ánh sáng vẫn hiện hữu, nhưng ta không cần phải đi tìm ánh sáng.”
Đâu ai thật sự biết được trọng lực, gravity, là gì! Quyển sách thiên văn của Skyle nói như thế. Nó chỉ là một tên gọi mà chúng ta tạm đặt cho một lực hút giúp cho mặt trăng quay chung quanh trái đất, và trái đất quay chung quanh mặt trời – nó giữ cho những vật thể trong vũ trụ ở lại với nhau, thay vì là lao vút đi vào một nơi xa thẳm trong không gian.
Nhìn bé Skyle và Alex đùa chơi với nhau, tôi có chút xót xa với ước mong sẽ bảo vệ cho chúng lúc nào cũng có hạnh phúc và an toàn, giữa một cuộc sống đầy dẫy những tai nạn xe hơi, vi khuẩn, súng đạn, hiếp đáp và những chứng bệnh bất trị. Đó là một ước vọng quá to tát mà tôi không thể nào tính được, có nhiều con số không quá!
Việc mà tôi có thể làm là thật sự có mặt với tất cả: cảm nhận được trong tim về những gì tôi biết đang hiện hữu trong vũ trụ này, chúng có mặt rất đầy đủ, mặc dù mình không thể nhìn thấy. Nhìn sâu vào chiếc viễn vọng kính tôi thấy có những vì sao đã chết đi và đang sinh trở lại, cách đây hàng trăm năm ánh sáng.