JOHANN
FARNHAMMER *
Tôi yêu Việt
Nam từ cái nhìn đầu tiên, từ lúc còn là anh chàng “Tây balô” ngơ ngác đặt chân
tới đây năm 1994. Việt Nam là điểm đến yêu thích nhất trên thế giới của
tôi.
Nơi đây có sự
kết hợp diệu kỳ của những yếu tố văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, ẩm thực, mua sắm,
con người.
Đẹp bất tận
Đến Việt Nam,
du khách luôn tìm được giá trị tốt nhất cho đồng tiền của mình. Phở, bia hơi,
bánh mì, cà phê sữa đá là những đặc sản mà mọi du khách, từ khách du lịch balô
đến những thương gia giàu có, đều khao khát thưởng thức. Vẻ đẹp lịch sử sống động
trong từng góc phố, mỗi ngôi nhà và mỗi người dân.
Cuộc sống về
đêm ngày càng hấp dẫn với vẻ đẹp của Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang hiện ra
lung linh cùng với dòng năng lượng tuôn chảy 24 giờ mỗi ngày. Nhịp sống chậm
rãi ở Huế, Đà Lạt và Cần Thơ như đưa ta trở về quá khứ.
Những trải
nghiệm vô cùng đa dạng ở dải đất hình chữ S này khiến tôi và nhiều du khách quốc
tế phấn khích. Cũng như vô vàn món ăn nơi đây, không ai có thể nói rằng mình đã
trải nghiệm đầy đủ tinh hoa bản sắc Việt.
Tôi yêu Hà
Giang, Hà Nội, Huế, Hội An và đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên mới chỉ đặt
chân đến sáu khu rừng quốc gia. Chúng đẹp đến nỗi tôi đang mơ về Cát Tiên và những
khu rừng khác.
Nhưng tôi biết
những giấc mơ của mình sẽ tiếp tục dài ra với trường lũy Quảng Ngãi và hệ thống
hang động tuyệt mỹ ở Phong Nha - Kẻ Bàng...
Nhưng, “rác” nhiều quá
Không có nơi
nào là hoàn hảo và du khách quốc tế cũng thường gặp khá nhiều phiền toái khi đến
Việt Nam. Để khách du lịch có thể tận hưởng bản sắc Việt tốt hơn, cần có sự phối
hợp và nỗ lực nhiều hơn nữa của những người cung cấp dịch vụ du lịch, các cơ
quan chức năng, các phương tiện truyền thông đại chúng và mọi tầng lớp nhân
dân.
Bạn nghĩ rằng
một người chạy xe ôm có thể ảnh hưởng đến ngành du lịch? Có thể chứ. Công dân
Việt Nam nào cũng đại diện cho xứ sở mình và người ấy, trong hành vi và cách ứng
xử của mình, đều là một đại sứ du lịch.
Một người bạn
Úc của tôi năm ngoái đã đón xe ôm từ cột cờ Hà Nội về Tây Hồ và bị một người chạy
xe ôm “chặt đẹp” với giá 350.000 đồng cho một quãng đường dài vài kilômet. Sau
khi biết mình đã bị lừa, người bạn Úc giận dữ thề không quay lại Việt Nam.
Những thông
tin anh chia sẻ với bạn bè và trên mạng xã hội chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến
quyết định tới Việt Nam du lịch của rất nhiều người.
Ấn tượng đầu
tiên luôn vô cùng quan trọng, vì thế việc nâng cấp dịch vụ tại sân bay Tân Sơn
Nhất và Nội Bài không thể bỏ qua. Người nước ngoài mới tới Việt Nam thường rất
lúng túng khi đếm số tiền hàng triệu đồng, không để ý đến tiền lẻ và hay bị lừa
khi đổi tiền tại sân bay.
Lần rồi khi ở
Tân Sơn Nhất, tôi bảo với nhân viên quầy đổi tiền còn thiếu bốn mươi ngàn. Cô ấy
không nói gì, sa sầm mặt, quẳng tiền lên bàn cho tôi không một lời xin lỗi.
Dù đã có những
bảo tàng xứng tầm quốc tế như Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng
Chứng tích chiến tranh, Việt Nam cần đầu tư nâng cấp nhiều bảo tàng khác để các
hiện vật trưng bày có ý nghĩa giáo dục tốt hơn và thông tin tiếng Anh được
chính xác, đầy đủ hơn.
Nhiều bảo
tàng hiện vẫn hoạt động với cơ chế cũ kỹ của hàng chục năm về trước, buổi trưa
thì đóng cửa ngủ trưa rất lâu, chiều thì nghỉ sớm, nhân viên cau có như đang phục
vụ trong quán mậu dịch thời bao cấp.
Việc xây dựng
những đập nước thủy điện có thể phá vỡ các di sản thiên nhiên hoặc khiến các
thác nước hùng vĩ biến mất. Việt Nam cũng cần cảnh giác để những di sản của
mình không lọt vào tay ngoại bang.
Đến thăm thác
Bản Giốc, Cao Bằng, tôi vô cùng tiếc nuối vì khách Việt Nam chỉ có thể đứng xa
chiêm ngưỡng vì điều kiện hạ tầng quá tệ, còn khách phía bên Trung Quốc thì nhộn
nhịp lên thuyền ra thác.
Các trang
thông tin du lịch miễn phí như Tripadvior được hàng triệu người sử dụng. Thật
tiếc khi nhiều di sản Việt hiện chưa có thông tin trên Tripadvisor.
Dù Việt Nam
đang từng ngày thay da đổi thịt nhưng tôi hi vọng các bạn đừng đánh mất bản sắc
văn hóa của mình. Bản sắc văn hóa chính là nguồn tài nguyên bất tận của du lịch.
Những trải
nghiệm đẹp nhất của tôi ở Việt Nam chính là việc được ăn tết với gia đình người
Việt, uống cà phê với nông dân ở Đắk Lắk và nằm võng nhà sàn tại Mai Châu.
Tôi yêu việc
được đi xe máy khắp nơi, để được là một con cá ngụp lặn trong một biển người.
Tôi thích đi ra chợ bằng thứ tiếng Việt bập bẹ của mình để các bà, các mẹ cười
xòa giảm giá cho tôi.
Đối với tôi,
Việt Nam là một ly cocktail có hương vị vô cùng mạnh mẽ, hòa quyện vị chanh
dây, mướp đắng, rau ngò và nước mắm. Tuyệt ngon nếu bạn dám thử
*JOHANN
FARNHAMMER (tham tán, trưởng Ban hợp tác phát triển, phái đoàn Ủy ban châu Âu tại
Philippines) – nguồn Tuổi Trẻ Cuối Tuần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét