Tường Vi
Tết Hà Nội xưa |
Tôi có một người bà, cả gia đình năm anh em chúng tôi sống
với bà từ lúc mới chào đời, chưa bao giờ rời xa. Tôi là con út trong nhà, nên
lúc tôi chào đời thì bà tôi đã lớn tuổi rồi, không được như hồi anh chị tôi
được bà cõng trên lưng từ trường về nữa...
Bà tôi là người vùng quê miền Bắc chính cống, bà thuộc nằm
lòng những câu ví von nói như hát, đọc như thơ, nghe vui tai mà cũng thâm thúy
vô cùng. Năm bà mới mười hai mười ba tuổi, bà đã về làm dâu nhà ông ngoại. Ông
tôi mất cha từ lúc còn nằm trong bụng mẹ, nghe mẹ tôi kể là ông cố làm chức sắc
trong làng, đi coi đê ngày bão về phải lạnh mà mất. Nhà cửa đơn côi một mẹ một
con nương tựa nhau mà sống, qua lời kể lúc nào cũng tràn ngập tự hào của mẹ tôi
thì ông tôi là người vô cùng tài giỏi, cực kỳ tài giỏi, chỉ ngặt nỗi, ông mất
sớm quá, để lại cho tôi một niềm thương nhớ không bao giờ nguôi ngoai, chưa một
lần gặp mặt.
Bà và ông, hai người trẻ dắt tay nhau vượt hàng ngàn km từ
kinh đô ngàn năm vào lập nghiệp nơi xứ lạ quê người, cuối cùng đất không bạc
đãi người đổ mồ hôi với nó, như cây rừng bén rễ, sinh sôi, nảy nở, tồn tại và
phát triển, tôi thậm chí đã coi như mảnh đất Đông Nam Bộ này là quê hương của
mình.
Tôi vẫn còn nhớ năm nào tôi chỉ là con bé con độ 3, 4 tuổi
mới ngủ trưa dậy, tôi đã chạy ra ngoài cửa hàng nơi bà ngồi bán dăm rổ nhang mà
ôm lấy cổ bà từ phía sau, thủ thỉ bên tai bà vòi vĩnh một món đồ chơi, và bà đã
dắt tôi qua cách 1 căn mà mua cho tôi con búp bê đầu tiên trong cuộc đời tôi.
Tiếc thay tôi không còn giữ nó, nhưng trong lòng tôi thì luôn nhớ rõ hình ảnh
nó, và có lẽ không bao giờ quên.
Từ lúc tôi có trí nhớ, thì nhà tôi ở trong một khu chợ nhỏ,
đã buôn bán được vài năm rồi. Bà tôi dù lớn tuổi nhưng vẫn bán dăm bó nhang,
vài tờ giấy tiền kiếm đồng ra đồng vào. Bố mẹ tôi bán kim chỉ và tất tần tật
các thứ nhỏ nhỏ dùng để may nên quần áo.
Theo thời gian mẹ tôi còn bán thêm nhiều thứ lặt vặt khác
nữa, nhưng đều không hợp, cuối cùng thì tới giờ chỉ còn bán kim chỉ đơn giản
nhưng với sự giảm bớt tới tối đa. Cái sự phức tạp của thị trường phụ liệu may
mặc thì thật là vô biên, không thể tưởng tượng được mà cũng không đu theo được,
nó đại loại như một trào lưu mà khi bạn chưa kịp làm quen hoặc vừa mới quen với
nó thì nó đã cũ rồi. Người ta gọi đó là lỗi mốt! Ngày hôm nay đỏ tươi là màu
thịnh hành, ngày mai thì nó đã quê mùa. Hôm nay bạn mặc áo bà ba là chân đất
lấm phèn, thì ngày mai áo bà ba đi cùng giày cao gót vào những hotel 5 star.
Vậy nên chả bền được!
Còn cửa hàng của bà thì lại khác, cứ chậm rãi khoan thai, từ
từ tới lúc này, người ta đến mua như một thói quen, gặp bà như một vị quân sư
về các thể loại cúng, và thấy bà khỏe mạnh như một điều phúc lành.
Nhà tôi có 2 mùa trọng đại, đó là tháng bảy và tết gắn với
cửa hàng của bà.
Tháng bảy nói vui là tháng cúng cô hồn, nhưng nói nghiêm túc
là lễ lớn của người Việt xưa, cúng kiếng tưởng nhớ tổ tiên ông bà, báo hiếu và
ghi nhớ công đức các đấng sinh thành, cũng là lễ cho sự tha thứ xá tội vong
nhân.
Trong tháng này, mọi người ai cũng lo mua giấy áo tiền vàng
cúng, nhà nhà đốt tiền vàng mã. "Dùng tiền thật mua tiền giả, đốt thành
tro, thật là phí phạm." Nhiều người nghĩ vậy đấy, tôi không có ý kiến cũng
chẳng phản đối, tùy niềm tin và quan niệm mỗi người thôi...mà niềm tin thì bạn
không thể nào làm khác được.
Nhà tôi tháng này rất bận rộn, dòng người đến tay không rồi
khi đi ai cũng khệ nệ bị to bị nhỏ. Tôi có thể gặp những người mẹ rụt rè mắt đỏ
hoe mua vài bộ quần áo giấy cho những đứa trẻ đỏ hỏn trong bụng mà không ra
đời. Có những lúc sống lưng tôi ớn lạnh, sau gáy tóc tai dựng đứng khi đứng
trước một cô mua đồ cho cả thảy năm đứa trẻ có rồi lại mất. Hay những cặp vợ
chồng trung niên đưa danh sách tới vài chục người từ ông bà cụ kỵ tới chú bác
cô dì, các ông bác cứ vét hết các túi mua cho "ông bà xài thoải mái thì
thôi" tới nỗi các bà vợ tiếc tiền mà thở dài mà chặc lưỡi "tốn kém
quá!" là sẽ nhận được sự không hài lòng của ông chồng "tui mua cho
ông bà tui mà bà nói gì kỳ vậy?" cho tới "ơ hay, ông tát cho vỡ mồm
giờ!". Cho tới những người thu nhập hàng năm lên tới tiền tỷ, chạy xe bóng
lộn, quần áo bóng lưỡng, mua mỹ phẩm cả ngàn đô, đi spa, nước ngoài như đi chợ,
mà mua đồ cúng trả giá tới nơi, thêm cái nọ, bớt cái kia, suy đi tính lại sao
cho chỉ trên dưới chưa tới trăm ngàn.
Tôi biết tấm lòng mỗi người không đo bằng tiền, giá trị con
người không đo bằng một thứ thái độ cỏn con phiến diện, nhưng tôi vẫn cứ thích
lưu tâm những mảnh kính ghép nho nhỏ đó.
Để chuẩn bị hàng bán cho dịp tháng bảy, thường bà phải chuẩn
bị ngay từ những ngày đầu của tháng 3 hoặc tháng 4 hàng năm. Thời gian này tôi
luôn thấy bà tôi ngồi trên ghế, kế bên chiếc đi văng gỗ cũ kỹ trên mặt trải đầy
các loại giấy tiền để xếp mỗi thứ một ít cột lại thành một xấp coi như là một
lễ cho một loại cúng.
Ngày ấy, để ra được một xấp tiền cúng ông bà trị giá 1000
hoặc 2000 đồng, cũng lắm công phu, phải đếm 10 tờ tiền âm phủ, lấy 1 tờ kẹp
lại, rồi 1 đinh bạc đại, 1 miếng vàng lá, 2 lá tiền vàng, 2 lá tiền trắng, kẹp
giữa là 1 ít bạc cá, 10 tờ bạc bắc 5 trắng 5 vàng, 10 tờ tiền chuỗi, cột tất cả
lại với nhau. Ha ha, tùm lum vậy đấy, mới được 1 phần. Thế mà bà tôi ngồi xếp
say mê từ sáng tới chiều tối, thùng nọ tới thùng kia chất lên nhau, vừa làm vừa
nhẩm tính xem nếu bán hết đống này, trừ vốn sẽ lời được bao nhiêu và hân hoan
với điều đó.
Niềm vui của anh em chúng tôi hồi bé là học bài xong sẽ ngồi
làm phụ chung với bà, nếu còn nhỏ quá thì chỉ được làm 1 phân đoạn nhỏ như đếm
10 tờ tiền xếp ngang dọc, tới chừng nào mà được ngồi làm hẳn ra thành phẩm, thì
coi như là đã lớn rồi đó, tự hào lắm đó.
Tuổi thơ của tôi trôi theo những mảnh giấy màu vàng in các
đồng tiền xu cột thành chuỗi mà các cụ ngày xưa hay giắt ở bụng, cột ở lưng
quần, theo những màu xanh xanh đỏ đỏ của cọc tiền âm phủ in hình ông diêm vương
với số sê ri trăm tờ như một cũng chính là số điện thoại của ông chủ sản xuất,
theo những bụi cám, bột giấy ngứa ngáy của những chồng bạc cá như giấy súc loại
cứng 4 cạnh quết màu đỏ, hàng đầu là hình con cá vàng dễ thương mà tôi nhặt lại
để có cả hẳn một bộ sưu tập hàng trăm tờ...và hình ảnh bà tôi còng lưng ngồi tỉ
mẩn làm cái công việc tủn mủn ấy mà xếp nên cuộc sống no đủ hàng ngày cho lũ
cháu chúng tôi, xây đắp tương lai tôi như bây giờ.
Tết thì đông vui cả chợ chứ không riêng mình nhà tôi. Tôi
lúc nào cũng thích Tết nhất trong khoảng thời gian của năm. Tôi cứ mải miết chả
để ý thời gian trôi, nhưng chỉ cần một hôm bố tôi vẫy tay gọi tôi vào một ngày
trưa, chỉ cho tôi ánh nắng vàng rượm, óng ánh đang trải khắp con đường trước
nhà, thì tôi biết là Tết sắp đến rồi.
Tết năm nào cũng thế, chừng 20 âm lịch trở đi, là nhà tôi
bận kinh khủng, bố mẹ tôi tới mốc này thường nghỉ hàng đồ may để bán phụ cho
bà. Bà tôi là nhân vật chính, trung tâm, là đại bàng, là đạo diễn, là quân sư
Gia Cát Lượng. Bà được mọi khách hàng tìm kiếm, vây kín để hỏi han cách cúng mà
năm nào họ cũng làm có vậy mà không hề nhớ được. Bà chỉ đâu là khách hàng đánh
đó, bảo sao nghe vậy, nói gì làm thế, năm nào cũng phải ra kiếm bà tôi để hỏi
lại. Tôi dù chỉ mới là cô bé con có 6,7 tuổi, thế mà đã thuộc bài như cháo
chảy, cũng mon men ra bán nhưng chả ai thèm tin dù tôi lặp lại y chang những gì
bà tôi nói.
Những ngày giáp tết, anh chị tôi trong năm có đi đâu thì đi
đều trở về, vì vậy mà nhà đông đủ, xôm tụ hẳn. Chúng tôi chia nhau ra làm các
vị trí có hệ thống trật tự đàng hoàng, anh cả tôi ngồi thối tiền cho khách vì
chả biết làm gì khác, anh hai tôi ngồi làm giấy cúng đất đai và giao thừa vì
cháy hàng, anh ba tôi thì nhận làm giấy cúng ông bà, chị tôi và tôi bán hàng.
Tôi ứ thích bán hàng vì phải nói nhiều lắm, lại mệt vì đứng
và đi lại liên tục, còn mấy anh tôi ngồi vừa làm vừa bật nhạc xuân nghe hay mở
film video mướn coi, quạt mát ngay vào người. Thế nên tôi cứ xí phần của anh ba
tôi để được coi film, vậy là ngồi chưa nóng chỗ đã bị gọi réo rắt ra ngoài. Tôi
khi đó chưa hiểu được tầm quan trọng của đồng tiền kiếm được những ngày cuối
năm, quý giá đến ngần nào nên cũng lửng lơ vô chừng, sáng mẹ tôi gọi mãi, gắt gỏng
tôi mới dậy xuống nhà phụ.
Người lớn trong nhà thì khác, bà tôi sáng dậy rất sớm, dọn
hàng cùng với bố tôi, ngồi ngay ngắn chính giữa từ khi mở cửa tới khi đóng cửa
vào nhà, luôn tay luôn chân, khi thì giục chúng tôi vào nhà mang đồ ra để bà
tận tay châm thêm hàng vào rổ, lúc lại mắng chúng tôi làm việc chậm chạp, cẩu
thả, thậm chí cáu tiết lên là không thèm sai nữa mà tự vào nhà lấy, vừa dỗi vừa
đi vừa lẩm bẩm "Con cháu sáu kẻ cướp".
Bà luôn là người nói nhều nhất, làm việc nhiều nhất, cố gắng
nhiều nhất, ráng sức nhiều nhất, và cũng thấm mệt nhiều nhất. Tối đến khi bà
nằm trên giường, hai chân bà xuống máu phù ra do ngồi nhiều, bà phải gác hẳn
lên những thanh ngang của giường tầng phía trên hẳn một lúc lâu mới đỡ, và khi
bà ngủ, tiếng thở mệt mỏi khó nhọc cứ vang lên. Vậy mà mọi người nói bà vào
nghỉ ngơi thì bà vẫn không chịu, bởi vì bà biết bà quan trọng, và thường tới 25
âm lịch thì giọng nói của bà khàn hẳn do phải nói quá nhiều.
Bà nỗ lực kiếm tiền là thế, nhưng hầu như tất cả bà có được,
bà đều cho lại con cháu trong nhà, tới từng này tuổi tôi chưa bao giờ thấy bà
tôi từ chối bất cứ một sự giúp đỡ nào, bà luôn nắm lấy những cánh tay khoắc
khoải không chỗ bấu víu. Có lẽ với bà tôi, niềm hạnh phúc của bà là sự cho
đi...
Tới sát ngày 30 cả khu phố nhà tôi mới bắt tay vào dọn dẹp
nhà cửa cho năm mới, thường là từ sau giờ trưa, khi chợ Tết bắt đầu vãn, nhà
nhà đã hoàn tất việc cúng kiếng đón ông bà ông vải về ăn Tết hết rồi, thậm chí
có năm cả nhà mệt quá hoặc khách khứa còn mua lai rai tới chiều, thì có khi tới
6h tối mới bắt đầu.
Anh cả tôi sẽ đi quét mạng nhện khắp nhà đầu tiên, rồi anh
em chúng tôi từ từ dọn dẹp quét tước từ trong kho ra tới ngoài cửa. Vì chạy đua
với thời gian, nguyên tắc sống còn là gọn gàng ngăn nắp nên cái nào che đậy là
che, cái nào khuất mắt được là khuất mắt, mọi thứ lộn xộn được cho lên kệ, hàng
hóa được đóng thùng, bỏ bao vào kho và lên gác tất và cái nào vất được là vất
ráo, thường khi ra tới cửa là 3, 4 cây chổi tiễn rác bỏ đi thành 1 đống lớn cả
mấy bao tải. Năm nào trời thương đắt hàng thì nhà cửa còn quang đãng, nếu không
thì cũng chỉ tươm tất hơn so với bình thường một chút. Anh cả tôi chỉ chờ nhà
quét xong là sẽ cầm cây lau và nước thơm đẩy hết đống bụi trần tích góp trên
sàn nhà gạch màu xanh lá xưa cổ, lau bao nhiêu nước cũng chỉ chung thủy ra một màu
xám ngoét tới đen tuyền. Dù vậy, cái nền gạch cũ kỹ nhà tôi mùa hè đi chân trần
vẫn thấy mát, mùa đông thì không lạnh lẽo, lại không bị trơn trợt, sau khi lau
xong rất lâu vẫn cảm giác hơi nước bốc lên mát rượi dễ chịu vô cùng…Trong lúc
đó, anh hai tôi cùng bố sẽ dọn bàn thờ ông bà, dán một tấm giấy đỏ có chấm nhũ
tròn vàng mới cáu thay cho tờ cũ trên mặt, chưng lại bộ lư đồng đã đem gửi đánh
bóng sáng choang trước đó nửa tháng. Tất cả hình ảnh, kỷ vật chiếc nón của ông
ngoại hay đống vàng trăm vàng nghìn để thờ làm của ăn của để và cái bàn thờ
bằng gỗ lim hay mun đen gì đó đều được lau chùi sạch thiệt sạch và bày biện
trang hoàng cùng mâm ngũ quả.
Tôi thường được nhận nhiệm vụ lau bàn thờ ông Địa Thần Tài
và ông Táo. Cách đây đã lâu rồi tượng ông Thổ Địa bị người ta lấy cắp, rồi sau
đó tới tượng ông Thần Tài bị nứt, cứ mỗi lần thay như vậy, cuối cùng hóa ra
tượng hai ông theo như bà vẫn gọi là “cọc cạch”. Ông Địa to đùng, ông Thần Tài
bình thường cùng cỡ đã mi nhon rồi, nay lại còn size nhỏ hơn nữa, nhìn có chút
không tương xứng đẹp mắt, nhưng tôi vẫn luôn cảm giác là hai ông vẫn vui và
thoải mái như bình thường. Theo phong tục ngày xưa, người VN thờ ông Thổ Công
nhà trên và nhà dưới, ông nhà trên hay gọi tắt là ông Công sẽ có bàn thờ đặt
thờ cao hơn bàn thờ gia tiên, ông nhà dưới chính là ông Táo, bàn thờ phải đặt
ngay phía trên bếp chỗ đun nấu. Ngày nay người miền Nam thờ ông Địa ông Tài
nhiều là do bắt chước theo người Hoa, mang ý nghĩa cầu tài lộc buôn bán thịnh
vượng phát đạt nhiều hơn, nhưng khi cúng đám giỗ hay bất cứ một việc gì đó
trong nhà, vẫn cần một mâm cúng đất đai Thổ Công ở giữa căn nhà hay trước cửa
nhưng không đặt qua cửa. Ông Táo quanh năm suốt tháng quẩn quanh nơi nhà sau,
lại bị hơ lửa đun bếp nóng suốt ngày, được đi chơi vắng nhà bảy ngày, tới giao
thừa mới về, thế mà có năm qua cả giao thừa rồi tôi vẫn còn đang loay hoay lau
rửa bàn thờ ông Địa Thần Tài, chưa xong mà lo tới nhà của ông, thiệt là tội
lỗi. Mẹ tôi vẫn kể có một năm đã cận Tết, tôi còn chưa ra đời, bố mẹ tôi đi thu
tiền hàng nhưng không có đồng nào trở về, mẹ tôi ngồi trên lan can tầng lầu
thuê, nhìn dòng người tấp nập bên dưới, có tiếng nhạc vọng lại từ đâu đó “Năm
nay anh không thèm chơi đánh bài, vì anh đã có em…” mà xót xa cho anh chị tôi
không có manh áo mới ngày xuân, tới ngày 23 tháng chạp, chợ khuya người vắng mẹ
tôi mới lủi thủi ra đường vơ một ít thèo lèo ế về cúng đưa ông Táo về trời.
Mang tiếng nhà bán đồ cúng chứ có năm bên ngoài lo bán đồ cho người ta cúng đưa
ông Táo đi mà quên bẵng ông Táo nhà mình, lúc nhớ ra thì đã 25 rồi, lo sốt vó
lên không biết ông có đi ké ông Táo nhà hàng xóm gần đấy lên chầu Ngọc Hoàng
được hay không. Từ bận quên đó, mẹ tôi rút kinh nghiệm cứ mới 12h sáng ngày 23
là cúng tiễn ông đi sớm luôn cho chắc ăn, khỏi sợ kẹt xe. Nói chung ông Táo nhà
tôi nghĩ cũng thật là thảm, vậy mà năm nào ông cũng thương mà phù hộ cho nhà chúng
tôi gạo không bao giờ thiếu, chưa bao giờ không có cơm mà ăn. Cũng có khi tôi
tự hỏi, những bức tượng lạ lẫm tươi cười đó, những bài vị tưởng như lạnh lẽo
đó, những chữ Hoa không đọc không hiểu được đó, trong suy nghĩ tôi tại sao lại có
thể sống động đến như thế, có hồn đến như vậy, có hay chăng những vị thần thánh
đó vẫn đang dõi theo, quan sát và phù hộ con người? Dù chưa một lần được nghe,
được nhìn thấy, sờ tận tay chứng mình sự tồn tại có thật của họ nhưng tại sao chúng
ta vẫn có một niềm tin kiên định, kính trọng vô ngần, lễ nghĩa vẹn toàn. Âu,
điều đó thuộc về tinh thần, và bản thân tôi dù là một người có niềm tin mạnh mẽ
vào khoa học vẫn rất tin vào sự tồn tại đó, có chăng mỗi người tự trải nghiệm
sự tin tưởng đó theo cái cách của riêng mình. Nhà buôn bán món hàng lời to, kẻ
mọt đề trúng lô lớn, sinh viên thi quơ quàng mà đậu, tất cả đều nghĩ tới mua
nải chuối cúng ông Địa còn gì.
Đối với tôi, Tết có cái hương vị rất riêng, rất khác ngày
thường. Bình thường cho tôi chọn dậy sớm và nướng thêm một chút thì tôi thà
chọn cháy khét luôn cũng được. Vậy mà chỉ cần vài tia nắng vàng rơi trên cửa
sổ, không gian yên tĩnh không có một chút tiếng xe cộ qua lại hay bán buôn hàng
ngày, thậm chí màn cửa lay động cũng có thể nghe được thì chỉ có một thời điểm
duy nhất đó trong năm thôi và tôi không thể tiếp tục nằm trên giường được nữa.
Tôi vẫn nhớ hoài những ngày Tết xưa cũ, sáng mùng một Tết tiếng pháo đì đùng
vang khắp xóm hòa lẫn với tiếng nói cười vỗ tay vui vẻ, ngập tràn trong không
khí là mùi hăng nồng của thuốc pháo nhưng không hề khó chịu. Từ nhà tôi đứng
nhìn dọc theo con đường nhỏ của chợ kéo suốt lên ngôi nhà thờ trên đỉnh đồi
trải đầy một màu đỏ của xác pháo nổi bật trên nền cái màu nắng tươi rói ngày
đầu năm, và chỉ cần một cơn gió thoảng chợt ghé ngang đưa đẩy những mảnh xác
pháo bay lượn chấp chới trong không gian là sẽ khiến tâm hồn trẻ thơ của tôi
rung động ngẩn ngơ đứng ngắm nghía mãi thôi. Tết là được thỏa thích thưởng thức
dưa hấu, bánh chưng chiên, thịt kho tàu và vô số bánh trái kẹo mứt ngày Tết mà
ngày thường có muốn cũng không có mà ăn. Tết là được lĩnh tiền lì xì mệt nghỉ,
cái cảm giác tự dưng được có trong tay một số tiền lớn thật là lớn trong cuộc
đời mình lúc nào cũng khiến đứa con nít phấn khởi vui vẻ không ngừng, vậy mà cứ
qua tháng giêng là số tiền đó lại được mẹ tôi thủ thỉ dụ dỗ mà lấy hết lúc nào
không hay. Tết với mọi người mọi nhà là kỳ nghỉ, là lúc tất cả mọi người trong
gia đình hội họp, ăn chơi, là bắt đầu một năm mới đầy sức sống thì với nhà tôi
là thời gian để những cơ thể mệt nhoài sau một năm chinh chiến nằm dài trên
giường hoặc là ngủ nghỉ hoặc là tận hưởng những bộ film lê thê trong năm không
đào đâu ra thời gian ngồi thảnh thơi mà theo dõi và cũng không được bố tôi cho
coi vì lúc đấy anh chị em tôi phải tập trung vào học tập. Những năm 92 – 2000
thì film TVB là số một, cứ mướn vài bộ mỗi bộ dài chừng 20- 30 cuốn băng mấy
anh chị em tôi cứ ngồi mê man coi tới hết Tết thì thôi. Bây giờ thì chương
trình tivi nhan nhản ra đấy, trên mạng cũng đầy rẫy, muốn coi gì có đó, không
còn cái cảm giác chờ mong cả năm để coi film cho thật đã, thật sướng, không bị
kiểm soát, không bị bố mẹ mắng, không bị headline công việc đè, quả thật là Tết
bây giờ giảm sút vui vẻ đi rất nhiều chỉ vì cái khoản coi film.
Mẹ tôi kết hôn khi tuổi còn trẻ, tự bươn chải tự nuôi sống
bản thân còn khó, huống chi là phải nuôi mấy anh chị tôi. Bố tôi là người miền
Tây chân chất, tốt nghiệp đại học rồi đi làm nhưng không chấp nhận hòa nhập với
cái xấu xa của xã hội thu nhỏ chốn quan trường thượng đội hạ đạp, bòn rút của công,
cướp công ăn phần nên phải nghỉ ở nhà làm nghề, chỉ vừa đủ miếng cơm hàng ngày.
Mẹ tôi kể trước nhà hồi đó là tiệm tạp hóa nhỏ, trên đầu tủ là vài hũ bánh kẹo,
anh cả tôi đứng bần thần ở trong hàng rào bên đây nhà, nhìn sang đó ngắm nghía
buồn rầu thèm thuồng theo từng đứa trẻ con trong xóm đến mua kẹo ăn, mà nếu anh
tôi có xin thì mẹ tôi cũng không có tiền để mua. Mẹ tôi thường nói, cuộc đời mẹ
tôi đã trải qua không ít thăng trầm, có khi xuống tới đáy vực, nhưng nhờ có bà
tôi lúc nào cũng bên cạnh mà mẹ tôi luôn vững bước, không bao giờ quỵ ngã. Tôi
còn trẻ nên chỉ qua lời kể của mẹ vẫn không hiểu rõ lắm, nhưng tôi luôn nhớ cái
đêm định mệnh ngày bố tôi mất, bà tôi ngồi thẫn thờ ngoài phòng bố tôi, hai tay
ôm cây gậy chống, mắt đỏ hoe nước mắt ngắn dài, rồi chầm chậm đứng lên lê từng
bước vào ngồi cạnh bố tôi. Ngày bố tôi động quan, bà tôi theo nghi thức phải
đánh mạnh lên quan tài bố 3 cái vì tội bất hiếu để người đầu bạc phải tiễn kẻ
đầu xanh, bà tôi chỉ vụt được cái đầu là đã òa khóc, đứng không vững phải có
người đỡ. Mẹ tôi là người rất mạnh mẽ nhưng sau sự ra đi của bố tôi đã trở nên
trống rỗng, chán nản, buông xuôi. Mẹ đi chùa tìm sự thanh thản, đọc kinh sám
hối cầu siêu cho bố, giao hẳn việc buôn bán cho dì tôi, không chút thiết tha
với cuộc sống. Lúc này, bà tôi như vị thuyền trưởng già nua nhưng cứng rắn, rành
rõi, bà một tay lèo lái, ổn định cửa hàng buôn bán trở lại, một bên làm chỗ dựa
cho mẹ tôi, an ủi, động viên mẹ tôi phải biết vượt lên nỗi đau, nhờ vậy mà mẹ
tôi thoát khỏi ám ảnh, chấp nhận và thông suốt, thậm chí là vui vẻ trở lại, làm
anh chị em tôi ai cũng mừng rỡ, an lòng hết biết. Chứ thấy mẹ gầy xọp đi, hốc
hác, đờ đẫn như vậy chả anh chị tôi chả còn lòng dạ nào mà làm ăn gì nữa. Và
tôi đã chứng kiến được thế nào là sự kiên cường, rắn rỏi, mạnh mẽ, lạc quan của
người phụ nữ trong một bà lão đã trên 70 tuổi…
Bà bị tiểu đường đã lâu, tới bây giờ là ngót nghét gần 15
năm. Những người mẹ, người bà Việt Nam luôn có thói quen nhịn ăn nhịn mặc để
dành cho con, cho cháu mình, họ cứ nghĩ tới khi con cháu lớn, trưởng thành, thì
họ sẽ lại tận hưởng. Tới lúc có tuổi, qua cơn bĩ cực, bệnh này bệnh nọ liền
tới, thế là khỏi ăn uống gì nữa, cứ thực đơn ăn kiêng mà áp dụng đến là khổ. Bà
tôi cũng không nằm ngoài quy luật đó. Mặc dù bà rất dễ ăn, thậm chí ăn cơm
trắng với chuối xanh cũng qua bữa, thế nhưng để giữ đường huyết ổn định, không
bị biến chứng, sống khỏe mà vui vầy với con cháu, bà chỉ quanh quẩn bên những
món ăn nhàm chán, có rất nhiều thứ ngon lành không ăn được nữa. Nhiều khi trong
nhà có gì đó ngon ngon mà ngọt ngọt, thấy bà lặng lẽ bẻ ăn vài miếng có vẻ
thích lắm mà không được ăn hết, tôi luôn cảm thấy thương người bà tuổi đã cao
của mình…
Bà tôi ngày trước luôn bỏm bẻm nhai trầu, miệng đỏ thắm,
răng hơi đen. Cách vài ba ngày, là bà lại sai tôi ra chợ mua cho bà 2 ngàn lá
trầu, mấy ngàn cau non, một ít thuốc lào, khi thì một lạng vỏ màu cam mà tôi
thỉnh thoảng trên đường về vẫn moi ra 1 mẩu để ngậm có vị ngòn ngọt. Bà có một
khay đựng trầu cau, với một bình vôi đỏ hồng mà lâu lâu khi đang bổ cau nhìn
vào thấy khô khô lại sai tôi vào rót chút nước cho chảy mềm ra để quệt một chút
lên lá trầu quấn lại cho vào miệng. Hồi đó tôi không thích cũng không ghét bà
ăn trầu, chỉ cảm thấy bà có một cái bình nhổ hơi mất vệ sinh, một ngày là bà
nhổ vào đấy đầy một bình nước màu đo đỏ, nhoe nhoét. Từ lúc mà bà ăn trầu bị
lên huyết áp, bà phải cai trầu, cái khay trầu bị xếp xó cầu thang cho bà khỏi
nhìn thấy lại thèm, tôi đi chợ không còn rẽ vào cái ngõ có hàng bà bán trầu cau
nữa, cũng không nhìn thấy cái bình nhôm ở chân ghế bà ngồi, có đôi khi tôi lại
thấy nhớ cái mùi thơm của lá trầu khi gập lại, của mùi cau quyến luyến vừa bổ
ra hơi chan chát, của mùi đượm nồng rất riêng của trầu cau vôi lá thuốc hòa
quyện với nhau khi ngồi gần bà đang ăn trầu, và tôi vẫn nhớ hình ảnh bà tôi
ngồi chân gác lên ghế, khay trầu đặt trên đùi, chuẩn bị cho thú vui xa xưa của
người Việt Nam bao đời nay. Mỗi lần nhớ như thế, tôi lại ước gì, giá mà ăn trầu
cũng chả ảnh hưởng gì như uống nước lọc, để bà tôi vẫn được vui vẻ bỏm bẻm nhai
trầu.
Bình thường tôi với bà tôi trái ngược về tính cách lắm, tôi
là người thích sự tĩnh lặng, thích trầm mặc, thích cái cảm giác đứng ngoài quan
sát mọi việc hơn là tự mình tham gia, bà tôi thì khác hoàn toàn, thích sự náo
nhiệt, thích nhà cửa đông vui, thích quan tâm chăm sóc tới con cháu trong nhà.
Lúc trước nhà đông người thì không sao, nhưng bây giờ còn có
mình tôi là quấn quýt với bà, thành ra tôi thành đối tượng cho bà quan tâm. Ban
đầu đối với tôi nếu được quan tâm mà không phải theo cái cách mà mình mong muốn
thì mệt mỏi lắm.
Chẳng hạn tôi có thói quen để đồ ở đâu đó trong nhà, có thể
là tiện tay để nhưng lần sau tôi sẽ nhớ mà tới đó lấy, thì nó đã không còn ở đó
vì bà tôi đã cất hộ rồi, thế là tôi lại phải đi hỏi bà chỗ lấy. Một hai lần thì
không sao, nhưng lần nào cũng thế thành ra tôi chán luôn, không thèm nhớ đồ đã
để đâu nữa, thì lúc này bà tôi sau nhiều lần tôi cằn nhằn cũng đã chán không
thèm cất đồ hộ nữa, và cuối cùng tôi phải lục tung nhà đi kiếm.
Hoặc là bà tôi lúc nào cũng có tác phong công nghiệp, bà ăn
cơm trước, ăn cơm xong xuống bếp là phải rửa chén liền, tôi cứ trách bà rửa làm
gì. Bà tay chân yếu, lại tiết kiệm nước nên rửa cũng chẳng sạch mỡ được, mà rửa
xong lại mệt lên than thở, hoặc giả nói dại rửa nước văng lại trơn trượt té ngã
thì khổ, mà tôi cũng vẫn phải rửa lại lần nữa. Thế là bà tôi nghĩ rằng tôi chê
bà già rồi vô tích sự, lại buồn, còn tôi thì thẳng tính chẳng nhũn nhặn gì cả
cũng cảm thấy ái ngại.
Hay là bà tôi hay ngồi tỉ tê kể lể bàn luận nhiều chuyện
trên trời dưới đất, chuyện hàng xóm bà hai bà năm bà bảy, mà tôi thì hay đâm
xuồng bể vì không thích nói chuyện mà mình không biết rõ cũng như không thích
tò mò chuyện người khác, và bà tôi tổn thương lắm vì cho là tôi không thương
bà, không thích nói chuyện với bà. Cuối cùng thành ra nhiều chuyện cứ như là bà
cháu không hợp nhau cho lắm...
Vậy mà, khi bà tôi bị một trận bệnh nặng vào cuối năm trước
phải nằm viện cả tháng trời, chẳng có ai nhìn đồng hồ rồi cứ gọi nhắc nhở tôi
đã tới giờ đi học buổi chiều, chẳng có ai đi ra đi vào kiểm tra bóp tiền của
tôi còn nhiều tiền không để lúc tôi đã leo lên xe lại hỏi cần tiền không, chẳng
có ai đã vào giường nằm rồi lại ra khều tôi hỏi hồi tối lúc đóng cửa mới khóa
cửa chưa bóp ổ đã đem ổ ra khóa chưa, chẳng có ai nửa đêm ngồi mãi mới dậy nổi chỉ
để tắt tivi đang mở mà tôi nằm coi ngủ mất tiêu rồi, chẳng có ai đón tôi mỗi
khi đi học về bằng câu “Về rồi à?” với nụ cười móm mém mà mũm mĩm, chẳng có ai
“giả đò ngây thơ” hỏi tôi mỗi lần thấy trong nhà có đồ ngọt bánh trái “Cái gì
vậy? Ăn được không?” vừa hỏi tay vừa lủm mất một miếng mà tôi không kịp cản
luôn, chẳng có ai tôi dặn 5h sáng gọi tôi dậy đi thi thì 3h sáng đã mở mắt trăn
trở, 4h sáng đã lò mò thức ngồi nhìn đồng hồ canh tới 5h kém là gọi tôi dậy cho
chắc ăn mà tôi thì còn ráng nướng tới 5h đúng mới dậy, cũng chẳng có ai tự đút
cơm cho mình tay chân run lẩy bẩy mà vẫn tranh phần đút cơm cho cháu cố với
tôi…
Tôi luôn cảm thấy con người khi sống trên đời này thường
không biết trân trọng những gì mình đang có, không biết những thứ mình đang nắm
trong tay quý giá đến mức nào. Thỉnh thoảng cũng có lúc tôi cảm thấy cuộc đời
mình bất hạnh khi gặp những chuyện không vừa ý, cảm thấy khó chịu bực tức trong
lòng vì phải sống một cuộc sống mà tôi không mong muốn. Thỉnh thoảng mà việc tự
an ủi chính mình rằng ít ra mình có một gia đình yêu thương, có một mái nhà che
chở, có cuộc sống ngày ba bữa cơm, ít ra mình đã may mắn gấp rất nhiều lần so
với rất nhiều người cũng không có tác dụng mấy nữa. Thỉnh thoảng tôi cũng cảm
thấy đáng sợ với chính tôi khi len lỏi trong tôi những suy nghĩ rằng chính gia
đình tôi, chính bà tôi, mẹ tôi những người đem tất cả tình yêu thương, cuộc
sống riêng tư, khát vọng và ước mơ tuổi trẻ của họ trao cho những đứa con cháu
của mình để rồi khi già yếu, trở nên phụ thuộc, không thể tự chăm sóc chính bản
thân mình, như những đứa trẻ to lớn hờn mát mà không thể mắng mỏ lại là gánh
nặng, là nỗi trăn trở, là vật cản của tôi. Tôi biết trong mối quan hệ người và
người, thế nào chẳng có lúc xung đột, mâu thuẫn, thế nào chẳng có lúc cảm thấy
không hợp, không thể chịu đựng, thế nào chẳng có lúc chán nản, nặng nề? Nhưng chính
dòng máu cùng huyết thống nóng hổi chảy trong huyết mạch, lòng yêu thương vô bờ
bến của bà tôi, mẹ tôi sẽ xóa sạch mọi trở ngại, mọi rào cản, mọi khác biệt đó.
Để rồi trên đường đời vô tình nghiệt ngã, để rồi gặp gỡ và đau đớn với những
người xa lạ, để rồi bị quăng quật ra khỏi giấc mơ ngọt ngào tuổi trẻ, để rồi
cảm thấy bản thân trở nên xa lạ với chính mình, để rồi nhận ra rằng ra đi để
mải miết đi tìm một nơi bình yên cho riêng mình hóa ra nơi ấy lại chính là ngôi
nhà gia đình của mình, để rồi mỗi ngày sống trong nụ cười rạng rỡ lạ thường của
mẹ tôi, trong vòng tay ôm ấm áp thơm mùi nhàn nhạt của bà tôi, tôi cảm thấy
mình chẳng còn mong ước điều gì hơn nữa. Có chăng là tôi nên dẹp bớt cái tôi
đúng sai rạch ròi, nguyên tắc sống ngang tàng của mình lại, bớt tham công tiếc
việc mải mê tập trung hầu hết tinh thần và tình cảm vào công việc, bớt cái sự xa
cách thế hệ đại loại như thay vì tôi ngồi trong phòng coi chỉ toàn NatGeo hay
Discovery thì tôi ra phòng khách mở Thúy Nga Paris by night hoặc cải lương nghe
chung với bà. Bởi vì tôi biết, thời gian của tôi được tận hưởng những điều ngọt
ngào không bao giờ nhiều như tôi vẫn luôn thản nhiên huyễn hoặc chính mình…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét