Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

Chủ nghĩa ngoại lệ (exceptionalism) - như một thách thức lớn đối với giáo dục Việt Nam

GS Thomas J. Vallely dạo bước trên đường phố Sài Gòn cùng Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong chuyến thăm Việt Nam của ông Kerry tháng 12-2013
TTCT - Năm 1985, hạ nghị sĩ bang Massachusetts (Mỹ) Thomas J. Vallely, một cựu lính thủy đánh bộ trong chiến tranh, lần đầu trở lại Việt Nam để làm một bộ phim quảng cáo ngắn cho cuộc chạy đua vào Quốc hội Mỹ năm sau. Cuộc chạy đua thất bại nhưng chuyến đi đó gieo lại trong ông mong muốn được làm điều gì đó với Việt Nam, khởi đầu một sự gắn bó dài hơn 27 năm sau đó. Tối 24-3 vừa rồi, Giải thưởng Phan Châu Trinh 2014 về văn hóa và giáo dục đã ghi nhận những đóng góp quan trọng của ông cho giáo dục đại học ở Việt Nam.

Những giá trị nền tảng nhất định
*Trong diễn từ nhận giải, ông đề cập tới chủ nghĩa ngoại lệ (exceptionalism) - tự coi mình đặc biệt - như một thách thức lớn đối với giáo dục Việt Nam. Xin ông nói rõ hơn về điểm này.
- Trong diễn từ, tôi đề cập cả chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ (tự coi mình là đặc biệt) và chủ nghĩa ngoại lệ Việt Nam, tôi nghĩ từng nước đều có chủ nghĩa ngoại lệ của riêng mình.
Khi một nước cân nhắc cách thức đổi mới các trường đại học, họ nên nhớ đến những nguyên tắc nền tảng - ví dụ như tự do học thuật, cơ chế tự chủ, cơ chế trách nhiệm đối với xã hội... - vốn được tất cả các trường đại học hàng đầu thế giới cùng chia sẻ. Các nguyên tắc, giá trị này không giới hạn ở phạm vi khu vực. Điều đó không có nghĩa là các trường đại học không cần để ý tới các điều kiện văn hóa xã hội.
Tuy nhiên, các trường đại học tốt nhất thế giới, dù là ở Boston, Berlin hay Bắc Kinh đều có những giá trị nền tảng nhất định. Một cách để tránh cái bẫy tư duy ngoại lệ này là phải so sánh mình với các nước khác bằng cách tham gia các chương trình thi cử quốc tế hay phấn đấu để được các tổ chức quốc tế thừa nhận. 

* Ông có thể nói thêm vài ví dụ về chủ nghĩa ngoại lệ mà ông thấy ở Việt Nam?
- Tôi lấy ý tưởng về chuyện ngoại lệ từ một bài báo của giáo sư Hoàng Tụy miêu tả tại sao ông thấy ngao ngán vô cùng khi nghe chức danh “giáo sư, tiến sĩ” ở Việt Nam. Theo nghĩa đó, ở Việt Nam tạo ra hệ thống riêng về cách quy định giáo sư (ở các nước hàm giáo sư là do các trường phong) mà không làm như thế giới vẫn làm, nói cách khác Việt Nam theo cái ngoại lệ tự nghĩ ra. Khi tự bó hẹp trong thế giới của mình mà vẫn nghĩ là mình giỏi thì đó chính là biểu hiện của chủ nghĩa ngoại lệ.
Khi tự nghĩ ta có thể tạo ra một nhóm các học giả với luật lệ riêng của mình mà không nơi nào trên thế giới làm thì đó là chủ nghĩa ngoại lệ. Và Việt Nam có hệ thống giáo dục đại học nghĩ mình là ngoại lệ vậy.
Hãy nhìn giáo sư Ngô Bảo Châu và Đàm Thanh Sơn, họ không hề theo chủ nghĩa ngoại lệ. Họ hòa vào với thế giới. Họ đang dạy ở Đại học Chicago - đó là địa hạt của kiến thức thế giới. Hai giáo sư đó không cần chủ nghĩa ngoại lệ và họ nổi tiếng trên toàn thế giới. Chủ nghĩa ngoại lệ là cái cách mình chối bỏ và nói “tôi không muốn làm điều đó”. Tôi nghĩ là ở Việt Nam mọi người hay tự nghĩ là mình “ngoại lệ”. 

Nghị quyết mới đây của Ban chấp hành Trung ương Đảng (nghị quyết số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được giáo sư Hoàng Tụy - một người phê phán mạnh mẽ những thất bại của nền giáo dục Việt Nam - đánh giá là nghiêm túc và toàn diện nhất trong vài thập kỷ qua. Ông có đồng ý với giáo sư Hoàng Tụy về điểm này?
- Từ những gì tôi biết thì nghị quyết đó đưa ra chiến lược rất tốt cho giáo dục Việt Nam ở mọi cấp độ. Trong hơn một thập kỷ qua, Việt Nam đã đưa ra một số chính sách, luật và nghị định liên quan tới giáo dục như nghị định 14, Luật giáo dục đại học hay gần đây là nghị quyết 29. Nhưng thách thức đối với Việt Nam không phải là chuyện diễn giải chính sách mà thường là ở chuyện thực hiện các chính sách. 

* Có cái bẫy hay trở ngại nào có thể làm trật một chiến lược tốt? Có điều gì cần cẩn trọng?
- Ở Việt Nam và nhiều nước đều có xu hướng coi giải pháp với giáo dục đại học là câu chuyện nguồn lực, rằng đầu tư nhiều nguồn lực sẽ dẫn tới kết quả tốt hơn. Nguồn lực là cần thiết nhưng đó không phải là yếu tố quan trọng duy nhất. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều lần rằng quản trị giáo dục có lẽ là thành tố quan trọng nhất. Và đó cũng là yếu tố rất khó được đưa ra đúng mức trong chính sách giáo dục đại học. 

* Những vấn đề của hệ thống giáo dục Việt Nam (nhuốm màu tiền bạc, thiếu tự do học thuật, quản trị giáo dục kém...) đã được nêu ngày càng nhiều gần đây. Nhưng có điểm sáng nào mà ông thấy có thể dựa vào cho thay đổi?
- Rõ ràng tài nguyên lớn nhất của Việt Nam, trong giáo dục hay trong mọi lĩnh vực khác, là con người Việt Nam. Nơi nào trên thế giới tôi đi tôi cũng gặp những sinh viên và chuyên gia Việt Nam rất tài năng. Chuyện thành bại của Việt Nam trong xây dựng hệ thống giáo dục đại học có thể hỗ trợ cho phát triển kinh tế và chuyển dịch xã hội phụ thuộc vào khả năng chính quyền có thể thu hút một tỉ lệ những người trẻ tài năng theo đuổi sự nghiệp trong giáo dục đại học.
Đặc biệt quan trọng là những người trẻ đang theo đuổi các cấp độ học trên đại học ở nước ngoài. Họ là thế hệ những học giả và nhà khoa học tiếp theo của Việt Nam. 

* Ông bắt đầu ở Việt Nam bằng việc thiết lập Chương trình Fulbright, sau đó là Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, Quỹ học bổng VEF rồi giờ là Đại học Fulbright. Tầm nhìn của ông với giáo dục Việt Nam sau hơn 20 năm có gì thay đổi không?
- Tôi đã và sẽ luôn tin tưởng vào sức mạnh của việc trao đổi học thuật. Đầu tư vào giáo dục cho con người là đầu tư cho tương lai của đất nước. Cùng lúc, càng làm việc lâu ở khu vực này, tôi càng nhận thấy giới hạn của trao đổi học thuật. Việc chỉ gửi số lượng lớn người đi du học nước ngoài không đảm bảo chất lượng các cơ sở giáo dục trong nước sẽ tăng lên.
Một phần thách thức lớn của cải thiện giáo dục đại học là tạo môi trường để dẫn đến chất lượng học thuật xuất sắc. Đó là điều chúng tôi đang cố làm tại Trường Fulbright và là điều chúng tôi sẽ cố làm ở quy mô lớn hơn tại Đại học Fulbright. 

* Những gì ông nói liệu có vẻ ngoại giao quá?
- Không. Tôi tạo nên được sự nghiệp là nhờ chuyện phê phán Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực giáo dục mà cả về kinh tế... Nếu không có những lời phê phán đó thì tôi không nghĩ chúng tôi có bất cứ ảnh hưởng gì. 

* Có điểm nào trong chiến lược giáo dục mới khiến ông chú ý?
- Tôi nhớ nghị quyết 14/2005 của Chính phủ về đổi mới giáo dục mà cuối cùng thì dường như chẳng được thực hiện. Bản thân nghị quyết đó tốt nhưng cuối cùng vấn đề luôn là triển khai.
Nếu về nghị quyết có lẽ tôi sẽ viết khác đi về vấn đề nhân lực. Tôi cũng nghĩ là chuyện tự chủ (đại học) là không đủ, cần nói về quản trị giáo dục. Ở Việt Nam, hệ thống quản trị giáo dục vẫn đóng, chưa có cơ chế mở về lựa chọn hiệu trưởng hay hội đồng lãnh đạo đại học ở Việt Nam. Nhưng không nên lẫn lộn giữa tự chủ và quản trị giáo dục.
Giáo dục Việt Nam cần sự quản trị giáo dục mới - một sự quản trị tạo ra được thành tựu về mặt học thuật. Quản trị giáo dục nên tư duy như kiểu các hãng tư nhân vận hành: hệ thống cũ vận hành không tốt thì nên thay đổi.
 NGUỒN: TTCT

Không có nhận xét nào: