Ann Nguyen
Linh hồn ông
nhẹ tênh rời xa cái xác gầy nhom ốm yếu trong một ngày trở Đông tại một nhà dưỡng
lão. Quanh quẩn khu đông người trú ngụ, nhiều nhân viên y tế mà ít thân nhân
này ông thấy mình lạc lõng. Ông nhớ căn phòng mà ông đã gắn đời mình rất nhiều
năm xa xứ, nơi mà ông đã nhiều lần tiếc nuối chẳng muốn rời xa. Và trong sâu thẳm
ông muốn tìm về mái nhà xưa có cái cổng làng với hai hàng dâm bụt đỏ với tiếng
gà gáy mỗi hừng đông. Sự thật thì hồn ông chẳng biết đường đi nên loanh quanh
bên cái xác của mình.
Sau ba ngày nằm
trong nhà xác thì cái xác của ông được đưa vào một cỗ quan tài. Ông lặng lẽ
trôi theo cỗ quan tài và lắng nghe lời chia ly của bạn hữu. Bạn ông đến nói những
lời yêu thương, những kỉ niệm chiến trường, những ngày gian lao, và cả những kỉ
niệm đẹp. Giờ phút này đây ông được nhìn thấy con trai mình đầu quấn khăn tang,
khuôn mặt lầm lì nhiều buồn tủi. Bao nhiêu năm rồi ông không gặp nó dù hai cha
con sống chẳng mấy xa nhau trong cái thành phố bộn bề cơm áo gạo tiền. Ngày ông
ngã bệnh ông mong nó đến biết dường nào! Ông không thấy mẹ nó, chắc bà ấy
cũng yếu đuối và bận bịu với một gánh gia đình mới từ khi ông và bà chia tay
nhau.
Cả đời ông quả
là những chuỗi dài tiếc nuối. Sang Mỹ khi tuổi đã cao ông tiếc nuối vì không
còn khả năng đi học lại. Chia tay nhau ông tiếc nuối vì không giữ được bà trong
êm ấm của yêu thương. Thằng con trai duy nhất rời khỏi ông cho con đường mưu
sinh của riêng nó, ông tiếc nuối chẳng có gì cho con. Tất cả những gì ông có là
một căn phòng nhỏ mà chính phủ cấp cho ông trong khu phố nhỏ. Gia sản mà ông
quí nhất là chiếc tủ thờ với bộ lư đồng. Ông dành dụm nhiều năm để mua chiếc tủ
đó và bộ lư chính hiệu bằng đồng được chuyên chở từ Việt Nam sang. Ngày ông trở
bệnh, lúc thở chậm lúc thở nhanh, bác sĩ ra toa cho ông được có một bình dưỡng
khí ở nhà khi cần thiết. Suy tim chẳng bao lâu ông lại bị suy thận. Huyết áp
cao ngút và tim ông dần không đều nhịp. Điều dưỡng và bác sĩ đến nhà chăm sóc,
mấy lượt ông từ chối nhập viện và vào nhà dưỡng lão. Tất cả chỉ vì ông sợ mình bị
lấy lại cái quyền làm chủ căn phòng. Theo chế độ trợ cấp, khi ông phải nhập
viện lâu ngày và phải nằm lại nhà dưỡng lão thì chính phủ sẽ lấy lại căn phòng
để cho người khác vì họ phải trả chi phí cho ông nằm viện hay viện dưỡng lão.
Cho đến một hôm, ông biết mình không thể nào tự chống chọi với cái cơ thể bệnh
tật của mình ông đã tự gọi cấp cứu. Và từ đó ông chưa bao giờ về lại căn phòng
nhỏ đó cho đến khi hồn lìa khỏi xác.
Ông quanh quẩn
bên chiếc quan tài của chính mình, nghe tiếng niệm Phật, lời cầu kinh, và cả những
tiếng khóc rất khẽ của con trai. Trong nhiều quan khách ông nhận ra cô điều dưỡng
mà đã thành người thân duy nhất đến thăm ông mỗi cuối tuần. Cạnh cô là một phụ
nữ có tuổi, có lẽ là người mẹ của cô. Ông nhớ tô hủ tiếu thơm lừng cô mang đến
cho ông khi ông ở nhà dưỡng lão. Hôm đó ông đã khóc vì tủi thân vì xúc động trước
tấm tình của một người không huyết thống. Cô mang cả những tờ báo tiếng Việt và
một chiếc radio nhỏ cho ông làm bạn sau những giờ lọc thận hay vào ra phòng cấp
cứu. Hai mẹ con lẻ loi trong dòng người dự tang lễ. Mà tang lễ ông thì có bao
nhiêu người đến, buồn như những ngày cuối đời ông.
Truyền thuyết
xưa, Jack mang trái bí vàng có cục than đỏ do quỷ trao để tìm đường về trần
gian. Lễ hội Halloween nhộn nhịp cho trẻ con vui đùa cùng hàng xóm và cho hồn
Jack được hoà cùng hàng triệu Jack O'lanterns. Hồn ông có được cùng Jack làm bạn?!
Ông chợt ngộ rằng khi hồn lìa khỏi xác ông chẳng mang theo được gì dù là trái
bí vàng với cục than đỏ đêm chớm Đông. Hà cớ gì ông đã trói đời ông vào những
chuỗi nuối tiếc và những lo âu mất mát. Quanh quẩn cả một đời….
San Jose
11/1/2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét