Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2014

"Đến mạng sống của mình mà cũng xem thường"

LÊ THỊ NGỌC VI

TTO - Chạy xe bạt mạng, sĩ diện hão, xả rác tùy tiện, không nói "cảm ơn, xin lỗi"... là những tật xấu khác của người Việt được bạn đọc Ngọc Vi "điểm danh" qua hàng loạt ví dụ có thật.
1. Chạy xe bạt mạng
Tôi đi làm bằng xe công ty, trên xe có một số người nước ngoài. Không ít lần xe đang chạy ngon trớn bỗng tài xế bất ngờ thắng gấp để tránh một chiếc xe máy vừa băng ngang trước đầu xe. Mọi người trên xe thót tim trước một pha "ngoạn mục", tài xế thì... tức không nói được câu nào.
Có lần, tôi nghe hai đồng nghiệp nước ngoài nói với nhau: "They even do not care their life!" (tạm dịch: "Đến mạng sống của mình mà họ cũng xem thường được!"). Nghe mới mỉa mai, chua xót làm sao bởi tôi hiểu anh bạn vừa làm xiếc trước mũi xe kia không hề muốn... chết sớm, chẳng qua vì chạy ẩu thôi! Mà không chỉ có thanh niên choai choai, không ít người lớn chở trẻ con mà không cho bé đội mũ bảo hiểm, không cài đai an toàn, thậm chí hai chân bé toòng teng bên bánh xe mà người chở cứ vô tư... phóng!
2. Sĩ diện không đúng chỗ
Anh bạn Việt kiều mời chúng tôi đi ăn nên chủ động trả tiền. Ăn xong, thức ăn thừa đầy bàn vì mọi người gọi quá nhiều. Anh bạn Việt kiều, rất tự nhiên, nhờ phục vụ cho những thứ còn ăn được vào hộp đem về. Tôi nghe các bạn mình xầm xì trước hành động của anh bạn kia rằng anh này "keo", "tí thức ăn thừa cũng tiếc..." Là người tiết kiệm, có phần "xài kỹ" nên tôi thấy việc anh bạn ấy làm là bình thường.
Nhiều người Việt rất lạ ở chỗ sĩ diện không đúng chỗ, so với thu nhập cũng như mức sống của người dân ở các nước phát triển hơn thì họ kém xa nhưng xét về khoản phí phạm thì không ai bằng. Trong các bữa tiệc hoặc ở nhà hàng, họ ít khi dùng hết thức ăn đến miếng cuối cùng, nếu được mời đi ăn (miễn phí) thì thường gọi món xả láng mặc kệ "khổ chủ" và luôn tỏ ra khinh thường những ai có ý thức tiết kiệm như anh bạn Việt kiều kia, ngay cả khi họ chẳng giàu có gì.
3. Xả rác tùy tiện
Có lần xe tôi đang chạy thì từ xe buýt phía trước, một bịch nước mía chỉ còn nước đá bay thẳng ra phía sau và nằm gọn trên... nắp capô xe tôi. Không ít lần đi xe máy, người tôi hứng trọn bãi nước bọt của một gã vô ý thức nào đó chạy phía trước nhổ toẹt vào không trung.
Cảnh tượng những người đàn ông đứng "xả nước" bên vệ đường hoặc một bà mẹ nào đó cho con "tè" dưới gốc cây ngay trung tâm thành phố cũng không phải hiếm, dù cách đó không xa có những trung tâm thương mại với nhà vệ sinh sạch sẽ. Những ngã tư tôi qua mỗi ngày thường trắng xóa tờ rơi quảng cáo mà người ta vứt ngay sau khi nhận. Và ở các sân vận động, khán đài sau mỗi cuộc biểu diễn thường đầy rẫy khăn giấy, chai nước suối, vỏ bánh...
4. Người Việt ít nói "cảm ơn, xin lỗi, vui lòng..."
Những từ đệm này chỉ được dùng khi trao đổi với người nước ngoài (có lẽ vì người nước ngoài hay nói những từ này nên người Việt làm theo chăng?) Còn trong những mẩu đối thoại giữa người Việt với nhau, người ta ít dùng những từ này để thể hiện lịch sự.
5. Người Việt ít nhường nhịn
Lần nọ tại cổng kiểm soát an ninh, ga quốc tế - sân bay Tân Sơn Nhất, nhiều hàng người xếp hàng đợi. Một người đàn ông Nhật vội vã chạy đến khi chuyến bay của anh sắp khởi hành. Bằng nét mặt khẩn cầu, anh đưa vé của mình ra và năn nỉ từng người đang xếp hàng trước mình xin được nhường vô trước. Nhưng những gì anh nhận được chỉ là cái lắc đầu và những nét mặt dửng dưng lạnh lùng. Khi tôi định nhường chỗ cho anh, những người đứng sau tôi nhao nhao phản đối.
Biểu hiện rõ nhất của tính không nhường nhịn ở người Việt là khi đi đường. Người ta tranh nhau từng centimet đường đến độ hai tay lái va vào nhau hoặc xe trước chỉ cần thắng gấp sẽ bị xe sau húc đuôi ngay. Hoặc đèn xanh bật rồi mà bạn chưa kịp chạy, chắc chắn sẽ nghe một tràng còi giục giã lẫn những tiếng càm ràm, thậm chí chửi rủa phía sau.
Xin đừng vội đổ thừa đất chật người đông, đường sá chất lượng kém hay ai cũng đang bận rộn. Chỉ cần mỗi người bớt tham - sân - si một chút, dẫu người đông đường chật thì ta vẫn thấy dễ chịu và trật tự hơn nhiều.
6. Kết luận
Thói quen xấu của người Việt ư? E kể hoài cũng không hết. Không có ý quơ đũa cả nắm nhưng rõ là chỉ cần vài con sâu cũng đủ làm xấu đi bộ mặt chung của người Việt rồi. Đừng bao biện rằng người nước nào, ở đâu cũng có những thói hư tật xấu chứ không riêng Việt Nam.
Chỉ cần mỗi người tự ý thức một chút, góp phần từ bỏ một trong những tật xấu nói trên (và trong những bài viết khác trên diễn đàn) mà không cần so sánh với bất kỳ ai khác cũng đủ để bạn nói riêng và người Việt nói chung trở nên đẹp hơn trong mắt người khác rồi đó!
nguồn: Báo Tuổi Trẻ

Không có nhận xét nào: