ĐỨC ĐẠT-LAI LẠT-MA
NHỮNG LỜI KHUYÊN TÂM HUYẾT
Tất cả mọi người đều có quyền có niềm tin hay không. Tuy nhiên khi đã theo
một tôn giáo nào và tin vào những gì tôn giáo ấy thuyết giảng thì hãy xem trọng
những lời thuyết giảng ấy và nhất là tránh đừng có hôm nay thì tin, ngày mai
thì lại không. Chớ nên hành động bừa bãi, lời nói phải đi đôi với sự suy nghĩ.
Một số người nghĩ rằng : « Nếu tôi đã đặt niềm tin vào Phật giáo thì tôi
phải hội đủ khả năng để sống một cách hoàn toàn và trọn vẹn, còn nếu không thì
tôi sẽ bỏ đạo !». Thái độ muốn « được tất cả hay là bỏ hết » là một thái độ
thường thấy ở người Tây phương. Tiếc thay, chẳng có cách nào giúp ta đạt được
sự toàn thiện một cách nhanh chóng cả. Muốn đi đến đích phải tập luyện từ từ :
có phải đấy là điều cốt yếu hay chăng ? Ta cũng không nên nói rằng : « Dù có
tập hay không tập thì cũng thế, tôi sẽ chẳng bao giờ làm được ! ». Hãy tự đặt
cho mình một mục tiêu rõ rệt và dùng mọi cách để đạt cho được mục tiêu ấy thì
từ từ thế nào rồi ta cũng sẽ thực hiện được.
Mỗi người có một bản chất khác nhau, cái thích nghi cho người này lại có thể
không phù hợp với kẻ khác. Đấy là một điều luôn luôn phải ghi nhớ khi phán đoán
về các tôn giáo và các con đường tâm linh khác. Sự đa dạng của tín ngưỡng tương
ứng với sự đa dạng của con người. Ngay cả trong trường hợp không bắt buộc
ta phải nhìn tín ngưỡng trên khía cạnh đa dạng đó đi nữa thì vẫn có nhiều người
đã và sẽ tìm thấy sự trợ giúp lớn lao của tín ngưỡng. Hãy ghi nhớ điều ấy trong
lòng, nhất là vì mọi tôn giáo đều xứng đáng để được kính trọng. Điều này vô
cùng hệ trọng!
Còn một điều khác cần nói thêm là tất cả các tôn giáo đều có những nghi lễ
cá biệt, tuy nhiên mỗi tôn giáo đều hàm chứa một số sắc thái có tính cách
cơ bản hơn.
Chẳng hạn như trong cách tu tập của Phật giáo thì điều cốt yếu là phải khắc
phục được tâm thức. Đấy không phải là một việc dễ dàng vì nó đòi hỏi một sự cố
gắng thật kiên trì, thế nhưng nhiều người lại cứ xem đó là một việc thứ yếu.
Một mặt thì họ tin vào giáo lý Phật giáo, mặt khác thì lại không đủ sức để biến
niềm tin của mình thành hiện thực. Người tu tập chỉ biết an lòng với những nghi
thức lễ lạc bên ngoài, những màn trình diễn hào nhoáng của lễ bái, còn kinh kệ
thì đọc trên đầu môi cho có lệ.
Trong các nghi lễ Tây tạng, người ta thích dùng trống, chuông, chũm
choẹ và các loại nhạc cụ khác. Nhiều người nhìn vào đó và cho rằng : «
Đấy là những người đang lo tu tập Phật giáo ! ». Tuy nhiên thật sự thì việc tu
tập không hẳn là đúng như thế. Đấy chỉ là cách giúp cho họ tránh sự xao lãng
không tập trung được tâm thức để nhận thấy những ảo giác trong thế gìới này để
biểu lộ tình thương, lòng từ bi và tinh thần Giác ngộ. Cách tu tập ấy đòi hỏi
thật nhiều nghị lực và sự tập trung cao độ của tâm thức và đấy mới thật sự là
cách tu tập thâm sâu của Phật giáo. Có phải thế hay chăng ?
Người ta cũng thấy một hiện tượng tương tự đối với những người theo Thiên
chúa giáo. Đi lễ nhà thờ ngày chủ nhật, đọc thật nhanh vài lời cầu nguyện, mắt
thì nhắm lại, nhưng khi phải đối đầu với những khó khăn thường nhật thì trong
trí lại phát sinh mọi ý nghĩ không phù hợp chút nào với tôn giáo của mình,
không có một khả năng nào để phát lộ đức tin hay một thái độ thích đáng với lời
dạy của Đấng Ki-tô.
Dù sao đi nữa, những điều ấy cho thấy ta chẳng có gì biến đổi cả, vẫn rập
khuôn như những kẻ khác mà thôi. Ta chỉ biết tỏ lộ đức tin trong khoảng thời
gian của một buổi lễ nhưng trên thực tế thì tuyệt nhiên không thực thi được một
điều gì thuộc vào đức tin của mình cả.
Tôn giáo cũng tương tự như một phương thuốc điều trị. Phương thuốc ấy mang
lại hiệu quả khi ta ốm đau, nhưng không phải lúc ta đang khoẻ mạnh. Khi mọi sự
đều tốt đẹp thì đâu cần mang thuốc men ra khoe với kẻ khác và bảo với họ rằng :
« Cái này thật tuyệt vời, cái này đắt, cái này màu sắc rất đẹp ». Dù dáng dấp
bên ngoài như thế nào thì chức năng duy nhất của một phương thuốc vẫn là việc
chữa trị cho lành bịnh. Nếu thuốc men không mang đến một lợi ích nào cả khi ta
thật sự cần đến thì cũng không nên phô bày chúng ra làm gì. Tương tự như vậy,
một tôn giáo hay một con đường tu tập tâm linh phải tỏ ra hữu hiệu vào những
lúc tâm thức gặp khó khăn. Nếu ta cứ tiếp tục phô trương tín ngưỡng khi mọi sự
đều trôi chảy, nhưng đến lúc phải đối đầu với khó khăn mà ta cũng chẳng hơn gì những
kẻ thường tình thì như thế có ích lợi gì đâu ?
Điều quan trọng chính là làm sao để thấm nhuần thật sâu vào tâm thức những
lời giảng huấn hay cách tu tập mà ta đã thu nhận được và đem chúng ra áp dụng
vào đời sống thường nhật. Đấy là một điều không thể làm được ngay tức khắc mà
chỉ có thể khắc phục dần nhờ vào sự tập luyện chuyên cần.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét