Nghiên cứu mới nhất của tổ chức nghiên cứu y khoa phi lợi
nhuận Cochrane cho thấy loại thuốc đặc trị cúm Tamiflu do hãng Roche của Thụy
Sĩ sản xuất có hiệu quả không đáng kể.
Nghiên cứu này vừa được đăng tải trên chuyên san y khoa uy
tín hàng đầu thế giới British Medical Journal (BMJ). Đây là cuộc chiến dài hơi
giữa Cochrane - BMJ với Roche. Từ năm 2009, chuyên san này đã đăng tải một số
nghiên cứu nghi ngờ về hiệu quả của Tamiflu (tên thương mại của hoạt chất
oseltamivir) và những tác dụng phụ bị “lờ” đi của thuốc này. Năm 2012, một phân
tích của Cochrane trên BMJ cáo buộc Roche không công bố toàn bộ các nghiên cứu
lâm sàng liên quan đến Tamiflu. Nói cách khác, đại gia ngành dược Thụy Sĩ chỉ
cho đăng tải những kết quả cho thấy lợi ích của loại thuốc này. Nhờ lập lờ với
“một nửa sự thật”, Tamiflu đã trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều quốc gia để
dự trữ nhằm đối phó với các dịch cúm A/(H5N1) và A/(H1N1).
Chẳng khác gì giả dược
Sau 3 năm liên tục gây áp lực, sau cùng, Cochrane và BMJ
cũng được Roche cung cấp tài liệu của các nghiên cứu về oseltamivir, trong đó
có nhiều phần chưa được công bố. Cùng lúc đó, Cochrane cũng nhận được các tài
liệu tương tự liên quan đến thuốc Relenza (hoạt chất zanamivir) do hãng
GlaxoSmithKline (GSK) của Anh sản xuất. Relenza tuy không nổi tiếng bằng
Tamiflu nhưng cũng là một “ngôi sao” trong số các dược phẩm chống cúm và được
nhiều quốc gia dự trữ. So với những nghiên cứu đã được Roche “bật đèn xanh” trước
đây, các tài liệu được Cochrane phân tích lần này đáng tin cậy hơn vì có những
dữ liệu để so sánh như trường hợp các bệnh nhân được điều trị bằng giả dược
(placebo - giả dược được làm từ chất trơ, vô hại, không có dược tính, thường được
dùng trong nghiên cứu y khoa để đối chứng với các loại dược phẩm đang được thử
nghiệm).
Kết quả là cả 2 loại thuốc kể trên không chứng tỏ hiệu quả
cao hơn so với hoạt chất cực kỳ phổ biến và rẻ hơn nhiều là paracetamol. Chẳng
những vậy, Tamiflu và Relenza chỉ giúp bệnh nhân giảm các triệu chứng bệnh khoảng...
hơn nửa ngày so với giả dược (6,3 ngày so với 7 ngày). Loại thuốc này còn bị
các nhà khoa học của Cochrane cho rằng có thể gây các tác dụng phụ như buồn
nôn, nhức đầu, thậm chí dẫn đến các vấn đề về thận và thần kinh.
Ngoài ra, lý do để các quốc gia dự trữ Tamiflu được dựa trên
những báo cáo của Roche cho thấy hiệu quả làm giảm các biến chứng nguy hiểm có
thể gây tử vong của cúm như viêm phổi, viêm phế quản. Tuy nhiên, trên thực tế,
nhóm Cochrane cho biết các tài liệu được cung cấp không hề cho thấy chứng cứ
thuyết phục về hiệu quả này. Đài Radio Canada dẫn lời Giáo sư Khoa Y học cộng đồng
của Đại học British Columbia (Canada) Barbara Mintzes nhận định: “Các chính phủ
đã chi hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ USD cho các loại thuốc kém hiệu quả.
Nghiên cứu của Cochrane có thể xem là bước tiến lịch sử hướng đến sự minh bạch
của ngành công nghiệp dược phẩm”.
Phất lên nhờ dịch cúm
Ngoài Cochrane, nhiều chuyên gia uy tín trên thế giới đã đặt
dấu hỏi về hiệu quả thật sự của Tamiflu từ nhiều năm qua. Trong bài viết trên
báo mạng Slate, bác sĩ Jean-Yves Nau của Pháp nhận định: “Trước khi xảy ra các
dịch cúm hoặc cảnh báo dịch, hầu như công chúng chẳng mấy ai biết đến Tamiflu.
Mọi việc hoàn toàn thay đổi khi chủng vi rút cúm A/(H5N1) mới xuất hiện năm
2006 bị cảnh báo có nguy cơ lây từ chim chóc, gia cầm sang người. Khi ấy, theo
khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các nước bắt đầu đổ xô trữ Tamiflu
và chấp nhận mức giá đắt một cách vô lý.
Sau cú hích này, Tamiflu thật sự “thăng hoa” nhờ dịch cúm
A/(H1N1) vào năm 2009”. Theo chuyên gia Nau, sau khi Tamiflu đã được chất đầy
kho ở nhiều nước, các bác sĩ đã nhận thấy những điểm bất thường khi chỉ định loại
thuốc này trong điều trị cúm. Chẳng hạn, các bệnh viện của Pháp đã ghi nhận nhiều
trường hợp vi rút cúm kháng thuốc, dù Tamiflu rất ít được dùng trong điều trị
cúm mùa thông thường. Như vậy, vi rút “bỗng nhiên” kháng lại loại thuốc này hay
thực sự Tamiflu không hiệu quả?
Trước các kết luận trong nghiên cứu của Cochrane, Roche đã
ra thông cáo để phản đối và khẳng định vẫn “dựa trên những dữ liệu đáng tin cậy
về lợi ích của Tamiflu và quyết định cho phép lưu hành của các cơ quan quản lý
dược phẩm trên thế giới”. Phát ngôn viên Robert Strang của Roche nói hiệu quả của
loại thuốc này đã được chứng minh trong dịch cúm năm 2009. Còn chuyên gia Bruno
Lina (Trung tâm nghiên cứu cúm quốc gia Pháp) nhìn nhận tuy chưa có thử nghiệm
lâm sàng thật sự chứng minh công dụng của Tamiflu đối với những ca bị cúm nặng
nhưng năm 2009, Nhật Bản, nước chủ trương cho dùng thuốc này hàng loạt, cũng là
quốc gia có tỷ lệ tử vong vì cúm A/H1N1 thấp nhất.
Doanh thu “khủng”
Tamiflu thật sự là “con gà đẻ trứng vàng” của Roche. Theo
Đài truyền hình RTS của Thụy Sĩ, tính từ năm 1999, doanh thu của loại thuốc này
đã đạt khoảng 15,9 tỉ USD. Đáng chú ý là vào dịch cúm A/(H1N1) năm 2009,
Tamiflu tăng doanh số gấp 3 lần so với năm 2008, góp phần quan trọng giúp Roche
tăng doanh thu của quý 3/2009 lên 9% so với cùng kỳ năm trước.
nguồn: http://www.thanhnien.com.vn
2 nhận xét:
thế nhưng thuốc tamiflu luôn luôn trong tình trạng cháy hàng ở việt nam và giá luôn bị đội lên mấy lần???
lựa chọn đầu tay của các bác sĩ điều trị cúm đều là thuốc tamiflu , nếu không tốt tại sao bác sĩ mãi bị thao túng như thế admin có thể chia sẻ thuốc tốt hơn k? Trong những năm gần đây năm nào tamiflu 75mg cũng cháy hàng cho thấy roche chắc chắn có nguồn lợi nhuận siêu khổng lồ rồi.
Đăng nhận xét